29-05-2023 - 02:55

Truyện ngắn thiếu nhi Cánh đồng gió

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn thiếu nhi Cánh đồng gió của tác giả Phan Hương.


Cánh đồng gió

 

Đã mấy hôm rồi, ba mẹ Tuệ Anh đi công tác, cô bé ăn cơm cùng với bà Mai - người giúp việc cho gia đình cô. Bà Mai tuy không phải bà con nhưng đã gắn bó với gia đình cô suốt tám năm nay. Bà ít nói nhưng làm việc đến nơi đến chốn, chăm sóc cô từng li từng tí, sắp đặt mọi việc trong nhà gọn gàng, sạch sẽ. Bố mẹ cô đi công tác biền biệt quanh năm nên mọi việc trông coi nhà cửa đến cơm nước đều trên tay bà. Bố Tuệ Anh làm việc cho một công ty tư vấn phần mềm. Còn mẹ cô là trợ lý kinh doanh cho một hãng thời trang nổi tiếng Hàn Quốc. Hai người đều có hai sự nghiệp lớn, có thu nhập cao nhưng lại không có thời gian để chơi cùng con. Và hình như họ cũng nghĩ rằng, chỉ cần kiếm ra nhiều tiền sắm sanh nhà cửa, xe cộ, thuê người giúp việc, lo cho con cái có một cuộc sống vật chất đầy đủ là coi như ổn thỏa. Hầu như Tuệ Anh chỉ chơi một mình trong căn nhà lớn. Dù trong nhà có đầy đủ mọi tiện nghi sang trọng nhưng lại thiếu vắng những người thân yêu nhất để tâm tình. Mỗi chuyến công tác của ba mẹ cô đều kéo dài hàng chục ngày nên  họ vắng nhà suốt. Thời gian ở nhà lại tiếp khách và bao vấn đề khác cần giải quyết. 
Những cú điện thoại họ gọi về cho cô cũng nhạt nhòa, nhàm chán. Nào là “ăn chưa con”, “con nhớ học bài rồi đi ngủ sớm”,“con thích ăn gì bảo bà Mai mua cho”,“thích quà gì để mẹ hoặc ba đưa về”... Tuệ Anh nghe mãi cái điệp khúc ấy và trả lời mau để kết thúc câu chuyện: “thôi mẹ mua gì cũng được”. Bởi thế mà, tủ gấu bông của cô đã chật đầy… nhưng có mấy khi cô mang chúng ra chơi đâu. Tuệ Anh học lớp năm, sắp chuyển cấp. Nhưng đó là nỗi lo, sự sắp đặt của người lớn còn cô, cô chẳng nghĩ gì. Mỗi ngày thức dậy, ăn sáng rồi đến trường và về nhà đúng giờ theo sự chỉ đạo từ xa của bố mẹ cô.  
Một chiều tan học sớm, Tuệ Anh không báo với chú Huỳnh - người lái xe đưa đón cô đi học mà men theo những con đường bê tông ra đến những cánh đồng. Cô đi mãi, đi mãi cho đến lúc ngẩng đầu lên thì bắt gặp dãy đê cắt ngang tầm mắt. Nhà Tuệ Anh ở ven đô. Đây là khu dân cư mới nên vẫn còn nhiều khoảng đất trống. Nhà cách nhà thưa thớt nhưng nhà nào nhà nấy đều xây to, khá cao tầng.
Tuệ Anh chẳng biết gì đến chuyện ở đâu, nhà to hay nhà nhỏ... Chỉ là có lần cô nghe ba mẹ nói chuyện với nhau. Mua đất ở vùng này rất có tương lai, với lại xu hướng giờ, người có thu nhập khá bắt đầu thích đến những vùng dân cư mới, vừa rộng rãi thoáng sạch lại không ồn ào. Gia chủ lại có diện tích đất vừa đủ để thiết kế một mảnh vườn nho nhỏ tạo nên không gian sống an lành, thư thái hơn. 
