26-06-2024 - 01:15

Truyện ngắn NHỮNG MÙA LÁ ĐƯƠNG XANH của Tác giả Trần Ngọc Diệp

Tạp chí Hồng Lĩnh số 214 phát hành tháng 6/2024 trân trọng giới thiệu Truyện ngắn NHỮNG MÙA LÁ ĐƯƠNG XANH của Tác giả Trần Ngọc Diệp

Những mùa lá đương xanh

Truyện ngắn

TRẦN NGỌC DIỆP

Quỳnh mở mắt.

Xung quanh là một màu tối đen. Trong bóng đêm mịt mùng, Quỳnh khẽ cựa mình quay vào bức tường, lắng tai nghe qua hơi thở nhẹ tiếng mưa rơi trên mái tôn bồm bộp.

Lại mưa. Mưa từ cuối tuần rồi kéo dài đến hôm nay vẫn chưa thấy ngớt, mưa thối đất thối cát, mưa thủng cả tường, ngấm qua kẽ nứt chảy thành từng vệt loang lổ khiến phòng trọ khẳm lên một thứ mùi ngai ngái chua và ẩm mốc.

Quỳnh trằn trọc trở mình, chả lẽ do cái Nhiên về quê chưa lên hay cốc trà uống lúc chiều mà giấc ngủ đi hoang không trở lại. Quỳnh nằm đếm mưa, sau mỗi đợt nhỏ là cơn giông lớn ào tới, như những nốt cao trong bản giao hưởng đổ rào rào trên mái tôn rồi bỗng chốc trở nên trầm lắng với thanh âm tí tách. Tất cả cứ diễn ra một cách tuần tự đến kỳ lạ.

Quỳnh rờ rẫm xung quanh cho tới khi chạm vào chiếc điện thoại. Màn hình bật sáng.

Hai giờ.

Con số nằm im lìm giữa hình nền hồ nước xanh, bên cạnh là cô gái mặc váy đỏ đang vẫy tay cười tươi rói. Bức ảnh Thăng chụp Quỳnh vào dịp Tết nào đó đã rất lâu, cạnh ao cá trước nhà. Không hiểu tại sao nước lại có thể xanh đến thế, Quỳnh nghĩ rồi khẽ mỉm cười.

 Nhưng nụ cười vừa nở trên môi chợt ngắt, mưa thế này chẳng biết nước có tràn hồ không. Trong kí ức của Quỳnh, mùa mưa kéo theo nỗi ám ảnh của con nước dâng đột ngột, đàn cá chăm béo mẫm chờ bán Tết trôi theo dòng lũ bỏ đi, mẹ bất lực nhìn ra làn mưa trắng xóa. Kí ức hằn trong tiềm thức, sâu đến nỗi Quỳnh đếm chẳng hết bao nhiêu cá bơi ngang giấc mơ, vệt vây rẽ trên sóng nước, trôi ra xa, xa mãi.

Cố nén tiếng thở dài, Quỳnh nhắm mắt hít một hơi thật sâu rồi mở ra, tay vô thức lướt trên đọan tin nhắn trò chuyện cùng Thăng lúc tối.

“Ngủ ngon nhé”. Quỳnh tắt điện thoại, căn phòng chìm trong màn đêm và tiếng mưa. Từng dòng hồi ức chảy về như cuộn phim quay chậm.

Quỳnh nhớ hồi nhỏ mình nhát lắm, đi đâu cũng im im. Cha bảo, cái Quỳnh cầm tinh con thỏ mới đúng. Quỳnh không nói gì, lặng lẽ khi cha than thở nhà này toàn con gái, lặng lẽ khi cha bỏ đi biệt tăm còn mẹ lấy dao băm nát an bum ảnh cưới đã ố vàng, lặng lẽ lúc thấy mấy đứa cùng lớp nhét máy tính vào cặp cái Mây rồi tố mất đồ lên cô chủ nhiệm, lặng im trước nụ cười đắc thắng của ai đó đi qua nhắc khẽ, mày nói thì liệu hồn. Quỳnh cuộn mảnh giấy nhỏ bỏ trong giáo án khép hờ lúc ra chơi. Một vài đứa vây Quỳnh lại giữa cánh đồng, Quỳnh vẫn lặng im mang khuôn mặt bầm tím về nhà, bảo mẹ con ngã lộn vào hàng rào.

