23-02-2024 - 07:27

Tùy bút XÔN XAO PHÍA ĐẠI DƯƠNG của Nhà thơ Ngô Đức Hành

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Giáp Thìn (209+210) năm 2024 trân trọng giới thiệu Tùy bút XÔN XAO PHÍA ĐẠI DƯƠNG của Nhà thơ Ngô Đức Hành

ngô đức hành

 

xôn xao phía đại dương

 

                                                                                           Tùy bút

Bây giờ nói về lĩnh vực khai thác cảng biển ở Hà Tĩnh, phải gọi chính xác là khu vực cảng biển Hà Tĩnh, bởi ngoài cảng Lào - Việt đã có thêm nhiều cảng mới, từ xăng dầu, than đá....; đặc biệt phải nói đến cảng biển Formosa. Tuy nhiên, Cảng Vũng Áng, nay ta thường gọi nôm na là “Cảng Việt Lào” vẫn là “biểu tượng” của một thời Hà Tĩnh muốn vươn ra biển làm ăn, đón những con tàu vận tải biển từ khắp nơi đến Hà Tĩnh làm hàng.

Cảng biển này còn là “biểu tượng” của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Lào. Biểu tượng của quan hệ đặc biệt từ trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ở mỗi nước, cho đến thời khát vọng thịnh vượng, của hôm nay.

Cách đây 14 năm Chính phủ hai nước ký Nghị định thư ký ngày 6/12/2020 về thực hiện Hiệp định hợp tác đầu tư phát triển bến cảng 1, 2, 3 của cảng Vũng Áng. Đó hẳn là “dấu mốc” quan hệ Việt - Lào ở “Thế kỷ đại dương”. Cảng Vũng Áng xưa được đặt tên mới là Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt, hẳn không phải thiếu ý nghĩa. Từ “Lào” lên trước từ “Việt”, hẳn không phải là không có ý tứ?

Hà Tĩnh thuận lợi về nhiều mặt, có đủ điều kiện để tăng cường hợp tác với các tỉnh của Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Ngược lại, các bạn Lào có “cửa ra biển”. Mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế là, những năm gần đây, Hà Tĩnh đã tăng cường hợp tác với các tỉnh của Lào trên các lĩnh vực, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới. Hằng năm, Hà Tĩnh và các tỉnh Bôlykhămxay, Khăm Muộn tổ chức các hội nghị cấp cao luân phiên; tổ chức các đoàn thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực.

- Năm 2023 có đến 3.500 lượt tàu với tổng trọng tải 46.543.172 DWT; hàng hóa thông qua cảng biển Hà Tĩnh đạt hơn 31 triệu tấn, trong đó hàng xuất khẩu hơn 8 triệu tấn, hàng nhập khẩu gần 15,5 triệu tấn, hàng vận chuyển phục vụ nhu cầu nội địa hơn 7,5 triệu tấn. 

Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ Hà Tĩnh, cho tôi biết vài con số về tăng trưởng. Anh không quên báo, riêng cảng Việt - Lào vẫn ổn “nhịp độ” 2 triệu tấn hàng hóa thông qua.

Vậy là mừng cho cảng Việt - Lào. Tôi phải nói điều này, cách đây 20 năm, khi hàng hóa thông qua cảng biển Cửa Lò (thuộc Công ty cổ phần cảng Nghệ Tĩnh) đạt mốc 1 triệu tấn hàng hóa thông qua, báo Nghệ An năm đó bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu về kinh tế xã hội của tỉnh. Nói thế để thấy, 2 triệu tấn hàng hóa qua cảng Việt - Lào là cả một nỗ lực khai thác nguồn hàng, chứ không giản đơn. Hàng hóa qua cảng giữa các đơn vị kinh doanh cảng biển cũng đang cạnh tranh nhau quyết liệt. Ngoài vị trí, yếu tố quyết định trên thương trường là giá cước và các dịch vụ khác. Không thể ngồi ỷ lại vào vị trí mà thành công.

Bí thư Hà Tĩnh, ông Hoàng Trung Dũng cho báo giới biết trong một sự kiện năm 2023 là Hà Tĩnh đang tập trung điều chỉnh quy hoạch, thu hút các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Hà Tĩnh chọn lựa ưu tiên các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cảng biển, logistics; đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thu hút các dự án thương mại, dịch vụ, du lịch ven biển.

Đối với dự án nâng cấp tuyến đường số 8, phía Lào cũng đã “gật đầu” về việc thay đổi điểm cuối của dự án là cảng Vũng Áng thay thế cảng Cửa Lò. Tất nhiên, phía bạn còn phải chờ phía Nhật Bản, với tư cách là đối tác cho vay ODA để thực hiện các bước tiếp theo.

Về tuyến đường sắt Thakhek - Vũng Áng, phía Lào đã cơ bản hoàn thành thủ tục hồ sơ, dự kiến ​​sẽ khởi công xây dựng tuyến đường sắt từ Thakhek đến biên giới Lào - Việt Nam vào cuối năm 2022 và dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2025.

Đặc biệt, tập trung thực hiện các nội dung về hợp tác đầu tư phát triển các bến cảng tại Vũng Áng đã được 2 nước ký kết nhằm sớm đạt được kết quả tốt nhất.