Cô vừa đi vừa trải tầm mắt ra xa hơn ngắm những cánh đồng lúa xanh mơn man. Bầu trời xanh thẳm. Cái nắng của trời thu khá dịu. Làn gió nhẹ cuốn theo hương đồng nội đưa lại cho cô cảm giác khoan khoái. Chưa bao giờ cô có được cảm giác này kể từ khi gia đình cô chuyển về vùng ngoại ô này sống. Nhìn trên đường tránh xa xa, những đoàn xe tít tắp nhuộm hoàng hôn đuổi nhau chạy về phía chân trời. Mãi ngắm không gian nơi đây, cô nhìn đồng hồ rồi chợt nghĩ, chắc giờ, bà Mai và chú lái xe đang tìm, nên đành vội vã cất bước về nhà. Trong lòng miên man nhớ cảnh tượng cánh đồng lúa rập rờn, những con đường nối ra ruộng tít tắp.

Cánh đồng gió (Tranh: Trần Nguyên)

Một chiều được nghỉ học, bà Mai có việc đột xuất phải tranh thủ về quê từ trưa để còn trở lại thành phố kịp chiều tối. Khóa cửa tiễn bà xong, Tuệ Anh vào nhà kho dắt chiếc xe đạp cũ ra giữa sân. Cô dắt xe ra cổng khóa cẩn thận rồi đạp theo hướng con đường lớn ra cánh đồng hôm trước. Chiều dần buông xuống. Trời tắt nắng. Nhìn cánh đồng như bức tranh khổng lồ bởi một màu xanh xanh được điểm xuyết những bóng người nhấp nhô trên các đám ruộng. Bức tranh thôn quê thu nhỏ này với đủ gam màu, âm thanh rộn rịp hơn trước rất nhiều. Tuệ Anh dừng xe tấp lại bên lề, ngồi xuống bứt những bông hoa xuyến chi trắng đang khẽ khàng theo làn gió nhẹ.Vừa ngắm nhìn những bông hoa nhỏ li ti, vừa đưa ánh mắt lên nhìn xa xa, cô mải miết ngắm nhìn đám trẻ trạc tuổi mình đang thả diều. Bầu trời xanh trong, cánh diều xanh đỏ được đẩy lên cao vợi. Những sợi dây được giữ chặt bởi những bàn tay đen đủi, lấm lem cát bụi. Thấy cô từ xa: “Có người lạ chúng mày ơi”… Rồi một đứa hô to:“Bạn anh Hùng đây hả?”
Thằng Hùng vốn là đứa to nhất trong đám trẻ này. Hùng học đến lớp sáu thì phải nghỉ học. Mẹ mất sớm. Cha cậu vào miền Nam làm ăn rồi lập gia đình trong đó. Hùng sống với bà ngoại, vừa để chăm bà, vừa không muốn sống với gia đình mới của cha. Hàng ngày, Hùng đi nhặt ve chai phụ bà kiếm sống. Bà ngoại Hùng đã cao tuổi lại ốm đau liên miên. Mấy lần có các anh ở đoàn thanh niên đến vận động, Hùng trở lại đi học nhưng Hùng bảo chưa sắp xếp được thời gian. Hùng không muốn mình là gánh nặng của bà. Bà không muốn Hùng bỏ học nên nhiều lần khuyên bảo. Hùng hứa ậm ừ với bà cho qua chuyện là năm sau sẽ đi học lại nhưng thực bụng thì chưa biết năm nào có thể trở lại trường.
