02-09-2024 - 02:28

Truyện ngắn TIẾNG GỌI BUỔI HOÀNG HÔN của Nhà văn Trần Thị Tú Ngọc

Tạp chí Hồng Lĩnh số 216 phát hành tháng 8/2024 trân trọng giới thiệu Truyện ngắn TIẾNG GỌI BUỔI HOÀNG HÔN của Nhà văn Trần Thị Tú Ngọc

TRẦN THỊ TÚ NGỌC

Tiếng gọi buổi hoàng hôn

 

Truyện ngắn

 

Cao nguyên đang vào mùa khô, những cánh rừng khộp ào ào trút lá sau mỗi lần gió nổi. Đất đai nứt nẻ. Bụi đỏ mịt mù.

Con voi xám đứng lặng yên bên bờ suối cạn. Vóc dáng đồ sộ của nó in bóng thành một khối màu đen thẫm lên vệt cỏ cháy vàng xơ xác phía sau. Đây là lần đầu tiên Phan thấy một con voi ở khoảng cách gần như thế. Từ chỗ họ quan sát chéo góc sang có thể nhìn rõ từng nếp gấp trên bộ da xám mốc, đôi tai lớn mở ra, chiếc vòi buông thõng xuống.

Phan thận trọng thu thập các dấu vết dọc theo lối voi đi. Đúng khoảnh khắc anh vừa cúi xuống, con voi đột ngột rống lên dữ dội làm rung chuyển cả khu rừng rồi quay đầu hướng về phía họ. Người trưởng trạm vội vã kéo Phan nấp vào khe hở giữa hai tảng đá. Thế nhưng đến giữa dòng suối cạn, con voi bất chợt khựng lại, rống thêm một tiếng dài nửa như giận dữ, nửa như than khóc rồi từ từ lui bước. Bóng nó khuất dần sau vạt rừng thưa.

Người trưởng trạm cẩn thận đánh dấu vị trí lên bản đồ, gập cuốn sổ ghi chép, ra hiệu cho Phan nhanh chóng thu dọn đồ đạc để trở về. Trời đứng gió, họ lầm lũi bước qua vạt cỏ gai răng sói tỏa ra mùi hăng hắc nồng nồng sau mỗi dấu giày. Đây là lần thứ ba trong tháng trạm cứu hộ của trung tâm bảo tồn nhận được tin báo về sự xuất hiện của bầy voi hoang dã sát với khu vực canh tác. Những con voi lang thang tìm kiếm nước uống và thức ăn giữa mùa hạn kéo dài đã trở nên liều lĩnh trong tuyệt vọng. Vài khoảnh rẫy bị xéo nát. Lối mòn cây đổ ngổn ngang. Nhân viên của trạm vừa phải căng mình theo dõi dấu vết bầy voi vừa phải tuyên truyền hướng dẫn cho người dân để tránh những xung đột không đáng có. Như bị ném vào một ván cờ chưa thấy hồi kết, kẻ dồn đuổi và kẻ bị dồn đuổi dần dần đều cảm thấy mình kiệt sức.

Phan hoàn thành xong bản báo cáo thì trời đã tối muộn, người trưởng trạm vẫn tiếp tục trao đổi với bên cơ quan chức năng về phương án tạo hành lang an toàn cho đường di chuyển của bầy voi. Đôi lông mày nhíu chặt khiến những nếp nhăn trên trán ông càng hằn rõ. Phan đặt tập tài liệu trên bàn làm việc, lặng lẽ bước ra ngoài. Anh sang khu bán hoang dã, nơi trạm đang chăm sóc chú voi con lạc mẹ.

Đêm sâu thăm thẳm, tiếng lá khô lạo xạo dưới chân.

*

Phan ba mươi mốt tuổi. Anh làm việc tại một trạm cứu hộ voi nằm giữa cao nguyên mênh mông hoang vắng. 

