24-09-2020 - 13:59

TỪ ĐIỂN TRUYỆN KIỀU VỚI TIẾNG VIỆT VĂN HỌC CỦA NGUYỄN DU

Tạp chí Hồng Lĩnh số 169 tháng 9/2020 trân trọng giới thiệu bài viết "Từ điển Truyện Kiều với Tiếng Việt văn học của Nguyễn Du" của tác giả Lê Văn Tùng.

 

 

 

TỪ ĐIỂN TRUYỆN KIỀU

VỚI TIẾNG VIỆT VĂN HỌC CỦA NGUYỄN DU

`                                               Lê Văn Tùng

 

1. Một cấp độ của văn hóa đọc văn học và đọc Truyện Kiều

 Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác của văn học nhân loại. Thế giới ngôn từ của nó cực kỳ phong phú, bởi nó là “cuốn sách của cả ngàn tâm trạng”. Từ Truyện Kiều đã sinh thành trong nhân dân Việt Nam nhiều hoạt động văn hóa đặc thù: thơ vịnh Kiều, phú Kiều, văn tế Kiều, tuồng Kiều, chèo Kiều, cải lương Kiều, trò Kiều, tập Kiều, lẫy Kiều, bói Kiều, đố Kiều, thi xướng họa Truyện Kiều, vẽ tranh, dựng tượng các nhân vật Truyện Kiều cùng các nghệ thuật biểu diễn khác… Vì sao vậy? Vì người Việt từ khi có Truyện Kiều, từ bậc trí thức uyên bác đến người cày ruộng, đốn củi… đều đọc nó với niềm khao khát có được mối đồng tri cộng cảm với tác giả và tác phẩm, nhằm tìm “lời giải” cho những bài toán số phận của cá nhân và cộng đồng. Văn hóa đọc văn học, đọc Truyện Kiều ở cấp độ đầu tiên nhưng là cấp độ cơ sở là đọc để hiểu đúng nghĩa các yếu tố ngôn từ do Nguyễn Du dùng trong tác phẩm. Đó là điều kiện bắt buộc để người đọc - tùy theo nhu cầu và khả năng của mình - đọc tiếp nhận một cách sáng tạo giá trị của tác phẩm ở các cấp độ khác.

Ngôn ngữ tiếng Việt văn học của Truyện Kiều vừa là đỉnh cao của truyền thống văn học dân tộc vừa đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta(1). Ngôn ngữ Truyện Kiều cực kỳ phong phú do tính chất nhiều nguồn của nó. Chiếm ưu thế là tiếng Việt đương thời vừa có những yếu tố mới mẻ cũng vừa phản ánh tập quán dụng ngôn của người Việt xưa với nhiều thành ngữ, tục ngữ… cùng nhiều yếu tố Hán - Việt hoặc từ Hán đã được Việt hóa. Lại có không ít những từ, cụm từ đến cả một câu thơ bắt nguồn từ những văn liệu, sử liệu, kiến thức địa dư xưa của Trung Quốc. Mặt khác, với tài năng trác tuyệt và cảm hứng nhân văn sâu sắc, Nguyễn Du đã sử dụng ngôn từ hết sức năng động, để có thể chỉ một yếu tố ngôn từ nhưng tác giả dùng trong các ngữ cảnh hành chức khác nhau của văn bản sẽ cấp cho ta những nghĩa khác nhau. Tất cả đều là những “sự khó” và cũng là sự hấp dẫn với người đọc hiện đại. Đó là chưa kể bản Truyện Kiều gốc (Đoạn trường tân thanh) với bút tích của Nguyễn Du đã không còn. Cả hơn trăm bản Truyện Kiều chữ Nôm và chữ Quốc ngữ từ thế kỷ XIX đến nay, do nhiều người hiệu đính, khắc in, xếp chữ, đánh máy… có những chỗ khác nhau. Những chỗ ấy, biết bản in nào đúng với từ ngữ Nguyễn Du đã dùng? Tiếng Việt văn học của Truyện Kiều đạt tới mức biểu ý, biểu cảm tuyệt vời. Nhưng từ những “sự khó” nói trên, người đọc ngày nay với phổ ngữ hiện đại đọc Truyện Kiều không dễ tiếp nhận được ngay nghĩa ngôn từ cụ thể do Nguyễn Du dùng trong tác phẩm. Trong hai thế kỷ vừa rồi, có nhiều trường hợp người đọc thoát ly cái “thân mệnh” ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm, đưa ý tưởng chủ quan của mình áp đặt theo kiều “bao cấp” đối với tác phẩm, dẫn đến tình trạng lạc đường trên hành trình đi tìm văn hóa của văn học, của Truyện Kiều (…).