Hùng chơi với đám trẻ này, chúng là con của những gia đình lao động, có vài đứa thì quê gốc ở đây, còn lại đều là dân tứ xứ đến thuê nhà, ở nhờ người quen để tìm việc trong phố. Ban đầu, họ gửi con ở quê nhưng sau thấy đi về bất tiện nên chuyển hẳn cả nhà lên vùng ngoại thành. Tiền thuê trọ, tiền cho con học… từ thu nhập ít ỏi nhưng họ vẫn quyết bám trụ với cuộc sống chật vật ở thị thành. Dù gì cũng dễ kiếm việc làm chứ ở quê bây giờ, nếu chỉ làm ruộng thì may ra đủ ăn chứ đừng nói gì đến tiêu pha, con cái học hành. Với những đứa trẻ này, cuộc sống vật chất khuyết thiếu song lại có một đời sống tinh thần hết sức phong phú, chúng luôn cười nói vui vẻ, hồn nhiên, nhìn đời đầy lạc quan. Chiều nào, chúng cũng có mặt đến tối mịt ở đây mới về với bao trò bắn bi, thả diều, bắt cá, đá bóng… Thế giới của chúng là từ trường học, về nhà và không gian ruộng lúa này.
Hùng vốn là đứa lớn nhất, hay nhường nhịn và có vẻ hiểu chuyện nên được ví như anh cả của đám trẻ. Có hôm, Hùng bắt được con cá quả rõ to dưới mương và kêu bọn chúng tìm lá khô, đụn củi nhóm lên nướng rồi chia cho mỗi đứa một miếng. Cá nướng khét cháy, đen thui nhưng dậy mùi thơm nhức mũi khiến cả bọn tranh nhau ăn ngon lành. Những đêm hè trăng sáng, cả bọn kéo nhau ra bờ ruộng ngồi, Hùng lại kể chuyện cho bọn trẻ nghe. Những câu chuyện của Hùng với nhiều cung bậc, vui có, buồn có, vừa là đời thực, vừa là chuyện bịa song vẫn kích thích trí tò mò, gợi về một thế giới mới mẽ, chạm vào những ước mơ, khao khát của những đứa trẻ chân quê, mộc mạc.
                                                             ***
Vào những ngày lúa gặt xong, cánh đồng trơ cuống rạ. Nắng bốc hết thảy ẩm ướt của mặt ruộng, cả cánh đồng trở thành một sân bóng lí tưởng chứng kiến những trận đấu kịch tính của lũ trẻ. Đã mấy mùa trăng tròn rồi trăng khuyết, mùa nắng rồi đến mùa mưa. Nhớ nhất những ngày mưa rả rích. Nước ngập nhanh, trắng xóa, cả cánh đồng chỉ thấy nhấp nhô cọc điện. Những bữa đó, Hùng lại kiếm được thêm thức ăn để cải thiện. Căn nhà mái tôn rơi tỏm trong xóm của hai bà cháu Hùng được đoàn thanh niên của xã sửa chữa giúp năm ngoái oằn mình vượt qua giông bão. Ngày ngày, Hùng vẫn đi nhặt hộp nhựa, ve chai, ống bia… hàng chục cây số, rảo cả chân tay rồi bán luôn cho hàng đồng nát… Mỗi bữa, cậu kiếm được vài ba kí gạo, có khi đeo thêm vài con cá, bó rau. Hàng xóm láng giềng quanh đó, những ngày bà ngoại ốm, khi thì họ mang sang cho hai bà cháu miếng thịt, khi thì dây sữa… Cuộc sống chưa khi nào đói khát nhưng sự bình yên luôn bị rình rập bởi bà Hùng bị bệnh hen suyễn quanh năm. Người như tấm lá cọ ọp ẹp không biết ra đi khi nào. Dạo gần đây, bà lại yếu dần, Hùng cũng không có thời gian ra chơi với lũ trẻ nữa.