Quỳnh ngã nhiều lần trong những năm học ngày xưa ấy, lúc vì mày chẳng có cha, lúc vì không vừa mắt. Cho đến buổi chiều tan học khi Quỳnh bị đẩy xuống mương thì Thăng từ đâu xuất hiện, dữ dằn và kiên quyết lôi Quỳnh đang ướt nhũn lên bờ. “Chúng bay trêu bạn hay lắm à? Mai tao báo thầy Lợi.”

Cái uy của cậu bạn liên đội phó trường khiến đám đông tản đi nhanh như gió.

Thăng cáu kỉnh:

“Sao người ta đánh không kêu, không kêu ai biết mà cứu”. 

Quỳnh run run ngồi lên vệ cỏ. Thăng nhặt mấy quyển vở trôi lập lờ dưới con mương bỏ vào giỏ xe mình.

“Đừng im lặng mãi”. Thăng nói trên đường chở Quỳnh về. Cũng kể từ đó mẹ không thấy Quỳnh ngã nữa.

3. Sau lần giải cứu thành công bên bờ mương hôm nọ hai đứa thành chơi thân. Lên cấp ba chung lớp, thỉnh thoảng tiện đường Thăng qua chở Quỳnh đi học.

 “Tốt nghiệp xong cậu định làm gì?” Thăng hỏi trong buổi sáng xe lao băng băng khi chạy xuống con dốc nhỏ đến trường. Gió thổi ù ù hai bên tai làm tóc Quỳnh xõa bung.

“Tớ muốn đi đâu đó thật xa, lên thành phố học đại học rồi lập nghiệp. Quê mình buồn quá”. Quỳnh trả lời hồn nhiên.

“Thế còn Thăng?”

Thăng lặng lẽ nhấn lên chiếc bàn đạp xoay tròn. Nhà Thăng nghèo, cha bệnh tim mà mẹ thì đau yếu, anh chị đi làm xa. Nơi xứ đất miền Trung khắc nghiệt mùa hè nắng thiêu đốt, mùa mưa lũ lụt liên miên khiến con người cũng héo queo như cỏ úa này chỉ còn lại người già và một vài đám thanh niên lẻ tẻ.

“Ai cũng đi hết, rồi quê mình làm sao?” Thăng khẽ thở dài.

Quỳnh lắng nghe hơi thở nhẹ của cậu bạn luôn suy nghĩ già trước tuổi. Ngang qua vườn bà cụ Hiên, thấy cụ đang lúi húi đào hố trồng bưởi, Quỳnh bấm nhẹ vào lưng Thăng, một ý nghĩ nảy ra trong đầu.

Chiều đó Thăng và Quỳnh ghé nhà cụ Hiên. Khu vườn rộng ngổn ngang cỏ trai cỏ gấu như muốn vùi lấp những tháng năm xưa cũ của người phụ nữ mất cả chồng lẫn con trong một trận lụt. Giữa màu xanh của cỏ chỏng chơ vài hố đang đào dở, mùi đất mới ngái nồng lẫn trong vị cỏ thanh thanh.

Cụ Hiên chầm chậm đi ra vừa nhai trầu vừa bảo, thân này tuy già nhưng bỏ đất thì phí của giời, còn sống còn phải đợi thêm vài mùa bưởi. Thăng trộn những đụn phân góp với vôi, rắc vào lòng hố. Quỳnh cuốc đất lấp nhẹ lên trên rồi lấy cây giống đặt xuống.

 “Đợi mùa bói trái đầu tiên Thăng sẽ sang xin cho Quỳnh một quả.”

“Nhớ nhé!”, Quỳnh tủm tỉm.

Có tiếng sấm nổ làm Quỳnh giật mình. Bên ngoài, ánh chớp xuyên qua rèm cửa sổ, vạch sáng màn đêm những vết cắt như lưỡi dao.

