17-04-2024 - 01:58

Vấn đề chọn ngữ liệu cho đề thi Ngữ văn trung học trong chương trình mới

Tạp chí Hồng Lĩnh số 211 tháng 3/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Vấn đề chọn ngữ liệu cho đề thi Ngữ văn trung học trong chương trình mới” của Phan Thế Toàn

Trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Ban hành kèm theo thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chỉ rõ: Đề thi, kiểm tra có thể yêu cầu hình thức viết tự luận (một hoặc nhiều câu); có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan (câu hỏi trắc nghiệm khách quan) và hình thức tự luận (câu hỏi mở) để đánh giá đọc hiểu và yêu cầu viết bài văn về một chủ đề nào đó theo từng kiểu văn bản đã học trong chương trình... Trong việc đánh giá kết quả học tập cuối năm học, cuối cấp học, cần đổi mới cách thức đánh giá (cấu trúc đề, cách nêu câu hỏi, phân giải độ khó,...); sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực của học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học. (Trang 86, 87)

Ngày 21 tháng 7 năm 2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn số: 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu: a) Việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh. b) Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe. c) Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. d) Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn (Hình từ internet)

Từ yêu cầu trên, cho thấy việc ra đề Ngữ văn theo truyền thống không còn phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một vấn đề đặt ra ở đây là chọn ngữ liệu thế nào cho đề thi khi ngữ liệu đó không nằm trong SGK?

2. Lựa chọn ngữ liệu cho đề thi Ngữ văn

Trong đề thi môn Ngữ văn, để đánh giá được các phẩm chất và năng lực học sinh, việc chọn ngữ liệu là một vấn đề quan trọng, nó quyết định đến quá trình học tập, năng lực làm bài, và niền hứng thú của học sinh khi làm bài. Khác với chương trình cũ có thể lấy ngữ liệu từ SGK của học sinh, chương trình mới yêu cầu lấy ngữ liệu ngoài SGK. Vì vậy việc chọn ngữ liệu cần phải cẩn trọng. Thiết nghĩ, để ra được đề văn đúng mục tiêu đánh giá được các phẩm chất và năng lực học sinh, cần phải xác định những tiêu chí lựa chọn ngữ liệu. Chúng tôi đã xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn ngữ liệu cho đề Ngữ văn như sau:

- Ngữ liệu phải đảm bảo tính nhân văn.

Ngữ liệu có giá trị nhân văn là ngữ liệu trong đó thể hiện được giá trị đẹp đẽ của con người, lấy con người làm trung tâm để phản ánh và xây dựng hình tượng, nội dung, mục đích hướng đến. Một văn bản có giá trị nhân văn khi thể hiện được vẻ đẹp của con người qua những giá trị tinh thần như: vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp trí tuệ, tình cảm… Văn bản có tính nhân văn luôn hướng đến khẳng định và đề cao giá trị con người; khẳng định tấm lòng, sự trăn trở của tác giả đối với cuộc sống con người, đồng thời kết nối những giá trị, những con người ở từng thời kỳ khác nhau. Vì những lẽ đó, khi ra đề nên chọn những văn bản có tính nhân văn hướng đến những tình cảm cao thượng như tình cảm gia đình, tình yêu thương con người, thiên nhiên, tình yêu quê hương, tổ quốc, tình yêu đồng loại... Không lựa chọn các văn bản cổ vũ cho bạo lực hay chiến tranh.

-  Ngữ liệu phải đảm bảo tính dân tộc.

Tính dân tộc có thể được hiểu là những đặc điểm nổi bật của cộng đồng con người có chung một lãnh thổ, ngôn ngữ, cách làm việc và quy tắc chính trị trong một lịch sử lâu dài. Về nội dung, dễ nhận thấy tính dân tộc biểu hiện chủ yếu là sự phản ánh “màu sắc” dân tộc về thiên nhiên cảnh vật, đời sống vật chất và tinh thần xã hội. Về hình thức, mỗi nền văn học của mỗi một quốc gia, mỗi một dân tộc lại có những thể loại truyền thống, các phương tiện miêu tả, biểu hiện riêng, đặc biệt có những dân tộc thể hiện bản sắc riêng trong tư duy và tâm hồn. Khi chọn ngữ liệu, cần chọn những văn bản thể hiện các giá trị văn hoá tinh thần của dân tộc; khơi dậy ý thức tự tôn, tự hào về dân tộc.

-  Ngữ liệu phải có tính thẩm mỹ.