Với lại, giờ đây, dự án khu dân cư mới được đẩy nhanh, người ta lấy đất nông nghiệp để mở đường làm nhà nên những cánh đồng mướt mát trải dài trước đây thu hẹp dần, thay vào đó là những đống vật liệu chất đầy ngổn ngang. Những con đường rãi thảm chạy ngang, chạy dọc mọc lên. Bức tranh đồng quê trước đây bị cắt xén với những màu chằng chịt, nham nhở… 
Thấy có một cô gái lạ ngồi bệt bên những bông xuyến chi trắng muốt. Bọn trẻ rất tò mò và quan sát kỹ từ chiếc xe đẹp cho đến cách ăn mặc. Chắc thế giới của cô khác với chúng rất nhiều. Nhìn bọn trẻ kéo đến gần về phía mình, Tuệ Anh hơi ngập ngừng.
Hùng nhanh nhẩu lên tiếng:
-Bạn gì ơi? Có muốn chơi thả diều với chúng tớ không?
Tuệ Anh đứng dậy thả mấy bông hoa nhỏ li ti vào giỏ xe rồi gật đầu đồng ý. Thấy cô bé bước đến gần, Hùng trao rợi dây diều đang căng gió cho cô cầm. Diều hình con chim phượng hoàng đủ màu sắc sặc sỡ với bốn cái đuôi dài. 
Một lần đi nhặt ống nhựa, Hùng tìm thấy một vật dài dài nhiều màu xanh đỏ cuộn lại, giở ra xem thấy còn mới, hình như người ta mua về mà chưa kịp thả lần nào. Hùng đưa ra chơi những lúc rãnh rỗi. Cậu tính là sẽ thả cùng bọn trẻ nhưng phát hiện nó bị thiếu đi một thanh tre chính giữa để căng cánh lên. Thế là Hùng hì hục vót tre gắn vào. Còn dây diều thì Hùng tìm đến chổ những căn nhà đang xây nhặt dây bao xi măng nối lại với nhau. Kể từ khi có con diều phượng hoàng của Hùng, lũ trẻ vui hẳn. Hồi đầu, chúng còn tranh nhau được cầm dây, chơi mãi rồi cũng không thích cầm nữa mà thích ngắm những sắc màu vàng đỏ. Những ánh mắt thơ ngây dõi theo cánh phượng hoàng tung bay, mang theo biết bao khát khao, ước vọng của lũ trẻ. Tất cả im lặng để tự chiêm nghiệm với những điều mình nghĩ. Hiểu được điều này, có hôm, Hùng kêu chúng chơi trò tiết lộ ước mơ. Hùng phát cho mỗi đứa một tờ giấy rồi bảo chúng ghi ước mơ của mình sau đó cột vào dây diều, khi diều bay lên cao giấc mơ sẽ được bay lên cùng diều.
-Thằng Long, mày ước mơ gì thế?- Hùng hỏi đứa nhỏ tuổi nhất hội
    -Em muốn có một chiếc xe đạp mới?- Long đáp
    Thằng Duẫn, mày thế nào?- Hùng hỏi
-Em ước mẹ em về chăm sóc tụi em, đừng đi mãi nữa – Duẫn xịu mặt xuống buồn buồn nói
    -Đến con Hạnh thì sao? - Hùng đưa mắt nhìn con Hạnh hỏi tiếp
    -Em mơ sau này giỏi võ để không bị ai bắt nạt…- Hạnh vốn là đứa rụt rè nhất hội nhưng hôm nay trả lời một cách khẳng khái.
    - Chà chà! bọn mày ước mơ hay quá nhỉ, tao tin là sớm muộn gì chúng mày cũng thực hiện được ước mơ thôi. Còn tao, lúc nào tao cũng muốn được gặp lại mẹ tao nhưng mẹ tao đã bước sang thế giới bên kia rồi. Giờ đây, mỗi tối lúc nhớ về mẹ, tao thường nhìn lên bầu trời xa thẳm, ngắm một vì sao to nhất và nghĩ rằng, đó, mẹ tao đang ở đó theo dõi tao -Thằng Hùng vừa nói với bọn trẻ vừa không giấu nỗi hai hàng nước mắt khiến chúng đang trêu đùa nhau thì im bặt…
Hùng thật sự vui khi lũ trẻ rất thích diều và chiều nào cũng trông đợi giây phút diều tung lên. Tuổi của chúng chỉ kém Hùng một ít nhưng sao chúng nhỏ bé, ngây thơ và Hùng như muốn làm anh cả để che chở, tạo cho chúng những niềm vui nho nhỏ. Sự gắn bó của lũ trẻ này với nhau có lẽ chính là vì chúng có đời sống, cảnh ngộ giống nhau và luôn ngập tràn mơ ước… Thế giới của chúng chỉ ước đơn giản là được đến trường, bố mẹ có sức khỏe để kiếm những công việc tạm bợ ở thành phố… không có tai ương, bệnh tật, không phải vào Nam, ra Bắc ly hương cho xa xôi, cách trở.