Ngày đầu tiên Phan đến đây, trạm cứu hộ mới chỉ là dãy nhà cấp bốn lợp tôn khuất sau cánh rừng đang mùa rụng lá, dây bìm bìm héo úa trên hàng rào kẽm gai, hai bên lối vào rải sỏi mọc đầy cỏ dại. Đón Phan là người trưởng trạm già có đôi mắt nheo lại như chói nắng, làn da đen sạm, râu ria mọc đầy quanh cằm. Bằng chất giọng khàn khàn ấn tượng, ông nói với Phan câu chuyện về bầy voi hoang dã đang lang thang đâu đó ngoài kia và những con voi nhà cuối cùng còn sót lại. Mãi sau này Phan mới biết đó là người đàn ông cô độc đã dành hầu hết những tháng năm tuổi trẻ cho công việc bảo tồn loài voi, dấu chân in khắp cao nguyên suốt mùa mưa sang mùa nắng.

Khác với vẻ trầm lặng của trưởng trạm, hai người còn lại mà Phan gặp sau đó lại có nét sôi nổi ồn ào khá đặc biệt. Khánh hai mươi bảy tuổi, chuyên gia bảo tồn và Năng ba mươi tuổi, bác sĩ thú y. Phan nhận ra rằng ở đây chỉ có mình là người duy nhất không có chút kinh nghiệm gì liên quan đến công việc sẽ làm. Tốt nghiệp ngành sư phạm địa lý, anh về giảng dạy tại một trường tư thục được vài năm. Vào buổi sáng thứ tư yên tĩnh, trong lúc trống giờ, anh tình cờ đọc thấy trung tâm bảo tồn voi đang cần tuyển nhân viên để xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử phục vụ việc theo dõi quản lý đàn voi nhà và voi hoang dã. Khoảnh khắc ấy tâm tưởng của anh bỗng hiện lên hồi ức về buổi chiều xa xăm trên cao nguyên, một đàn voi bất ngờ xuất hiện từ cánh rừng thưa rồi thong thả băng ngang con đường ngay trước mặt những kẻ lữ hành với vẻ uy nghi đường bệ. Ánh tà dương nhuộm vàng trảng cỏ nơi bầy voi đi qua, thứ ánh sáng từ mặt trời chiều hôm ấy còn rực rỡ rất lâu trong ký ức.

Phan cố giữ cho lòng mình bình thản khi điền vào hồ sơ gửi đi. Anh được tuyển dụng nhanh chóng sau vòng phỏng vấn. Xếp mấy bộ quần áo vào chiếc ba lô có những đường sọc đỏ đen buồn tẻ, Phan lặng lẽ lên đường.

Dương đuổi kịp anh ở sảnh chờ sân bay, mái tóc rối bời giữa chiều tháng tư nắng đổ.

“Em mang cho anh vài cuốn sách, biết đâu có lúc sẽ cần.”

Cô không nói gì thêm cho đến lúc Phan làm xong thủ tục qua cổng kiểm soát an ninh, chỉ có một cái vẫy tay rất khẽ thay lời từ biệt. Cho tới tận lúc này, trong căn phòng nhỏ giữa cánh rừng thinh lặng, sau một ngày mệt nhoài lần theo dấu bầy voi, Phan bỗng nhiên cảm thấy một nỗi buồn mơ hồ rất đỗi xa xôi mà trước đây anh chưa bao giờ hình dung tới. Giấc ngủ của anh chập chờn cơn gió đại ngàn, đôi mắt đen sâu thẳm của Dương và tiếng rống dài buồn bã của con voi cô độc.

*

Buổi sáng ở trạm cứu hộ bắt đầu bằng việc chuẩn bị khẩu phần ăn cho chú voi con tên gọi là So So. Khi mới chừng ba tháng tuổi, So So không may rơi xuống một cái giếng bỏ hoang trên rẫy cà phê, bầy voi loay hoay tìm cách cứu chú lên nhưng không được nên cuối cùng đành rời đi. Lúc nhân viên trạm cứu hộ tới nơi thì cả mảnh rẫy còn dày đặc vết chân voi, mùi nhựa cây hăng nồng xông lên từ đám cành lá bị gãy đổ còn chú voi con bị thương bê bết bùn run rẩy trong lòng giếng.

