29-06-2024 - 02:09

Truyện ngắn NGƯỜI GIỮ CHỐT của Nhà văn Lê Vũ Trường Giang

Tạp chí Hồng Lĩnh số 214 phát hành tháng 6/2024 trân trọng giới thiệu Truyện ngắn NGƯỜI GIỮ CHỐT của Nhà văn Lê Vũ Trường Giang

Người giữ chốt

Truyện ngắn

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

 

 

Kiên chậm rãi bám theo cha băng rừng hái thuốc. Rừng xanh thăm thẳm, âm u, không một lối mòn. Cha đi trước, tay cầm cây rựa sắt bén, mua từ làng rèn Hiền Lương liên tục phát quang dọn một lối nhỏ đủ để một người bước qua. Mưa bụi tràn qua thung lũng, cảnh vật mờ đi trong chốc lát. Kiên thoáng thấy lưng cha ướt đẫm mồ hôi pha lẫn nước mưa lập lờ trong cành lá. Thi thoảng cha dừng lại, tay nâng niu hái từng nhánh lá, đào từng cây thuốc. Nào bảy lá một hoa, hoàng đàn giả, thích bắc bộ, thạch tùng, hoàng tinh hoa trắng, gừng dại, nghệ đen, sâm lông, bách bộ… Chiếc gùi đầy thuốc sau lưng Kiên ngày càng nặng dần. Đến một khoảng rừng nhiều cây cao che bóng, một màu nhờ nhợ, cha nói: “Tới đỉnh Trương rồi. Ta nghỉ chân một tí”.

Cha lục túi lấy điếu thuốc vấn ra rồi châm lửa, khói lẫn vào cành lá như sương mai. Đoạn cha đọc câu ca dao quen thuộc Kiên nghe không biết bao nhiêu lần: Dù cho nắng sớm, mưa mai/ Sóng dồn, gió dập vẫn mong hoài gặp nhau”. Rồi cha lại than: “Biết bao giờ mới gặp được nhau!”. Kiên thấy một dây leo thân gỗ, to khỏe, thân hình trụ tròn bò xoắn xít vào cành các cây lớn. Thân dây leo lá non có lông tơ phủ đầy bụi nước. Loại cây này khá lạ, lá là loại ba lá chét, cuống dài, cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm. Tiện tay Kiên lấy rựa phạt một đoạn liền có nhựa đỏ như máu tiết ra. Kiên thoáng chút hãi, tưởng chém phải cây thần cây thánh. Cha quay sang nói: “Kê huyết đằng đấy. Nhựa như máu gà”. Ở vết đứt lộ ra mặt cắt có ba vòng gỗ đồng tâm. Được một lúc khô, nhựa khô, ở mặt cắt có nhiều vòng đen quánh lại. “Cây này còn gọi là hồng đằng, huyết rồng. Thường sau khi chặt cây về, cắt bỏ cành lá, để vài ngày cho nhựa se lại mới chặt khúc và phơi khô”. Kiên hỏi: “Cây này có tác dụng gì hả cha?”. Cha rít điếu thuốc rồi chậm rãi giải thích: “Kê huyết đằng vị đắng, tính bình, có tác dụng bổ huyết, chỉ thống, thanh nhiệt, giải độc, thư căn. Vị thuốc này được dùng trong dân gian làm thuốc chữa thiếu máu, lưng gối mỏi đau, chân tay tê liệt…”. Kiên gật gù tiếp thu. Ông Chinh nhìn lớp mủ chưa kịp se lại, đỏ ray rứt khiến lòng ông chợt dâng lên những nỗi niềm quá vãng. Đoạn ông nói: “Đêm nay chắc ta phải ở lại đây rồi. Con đi kiếm nước và củi để thổi cơm”. Kiên vâng dạ rồi xách rựa và xoong đi về hướng trũng. Ông ở lại lấy cây làm lều, mắc võng. Lửa được nhen, gạo đã vào nồi. Kiên ngồi đun lửa, nhìn cha nằm trên võng, đôi mắt liu riu.

