24-06-2024 - 00:38

Truyện ngắn THẺ NIỀM VUI của Tác giả Nguyễn Thị Hương Liên

Tạp chí Hồng Lĩnh số 214 phát hành tháng 6/2024 trân trọng giới thiệu Truyện ngắn THẺ NIỀM VUI của Tác giả Nguyễn Thị Hương Liên

Thẻ niềm vui

Truyện ngắn

NGUYỄN THỊ HƯƠNG LIÊN

Lão Còng thức dậy lúc bốn giờ sáng. Cả đêm qua lão không ngủ được, trở mình liên tục làm cái giát giường cũ rích cứ kêu trèo trẹo. Chả là lúc chiều, có người đến thông báo, sớm mai Hội người cao tuổi sẽ tổ chức cho hội viên đi khám bệnh trên thành phố. Tất cả miễn phí hết, từ tiền khám đến xe cộ, ăn uống. Các cụ nhớ dậy sớm, không ăn gì để thuận lợi cho các xét nghiệm. Đúng sáu giờ, tập trung ở bãi đất đầu làng, nơi bọn trẻ con vẫn làm sân đá bóng mỗi chiều, để xe đón.

Thế là, cả buổi chiều cho đến đêm, trong người lão Còng cứ thấy lâng lâng, khó tả. Cũng bởi thuở nhỏ tới giờ, lão Còng chưa đi khám bệnh bao giờ nên tâm trạng nó vậy. Nói lạy trời phật, nhờ trời phật thương nên lão chưa hề biết ốm đau là gì. Thảng hoặc có đau bụng hay bị cảm, bèn hái nắm cây cỏ trong vườn, đun lên xông hoặc vò nước uống. Thế là khỏi. Nhưng người ta bảo cơ thể con người cũng như cỗ máy, hoạt động nhiều thì các bộ phận sẽ mòn rão nên sinh ra trục trặc. Cần phải duy tu, bảo dưỡng, tra dầu mỡ thường xuyên để nó hoạt động được tốt. Lão lấy làm khoái vì cách ví von so sánh dễ hiểu, dễ nhớ ấy. Ngồi đâu lão cũng nói chuyện sức khỏe ra điều ta đây sành điệu, am hiểu về lĩnh vực này làm các lão bạn cứ mắt tròn mắt dẹt. Chẳng hạn, lúc trà thuốc với nhau, lão thở hắt rồi nói: cái cỗ máy của tôi nó rệu rã rồi các ông ạ, cái đầu gối nhiều khi nhức mỏi, ngồi xuống đứng lên một cách khó khăn. Ấy là nó đòi tra dầu mỡ đấy. Là cần cho nó thuốc bổ các ông ạ.

Ây là nói cho oai chớ ông cũng chưa biết thuốc bổ là cái gì. Gia đình ông thuộc diện nghèo bền vững. Các con cũng làm ăn vất vả, nên dù có nhức xương mỏi khớp thì ông đều cố gắng chịu đựng và rồi mọi nhức mỏi cũng thành quen như cơm bữa, hơi đâu mà để ý đến nó. Đến mấy cây thuốc nam uống lắm cũng lờn, không còn tác dụng. Bởi vậy, hôm nay, khi nghe tin có xe chở đi khám miễn phí, ông sung sướng đến mất ngủ. Sao lại có những người không máu mủ ruột rà mà tốt đến thế. Mà nghe như thông báo là khám những 6 bệnh, những bệnh  người già thường mắc như tim mạch, huyết áp, tiểu đường... Chà chà, nhiều thật, sướng thật. Coi như là một lần họ cho kiểm tra sức khỏe, chứ để tự lão thì có lẽ không đời nào. Chập tối, trước khi đi ngủ, lão Còng gọi điện cho mấy ông bạn già xem ý họ thế nào. Lão định bụng nếu có ai tỏ ý ngần ngừ thì phải lên lớp cho một bài, bảo đi bằng được. Cơ hội mấy khi có. Không đi là dại. Thế nhưng lão Còng đã lo xa. Tất cả các bạn già của lão cũng đồng lòng, quyết tâm đi. Cơ hội cả đời có một lần. Nói thật, con mình cũng chưa chắc đã lo nổi.