2. Từ điển Truyện Kiều với việc đọc hiểu tiếng Việt văn học của tác phẩm

Nếu bạn đọc Truyện Kiều gặp phải một từ hoặc cụm từ khó hiểu, bạn nên tìm đến Từ điển Truyện Kiều (TĐTK) của học giả Đào Duy Anh - một “công cụ” văn hóa hết sức hữu ích có thể giúp chúng ta nhận được “những nghĩa do Nguyễn Du dùng trong tác phẩm(2). Cuốn TĐTK được hoàn thành bản thảo năm 1965 (kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du) nhưng phải trải qua 10 năm “chiếc bách giữa dòng” không xuất bản được (…) Tưởng đã “gieo ngọc chìm châu”, nhưng đến 1974 cuốn từ điển mới được xuất bản lần đầu với 30.600 cuốn và đã “phát hành trót lọt”(3).  

Cuốn TĐTK giải nghĩa “tất cả những từ đơn, từ kép, những thành ngữtừ tổ, những hình tượngđiển tích văn học… Nếu có những câu khó hiểu và những câu có những điểm dị biệt qua các bản khác nhau, chúng tôi cũng giải nghĩa và nêu lên những điểm dị biệt ấy để qua đó gắng tìm ra lời văn gọi là có khả năng gần nhất với nguyên văn của Nguyễn Du”(5). TĐTK có 2.470 mục từ chính, tác giả gọi là điều mục và khoảng 3.800 từ hệ thuộc là các từ có yếu tố liền trước hoặc liền sau với điều mục tạo thành các từ kép, thành ngữ, từ tổ… Tổng cộng là gần 7.300 đơn vị.

Tiếng Việt văn học của Truyện Kiều không chỉ thuần túy là tiếng Việt “lời quê” dễ hiểu. TĐTK giúp ta điều kiện thuận lợi để hiểu nghĩa các từ ngữ có “sự khó” nói trên. Chẳng hạn, chúng tôi thống kê (có thể chưa đầy đủ): trong Truyện Kiều có tới hơn 200 điển cố, điển tích, trung bình 16 câu thơ có một điển. Có cả một danh từ như mây Tần từ hai nguồn điển xuất hiện trong hai câu thơ Truyện Kiều: TĐTK cho biết: câu 2236 “Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”, mây Tần theo điển từ câu thơ của Hàn Dũ. Nhưng câu 249 “Mây Tần khóa kín song the”, mây Tần lại theo điển ở Tấn thư. Theo TĐTK, Nguyễn Du đã dùng nghĩa của mây Tần ở hai câu khác nhau (TĐTK, trang 228). TĐTK giúp chúng ta tìm thấy sự sáng tạo năng động của Nguyễn Du trong việc Việt hóa văn liệu Trung Quốc. Cũng như vậy, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng đích đáng rất nhiều thành ngữ, tục ngữ. Theo thống kê, có đến 287 đơn vị, trong đó thành ngữ, tục ngữ Việt hoặc đã được Việt hóa chiếm ưu thế: 250 đơn vị (87,5%). Số còn lại là thành ngữ, tục ngữ tiếng Hán được phiên âm Hán - Việt gồm 37 đơn vị (chỉ chiếm 12,5%), số này người đọc bình thường khó nhận nghĩa. Ví dụ (VD): “…thành hạ yêu minh” - câu 2503 (TĐTK giải thích ở trang 359), “…bỉ sắc tư phong” - câu 5 (TĐTK, trang 36). Và cả trong 250 thành ngữ, tục ngữ Việt, Việt hóa cũng có một số đơn vị không dễ dàng nhận nghĩa. VD: “…rụng cải rơi kim” - câu 769 (TĐTK, trang 313), “Thưa hồng rậm lục…” - câu 370 (TĐKT, trang 378)… TĐTK sẽ giúp chúng ta hiểu nghĩa.

