28-03-2024 - 07:16

Tùy bút ƠI CON SÔNG NGÀN PHỐ của Tác giả Phạm Anh Hoài

Tạp chí Hồng Lĩnh số 211 phát hành tháng 3/2024 trân trọng giới thiệu Tùy bút ƠI CON SÔNG NGÀN PHỐ của Tác giả Phạm Anh Hoài

phạm anh hoài

ơi con sông ngàn phố

                                                                                                                Tùy bút

Tôi không được sinh ra bên dòng sông Ngàn Phố hiền hòa nhưng tuổi thơ tôi đã có những năm tháng ngụp lặn sáng chiều ở đó. Giấc ngủ còn chập chờn đã nghe tiếng lịch xịch neo buộc của những chuyến đò ngang chở đầy mưa nắng cuộc đời. Mắt mở ra là nước sông màu hồ thủy, là những con sóng lăn tăn vỗ nhẹ những mạn thuyền vạn chài, cả khoảng trời riêng của tôi của tôi nữa - vạt hoa cải vàng rực nắng ấm mùa thu… Nhưng có một điều tôi muốn mà chưa bao giờ được thấy, ấy là dòng sông màu tím…

Khi đã thành khách lãng du khắp phương trời, trong những nỗi nhớ xa xăm, dòng sông thường trở về giữa lòng tôi trong dáng hình vậm vạp và dờn dợn màu hồ thủy pha lẫn màu xanh lục của những đám rong rêu… Sau này khi đọc hồi ký của cha tôi, tôi mới biết rằng Ngàn Phố có lúc còn là một dòng sông màu tím.

Ngàn Phố bắt nguồn từ đỉnh cao nhất của dãy Giăng Màn, vượt qua bao ghềnh thác cheo leo, bao vách đá trơ lỳ, hiểm trở và làng mạc, xóm thôn để hợp lưu với Ngàn Sâu ở bến Tam Soa. Trong chuyến đi ấy, sông trôi đi hối hả và biến đổi không ngừng với khúc rộng, khúc hẹp, khúc nông, khúc cạn để đến làng tôi thì mênh mang, êm đềm, chậm rãi như thể nuối tiếc một điều chi. Phải thế không mà ở đó, cha tôi đã bắt gặp hình ảnh đầy lãng mạn ấy…

Dòng sông màu tím. Đó hẳn là màu tím xanh, là sự pha trộn của những áng mây chiều, của bóng núi, của ráng chiều tím đỏ, trong đó có lẽ còn có cả khí phách nghĩa quân Lê Lợi in dấu Thành Lục Niên, có bóng dáng những cuộc đời lam lũ sớm trưa đi về trên sông nước… Thơ mộng thế, đẹp đẽ thế mà sao tôi chưa một lần thu nhận? Suốt những tháng ngày ngụp lặn trên sông tôi đã ở đâu khi dòng sông màu tím? Chắc hẳn nó không chỉ đến một lần trong sự bắt gặp của cha tôi? Những câu hỏi có phần trách cứ bản thân cứ xoáy vào tâm thức tôi mỗi lần nghĩ về dòng sông quê.

Cha tôi từng viết: “Khi mẹ con tôi về đến bến sông thì hoàng hôn đã buông màu tím trên mặt nước, ánh hoàng hôn hắt lên gương mặt đẹp và buồn đang nghiêng nghiêng khỏa nước của mẹ, khoảnh khắc đó tôi thấy gương mặt người đẹp lạ kỳ”.

Bà nội tôi thuộc thế hệ đầu của thế kỷ XX. Hưởng trọn đặc ân của thiên nhiên, sông nước, bà sở hữu một gương mặt đẹp, một vẻ đẹp mơ màng với đôi mắt đượm buồn. Chính vẻ đượm buồn ấy đã hắt bóng lên cuộc đời bà. 15 tuổi đã bị gả chồng, từ đó coi như bà không có quãng thời gian mơ mộng của “thì con gái”. 21 tuổi bà sinh hạ đứa con đầu lòng là cha tôi, rồi lần lượt sinh 5 người con nữa, ông tôi sức yếu lại thật thà, thương người nên chẳng phụ giúp được bà là mấy.

Cha chú tôi lớn lên, được học hành hầu như đều từ tay nội, hết kéo xa dệt vải, bà lại gồng gánh bán buôn và có lẽ trong cuộc đời dằng dặc những nỗi nhọc nhằn mưu sinh ấy, con cái là niềm vui duy nhất trong cuộc đời của nội. Hầu như ở quê tôi phụ nữ thời ấy đều sống cuộc đời từa tựa nhau, mấy khi mà ý thức về vẻ đẹp của mình. Bà ngoại tôi cũng thế, cũng đẹp nức tiếng nhưng nỗi cực nhọc mưu sinh cũng như những phiên khúc buồn trong tình duyên đã che mờ vẻ đẹp ấy.