Tuệ Anh lại là thế giới đủ đầy về vật chất nhưng thường bị giới hạn bởi không gian, áp lực mục tiêu, điểm số, giới hạn mà ba mẹ đặt ra. Cũng như lũ trẻ, khao khát của cô đơn giản là được chơi trò trẻ con cùng chúng bạn, thoả thích tắm mình theo triền gió trên những cánh đồng rộng lớn.
Tuệ Anh cầm dây diều, gió chiều nay dịu mát và lũ trẻ đã no nê với những trò chơi dưới đám ruộng.
-    Nè, nhà bạn ở đâu vậy?-Hùng hỏi to:
    Qua con đường lớn phía có những căn hộ trắng đằng kia- Tuệ Anh trả lời Hùng.
Nói rồi, cô nhìn lên cánh diều rồi đang vời vợi giữa bầu trời.
-Mình là Tuệ Anh, mình rất vui khi được làm quen với các bạn. Nhưng bây giờ mình phải về đã - Nói rồi Tuệ Anh trao dây diều cho Hùng và không quên thể hiện một nét cười hiền dịu, ấm áp. Tuệ Anh quay xe đạp một mạch, Hùng và lũ trẻ nhìn cô lẫn khuất trong bóng hoàng hôn xa xa.
Như đã thành quen, những buổi chiều về sớm, Tuệ Anh lại lân la ra bờ ruộng, một phần để thay đổi không khí ở trường, một phần để xem lũ trẻ chơi đùa, trải tầm mắt ra những cánh đồng. Dù nó bị cắt xén ít nhiều bởi những khối đất, khối vật liệu phục vụ cho những công trình đang gấp gáp thi công song vẫn là không gian duy nhất mang lại những cảm giác êm dịu, khoan khoái. Tuệ Anh hòa nhập dần với bọn trẻ, cười nhiều hơn với những câu chuyện khôi hài của Hùng và bao trò trốn tìm, đá bóng… Cô bé trở trên hoạt bát, vui vẻ hơn, có hôm, cô đưa một ít kẹo, bánh đến chia cho lũ trẻ. Có hôm, cô lại cầm thêm ít cuốn sách với những câu chuyện nhỏ nhưng sâu lắng tình người, thấm đẫm tính nhân văn khiến bọn trẻ rất tò mò. Bữa đó, chơi chán rồi, lũ trẻ yêu cầu Anh đọc truyện. Anh lần giở cuốn sách còn mới rồi đọc rõ ràng, diễn cảm bằng lối dẫn nhẹ nhàng làm cho lũ trẻ bị cuốn hút. 