TĐTK đã giúp người đọc nhận nghĩa các đơn vị ngôn từ theo nghĩa Nguyễn Du dùng trong tác phẩm và cùng người đọc nhận rõ sức sáng tạo năng động đầy tính phát hiện của Nguyễn Du đối với tiềm năng ngữ nghĩa của tiếng Việt. Sức mở nghĩa của một từ được Nguyễn Du thực hiện trong ngữ cảnh hành chức của nó. Thoát ly ngữ cảnh hành chức, cô lập hóa một đơn vị từ ngữ khỏi quan hệ hành chức, người đọc sẽ hiểu sai nghĩa Nguyễn Du muốn thể hiện, nghĩa là chúng ta tự đánh mất khả năng tiếp nhận tính nhiều nghĩa của ngôn từ nghệ thuật Nguyễn Du. TĐTK cho biết có nhiều trường hợp một từ xuất hiện ở trên một trăm câu thơ Truyện Kiều, thậm chí có từ lên đến 214 câu (người) và 307 câu (một) mà không phải chỉ diễn đạt một nghĩa… Lại có trường hợp một từ xuất hiện trong số câu rất ít mà vẫn phản ánh được tính nhiều nghĩa của nó. VD: da 3 nghĩa/6 câu; đắp điếm 2 nghĩa/2 câu; ngọt 2 nghĩa/2 câu; đánh 3 nghĩa/5 câu… Đó là mới dẫn từ các điều mục chính, còn trong nhóm các từ hệ thuộc hoạt tính đa nghĩa còn có chân trời rộng mở hơn. Các phương thức tu từ Nguyễn Du sử dụng nhiều như ẩn dụ, hoán dụ, tỷ dụ, tăng cấp, đối ngẫu… cộng hưởng với ngữ cảnh hành chức linh hoạt làm tăng sức biểu hiện nghệ thuật của tiếng Việt. Xin lấy hai ví dụ ngược chiều nhau khi nhận nghĩa của các từ chỉ hiện tượng tự nhiên trong Truyện Kiều:

+ TĐTK với từ gió: cụ Đào Duy Anh đã tìm ra 23 từ hệ thuộc mà trong đó hầu hết gió từ hiện tượng tự nhiên đã chuyển hóa thành hiện tượng con người qua các ngữ cảnh hành chức khác nhau với những ẩn dụ, tỷ dụ… tạo ra nghĩa của 23 từ không lặp lại: gió cuốn cờ, gió đàn, gió đông, gió mây, gió trăng, gió bay mé ngoài, gió gác… trăng sân, gió giật mây vần, gió kép mưa đơn, gió trăng mát mặt, gió tủi mưa sầu, gió tựa hoa kề

+ Tuyếtsương trong hai câu thơ: “Một tường tuyết chở sương che/ Tin xuân đâu dễ đi về cho năng”. Có học giả Trung Quốc “chê Nguyễn Du là đem cảnh tuyết mùa đông miêu tả vào dịp xuân hè, gây mâu thuẫn, phá hoại tính thống nhất chân thực của hoàn cảnh”(6). Vị học giả đã đơn giản hóa ngôn ngữ nghệ thuật, cứ nghĩ đã có sương, tuyết thì ắt là miêu tả cảnh thiên nhiên. Cách tư duy cơ giới không thể đến gần văn hóa của tiếng Việt nghệ thuật trong Truyện Kiều được. Tuyết sương ở đây là một ẩn dụ để chỉ cái duyên cách giữa Kim Trọng với Thúy Kiều, gợi lên cái ranh giới của tập tục và luân lý đối với tình yêu tự do của con người. Mặt khác tuyết sương trong trường hợp này phải đặt trong ngữ cảnh hành chức của ngôn ngữ thi ca chứ không phải ngôn ngữ văn xuôi kể chuyện.