Trên con đường mòn băng qua truông Voi trên núi Thiên Nhẫn sang Nam Đàn, Thanh Chương của phụ nữ Sơn Tân, Sơn Mỹ hồi ấy có những dấu chân nhọc nhằn cả nội và ngoại của tôi. Và hẳn hoàng hôn màu tím cũng đâu chỉ riêng hắt bóng lên gương mặt nội tôi như cha tôi đã nhìn thấy và ghi lại…

Buổi chiều kỷ niệm ấy đã theo cha tôi đi vào chiến trường, người kể, trong những loạt bom đạn ác liệt của chiến trường B và C, hình ảnh dòng sông màu tím cùng gương mặt của mẹ luôn trở về trong ý nghĩ làm lu mờ hết mọi nỗi sợ hãi chết chóc… Trong một niềm tin tâm linh mơ hồ nào đó, tôi tin là dòng sông đã mang cha tôi trở về. Phải thế thì từ đạn bom vần vũ, cha tôi mới vẫn trở về vẹn nguyên để bù đắp nỗi nhọc nhằn cho nội trong những năm tháng cuối đời! Thắc thỏm về dòng sông ánh tím, có lần tôi cũng hỏi các dì tôi xem trong những hoàng hôn ngóng trông bà ngoại từ thâm thẫm Thiên Nhẫn ấy, có khi nào nhìn thấy điều ấy không nhưng tuyệt nhiên tất cả đều lắc đầu. Dẫu vậy, tôi vẫn một mực tin rằng điều đó đã đến, chỉ riêng các dì không đủ tinh tế để nhận biết hoặc giả cũng chẳng hơi đâu mà để ý khi trong lòng còn lo nghĩ về nồi cơm độn ở nhà đã bị các em ăn hết phần cơm. Đó là tôi nghĩ thế!

Năm tháng trôi đi, đất nước bước vào giai đoạn phát triển cũng là lúc chúng tôi được sinh ra. Tuổi thơ tôi lớn lên bên dòng sông yên bình và tươi vui cùng bè bạn. Chẳng có những buổi chiều ngóng mẹ như thế hệ cha, mẹ tôi, chỉ có những sáng tinh sương ra sông gánh nước, những chiều ngụp lặn vui vầy và những trưa theo chân các anh buông cần câu tôm. Ở đó còn có những chiều phai, tôi mơ màng ngồi trên bến nước ngắm nhìn những chuyến thuyền vạn chài thong thả xuôi về Tam Soa.

Kỳ thực có lần tôi đã gần chạm tới dòng sông màu tím trong một giấc mơ giữa thành phố đông người. Nhưng nó cũng giống như mối tình đầu, đã kết thúc bằng sự mơ hồ, dang dở…. Bừng thức sau cơn mơ ấy tôi lại nghĩ về những cậu bé dân chài nước da sạm màu nắng gió. Những chiều muộn ngang qua làng tôi, trong ráng chiều đỏ ối, có cậu bé dân chài đưa tay gối đầu nằm phơi mình trên mái mô liếc mắt nhìn về phía chúng tôi tỏ vẻ bất cần. Khi ấy, tôi chỉ mới được đi đò ngang chứ nào đã một lần bước chân lên thuyền, cũng thèm được nằm như thế, trôi trên sông ngắm bầu trời. Sau này lớn lên tôi mới biết trong ánh mắt đưa ngang ấy ẩn giấu một khao khát mong manh về một bến đỗ, về một làng quê yên bình với mái trường hoa mộng… Và cũng sau này tôi mới tự vấn chẳng biết những cậu bé dân chài ấy có biết về những buổi hoàng hôn nhuộm tím dòng sông hay không. Tôi tin là có. Lam lũ nhọc nhằn có thể lấy mất nhiều thứ khác nhưng sự tinh tế, lãng mạn trong tâm hồn thì không thể. Đôi lần bằng trí tưởng tượng và sự mơ mộng của mình, tôi cũng đã thoáng thấy Ngàn Phố tím mờ trong những ngọn khói lam chiều bay lên từ những con thuyền vạn chài. Nhưng đó cũng không phải là hình ảnh tôi muốn thấy như trong hồi ký của cha.

Cái chi tiết ấy hoàng hôn màu tím ấy cứ đeo bám hoài trong suy nghĩ của tôi. Có khi đó là niềm nuối tiếc, lắm lúc lại là sự hối thúc. Nuối tiếc như thế nó chỉ diễn ra một lần duy nhất. Và hối thúc tôi trở về nhiều hơn để có thể một lần được đứng giữa khung cảnh đó. Nhưng tuyệt nhiên, trong bao nhiêu lần trở lại, lúc yên bình cũng như lúc sóng xô bạc trắng, Ngàn Phố chưa bao giờ hiện hữu trước mắt tôi trong sắc tím hoàng hôn… Thì Ngàn Phố ơi, tôi sẽ còn trở về, bởi biết đâu đó là một lời hò hẹn. Tôi vẫn tin, sắc tím ấy dù lãng du phương trời nào cũng sẽ có một lần hiện hữu giữa đời tôi…

                                                                                                         P.A.H

Một khúc sông quê (ảnh Đậu Bình)

. . . . .
Loading the player...