*

Pháo sáng thay nhau nổ đòm đọp rồi tỏa sáng le lói trên đỉnh núi. Dưới khe pháo rít, tiếng nổ vọng vào vách đá nhân lên trăm lên nghìn như bầy đàn quỷ dữ không ngớt hò reo. Suối như chảy vào hang, cộng hưởng với tiếng chân những người lính dàn dạt chạy trên mặt nước tối. Khói đạn quyện với hơi nước mịt mùng, không thấy đâu là người, không thấy đâu là đá. Sư đoàn tăng viện quân lên chốt, anh Viên, Đại đội trưởng, cả mừng, thế nào cũng có cải thiện. Chinh ngồi bên anh nhìn xuống, pháo dồn dập nổ bên tai. Anh Viên năm nay ba lăm tuổi, mãi đánh trận vẫn chưa kịp lập gia đình. Người anh rắn rỏi, gương mặt luôn nở nụ cười động viên cánh lính trẻ. “Không biết địch có phát hiện gì không mà bắn pháo dày đặc vào cửa hang”, anh nói. Chớp đạn nhằng nhịt chiếu vào mặt người, tiếng nổ vọng vào vách đá cứ rền rĩ không bao giờ dứt, rồi khói đạn theo dòng nước chảy ngược vào hang làm không khí trong hang trở nên khét lẹt. Chinh yên chí ngồi giữ chốt bên anh Viên. Mới tối hôm qua đu dây song bò lên, pháo địch bắn cầm canh nhức cả óc. Cả đoàn cùng bám vào dây song chắc bện, y như đàn kiến bò dây, cứ nhũng nha nhũng nhẵng. Thằng Hoạch vừa đi vừa huýt gió.

Anh Viên bảo cuộc chiến tàn khốc ác liệt gấp nhiều lần là chốt nằm trên vách đá. Anh từng tham gia đánh Mỹ, nằm 3 tuần liền bên trong giao thông hào Thành Cổ - Quảng Trị, đi dọc Trường Sơn, đánh đồi đánh điểm, khi đồng bằng khi rừng núi nhưng tuyệt không bằng ở trên xứ đá này. Anh em đơn vị suốt ngày ăn ngủ với đá, nước tải từng can lên uống và súc miệng mà thôi. Đạn bắn, pháo dập, bột đá bay lơ lửng muôn nơi như hủ mù. Gặp trận mưa trút xuống nước mưa hoà với bột đá trắng như dòng sữa chảy ra tận suối. Cơn mưa gột rửa sạch những gì còn vương bám trên đá, chỉ còn lại những người lính bám chốt giữ từng tấc đất tấc đá kiên cường ngày đêm.

Khi họp quân, anh Viên nhắc hiện nay ta đang ở điểm chốt tiền tiêu vì một số nơi đã mất chốt nên rất có thể địch sẽ dùng lực lượng sơn cước đánh vào hang. Nếu bị đánh, chúng ta chỉ còn con đường tử thủ ở đây thôi. Cả đơn vị phải luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.

*

“Cha ơi, dậy ăn cơm thôi”, Kiên lay cha dậy. Tiếng pháo nổ vẫn còn ong ong bên tai. Ông Chinh sờ mặt, bụi nước lấm tấm, lành lạnh. Nồi cơm trắng thơm bày ra trên thảm lá dỗi Kiên vừa mới cắt. Lạc rim đường, ruốc thịt, ít rau dớn, rau càng cua… cứ thế ăn với cơm. “Có cả rau tàu bay nữa cha. Trên này nhiều lắm. Đang mùa hoa!”. Cha khen ngon, Kiên vui. Cha nói thời cha ở chiến trường, rau tàu bay là hảo hạng và cơm không được thế này. Pháo địch bắn liên hồi kỳ trận, bụi bay mịt mù. Cơm chan bụi đá, bụi lấm tóc tai, lấm cả bát đũa, ăn vào cứ sừng sực, lạo xạo. Cơn mưa chợt nặng hạt dần, mưa len vào lán tạm của hai cha con. Kiên lục đáy gùi, mang ra một tấm bạt rồi phủ kín xung quanh.

*

Nghe tin địch đánh cao điểm X, hai bên giằng co nhau mấy ngày trời, quân ta thề giữ chốt, đánh bọn nó tơi bời nhưng thương vong đôi bên nặng lắm. Anh Viên dẫn một trung đội lên cứu viện, mãi không thấy ra. Chinh và Hoạch ra tận chân núi chờ đồng đội về, hai bữa cơm chẳng buồn ăn. Sớm hôm sau, Kiên và Hoạch chạy qua thăm. Anh Viên nằm đó, mảnh pháo văng vào bả vai, đã phẫu thuật xong. Cô y sĩ đang làm vết thương, thay băng. “Chúng em chào thủ trưởng!”, hai anh lính trẻ thập thò ngoài lán. Anh Viên nhịn đau cố cười: “Anh không sao đâu. Về lo trực chiến. Cô y sĩ nhìn thấy mấy anh em nở nụ cười rất tươi. Cứ mỗi lần anh nhăn mặt, cô lại mỉm cười nói với anh: “Gần xong rồi. Không sao đâu”. Được một lúc, lại có báo động, Hoạch và Chinh ù chạy về đơn vị. Một cơn mưa sà xuống chiến trường. Bụi đá gặp mưa bốc lên khô khốc. Cả chiến trường trắng xóa trong mưa. Độ tháng sau, anh Viên trở về đơn vị mặc dù Chỉ huy sư đoàn cho lui tuyến sau an dưỡng. Anh nói khoẻ rồi, phải về đơn vị nhận lệnh. Cả đại đội đón anh về như một anh hùng, hát hò cả buổi.