Suy nghĩ miên man cả đêm làm lão Còng tỉnh như sáo.

Sáu giờ sáng mới tập trung mà bốn giờ lão đã dậy, nhóm bếp bắc ấm nước uống vài cốc cho sạch ruột dễ khám.

Thằng Bắp con trai lão Còng thấy cha dậy sớm lịch kịch nấu nước bèn hỏi:

- Cha tính đi đâu mà dậy sớm thế cha ?

- Tao đi khám.

- Khám gì, khám ở đâu ?

- Khám bệnh chứ còn khám gì. Khám ở trên tỉnh.

- Cha bị bệnh à ? Bệnh gì mà sao không bảo con đưa đi ?

- Bệnh gì đâu. Là họ cho đi khám miễn phí, lại còn cho xe đến chở.

Thằng Bắp im lặng hồi lâu, ngẫm ngợi rồi thắc mắc :

- Sao không thấy loa phường thông báo?

Lão Còng gắt:

- Thông báo chứ sao không, có điều họ cho người đi nói từng nhà, những nhà có người già, không lên loa vì đây là chương trình thiện nguyện của Công ty tư nhân, không liên quan chính quyền.

Thằng Bắp vẫn cự nự:

- Nếu khám theo chế độ chăm sóc người già họ sẽ thông báo rộng rãi trên loa truyền thanh, không có chuyện đi từng nhà. Thiện nguyện cũng phải thông qua chính quyền địa phương, có phải ai muốn làm gì thì làm đâu. Không khéo bị lừa đấy. Cẩn thận vẫn hơn cha ạ.

Lão Còng trợn mắt mắng con :

- Lừa là lừa thế nào ? Toàn người già, cựu chiến binh, ai dám lừa ? Mà mày tưởng những loại sống đã có sạn trên đầu như bọn tao dễ lừa lắm đấy hả?

Thằng Bắp đuối lý, nín lặng.

Lão Còng càng đắc ý.

Bên ngoài trời dần sáng rõ, đã thấy tiếng người nói lao xao, giục giã nhau đi nhanh kẻo trễ. Lão Còng cất bước ra khỏi nhà. 

*

Đúng sáu giờ, xe lăn bánh. Chao ơi là đông. Phải đến năm sáu xe khách loại to mà vẫn chật kín người. Xe lắc lư bò ra khỏi đường làng, vừa đi vào tỉnh lộ đã phóng như điên. Các cụ hoảng hốt túm lấy thành ghế, sợ xanh mặt. Bên ngoài cửa kính, cây cối cảnh vật cứ lùi lại phía sau vun vút, vun vút.

Xe dừng lại trước một khuôn viên rộng có nhiều dãy nhà hình như đã lâu không sử dụng, rêu mốc, cỏ dại mọc xanh rì nom nhếch nhác bẩn thỉu. Trong lúc đang ngơ ngác thì lão Còng được lùa vào một căn phòng để khám. Ngồi trước cái bàn cũ kĩ trải tấm ni lông cũng cũ là cô gái được giới thiệu bác sĩ. Chẳng nói chẳng rằng, cô gái ra hiệu cho lão ngồi xuống chiếc ghế phía đối diện và bắt đầu công việc. Lão nghi ngại khám bệnh mà sao trên bàn ngoài chiếc đèn pin ra chẳng có thứ gì khác. Vừa định hỏi thì cô bác sĩ đã dùng bàn tay không đeo găng banh mắt lão rồi dùng đèn pin chiếu vào khiến lão thấy lóa nhóa, khó chịu. Sau một hồi ngắm nghía, cô ta phán cộc lốc: khô mắt và ra hiệu cho lão đứng dậy nhường chỗ cho người tiếp theo.

Lão Còng không kịp hỏi gì thì đã bị đoàn người xô đẩy bật ra khỏi phòng. Lão ngơ ngác: sao bảo khám sáu bệnh. Rồi lão tự trả lời: chắc là phòng khác, phòng ấy chỉ khám mắt thôi. Lão tin tưởng và mạnh dạn bước vào phòng khác. Lại cũng chỉ thấy đèn pin soi soi, chiếu chiếu. Có khác người khám là nam. Lão lại tự nhủ sang phòng khác xem thế nào. Cứ thế, lão đi hết tất cả các phòng, đâu cũng chỉ thấy khám mắt. Chợt lão thấy chàng trai người của Công ty lúc nãy ở trên xe liền túm lấy :

- Này cháu ! Sao hôm qua bảo khám 6 bệnh mà từ sáng tới giờ chỉ khám mỗi bệnh mắt là thế nào ?