Những hôm đầu về trạm cứ trời tối là So So nhớ mẹ nên khóc suốt đêm, mọi người phải thay nhau túc trực bên cạnh dỗ dành chú ta mới nguôi ngoai đôi chút. Trên thế giới hầu như chưa có trường hợp nào nuôi dưỡng thành công voi con tách mẹ khi ít tháng tuổi, thế mà như một phép màu, So So cứ thế cứng cáp dần lên. Bây giờ mỗi ngày Khánh và Năng đều thay đổi chỗ giấu thức ăn nơi các chòm cây rải rác trong khu bán hoang dã cho So So tự đi tìm lấy. Là một chuyên gia bảo tồn được đào tạo ở nước ngoài, Khánh hiểu rõ các cách thức huấn luyện để sau này voi con được thả ra ngoài tự nhiên vẫn có thể sinh tồn. So So không thể sống mãi với con người, rồi một ngày nào đó chú ta sẽ trở về với đồng loại.

“Tại sao ngày đó So So lại bị cả đàn bỏ rơi?” Phan băn khoăn hỏi người trưởng trạm cứu hộ: “Liệu chúng ta có làm điều gì nhầm lẫn?”

Người trưởng trạm quay sang phía chú voi nhỏ đang dùng vòi nghịch ngợm với bó cỏ vừa được tìm thấy, khẽ lắc đầu:

“Có những điều bí ẩn của tự nhiên mà chúng ta chẳng thể nào hiểu nổi. Lần đó suốt cả tuần mọi người ròng rã trong rừng lần theo dấu bầy voi, ba lần để So So tiếp cận với voi mẹ nhưng không ngờ đều bị xua đuổi. Không còn cách nào khác ngoài việc mang So So về sống với con người. Anh em đều hiểu rằng nuôi một chú voi non yếu ớt thật chẳng dễ dàng gì, nhưng nếu để lại trong rừng thì So So chắc chắn sẽ chết vì voi mẹ nhất định không cho con theo nữa.”

Phan bất chợt nhớ đến trong một cuốn sách mà Dương tặng cho anh, người ta viết rằng voi là loài động vật tinh khôn và tình nghĩa, chúng không bao giờ bỏ rơi đồng loại ngay cả trong hoàn cảnh nguy hiểm ngặt nghèo. So So là một trường hợp đặc biệt.

“Có thể trong quá trình được giải cứu, So So tiếp xúc với con người quá lâu nên mang theo mùi lạ khiến voi mẹ nghi ngờ.” Năng, bác sĩ thú y của trạm vừa quan sát So So vừa hý hoáy ghi chép các thông số theo dõi vào cuốn sổ dày đặc chữ. “Loài voi đủ thông minh để nhận ra rằng không thể tin tưởng ở con người khi xung quanh họ là những toan tính và cạm bẫy.”

“Nếu đúng như vậy thì thật đáng thương, cả chúng ta và bầy voi đều nhầm lẫn. Đến giờ So So vẫn khóc mỗi khi thoảng nghe thấy tiếng rống vọng về từ xa thẳm ngoài kia.” Người trưởng trạm trầm ngâm nói. 

Cả ba người im lặng hồi lâu, họ cùng nhìn về phía chú voi con đang bắt đầu buổi huấn luyện với chuyên gia bảo tồn nơi trảng cỏ ngập trong ánh nắng. Trước khi đến với trạm cứu hộ này, Phan vẫn không tin động vật có thể khóc. Dương từng nói với anh rằng nước mắt là đặc ân duy nhất thượng đế ban cho con người để vơi bớt nỗi khổ đau.

Phan nhớ năm ấy khi rời trại trẻ mồ côi, Phan tưởng chừng như tìm được tổ ấm cùng bố mẹ nuôi trên cao nguyên đầy nắng gió. Thế nhưng không ngờ một ngày nọ bố mẹ đột ngột ra đi trong một vụ tai nạn dưới hẻm núi lúc gỡ những chiếc bẫy thú được đặt bởi bọn săn trộm. Hai người họ đều là dân di cư, không có người thân thích.

Phan trở thành đứa trẻ mồ côi như So So bây giờ…

Người trưởng trạm đưa ống nhòm sang cho Phan. Dưới tán cây xuyên mộc, anh nhìn thấy con voi cao lớn đang đứng im lìm bất động.

Bên trong khu bán hoang dã, Khánh và bác sĩ Năng đang tìm cách vỗ về So So. Nhưng sau một âm thanh rất khẽ từ con voi xám, So So bất ngờ chạy về phía đó. Tất cả mọi người chưa kịp làm gì thì hai cá thể voi đã tiến lại gần nhau. So So ở phía trong còn con voi rừng ở ngay bên ngoài.

