Kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2021). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Từ mái nhà đến mái ấm” của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú
Trong cuộc đời của con người ai cũng có một gia đình, một mái nhà nơi ta sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của người thân. Mái nhà tuy có chất liệu khác nhau như: Mái tranh, mái ngói, mái bằng nhưng mái ấm có chung một bầu khí quyển tình cảm gia đình là chiếc nôi đầu đời hình thành, giáo dục và nuôi dưỡng nhân cách. Bác Hồ kính yêu sinh thời đã từng căn dặn: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Xã hội tốt đẹp thì gia đình mới tốt, hạt nhân xã hội là gia đình”.
Ngày gia đình Việt nam (28-6) là một ngày lễ tôn vinh gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có cha mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. Gia đình - Hai tiếng thiêng liêng ấy luôn ghi sâu vào tâm khảm mỗi con người Việt Nam. Gia đình mang tính liên kết chặt chẽ quan hệ máu thịt giữa các thành viên trong nhà. Nhà thơ Chế Lan Viên đã có câu thơ rất hay: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ - Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Nhà thơ Nguyễn khoa Điềm cũng từng viết bài thơ nổi tiếng: “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”. Ngọn lửa ấy có thể bắt đầu từ một chái bếp có ngọn lửa ủ hơi ấm ổ rơm, có cái vại đựng cà, có lọ tương kho cá. Ngôi nhà ấm nồng hương vị rất riêng có cả vị đồng, vị ruộng, có cả vị ấm của trầu cay. Và những ngày trở trời, trái gió, siêu thuốc của mẹ lại ấp úng sôi, tỏa ra hương vị cỏ cây của lá bạc hà, của rau kinh giới của vị sả nồng xua đi cơn cảm sốt. Trong vườn nhà bao giờ mẹ cũng dành một khoảnh đất nhỏ để trồng để chăm bón các loại cây vị thuốc dân dã tỏa ấm lòng chăm con lớn lên thân thể khỏe mạnh. Và chính mẹ lại ru con bằng những điệu ca dao, dân ca chắt lọc những chiêm nghiệm cuộc sống đời thường để bồi đắp phần hồn bởi “Mẹ là đất nước tháng ngày của con” (Trần Đăng Khoa)...
Dân gian có câu: “Đàn ông xây nhà - đàn bà xây tổ ấm”. Ngôi nhà thơ ấu do bố dựng nên, cất lên mang dáng vóc cột kèo ăn mộng vào nhau mà bền mà chắc. Cấu trúc rường cột của ngôi nhà cũng như khí chất mạnh mẽ của bố với những nét mực gỗ thẳng băng, những khớp gỗ chắc kín tạo ra cái bền vững của một phong thái đàng hoàng chững chạc. Nhưng hai mái nhà, tôi lại hình dung như đôi cánh của mẹ che chở. Gỗ xoan ngôi nhà được bố ngâm kỹ dưới lớp ao bùn không mối mọt dẻo dai thì mái tranh lại được mẹ chắt chiu từng sợi rơm vàng chuốt qua bao sương gió đời người mảnh mai mà khi xếp lớp vào nhau lại bền chặt. Ngọn lửa ấm của ngôi nhà được nhen nhóm và giữ gìn qua bao thế hệ dòng họ. Ngọn lửa ấy là truyền thống hiếu học là đùm bọc yêu thường từ nhà ra làng, từ làng ra nước. Nhà thơ Y Phương trong bài thơ “Nói với con” phong cách nói của người miền núi: “Người đồng mình thô sơ da thịt - Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con - Người đồng mình tự đúc đá kê cao quê hương”. Kê cao quê hương là một tầm nhìn, một thế đứng bắt đầu từ ngôi nhà nhỏ, viên đá nhỏ của mình. Gia đình tổ ấm yêu thương ấy thật dung dị và vị tha như nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết trong bài thơ “Mẹ của anh” khi nói về mối quan hệ mẹ chồng với nàng dâu: “Mẹ không ghét bỏ em đâu - Yêu anh, em đã là dâu trong nhà” để rồi bất ngờ chị nhận ra một mạch nguồn yêu thương lớn lao vượt lên mọi điều nhỏ nhặt thường ngày, một vẻ đẹp nhân hậu từ mái ấm tỏa sáng rạng ngời: “Chắt chiu từng những ngày xưa - Mẹ sinh anh để bây giờ cho em” .
Ngọn lửa ấm của hạnh phúc gia đình dành nhiều cho trẻ nhỏ. Bởi tiếng nói cười ríu rít bi bô của tuổi biết lẩy biết bò, chập chững bước đi như những sợi len ấm áp thêu dệt mọi người lại với nhau thành tấm áo tổ ấm gia đình thân thiết. Đây là bầu khí quyến bình an trong sáng đầu đời đã nâng đỡ bồi đắp hình thành những tính cách, phẩm chất tình cảm con người từ ấu thơ. Trong xã hội hiện đại ngày nay, gia đình không phải là môi trường duy nhất giáo dục trẻ em. Ngoài gia đình, các em còn nhiều ảnh hưởng các môi trường giáo dục khác như nhà trường, nhóm bạn bè, các phương tiện thông tin nhất là mạng xã hội đang có nhiều cơ hội chực len vào làm lỏng lẻo tính gắn bó của mối quan hệ mọi người trong nhà. Thì ngày gia đình Việt Nam đã gắn chặt lại lan tỏa việc hình thành và phát triển xã hội góp phần tô thắm làm rạng rỡ bản sắc văn hóa dân tộc, là nơi giữ gìn vun đắp phát huy những giá trị truyền thống quý báu của người Việt được lưu truyền qua gia phong của các dòng họ và truyền thống lịch sử đất nước.
Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và là nơi tình yêu không bao giờ vơi cạn là nơi nương náu bình yên cho ta trở về. Nhớ sao những ngày tết Nguyên Đán cổ truyền dân tộc với bữa cơm tất niên chiều 30 tết hay bên nồi bánh chưng lục bục sôi trong đêm giao thừa là những mái đầu, màu tóc các thế hệ chụm lại với nhau bên bếp lửa. Trong những ngày đại dịch Covid-19 mỗi gia đình là một “pháo đài” bảo vệ thành trì chắc chắn dù có khi phải “cách ly” nhưng không thể “cách lòng” cùng nhau chung sức đẩy lùi dịch bệnh từ “Vắc - xin ý thức” với cộng đồng và “Vắc - xin yêu thương” của mỗi mái ấm gia đình đã truyền sức mạnh lớn lao để miễn dịch. Từ mái nhà đến mái ấm chính là những mong ước, kỳ vọng và khát khao. Đó là cái nôi êm bồi đắp phát triển thể chất, phong phú tâm hồn mỗi con người là nền tảng khởi đầu tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước, bởi: “Ngôi nhà mẹ là chiếc ga bé nhỏ - Cùng con đến và đi trong suốt cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh)
Hà Tĩnh, ngày 25 tháng 6 năm 2021
N.N.P