Chàng trai vui vẻ đáp :

- Khám mắt miễn phí, còn cụ muốn khám thêm thì phải trả tiền.

Lão Còng đứng ớ người, định hỏi thêm thì người kia đã nhanh chân chạy mất. Lão bực dọc đi ra ngoài, định tìm người hỏi tiếp nhưng không tìm được ai ngoài các cụ đều cùng chung thắc mắc như lão. Nhịn ăn sáng để thuận lợi cho các xét nghiệm nhưng giờ đâu chẳng thấy. Hai cốc nước lão uống lúc sáng cũng đã tháo hết ra ngoài. Đói và mệt đến lả người. Lão thở dài, phủi đít kê dép ngồi dưới một bóng cây lưa thưa để lấy sức.

Bữa trưa hôm ấy, các cụ được chiêu đãi bữa cơm thành phố. Cơm lèo tèo mấy món. Lão nghĩ bụng, tưởng cơm thành phố thế nào, hóa ra là thế này đây. Đến đĩa rau cũng vài cọng lơ sơ và bát nước canh lõng bõng toàn nước là nước,chả hiểu nấu với những gì. Đang ăn, chàng trai người của Công ty lại xuất hiện, nói dẻo như kẹo kéo:

- Chúc các cụ ngon miệng. Phòng ăn có quạt mát. Ăn xong mời các cụ nghỉ ngơi tại chỗ. Đến chiều ta đi du lịch sinh thái.

Cả phòng ăn ồ lên thích thú.

Khi các bàn ăn được dọn dẹp sạch sẽ và kê lại như kiểu một phòng họp, chàng trai kẹo kéo lại xuất hiện:

- Cảm ơn các cụ đã tham gia chương trình và có mặt hôm nay. Cháu xin mời các cụ uống cốc sữa nóng trước khi lên đường đi tham quan du lịch ạ. Và để chuyến đi này vui hơn, công ty xin tặng mỗi cụ một thẻ niềm vui ạ.

Thế là những chiếc cốc giấy bé tí đựng sữa và cái mảnh bìa cứng có ghi «Thẻ niềm vui » được ấn vào tay các cụ, nhanh gọn đến nỗi không muốn nhận cũng không kịp nói lời từ chối.

Cậu thanh niên hỏi to:

- Các cụ uống sữa vào có thấy ngon thấy khỏe không ạ. Có phải không ạ.

Và bây giờ mời các cụ hướng mắt lên màn hình lớn để xem những thông tin lý thú về loại sữa chúng ta vừa uống ạ.

Trên màn hình là các cụ ông, cụ bà mặt mũi hồng hào tươi tắn, trông tràn trề hạnh phúc, đang uống sữa. Tiếng cậu thanh niên thuyết minh: thứ sữa mà các quý cụ vừa uống có xuất xứ từ nước ngoài. Nó cung cấp hàng chục dưỡng chất cần thiết cho người già, từ canxi đến các axit amin mà không một loại sữa hoặc thức ăn nào có được. Bởi vậy nó có tác dụng chữa các bệnh về loãng xương, thoái hóa xương khớp, các bệnh về mắt, các bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp, tiểu đêm, mất ngủ và đặc biệt là chống lão hóa làm làn da vô cùng tươi trẻ.

Cậu chàng dừng lại một lúc như để cho lời nói thấm vào bên trong đầu óc tuổi tác của người già. Trong phòng ăn, nhiều cụ đã thấy có gì đó ngọ nguậy trong người, nhấp nhổm hết cả lên. Chừng như thấy đã có hiệu ứng, cậu ta vừa giơ hộp sữa đưa qua đưa lại trước mặt mọi vừa đọc những chữ ngoằn nghèo trên vỏ hộp như bắn súng liên thanh khiến các cụ vô cùng thích thú và cảm phục. Bên dưới đã có tiếng hỏi vẻ sốt ruột:

- Thế công ty có bán không? Giá bao nhiêu?