Ở trên mới dẫn xuất một vài trong nhiều đóng góp của TĐTK đã giúp người đọc nhận được nghĩa của tiếng Việt văn học do Nguyễn Du dùng trong tác phẩm. Tuy nhiên, cũng từ mục tiêu đó, cụ Đào Duy Anh và chúng ta đều ý thức được không phải cuốn sách đã hết các sai sót, khuyết điểm. Biết sai sửa lại cho đúng, lại ý thức các sai sót cần nhờ người khác phát hiện và giúp sửa đúng là ý thức văn hóa rất cao của người trí thức. Cụ Đào Duy Anh là một trí thức như vậy.

3. Cùng cụ Đào Duy Anh tiếp tục đính chính Từ điển Truyện Kiều

Từ điển Truyện Kiều (TĐTK) - Nxb Phụ nữ, 2007 - trong Lời giới thiệu có viết: “TĐTK được tái bản nhiều lần, nhưng có một số sai sót trong lần in đầu tiên vẫn chưa được sửa chữa trong những lần in sau”. TĐTK của Nxb Phụ nữ cũng đã “cố gắng sửa chữa những chỗ sai sót ấy”. Nhưng rồi hiện tượng “bất toàn” vẫn còn có mặt trong TĐTK của chính Nxb Phụ nữ. Chúng tôi từ yêu cầu của cá nhân mình để đọc Truyện Kiều và cũng đúng với mong muốn của cụ Đào Duy Anh, đã cố gắng tiếp tục đính chính những chỗ còn chưa đúng với nguyên tắc mà tác giả TĐTK đề ra: “Chỉ nêu những nghĩa Nguyễn Du dùng trong tác phẩm”.

Với trên dưới 7.300 đơn vị từ ngữ, trong khi khảo sát nếu thấy yếu tố có khả năng sai chúng tôi phải đối chiếu điều mục này với điều mục khác có liên quan, đồng thời đối chiếu với văn bản Truyện Kiều (VBTK) do chính cụ Đào Duy Anh khảo đính in sau phần Từ điển. Có hiện tượng từ ngữ trong VBTK không đúng thì cũng nêu ra để chọn cách chữa. Nhiều trường hợp sai sót chúng tôi còn phải đối chiếu, tham khảo các từ điển khác:

- Hán Việt từ điển - Đào Duy Anh - Nxb Trường Thi, S.1957.

- Từ điển tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học - Nxb Đà Nẵng, 2004.

- Từ điển văn học Việt Nam (từ nguồn góc đến hết thế kỷ XIX) - Nxb Giáo dục, H.1999.

- Từ điển văn liệu - Long Điền Nguyễn Văn Minh - Nxb Á châu, 1952.

- Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam - Nguyễn Lân - Nxb Văn học, 2010.

***

Kết quả khảo sát, đính chính của chúng tôi được tổng hợp thành ba loại.

3.1. Lỗi chính tả: - Nếu là lỗi chính tả cơ học, đơn giản thì không cần đính chính vì người đọc đều hiểu và sửa đúng. - Lỗi chính tả dễ dẫn đến hiểu sai thì cần đính chính, VD: Ở điều mục Đầu, TĐTK dẫn cụm từ “đầu mày cuối mặt” (câu 498) với nghĩa “tất cả mày mặt”. VBTK cũng chép “đầu mày cuối mặt càng nồng tấm yêu”. Nhưng ở điều mục Cuối, TĐTK lại chép “đầu mày cuối mắt”. Cuối mắt mới đúng. Mỹ học Nguyễn Du không thể chép là cuối mặt. Vì cuối mặt thì người ta sẽ hiểu là cái… cằm.

3.2. Những trường hợp TĐTK khác với VBTK: Hầu hết là những trường hợp TĐTK sai, VBTK đúng, cũng có ít trường hợp VBTK sai, TĐTK đúng. Chúng tôi đã có một bản thống kê để sửa đúng khoảng hơn 40 từ nhưng do khuôn khổ bài báo, xin công bố vào dịp khác. Ở đây chỉ dẫn vài ví dụ:

- TĐTK dẫn câu 2467 để VD: “Áo xiêm buộc trói lấy nhau”. Trong VBTK là ràng buộc (VBTK đúng).