Quỳnh thấy bồn chồn khó ngủ. Ruột gan bỗng nóng như lửa đốt. Lạ thật, đã rất lâu rồi Quỳnh không có cảm giác cồn cào này, ngoại trừ...ngoại trừ... lần ấy.

Đó là dạo Thăng cắt phép thăm nhà sau mười ba tháng tham gia nghĩa vụ quân sự. Thăng đùa, tớ về cậu đón nhé. Khi chàng trai trẻ mang trên mình bộ quân phục bước xuống ngã ba chỗ xe trả khách đang ngó nghiêng tìm xe ôm trong cơn mưa xối xả, anh ngạc nhiên thấy một người trùm áo mưa kín đầu vẫy tay rối rít.

Ra là Quỳnh. Thăng không ngờ cô bạn đang học đại học sư phạm năm hai trên thành phố lại về đón anh thật. Hôm ấy mưa to, Quỳnh nói, mưa mấy hôm rồi, có khi lại lụt. Thăng bảo, để chiều tớ sang giúp mẹ cậu quây lưới quanh hồ cá.

Khi xe về đến đoạn cầu nối sang làng Len thì nước đã dâng lên. Chiếc cầu gỗ vắt qua dòng suối nhỏ vốn chòng chành nay nửa nổi nửa chìm dưới làn nước đục ngầu.

“Cẩn thận nha Quỳnh.” Thăng đẩy xe, Quỳnh đi phía sau giữ bánh kẻo trượt khỏi ván cầu ngập nước. Người và xe qua an toàn thì Thăng bảo:

“Cậu ở lại đây, tớ quay lại giúp hai mẹ con bên bờ kia đã nhé”.

Quỳnh gật đầu, nước mưa chảy xuống cằm tong tong không kịp gạt, lo lắng nhìn con nước lên mỗi lúc một mau, dòng xoáy cuộn tròn hung dữ.

Bất chợt có tiếng thét. Người mẹ đứng trên bờ thất thanh:

“Cứu, cứu con tôi với”.

 Trong khoảnh khắc Quỳnh chưa kịp định thần thì Thăng lao mình xuống dòng nước xiết, ở dưới suối một cánh tay nhỏ chấp chới đang chìm dần. Bóng quân phục xanh thấp thoáng rồi giữa dòng nước đục cuộn réo rồi biến mất trong mưa.

“Thăng ơi, Thăng... Lạy ông trời...”

Quỳnh vứt xe, chạy dọc theo bờ suối, miệng gào tên Thăng mà ruột gan cồn cào bỏng rát. Quỳnh vấp vào hòn đá ngã nhào nhưng chẳng thấy đau. Lúc này mọi giác quan dường như tê liệt.

“Thăng ơi...”

Giọng Quỳnh khản đặc tan trong tiếng nước lũ chảy ồ ồ đập vào bờ đá.

Thăng cứu được đứa bé. Chiều muộn hôm ấy khi ngồi đan những gọng tre thành tấm rào gia cố quanh ao cá đề phòng nước dâng lên, nhìn cậu bạn sang làm giúp vẫn bình thản như không, Quỳnh nhăn nhó:

“Cậu liều quá, nếu lỡ có chuyện gì...”

“Lỡ có chuyện gì thì Quỳnh nhớ sang chăm cây bưởi giúp cụ Hiên nhé”.

“Lại còn đùa được”. Quỳnh đấm vào lưng Thăng thùm thụp.

Thăng cười hiền rồi nhìn ra màn mưa lúc này phủ rây khu vườn thành màu xám. Trong những lần thoăn thoắt tay đan, Thăng kể, năm rồi đơn vị mình giúp bà con Hướng Hóa phát triển kinh tế vùng biên, những đồi hoang rẫy dại nay đã phủ kín gốc cà phê xanh tốt, Quỳnh ừ. Thăng lại chỉ, Quỳnh nhìn bụi dong riềng trước sân đi, giờ đây bà con trên đó biết chuyên canh dong riềng để sản xuất miến dong, đời sống nhân dân được cải thiện nhiều lắm. Nhìn niềm vui lấp lánh trong ánh mắt người chiến sĩ trẻ khiến Quỳnh cũng mỉm cười không biết tự lúc nào.

