01-08-2024 - 04:15

Từ hiện thực đời sống đến những trang bút ký

Tạp chí Hồng Lĩnh số 215 tháng 7 trân trọng giới thiệu bài viết “Từ hiện thực đời sống đến những trang bút ký” của nhà thơ Lê Thành Nghị

Cách đây chưa xa, tôi được “tháp tùng” nhà thơ Lê Văn Vỵ một chuyến đi tới miền đất dọc hai bờ sông Ngàn Phố huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đấy là chuyến đi nhiều kỷ niệm. Dễ có đến mấy chục năm rồi, tôi mới có dịp trở lại, nên tất cả trở nên ngỡ ngàng, xa lạ. Hai bờ sông Ngàn Phố khi thì mịt mờ trong màn mưa, khi lại hiện ra xanh ngút ngàn những đồng cỏ, những vạt mía, những triền rừng phòng hộ, những trang trại bề thế... Hình khe thế núi thoắt ẩn, thoắt hiện theo cơn mưa chợt đến, chợt đi ngoài cửa xe. Vừa cầm lái, Lê Văn Vỵ vừa say sưa kể về những miền đất giàu tiềm năng, những con người giàu ý chí, những món ngon mê hồn, kể cả những bóng dáng mỹ nhân đầy quyến rũ không chỉ dọc hai bờ sông Ngàn Phố, mà còn ở những miền đất anh đã trải qua. Những câu chuyện vui buồn chưa kịp cũ, thì hôm nay tôi lại bắt gặp trong tập bút ký Hoa sim Đồng Lộc* còn thơm mùi mực in của anh. Hóa ra, Lê Văn Vỵ đã thuộc nằm lòng những chất liệu kia. Chỉ cần ngồi vào bàn là câu chữ hiện lên, con người hiện lên, thân phận hiện lên...và tấm lòng người viết hiện lên.

Cảm nhận của tôi là: nhà báo, nhà giáo, nhà thơ Lê Văn Vỵ tuy đang sống một cuộc sống bận rộn nhưng đã không hề bỏ quên một thứ gì, ít nhất là những điều anh thấy quan trọng đối với người đọc. Những chi tiết đời sống ấy đã ghim vào trí nhớ của anh, trăn trở, cựa quậy trong câu chữ, rồi bật ra những vấn đề của chính đời sống, thiết thân và nóng bỏng, khi thì ở dạng thức một câu hỏi mang tính phản biện, khi thì trong dạng thức một khẳng định thực tại, khi thì trong dạng thức “thì tương lai” mà cuộc sống cần hướng đến.

Hãy nghe anh nói về “phận cỏ”. Hương Sơn là vùng bán sơn địa chăn nuôi với quy mô hàng vạn con bò sữa, dê, hươu...hàng trăm trang trại, hộ nuôi lớn nhỏ. Để chăn nuôi phát triển không thể không trồng cỏ. Nhưng từ bỏ trồng lúa để lấy đất trồng cỏ là một cuộc vật lộn trong ý thức của người nông dân, vì từ ngàn xưa cỏ chưa bao giờ nuôi sống họ. Biến cỏ thành hàng hóa, mạo hiểm và liều lĩnh dẹp bỏ cây lúa sang một bên để tích tụ ruộng đất trồng cỏ buổi đầu là một “cuộc cách mạng” trong nhận thức. Lê Văn Vỵ đứng về phía những người mạo hiểm. Anh biện luận nồng nhiệt cho việc đưa “phận cỏ” lên vị trí sống còn, nếu muốn đột phá, thay đổi cuộc sống theo hướng “làm ăn lớn”: Trồng lúa khổ từ khi cắm dảnh mạ xuống ruộng đến khi đưa hạt thóc về. Còn trồng cỏ, không lo mưa nắng, lũ lụt, mà hiệu quả lại cao gấp 20 lần so với lúa (Phận cỏ, tr.31). Sau khi viện dẫn hàng chục hộ nông dân phát đạt vì chuyển hướng trồng cỏ, tác giả bài bút ký dẫn người đọc tới một viễn cảnh: Miên man với cỏ, tôi liên tưởng tới nước Anh thế kỷ XVII. Có phải lịch sử đã không bất ngờ khi ghi công những cánh đồng cỏ là cội nguồn để phát triển nền công nghiệp nước Anh mà bắt đầu bằng việc phát triển đàn cừu để lấy nguyên liệu phục vụ cho nghành công nghiệp nhẹ sản xuất hàng hóa tiêu dùng. Cho nên tôi đủ lý do để hy vọng những cánh đồng cỏ hai bên bờ sông Ngàn Phố một mai không xa sẽ làm nẩy sinh nghành công nghiệp chế biến thực phẩm hay giày da xuất khẩu...(Phận cỏ. Tr. 33). Tương lai ấy đang được “hiện thực hóa” hàng ngày!