- TĐTK dẫn câu 2365: “Rằng tôi chút dạ đàn bà”. VBTK chép là chút phận (TĐTK đúng)…      

3.3. Các từ ngữ giải nghĩa chưa đúng vớinghĩa do Nguyễn Du dùng trong tác phẩm”.

Nhiều người thoát ly nguyên tắc đó nên khi đính chính hoặc hiệu đính bản gốc TĐTK để tái bản đã có trường hợp không sửa đúng mà sửa vượt ra ngoài “nghĩa do Nguyễn Du dùng trong tác phẩm”. Chẳng hạn ở điều mục Ăn có từ hệ thuộc ăn mặc, cụ Đào Duy Anh đã giải nghĩa đúng: chỉ chung sự mặc quần áo và đưa ví dụ: Thấy màu ăn mặc nâu sồng (câu 2089). TĐTK bản hiệu đính 1986 (Nxb KHXH in 1989) giải nghĩa: “…lối ăn mặc nâu sồng không phải lối ăn mặc của sư sãi Trung Quốc mà là lối ăn mặc của sư sãi Việt Nam” (trang 32). Một nhà nghiên cứu đã phê bình: “Không thể nói Nguyễn Du đã mặc quần áo Việt Nam cho các nhân vật của Thanh Tâm Tài Nhân được”. Chúng tôi thấy cụm từ ăn mặc nâu sồng, Nguyễn Du dùng theo nghĩa hoán dụ để dẫn người đọc theo con mắt của vãi Giác Duyên nhìn Thúy Kiều khi nàng trốn khỏi “Quan âm các” nhà Hoạn Thư và xuất hiện ở “Chiêu ẩn am” của Giác Duyên: Cô gái mới đến là một người tu hành, thế thôi! Chứ Nguyễn Du không hề có ý miêu tả cách ăn mặc của Thúy Kiều theo lối Việt Nam hay Trung Quốc.

Chúng tôi khảo sát cả 7.300 đơn vị từ ngữ của TĐTK (Nxb Phụ nữ, 2007 in theo bản gốc có sửa chữa) đã tìm thấy hơn 35 trường hợp giải nghĩa chưa đúng với nghĩa Nguyễn Du dùng trong tác phẩm. Trong phạm vi bài này chỉ xin dẫn một số trường hợp, có kết hợp phân tích ý nghĩa theo giới hạn vừa nêu.

3.3.1. Con: TĐTK nêu 8 nghĩa. Ở nghĩa 1 tác giả giải: “người hay vật do cha mẹ đẻ ra”. Con theo nghĩa này có trong 9 câu, VD: “…con thứ rốt lòng” (câu 13). Tìm mãi chẳng thấy câu nào có con vật được gọi là con ở đây cả. Vậy trong nghĩa 1 này Nguyễn Du chỉ dùng con để gọi người do cha mẹ đẻ ra thôi. Còn “con én đưa thoi” (câu 39) là thuộc nghĩa thứ 7: con ở đây là loại từ chỉ loài vật, còn có con ong (câu 846, 1758) và con tằm (câu 1976).

3.3.2. Dễ: TĐTK giải cụm từ “Dễ dò rốn bể…” (câu 1486): “(những bụng dạ phi thường ấy) dễ đâu dò được cũng như rất khó dò rốn bể”. Tác giả đã thoát ly ngữ cảnh hành chức của câu thơ Dễ dò rốn bể khôn lường đáy sông. Câu thơ là một tục ngữ được kiến trúc theo phép đối để nói cái nghịch lý phổ biến của đời: nhiều khi cái rộng lớn lại dễ nhận ra nhưng cái nhỏ hẹp hơn lại khó mà nhìn ra được, cũng như lòng người nham hiểm khó có thể hiểu được. “Dễ” ở đây giữ nguyên nghĩa không hề có việc chuyển sang nghĩa ngược: khó.