Như chỉ chờ có thế, cậu ta nhanh nhảu:

- Dạ thưa, có bán ạ. Nhưng số lượng có hạn. Vì quý các cụ nên bọn cháu ưu tiên đấy ạ. Giá một hộp sữa nhập khẩu loại  này bán trên thị trường là một triệu hai trăm năm mươi ngàn đồng hộp tám trăm gam ạ. Ở đây, nếu ai mua một hộp thì vẫn đúng như  giá thị trường. Mua hai hộp thì giá mỗi triệu một hộp. Mua một lốc bốn hộp có giá là hai triệu bảy trăm ngàn. Tính ra mỗi hộp chưa đến bảy trăm ngàn. Quá rẻ phải không ạ. Các cụ không thể mua được ở đâu với giá như này. Cụ nào mua xin giơ tay ạ.

Lão Còng cũng nhấp nhổm, cũng thích mê vì thấy uống ngon mà có nhiều tác dụng. Sữa như thế mới là sữa chứ. Nhưng hiềm một nỗi lão không có tiền. Lão sống dựa vào con cháu mà nghe chừng chúng cũng vất vả nên thấy ngại. Lúc sáng, thằng Bắp dúi cho lão hai trăm ngàn, nói cha cầm đi đường mà uống nước. Lão không nhận vì họ nói miễn phí tất cả nên đưa tiền để làm gì... Thế nhưng thằng con lão quyết tâm nhét tiền vào túi bắt lão phải nhận. Giờ đây, trong lúc mọi người hồ hởi mua bán, lão cho tay vào túi áo mân mê đồng bạc rồi lại rút tay ra, lại thò tay vào mân mê lại rút ra đến mấy lần. Mặt lão căng thẳng chừng như suy nghĩ lung lắm. Hay ta hỏi vay tạm rồi tìm cách trả sau? Câu hỏi đó cứ xoắn lấy tâm trí lão. Nhưng vay ai bây giờ? Các bạn thân thiết thì hoàn cảnh cũng như lão cả, có hỏi cũng chẳng có.  Lão biết có mấy lão ở xóm dưới con cái đi làm ăn ở nước ngoài, gửi tiền về cho bố mẹ dưỡng già nên chi tiêu thoải mái lắm. Nhưng khốn nỗi lão lại không chơi thân. Trong lúc đó, trên sân khấu, cậu trai trẻ vẫn chào mời ngọt ngào, dẻo quẹo. Người mua nhào cả lên tranh nhau.

Cuối cùng, lão Còng cũng mượn được tiền và mua bốn hộp sữa. Lão vui như vừa làm được một việc ưng ý.

Bất ngờ, chàng trai đổi giọng hô lớn:

- Mọi người chú ý! Sau đây là chương trình giảm giá ưu tiên đặc biệt của ngày hôm nay ! Chương trình khuyến mãi lớn: mua một lốc được tặng một hộp. Mời các cụ nhanh tay mua hàng để được nhận quà ạ.

Các cụ lúc này ngồi yên lặng. Biết là rẻ nhưng tiền đâu. Đành rằng con cái có cho thì cũng tiêu pha hạn chế, bố mẹ nào chẳng áy náy khi tiêu tiền của con. Như hiểu được tâm sự ấy của các cụ, chàng trai động viên:

-  Các cụ cất tiền để làm gì? Cả đời vất vả vì con cái, đây là lúc để các cụ sống cho mình. Chắc các cụ đã biết, có những người nhịn ăn nhịn mặc, bán cả nhà cửa dồn tiền cho con nhưng rồi kết cục chẳng ra gì, đến hối hận cũng không kịp nữa, suốt đời buồn khổ. Hơn nữa các cụ chăm sóc bản thân khỏe mạnh, con cháu cũng mừng mà yên tâm công tác chứ ạ.

Lời nói chàng trai như khơi thông mạch bế tắc trong lòng các cụ. Nhưng sự thật lúc này thì tiền trong túi đã hết. Lại một lần nữa chàng trai lên tiếng:

- Công ty đã quyết định ưu tiên tối đa cho các cụ, ai mua một lốc sẽ được tặng một hộp và các cụ chỉ cần đăng ký, ghi họ tên, địa chỉ theo căn cước rồi nhận sữa. Còn tiền trả lúc nào cũng được.