Từ cỏ đến hoa. Anh chọn hoa sim Đồng Lộc: Trên mảnh đất mưa bom, bão đạn, chết chóc rình rập tưởng không thể có gì sống được, ấy vậy mà những người dân bám đường, bám đất với sim, mua hoang dại không hề bị hủy diệt (Hoa sim Đồng Lộc. Tr. 126). Tưởng không cần phải nhắc lại mảnh đất ngã ba từng có thời nóng bỏng nhất hành tinh ấy; Tưởng cũng không cần nhắc lại “màu tím hoa sim” hoang dại kia, vừa là sức sống, vừa là sức bền, vừa là tình nghĩa thủy chung, vừa là màu sắc lãng mạn mạnh hơn cả cái chết... của một thời đạn lửa. Sim mua bạt ngàn đất Đồng Lộc mọc lên từ máu lửa, từ bom đạn chết chóc nên cánh hoa không phơn phớt hồng mà thắm hồng; không mơ tím mà tím bầm, tím thẫm. Nhụy hoa không nhợt nhạt vàng, mà vàng cháy lửa (Tr.134), vừa ngụy trang che mắt kẻ địch, vừa góp phần san lấp hố bom. B52, F105, bom tấn, bom tạ, rốc két, pháo sáng cùng với các phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại của đế quốc Mỹ ngày đêm thi nhau trút xuống mấy cây số vuông này, nhưng thua cây sim hoang dại, vô danh mỏng manh Đồng Lộc.  Hoa sim nhắc ta về mười cô gái... lên tuyến giữa bom đạn ác liệt, đối mặt với chết chóc, ấy vậy mà vẫn không quên ngắt hoa sim cài lên mái tóc..., ao ước hòa bình trở lại về quê chăn trâu cắt cỏ, mùa hè lên núi Nầm hái sim...(Hoa sim Đồng Lộc. Tr.130). Đấy là lời khẳng định về một quá khứ chưa xa. Có gì đó rất đỗi giản dị như sim, như mua trong tâm hồn của các cô gái mười tám, đôi mươi anh hùng kia, nhưng lại vô cùng lớn lao như cái cách Thánh Gióng phút làm xong công việc, thanh thản bay về trời!

Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Với sự trắc ẩn tâm linh về sự linh thiêng của Mười trinh nữ, nhận thấy loài hoa sim hoang dại kia đầy tiềm năng, một dự án đang hình thành tại đây với ý tưởng biến mảnh đất bom đạn này thành một nơi trang trại trồng sim và các đặc sản từ cây sim, kết nối với du lịch tâm linh. Một ý tưởng vùa độc đáo, vừa táo bạo. Có điều gì thành công trên trần gian này nếu không độc đáo và táo bạo?