3.3.3. Tương tư hay tương cố, kim tinh hay kim tỉnh:

+ TĐTK dẫn “bài thơ cổ” để giúp người đọc hiểu hai câu thơ của Nguyễn Du: “Sông Tương… Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia” (câu 365, 366): “Quân tại Tương giang đầu/Thiếp tại Tương giang vĩ/Tương tư bất tương kiến/Đồng ẩm Tương giang thủy”. TĐTK đã nhầm (hoặc có dị bản?) không phải là tương tư mà là tương cố. Nói hai người tình nhớ nhau (tức là tương tư) mà lại dùng chữ tương tư nữa thì chẳng còn gì ngôn ngữ thi ca. Câu thơ ấy là: “Tương cố bất tương kiến”: nghĩa là từ đầu và cuối sông Tương hai người tình cùng ngoảnh lại nhìn nhau mà không thấy nhau - ấy chính là để nói cái tình cảnh tương tư của họ (lưu ý chữ tương trong câu thơ này không phải là sông Tương ở hai câu trên).

+ Để giúp người đọc cảm nhận câu thơ của Nguyễn Du: “Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô” (câu 1594) TĐTK dẫn câu thơ cổ: “Kim tinh ngô đồng từ cố tri”. Không phải kim tinh (ngôi sao vàng) mà là kim tỉnh (giếng vàng).

3.3.4. Cánh hồng (câu 2970): “Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo”. TĐTK dựa vào Tư Mã Thiên truyện có câu: “Tử hoặc khinh ư hồng mao”, nghĩa là cái chết nhẹ hơn lông chim hồng và giải nghĩa: Tỷ dụ cái chết nhẹ nhàng… tức là lúc (Thúy Kiều) gieo mình xuống sông để chết.

- Xét trong ngữ cảnh hành chức của hình ảnh thơ thì giải nghĩa như vậy là “oan” cho Nguyễn Du. Đây là lúc cha mẹ, người yêu, em ruột nhìn sông Tiền Đường tưởng tượng cảnh Thúy Kiều nhảy sông tự tử. Cánh hồng là tưởng tượng đầy đau đớn, nặng nề và buồn thảm của những người thân.

- Còn trong một ngữ cảnh rộng hơn để xét tự thân cái chết tự tử của Thúy Kiều thì đó là cái chết trong tâm cảnh hết sức đau khổ, hối hận, nặng lòng với lầm lỗi của mình, thương những người thân yêu và thương mình (12 câu độc thoại nội tâm trước khi chết: 2605-2016). Cánh hồng trong tưởng tượng của những người thân yêu là phép tỷ dụ về con người đẹp, con người cao quý ấy đã chết.

3.4.5. Thương: TĐTK nêu 2 nghĩa: 1. Yêu (13 câu) và 2. Đau đớn, đau xót, thương hại.

Thươngyêu là hai tình cảm liên quan nhưng không phải là một. Có khi từ thương cũng để chỉ tình yêu. TĐTK dẫn các câu thơ để giải nghĩa đã có sự lầm lẫn: Thúc ông thương Kiều: “Thương vì hạnh…” (câu 1469), mụ quản gia thương Kiều (câu 1748), vãi Giác Duyên thương Kiều (câu 2040)… không cùng nghĩa với thươngyêu của tình yêu trai gái: Kiều nói với Thúc Sinh: “Thương nhau xin nhớ lời nhau” (câu 1515), Kim Trọng nói với Kiều: “Thương nhau sinh tử đã liều” (câu 3169). Không thể đặt hai loại từ thương ấy vào cùng nghĩa 1: yêu.

 

Chủ thích:

(1), (2), (5). Đào Duy Anh - Lời đầu sách, Từ điền Truyện Kiều, Nxb Phụ nữ, 2007.

(3), (4). Theo Đào Thế Hùng - Lời giới thiệu, Từ điền Truyện Kiều, s.đ.d.

(6). Dẫn theo Trần Đình Sử tuyển tập, tập 1, Nxb Giáo dục, 2005, tr.79.

Lê Văn Tùng

 

                                                                       

. . . . .
Loading the player...