*

Mưa xuống nhiều hơn, rừng chìm trong mưa mù. Hơi sương từ đâu tụ lại ngày càng dày đặc che lấp cảnh vật xung quanh. Có tiếng khướu bách thanh vang động núi rừng. Kiên bất giác thấy cô liêu quá. Chợt nhớ chuyện gì, Kiên nói: “Hôm qua chú Hoạch bảo ở đơn vị cũ gọi cha. Có chuyện gì vậy ạ?”. Ông Chinh thủng thẳng đáp: “Chú ấy nhờ ba tìm thuốc trị xương khớp. Những năm đánh nhau ở trên ấy, ai cũng nhiễm hàn. Giờ già nó quấy, không đi đứng đàng hoàng được. Lại sắp đến ngày giỗ của bác Viên rồi. Năm nay con ngược ra Bắc với cha một chuyến. Tiện thể đi tìm dược liệu”. Một thoáng thấy cha thở dài. Mắt ông nhìn về thung lũng mưa tràn cây cỏ.

*

Mấy tháng sau, có lệnh tập trung cả đại đội lại. Anh Viên nói: “Tối nay chúng ta nhận lệnh phải lên giành lại chốt đã mất”. Anh em nhìn nhau, không ai nói gì. Không khí lặng phắt. Đêm xuống nặng trịch. Cả đại đội âm thầm lên đường. Mỗi người đi cách nhau một đoạn, im lặng. Chân người đi trong sương nhẹ bẫng như cưỡi mây. Những lối mù hun hút mãi ra. Chinh ngửi thấy mùi thơm buồn của núi. Đêm ấy núi thức ngủ. Mùa chinh chiến rồi cũng sang trang.

Rạng sáng, pháo ta tới tấp dập vào chốt họ. Pháo ngừng, anh Viên phát lệnh tấn công: “Phải giành lại chốt”. Đó là lần cuối cùng anh em nghe giọng nói của anh Viên. Cả đại đội đồng loạt xung phong. Xung phong! Những thanh xuân nằm xuống.

Có bóng người lướt qua. Chinh chạy theo ra gờ đá. Một tiếng nổ long trời. Mở mắt ra, Chinh thấy mình đã ở Hà Nội, người quấn đầy băng.

*

 Kiên theo cha ra chiến trường xưa, trên đường đi cái gì cũng lạ lẫm, bất ngờ. Mỗi bước đi là mỗi hồi tưởng, là hào hùng và cả vết thương trong lòng người ở lại. Ông Hoạch đón hai cha con bằng một trận mưa nước mắt qua bao năm tháng chia xa. Sau trận ấy, cả đại đội còn được mươi người. Hoạch bị nát chân trái, giờ phải đeo chân giả. Hoạch quen vợ ở chiến trường cũ, thế là ở hẳn bên dòng sông xanh phân định ranh giới hai nước. Dường như ngọn núi đá im lặng với hàng trăm mỏm khối lởm chởm vẫn còn đó, bụi vẫn bay mịt mờ. Dòng sông xanh xanh, chảy lèn qua những vách đá, xa kia dãy núi nổi rõ từng chóp sắc trên nền trời xám đục. Chinh bỏ ô, đi đầu trần dưới cơn mưa phùn vừa chớm tháng bảy. Mưa và hơi đá lạnh như những ngày ở hang giữ chốt. Mưa những đêm hành quân lặng lẽ. Mưa về trên ngày tháng cũ quạnh hiu. Anh Viên và nhiều anh em khác đã nằm đây. Sư đoàn giải thể rồi, sư đoàn hóa đá, chìm vào lãng quên. Chinh quỳ xuống, lạy ba lạy về phía những chốt Đ1, Đ2, Đ3 năm xưa, nơi đồng đội anh còn nằm lại. Có rét lắm không chúng mày? Có bữa cơm mỗi ngày một thưa người? Những người anh em hóa đá của tôi ơi. Hoạch lấy một bình rượu rót thành nhiều chén, rưới lên cỏ xanh, lên đá đen luống tuổi. Hai người ngồi đó vừa khóc, vừa nhấp từng chén rượu buồn. Kiên cũng  khóc theo. Cậu lặng im ngắm làn mưa mỏng như rèm mi trắng mênh mông một trời cao nguyên đá, nghe kể về những câu chuyện một thời xa.

                                        L.V.T.G

Một đơn vị bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn.
-------------------
Nguồn ảnh: gettyimages, phục chế màu: Tri Minh Duong

. . . . .
Loading the player...