Quả thật, Lê Văn Vỵ nói về cỏ, về hoa nhưng chính là để nói con người: những người trồng cỏ với một niềm tin đưa quê hương vào công cuộc làm ăn lớn; những người yêu hoa sim luôn sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình cho Tổ quốc, và người đến sau với quyết tâm biến hoa sim thành hàng hóa phục vụ đời sống. Con người trong sự quan sát của Lê Văn Vỵ thường khi là những công dân bình thường rất dễ bị lướt qua, bị lãng quên trong cuộc sống hàng ngày. Phát hiện ra vẻ đẹp của những con người vỹ đại không khó, phát hiện ra vẻ đẹp của những người bình thường đòi hỏi một nhân sinh quan khác thường. Ông Hợi chỉ là một bác bảo vệ kiêm đánh trống trường làm công ăn lương nhưng tâm hồn thật đẹp. Những hồi trống báo hiệu vào học, ra chơi…của ông suốt mấy chục năm không hề sớm một giây, chậm một giây tưởng là đơn giản nhưng duy trì được như vậy phải là người có tinh thần trách nhiệm cao. Nhưng cao hơn cả điều đó, người đánh trống trường kia mang trong tim mình trái tim của một nghệ sỹ: hình như, đánh trống với ông là thời khắc chơi nhạc. Khuôn mặt ông tươi lên rạng rỡ. Ông dạng chân, xoay mặt trống, mắt nhìn ra cổng, rồi gõ nhẹ dùi lên mặt trống như dạo nhạc, đoạn mới thong thả vung dùi trống lên. Mười tiếng trống đầu thong thả, chờ cho âm thanh lan tỏa, ông mới tiếp tục tiếng khác. Nhưng đến nửa hồi sau lại giục giã, gấp gáp báo hiệu cho những học sinh còn la cà nhanh chân đến lớp. Khi ba tiếng trống đến trường vừa dứt, ông gác dùi trống lên tủ, rồi mở cổng đón học sinh đến trường (Tr.49). Và cao hơn cả một người có trái tim nghệ sỹ, ông Hợi là nhà giáo dục chân chính, là người không chỉ duy trì nề nếp của ngôi trường, mà còn là tấm gương soi về tác phong, nhân cách cho mọi học sinh, mọi thầy giáo mỗi khi bước đến cửa trường. Quả thật, hồi trống kia như vừa qua khúc dạo đầu quyến rũ, đến những cao trào mê đắm, rồi kết thúc trong giai điệu lan tỏa, thanh thản như một bản đàn vừa rung ngân những nốt nhạc cuối cùng!

Hương Sơn Hà Tĩnh có hàng ngàn hộ nuôi hươu. Nhưng Lê Văn Vỵ chú ý đến một người trong số họ. Đó là Huân có biệt danh là Huân Hươu! Huân đang có gia đình và cuộc sống ở Hà Nội ổn định. Nhưng anh quyết định cùng vợ về quê mở trang trại nuôi hươu, dù biết nghề nuôi hươu bấy giờ đang lên xuống thất thường. Lê Văn Vỵ cho rằng đấy là một quyết định cân não (Tr. 57) đối với người trẻ tuổi. Quả thật Huân phải vượt muôn vàn khó khăn, phải đi sâu tìm hiểu đặc tính của loài hươu, từ thiết kế chuồng trại khoa học, từ nghiên cứu phối giống, nghiên cứu thức ăn, đồ uống cho con hươu, đến ứng dụng công nghệ, đến nghiên cứu chất lượng sản phẩm, thiết lập các mối quan hệ thời đại internet, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, rồi đạo tạo người chăn nuôi hươu theo hình thức trực tuyến… Rất nhiều công đoạn khó khăn của một cuộc “vật lộn” mà nếu không có sức trẻ, không có sự “liều lĩnh”, không có hoài bão, ý chí, và không có sự ứng xử văn hóa doanh nghiệp… sẽ không thể đi đến đích. Huân là hình ảnh người nông dân mới có kiến thức chuyên sâu, có nhiệt tình tuổi trẻ, có tư duy làm giàu chân chính, sẵn sàng đương đầu với khó khăn và vượt qua tất cả với bản lĩnh của một “thủ lĩnh”, trở thành người chiến thắng. Chính vì lẽ đó, nhân ngày Doanh nghiệp, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã vinh danh Công ty CP, sản xuất thương mại nhung hươu Việt và cá nhân Nguyễn Khắc Huân là tấm gương tiêu biểu cần lan tỏa và nhân rộng (Tr.67).