Các cụ ồ lên kinh ngạc. Người đâu mà tốt thế. Thật quý hóa hết chỗ nói.

Mãi rồi việc mua bán cũng xong. Các cụ tay xách nách mang sữa ra xe để đi du lịch sinh thái. Trên đường đi, các cụ cười đùa, trêu chọc nhau, nghĩ đến việc lúc về nhà, hàng ngày sẽ được uống những  cốc sữa thơm ngon bổ dưỡng. Vui hết biết. Vui đến nỗi quên mất mình đang phải mượn tiền và nợ tiền. Vui đến nỗi nơi gọi là du lịch sinh thái là một cánh rừng tràm và một hồ nước nông choèn như vũng trâu đằm, nổi váng vàng ngầu nhưng các cụ thấy không sao, bởi vì trong đầu các cụ lúc này đầy những sữa là sữa, không cần quan tâm đến thứ khác.

Xe chở các cụ về làng lúc nhá nhem. Mọi gia đình đang tất bật cho bữa ăn tối nên chẳng ai để ý tới đoàn các cụ đang mang vác những bao, những hộp lỉnh kỉnh. Cụ nào cụ nấy đi cứ băng băng.

Lão Còng về nhà, gặp ngay thằng Bắp đầu ngõ, dáng vẻ sốt ruột. Thấy cha, thằng Bắp hỏi dồn dập :

- Cha! Cha nói đi khám bệnh mà sao giờ có người đến đòi nợ tiền mua sữa là sao cha ?

Lão Còng chột dạ. Cùng lúc hai thanh niên mặt mũi lạnh tanh đang ngồi chờ lão trong nhà bước ra, chìa cuốn sổ có chữ kí của lão và yêu cầu trả tiền. Lão đặt vội các bao gói xuống, không kịp thở, phân bua:

- Công... Công... ty bảo lúc nào có trả sau mà. Sao lại thu ngay bây giờ?

- Không biết. Việc của chúng tôi là đến để thu tiền.

- Nhưng thu ngay bây giờ thì tôi chưa có.

- Chưa có cũng phải trả, ở đây, chúng tôi làm theo lệnh của Công ty.

Lão Còng xuống giọng:

- Thế bây giờ tôi trả lại sữa có được không?

Tiếng đáp lạnh tanh:

- Không được. Lão có định trả tiền không thì bảo!

Thấy tình thế không ổn, lão Còng quay ra cầu cứu con trai. Thằng Bắp đạp xe đi, một lát sau đem tiền về trả mới êm chuyện.

Đêm ấy, đến tận khuya, vẫn thấy tiếng chó sủa kéo dài từ xóm sau ra xóm trước.

Đêm ấy, lão Còng cũng trằn trọc không sao ngủ được. Sáng ra, lão mở tivi rồi nằm dài trên ghế, thấy trong người chán nản vì mình đã không làm gì được cho con cái lại còn làm mất tiền nó. Đang tự dằn vặt mình, bỗng tiếng của cô phát thanh viên làm ông chú ý: Các cơ quan chức năng vừa phát hiện ra hàng tấn sữa hộp giả mang nhãn hiệu nước ngoài. Điều đáng nói là số hàng này được sản xuất thủ công từ một cơ sở trong nước, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm được làm từ nguyên liệu sữa bột đã hết hạn sử dụng ngoại nhập theo đường trôi nổi và các hóa chất, rất độc hại cho cả người và gia súc nếu sử dụng phải. Tính ra giá thành mỗi hộp sữa khoảng bảy mươi đến tám mươi nghìn đồng nhưng bọn chúng đã bán với giá sáu trăm đến tám trăm nghìn cho đến trên một triệu đồng một hộp.

Nghe đến đó, lão Còng bật dậy, lôi cái đống lão đi khám mua giảm giá về ra đối chiếu. Giống y chang như hình ảnh hộp sữa trên tivi.

Lão bực tức ném mạnh cái hộp xuống  dưới bàn, không may tay ngoắc vào túi áo, làm rơi ra cái “ Thẻ niềm vui” mà hôm qua lão được tặng.

                   Tháng 5/2024

                             N.T.H.L

. . . . .
Loading the player...