Để đảm bảo an toàn, khu bán hoang dã được bao quanh bằng hàng rào điện và hình như con voi rừng cũng biết điều đó. Nó hướng về phía những người quan sát bằng một cái nhìn hết sức u buồn. Trong khoảnh khắc, họ sững sờ thấy hai dòng nước mắt chầm chậm chảy ra từ đôi mắt nó.

“Ngắt điện ở hàng rào đi.” Trưởng trạm cứu hộ nói nhỏ nhưng rõ ràng.

Người phụ trách lực lượng phản ứng nhanh định phản đối nhưng trưởng trạm đã giơ tay ra hiệu im lặng. Điện ngắt. Con voi rừng vẫn đứng yên. Chừng vài phút sau nó chậm rãi tiến về phía So So và đưa vòi qua hàng rào. So So chần chừ một lát rồi cũng đưa vòi lên, hai chiếc vòi cuốn vào nhau rất lâu, rất khẽ.

Cuối cùng con voi mẹ rống lên một tiếng trầm dài buồn bã rồi từ từ buông voi con ra. So So lon ton định chạy theo nhưng voi mẹ ra hiệu cho voi con dừng lại. Trước lúc rời đi, nó quay sang đoàn người, đưa vòi nâng lên hạ xuống hai lần như lời chào từ biệt. Bóng nó khuất dần sau cánh rừng đang rực lên trong ánh tà dương.

*

Người trưởng trạm già ngồi trầm ngâm trước bản báo cáo vừa được gửi sang. Nắng chiếu qua khung cửa sổ hắt những vệt sáng lên tấm bản đồ khổ lớn treo trên bức tường đối diện. Ông ngước nhìn lên từng điểm cao được đánh dấu, dõi mắt theo con suối không tên rồi dừng lại trước khoảng tô màu xám là phần đất rừng đã được bàn giao cho một xí nghiệp tư nhân để trồng cà phê.

Suốt cả tuần nay, bầy voi đã di chuyển hàng chục cây số dọc theo bìa khu rừng cũ ấy. Dường như chúng biết nếu băng qua rẫy canh tác của con người thì sẽ đến được phía bên kia dãy núi, nơi vẫn còn cánh rừng già có thể an toàn để trú ngụ. Những bức ảnh chụp tại thực địa cho thấy bầy voi định hướng chính xác điểm đến của mình để duy trì tốc độ phù hợp. Thế nhưng khi ngang qua vị trí trạm cứu hộ, một cá thể voi xám đột ngột tách đàn và quanh quẩn mãi ở đây.

Đó chính là cá thể voi họ gặp bên bờ suối cạn.

Cùng với Phan, ông đã dành nhiều đêm thức trắng để phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ mà trạm thu thập được. Có rất nhiều điểm trùng khớp về thông tin của đàn voi này với đàn voi xuất hiện mấy năm về trước tại khu vực trạm cứu hộ tìm thấy voi con So So bị nạn. Hành trình của chúng dường như lặp lại theo một chu kỳ định sẵn để tìm kiếm thức ăn vào thời kỳ khô hạn kéo dài, thế nhưng việc một cá thể voi tách đàn lại là điều chưa thể lí giải.

“Bên cơ quan chức năng đang yêu cầu chúng triển khai những biện pháp quyết liệt hơn để ngăn ngừa cá thể voi xám tiếp cận với khu vực giáp ranh.” Trưởng trạm bắt đầu cuộc hội ý với vẻ lo âu. “Tuy nhiêu việc cần làm rõ là tìm hiểu nguyên nhân vì sao nó không tiếp tục di chuyển theo đàn. Không có dấu hiệu bị thương. Cũng không có hành động phá rẫy để kiếm thức ăn. Con voi này đang tìm kiếm điều gì ở đây?”

“Dù có lí do gì đi nữa thì đây cũng là một biểu hiện rất đáng lo ngại. Sinh cảnh của voi rừng đang bị chia cắt bởi hoạt động kinh tế của con người. Điều này đã được các chuyên gia nghiên cứu về voi báo động từ lâu nhưng không nhận được sự quan tâm đúng mức.” Khánh bày tỏ nỗi thất vọng.