Bỗng nhiên Thăng đột ngột dừng tay:

“Sau này cậu về quê lập nghiệp với tớ đi. Hai đứa mình sẽ không bỏ quê hương”.

Thăng nhìn sâu vào mắt Quỳnh. Chờ đợi. Chăm chú. Trong tiếng mưa đổ rào rào trên khoảng sân ngập nước, cô sinh viên bẽn lẽn gật đầu.

Hôm tiễn Thăng quay về đơn vị, Quỳnh nói nhỏ vào tai cậu bạn:

“Cây bưởi nó nhớ Thăng kìa”.

Chẳng biết còn ai nhớ Thăng nữa không nhưng Quỳnh thì nhớ nhiều thứ lắm, Quỳnh nhớ mỗi lần về đều ghé qua vườn cụ Hiên giúp cụ tưới cây cuốc cỏ, nhớ sang thăm bố mẹ Thăng, nghe bác kể: Thằng Thăng nó thương cha mẹ già nên được bao nhiêu phụ cấp gửi về cho bác. Nhớ từng câu chuyện hằng đêm Thăng nhắn tin trước giờ đi ngủ, bọn tớ vừa giúp dân xây dựng tuyến đường tránh lũ, hôm nay đi vào bản mệt nhưng mà vui.

Ngoài trời mưa vẫn rơi. Quỳnh chẳng thể nào chợp mắt. Tiếng mưa như chảy dột vào lòng. Không biết nước có ngập ao mẹ, tràn qua nhà Thăng? Rồi mấy bụi bưởi chúng ta trồng có bị úng không Thăng nhỉ. Sao hôm nay lạ thế, Quỳnh cứ thấy trằn trọc.

Có tiếng chuông điện thoại làm Quỳnh bừng tỉnh. Trời đã lờ mờ sáng. Đầu còn váng vất, Quỳnh quờ tay với lấy chiếc máy.

“Quỳnh ơi! Thăng mất rồi!”

Tiếng mẹ khóc qua điện thoại làm tai Quỳnh ù đi, mọi thứ quay cuồng.

“Mẹ, mẹ nói gì cơ?”

Quỳnh nghe hẫng một nhịp tim, như kẻ chơi vơi trong đêm đen bước hụt chân rơi xuống hẻm sâu, sâu hoắm.

“Đêm qua lở đất chỗ trung đoàn đóng quân, cả đơn vị Thăng bị vùi trong lòng núi”.

Chiếc điện thoại rơi xuống nền gạch lạnh ngắt.

Sao thế Thăng ơi? Sao đột ngột ra đi không lời từ biệt.

Quỳnh lao ra bến xe, có tiếng ai gọi phía sau, Quỳnh ơi, Quỳnh ơi!

Chiều nay Thăng về với quê hương, dưới màu cờ Tổ quốc. Đoàn người lặng lẽ đứng bên đường, cúi đầu đón đứa con về đất mẹ. Những giọt nước mắt rơi thấm giữa nước mắt trời cũng đang tuôn.

Quỳnh chết lặng.

Thăng ơi, bao lời hẹn còn chưa thực hiện, giờ Quỳnh biết đợi ai?

Dưới khói nhang, tấm ảnh người chiến sĩ với khuôn mặt còn rất trẻ cười hiền hậu nhìn Quỳnh như nhắc nhở: Hãy thực hiện tiếp những gì chúng ta đã hứa. Quỳnh gạt nước mắt, ngẩng đầu nhìn ra xa. Phía bên kia dòng sông vẫn chảy, và xa xa những ngọn bưởi vươn mình sau mưa đang nhú lên cành lá biếc xanh.

                                    T.N.D

Bộ đội Biên phòng Nghệ An giúp người dân dựng lại nhà sau lũ. Ảnh: HT

. . . . .
Loading the player...