    “Có một bà mẹ đơn thân nọ vừa mới chuyển nhà, bà ta phát hiện hàng xóm là một gia đình nghèo khó, gia đình đó có một bà mẹ góa chồng và hai đứa con. Một hôm mất điện, bà ta đành phải thắp nến lên cho sáng. Một lúc sau, có tiếng người gõ cửa. Bà ra mở cửa, thì ra đó là con của nhà hàng xóm. Đứa bé nghiêm túc hỏi: “Con chào dì, dì cho con hỏi nhà dì có nến không ạ?”. Bà ta thầm nghĩ: “Cái gia đình này nghèo đến nỗi ngay cả nến cũng không có sao? Tốt nhất không cho, cứ như thế họ sẽ ỷ lại mất”.Nghĩ rồi, bà liền nói to một tiếng: “Không có!”. Đúng lúc bà ta đang chuẩn bị đóng cửa, đứa bé đó liền cười rạng rỡ và nói: “Con thừa biết là nhà dì không có nến mà!”. Nói xong, đứa bé liền lấy ra hai cây nến: “Mẹ và con sợ dì sống một mình không có nến nên con đem sang tặng dì hai cái để thắp sáng ạ!”. Lúc này, bà ta vừa tự trách bản thân, vừa cảm động rơi nước mắt, sau đó liền ôm chặt đứa bé vào lòng”…
 Nghe xong, bọn trẻ lặng đi một lúc rồi tiếp tục tranh luận vào tình tiết nhỏ tạo bất ngờ chuyển câu chuyện sang một hướng khác. Có thể trong tâm hồn và nhận thức non nớt của lũ trẻ chưa thực sự hiểu hết giá trị nhân văn trong câu chuyện song ít nhất chúng cũng rút ra được một bài học về lòng tử tế, cao thượng.
 Rồi một ngày cuối thu, mưa rả rích dài ngày, nước trên đồng mênh mông, trắng xóa. Những bông lúa nghiêng nghiêng sà sà trên mặt nước. Bao bì, hộp nhựa, rác từ khu dân cư, trên mặt đường cũng nổi lềnh bềnh… Lũ trẻ làng ven đô đội mưa tiễn bà ngoại Hùng về với cõi trời. Hùng đã khóc hết nước mắt - người thân cuối cùng mà cậu có thể trông cậy để neo trụ lại chốn này đã từ giã cõi đời. Bà con hàng xóm đã quyên góp để thực hiện di nguyện cuối cùng là đưa bà về quê an táng. Những gì phải đến đã đến. Đám tang bà xong, Hùng được cha đưa vào Tây Nguyên. Một đứa trẻ hơn mười một tuổi không thể ở lại một mình nơi căn nhà trống toác này được. Cậu chưa đủ lớn để quyết định số phận của mình. Hùng gói tấm di ảnh của mẹ và của bà vào một cái túi và một ít hành lí tư trang để sẵn sàng bước chân vào gia đình mới của ba. Sáng ấy, tiễn lũ trẻ mà mắt cậu cứ cay cay. Một cuộc chia li đẫm nước mắt. Cuộc đời là những cuộc chia ly, mỗi đứa trẻ nơi đây rồi sẽ có những vùng trời rộng để lớn lên, trưởng thành chứ không chỉ quanh quẩn nơi không gian này. 
                                                                       ***
Lần lữa mãi, một hôm, ba mẹ Tuệ Anh cũng đề cập với cô, rằng cả gia đình sẽ chuyển nhà đến thành phố lớn khác vừa để tạo điều kiện cho cô có môi trường học tập tốt hơn, vừa tiện cho công việc của họ. Căn nhà này tạm thời nhờ bà Mai coi sóc, rồi sau đó sẽ nhượng cho một chủ khác. Họ sẽ đi, sẽ tạm biệt nơi này, cô bước vào thế giới khác với những xáo trộn, khung cảnh khác. Thế giới đó chưa biết thế nào nhưng chắc chắn là sẽ ồn ào và nhiều áp lực hơn.
Đêm qua, Tuệ Anh nằm mơ thấy mình đang nằm trên vệ cỏ, xung quanh là màu xanh trải dài của những cánh đồng tít tắp. Gió thổi mát rượi. Cô nghe Hùng và lũ trẻ gọi “Tuệ Anh ơi, Tuệ Anh ơi” rồi chỉ tay lên bầu trời có con chim phượng Hoàng đang bay.  


     P.H
                                      


 

. . . . .
Loading the player...