Xin dẫn thêm một “nhân vật” nữa của tập bút lý. Đó là anh Học. Nếu như bác Hợi đánh trống trường, Nguyễn Khắc Huân chí lớn nuôi hươu, chị Diệu Tâm, cô Thanh Huyền độc đáo với dự án hoa sim Đồng Lộc, cũng như nhiều nhân vật khác của các làng nghề, các đặc sản vùng quê... vừa táo bạo vừa thiết thực, nhân vật “lãng mạn” nhất của tập bút ký, có lẽ là anh Học ở xã Phúc Trạch, người mười năm ngậm ngải tìm trầm đi cội. Trầm hương vốn là đặc sản quý giá của núi rừng, nhưng để có được thứ đặc sản này ai cũng biết nhiều khi phải đổi bằng tính mạng. Lời kể của người trong cuộc: Gần mười năm đi cội trầm mô nỏ thấy chỉ thấy ốm đau. Tuổi thanh niên cường tráng mà số rét xanh xao vàng vọt. Thỉnh thoảng lại nghe tin ông này, anh nọ bị trúng đạn phỉ, bác kia ở xã bên lạc đường, suýt chết, hay anh bạn bị lũ cuốn trôi. Toàn là những chuyện kinh hoàng…(Tr. 154). Nhưng chính mùi hương trầm ngào ngạt kia đã đánh thức giấc mơ lãng mạn trong anh. Thức cũng như ngủ, em đều mơ về khúc trầm đen nhánh, thơm lừng (Tr.154). Một giấc mơ lãng mạn chỉ có thể có được cất lên từ hiện thực khắc nghiệt kia. Anh quyết định trồng cây trầm, hàng ngàn cây. Thành viên của công ty ngoài những con người đam mê là hàng vạn con côn trùng đục thân đang ngày đêm làm ra hương vị tự nhiên của trầm hương. Một giấc mơ táo bạo và lãng mạn của những con người quyết chí làm giàu bằng ý chí, bằng đôi tay, bằng trí tuệ và bằng cả tâm hồn của mình!

Trong tập bút ký Lê Văn Vỵ có bốn bài viết khá “phiêu” về hồ Kẻ Gỗ, hồ Ngàn Trươi. Người đọc đặc biệt lưu ý đến những chi tiết về cái đẹp mê hồn bồng bềnh mây trắng trên mặt hồ núi non khoác màu non tơ, mây mỏng mềm tơ lụa, khi là là mặt hồ lãng đãng sương khói, khi quàng khăn voan mỏng lên bốn bề núi non điệp trùng (Tr.158). Nhưng để có cái đẹp huyền ảo kia, để có hàng trăm triệu mét khối nước tưới tắm cho những cánh đồng khô hạn kia, biết bao mất mát mà con người đã “trả giá”. Lúc này những con thuyền của du khách có thể đang lướt trên mặt hồ xanh thơ mộng. Nhưng dưới làn nước xanh kia đã từng là làng xóm, nhà cửa, cây vườn, trầm tích của thời gian, thậm chí có cả một sân bay mi ni hồi chiến tranh và còn cả mồ mả của nhiều thế hệ vì đất này nằm xuống. Nhớ ngày bầu đoàn thê tử dời đi nhường chỗ cho công trình thủy lợi là nhường không gian sinh tồn đã gắn bó với cả cuộc đời. Ra đi, đến vùng tái định cư… không chỉ chia tay rừng núi mà còn bỏ lại đất hương hỏa cha ông, bỏ lại những vườn cây ăn quả đã thấm bao mồ hôi nước mắt, ôm theo không chỉ những vật dụng cần thiết cày, bừa, cuốc, hái nồi niêu xoong chảo mà cả hài cốt cha ông (Tr.107, 108). Một sự hi sinh lớn lao của cả người đang sống và người tưởng đã yên giấc ngàn thu! Nhưng người đời thường nói: không gì là không thể! Hồ Kẻ Gỗ, hồ Ngàn Trươi đã phát huy tác dụng không chỉ để du lịch, săn mây, không chỉ để bọn lâm tặc hết đường phá hoại, không chỉ làm cho thiên nhiên đang mời gọi hàng trăm loài muông thú, chim chóc về chọn đất lành chim đậu, mà còn tích trữ, bảo vệ nguồn nước, cung cấp cho hàng vạn héc ta lúa đang khô nghẹn trong gió Lào. Nước trong xanh ăm ắp xuôi kênh, như máy điều hòa tự nhiên khổng lồ làm dịu đi oi bức. Tháng 6, những hàng chuối trong vườn, những sim mua hai bên đường vẫn tươi xanh…, những cánh đồng bây giờ năm hai vụ, năng suất đạt trên 5 tấn/ ha… hạt lúa căng mẩy, hạt gạo thơm, dẻo. Thương hiệu không phải bỗng dưng mà có! (Tr. 111)…