Bác sĩ Năng nhíu mày trầm ngâm. Phan yên lặng rất lâu bên những trang tài liệu. Cuối cùng anh nói:

“Tôi linh cảm việc này có liên quan đến voi con So So đang được chúng ta nuôi dưỡng.”

Cả ba người cùng ngẩng đầu lên chăm chú nhìn Phan. Hít một hơi thật sâu, anh thận trọng trình bày toàn bộ giả thiết của mình dựa trên các dữ liệu hoạt động của cá thể voi xám kể từ khi tách đàn. Nửa tháng qua, dù nhiều lần buộc phải dừng lại rồi lùi sâu vào rừng do bị ngăn cản bởi con người, cá thể voi đó vẫn kiên trì tìm cách tiến tới khu bán hoang dã. Thời điểm gần nhất nó chỉ còn cách hàng rào điện chừng một cây số. Đó là ba giờ chiều hôm thứ bảy.

Bác sĩ Năng nhanh chóng mở hồ sơ theo dõi hàng ngày về So So. Thông tin đối chiếu khiến tất cả mọi người kinh ngạc. Buổi chiều thứ bảy ấy So So bỗng nhiên có biểu hiện bồn chồn và rồi sau đó liên tục kêu lên bằng những âm thanh lạ lùng buồn bã cho đến khi con voi hoang dã rời đi.

*

Xét nghiệm ADN từ các mẫu mà trạm cứu hộ thu thập được sau đó khẳng định cá thể voi rừng màu xám chính là voi mẹ của So So. Nó đã nhanh chóng đuổi kịp đàn và tiếp tục cuộc di cư về bên kia dãy núi.

Toàn thể nhân viên trạm cứu hộ cùng với lực lượng phản ứng nhanh có mặt buổi chiều hôm đó bị cảnh cáo nghiêm khắc vì đã hành động bất cẩn đầy cảm tính. Hậu quả sẽ xảy ra hết sức nghiêm trọng nếu như để cá thể voi rừng vượt qua hàng rào điện, tấn công voi con và gây nguy hiểm cho con người. Trưởng trạm cứu hộ nhận toàn bộ trách nhiệm. Ông được yêu cầu chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trước tuổi.

“Cũng đã đến lúc tôi trở về quê rồi, công việc còn lại là của các bạn.” Người trưởng trạm già mỉm cười trong khi mọi người nước mắt rưng rưng.

 “Có lẽ hôm đó chúng ta đã lựa chọn đúng.” Giọng Khánh trầm xuống rất khẽ. “Cuối cùng thì điều băn khoăn bấy lâu nay cũng được làm sáng tỏ. Năm ấy thật sự con voi mẹ không bỏ rơi con mình, nó chỉ muốn gửi gắm con non đã bị thương nhờ chúng ta chăm sóc vì hành trình phía trước đầy nguy hiểm và cạm bẫy. Giờ So So đã biết được điều này, hy vọng nó sẽ không còn thấy cô đơn buồn tủi nữa.”

Người trưởng trạm nhìn về phía So So, khẽ lau giọt nước mắt vừa ứa ra trên khuôn mặt sạm nắng. Phan vội quay đi để che giấu xúc cảm của mình. Bác sĩ Năng nắm chặt đôi bàn tay thô ráp của người trưởng trạm, giọng nghèn nghẹn:

“Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Bên cơ quan chức năng đã đồng ý với phương án của chúng ta, cho đưa thêm hai voi nhà về sống trong khu bán hoang dã làm bảo mẫu để dạy dỗ So So những bài học mà con người không dạy được. Mùa mưa năm sau, khi bầy voi rừng quay trở lại, chúng ta sẽ cho So So tái nhập đàn.”

Người trưởng trạm già rời đi vào một buổi chiều nắng tắt trên cao nguyên. Phan tiễn chân ông qua ngọn đồi úa màu cỏ cháy. Anh nói rằng ngày nào đó anh sẽ đến thăm ngôi nhà nhỏ của ông, một mình, hoặc cùng với Dương, nếu cô đồng ý đi cùng anh trên chặng đường phiêu bạt.

Có tiếng gọi bầy vọng lại giữa hoàng hôn. Những con voi vẫn tiếp tục tìm kiếm cánh rừng đã mất…

                                    T.T.T.N

 

 

. . . . .
Loading the player...