- Anh biết vì sao hàng qua Cảng Lào - Việt tăng trưởng cầm chừng không? Giám đốc Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt Nguyễn Anh Tuấn, hỏi tôi.

- Anh chịu, chắc là do Lào cũng khó khăn thời “hậu Covid-19” như mình?

- Do đường. Đường bộ ở Lào đã xuống cấp quá, đặc biệt là đường ở đầu cửa khẩu Na Phao (Chalo - Na Phao) và đường ở đầu cửa khẩu Nam Phao (Cầu Treo – Namphao), đường phía Cửa khẩu Cầu Treo đều đang nâng cấp nhưng chưa xong.

Đúng rồi. Đường sắt, đường bộ, đường biển... phải được kết nối đa phương thức. Đó là yếu tố căn bản, “xương sống” để hình thành nên chuỗi giá trị logistics.

Hệ thống cảng biển Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 là cảng biển loại I thuộc nhóm cảng biển số 2 (nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ) gồm: Khu bến cảng Sơn Dương, cảng Vũng Áng, Xuân Hải, Cửa Sót, bến cảng xăng dầu Xuân Giang.

Trong số này, 2 khu bến cảng Vũng Áng và Sơn Dương có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho nước Lào và Thái Lan, có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí.

Đến nay, khu bến cảng Vũng Áng đã có 4 cầu cảng, bến cảng đã đi vào hoạt động, 5 cầu cảng đang triển khai thi công các hạng mục và các doanh nghiệp đang khảo sát để xin chủ trương đầu tư xây dựng một số cầu cảng khác. Khu bến cảng Sơn Dương hiện đã có 13 cầu cảng được Cục Hàng hải Việt Nam cho phép đưa vào sử dụng.

Khu Vũng Áng quy hoạch đê chắn sóng phía Bắc Vũng Áng có chiều dài 370m, đê phía Tây dài 1.850m. Hiện nay, đã xây dựng được đê chắn sóng phía Bắc có chiều dài 260m, đê chắn sóng phía Tây chưa xây dựng. Với khu Sơn Dương thì bến cảng của Formosa đã quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh hạng mục đê chắn sóng dài 5.243m, còn khu bến dự phòng lọc hóa dầu chưa quy hoạch.

Nhằm tăng hiệu quả khai thác cảng tại Vũng Áng, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phê duyệt quy hoạch Trung tâm Logistics Vũng Áng, đã chấp thuận chủ trương đầu tư vào Trung tâm Logistics Vũng Áng cho Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt; đang xem xét đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn và một số nhà đầu tư khác.

Hà Tĩnh cũng đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét đầu tư nâng cấp quốc lộ 12C đoạn từ Vũng Áng đến Đồng Lê (tỉnh Quảng Bình) để thu hút hàng hóa, hỗ trợ phát triển cảng biển.

Để thuận lợi thu hút đầu tư và xây dựng, khai thác cảng biển Hà Tĩnh, nhất là khu bến cảng Vũng Áng - Sơn Dương, tỉnh đã chủ động đề xuất Bộ GTVT cho phép tỉnh nghiên cứu quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hà Tĩnh, trên cơ sở đó đề xuất Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, tích hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 2, đồng thời trình Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng biển Hà Tĩnh.

Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển đã và quy hoạch chi tiết cảng biển Hà Tĩnh, đã báo cáo đầu kỳ nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050.

Hà Tĩnh đã rất nỗ lực trong việc đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển, đơn cử như việc tỉnh ký “Biên bản ghi nhớ” với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn về việc hợp tác khảo sát, hợp tác đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và Trung tâm Logistics Vũng Áng - Sơn Dương. Từ đây, cảng Vũng Áng đã đón nhiều chuyến tàu container của các công ty là thành viên Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đến xuất/nhập hàng container đi các cảng trong nước. Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ các chuyến tàu container qua cảng Vũng Áng.

Nguyễn Đức Tùng cho biết, hiện đang trong quá trình lập quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Với tư cách là đơn vị quản lý nhà nước về hàng hải ở Hà Tĩnh, Cảng vụ đã tham gia ý kiến nhiều lần vào việc lập Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tất nhiên, quy hoạch cảng biển Hà Tĩnh phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tôi đã từng đứng trên bến số 1 của Công ty cổ phần cảng Lào – Việt, thuở còn mang tên Vũng Áng. Tôi đã nghe hai Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietfracht, Công ty Vận tải Biển Đông mơ ước việc mở tuyến vận tải container qua cảng Vũng Áng. Việc đó, nay Tân Cảng Shipping đã biến thành hiện thực.

Thời gian đã qua với bao thay đổi. Cảng biển khu vực Hà Tĩnh đã xuất hiện quá nhiều đơn vị khai thác cảng biển. Có thể kể ra đây để mừng. Đó là, Cảng nhập than nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I; Cảng Sơn Dương thuộc công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh; Cảng Xuất nhập Xăng dầu - LPG Vũng Áng thuộc Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng; Cảng Vũng Áng thuộc Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt.

Thế mới biết, Hà Tĩnh đã và đang thay đổi. Thế mới biết, phía quê nhà, biển ngày càng xôn xao, cảm xúc. Những cảm xúc có thật, rộng dài về phía đại dương.

                                                                                                 N.Đ.H


Ảnh nguồn internet

. . . . .
Loading the player...