Gấp cuốn sách lại, có cảm giác như vừa mới chia tay những con người rất đáng khâm phục, những bác Hợi, anh Huân, anh Thọ, anh Học, cô Thanh Huyền, chị Diệu Tâm… và rất nhiều gương mặt khác đang ngày đêm lăn lộn trên mảnh đất đầy gian nan thử thách. Họ đang cùng với chính quyền từng bước tháo gỡ khó khăn, từng bước khẳng định bản lĩnh của mình trên mảnh đất quê hương vốn vô cùng khắc nghiệt. Nhưng họ cũng đang cần được chính quyền các cấp tiếp tục tạo điều kiện để biến giấc mơ làm giàu chân chính của mình thành hiện thực vững bền!

Tôi đã “cưỡi ngựa xem hoa” qua tập bút ký giàu sắc hoa, giàu chất đời sống, giàu chất thơ của Lê Văn Vỵ. Bạn có thể cảm nhận những gì Lê Văn Vỵ viết đến trong tập bút ký này khác tôi. Nhưng chắc chắn bạn sẽ lưu lại trong tâm trí những gương mặt không quên của công cuộc chuyển đổi làm ăn lớn của nông thôn Hà Tĩnh hôm nay, chắc chắn bạn sẽ không quên những cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ, những cảnh đẹp mà bàn tay con người góp phần tạo nên, chắc chắn bạn sẽ lưu giữ những dư vị quyến rũ của nhiều đặc sản… được viết đến trong cuốn sách này.

Lê Văn Vỵ là cây bút chịu đi và nhanh nhạy. Bởi vậy nên cái “tạng” của anh rất hợp với thể loại bút ký, một thể loại đòi hỏi sự hiểu biết hiện thực, biết phát hiện vấn đề của cuộc sống, biết “phản biện” và cỗ vũ cái mới đang nhen nhóm trong hình thức của cái cũ, biết chắp cánh cho những mơ ước của người đọc trước sự ngổn ngang của thực tại. Nếu mỗi khi cảm thấy hiện thực đời sống đang có phần u ám, chất thơ từ ngòi bút của anh liền xuất hiện như thêm một “đôi cánh bay” có thể làm dịu nhẹ trạng thái tinh thần của người đọc. Chắc chắn anh sẽ còn có nhiều bài viết như thế nữa về cuộc sống hôm nay của chúng ta./.

Tháng 7, năm 2024

L.T.N

________________

* Hoa sim Đồng Lộc, Nxb Hội Nhà văn, năm 2024

. . . . .
Loading the player...