Văn bản có tính thẩm mỹ là văn bản có khả năng đem đến cho con người những rung động trước cái đẹp (cái đẹp cuộc sống và cái đẹp của chính tác phẩm). Về nội dung, văn bản đem đến cho con người những vẻ đẹp muôn hình, muôn vẻ của cuộc đời (thiên nhiên, đất nước, cuộc đời, lịch sử...); đi sâu miêu tả vẻ đẹp con người (ngoại hình, nội tâm, tư tưởng, tình cảm, những hành động, lời nói...); có thể phát hiện ra vẻ đẹp của những vật rất nhỏ bé, bình thường và cả vẻ đẹp đồ sộ, kì vĩ. Về hình thức, vẻ đẹp đến từ các yếu tố như kết cấu, ngôn ngữ... Dĩ nhiên, tính thẩm mỹ của văn bản còn thể hiện ở sự hài hòa giữa nội dung và hình thức. Chọn ngữ liệu có tính thẩm mỹ là chọn văn bản phải đảm bảo vẻ đẹp về nội dung và hình thức và nghệ thuật, mang đến mỹ cảm cho con người.

-  Ngữ liệu phải có tính khoa học: Văn bản phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, tin cậy, dễ dàng kiểm tra; tránh sử dụng các ngữ liệu không rõ nguồn gốc, hoặc các ngữ liệu đã có trong các tài liệu tham khảo hoặc các câu hỏi, đề thi ở một số đơn vị, địa phương đã kiểm tra, đánh giá…

-  Ngữ liệu phải có tính phù hợp: Văn bản phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; bảo đảm sự phù hợp của văn bản với yêu cầu phát triển và thời lượng học tập của chương trình; độ dài văn bản cần phù hợp với thời gian làm bài; độ khó của các văn bản tăng dần qua từng năm học…

Trong Chương trình GDPT 2018, đề thi Ngữ văn sẽ ra vào các văn bản ngoài chương trình, vì vậy, cần có một bộ nguyên tắc “dẫn đường” cho việc chọn văn bản làm đề thi tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khi bám vào tiêu chí như triết lý dẫn đường, đề Ngữ văn sẽ an toàn và phù hợp hơn.

3. Xây dựng ngân hàng ngữ liệu cho đề thi Ngữ văn

Việc lựa chọn ngữ liệu cho đề Ngữ văn gây nhiều lúng túng cho không ít giáo viên. Những giáo viên đọc nhiều, hiểu nhiều nhiều khi chọn ngữ liệu còn khó khăn, nói chi đến những giáo viên khác. Vậy xây dựng ngữ liệu cho đề Ngữ văn cần thiết hay không?

Theo chúng tôi, sự cần thiết là: Trong môn Ngữ văn, ngữ liệu đóng vai trò quan trọng, góp phần quyết định chất lượng của đề thi. Một năm học có rất nhiều kì thi, kiểm tra mà giáo viên phải ra đề, mỗi lần ra đề cần có ngữ liệu mới. Như đã nói, ngữ liệu cần đảm bảo các tiêu chí nhất định để đánh giá được phẩm chất và năng lực của học sinh khi làm bài. Không phải lúc nào giáo viên cũng chọn được ngữ liệu phù hợp. Không phải giáo viên nào cũng có khả năng chọn được ngữ liệu tốt để phục vụ cho các đề thi, kiểm tra. Vậy nên việc xây dựng ngân hàng ngữ liệu là cần thiết.

Về việc xây dựng ngân hàng ngữ liệu, chúng tôi rất đồng tình với PGS. TS Đỗ Ngọc Thống khi nêu đề xuất: “Việc xây dựng ngân hàng ngữ liệu mới có nhiều cấp độ: ngân hàng của GV, của tổ bộ môn, của quận/ huyện, của tỉnh/ thành và của Bộ GD&ĐT. Càng cấp lớn hơn thì ngân hàng càng cần phong phú hơn. Về nguyên tắc các văn bản ngữ liệu trong ngân hàng đề ở các cấp độc lập với nhau, nếu có trùng, số lượng cũng không đáng kể. Với GV việc tự mình sưu tầm ngân hàng ngữ liệu để có văn bản rèn luyện cho HS cách đọc, cách viết trong quá trình dạy học. Với cấp trường, cấp huyện/ thị trở lên, ngân hàng này là để phục vụ việc ra đề kiểm tra, nên cần có chế độ bảo mật nhằm bảo đảm công bằng khách quan trong đánh giá” (Dẫn theo https://www.facebook.com/thongdongoc).

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra ở đây là bảo quản ngân hàng ngữ liệu như thế nào? Ngân hàng ngữ liệu phải được bảo mật phục vụ cho các kì thi, kiểm tra và sử dụng trong các kì thi, kiểm tra. Nếu không bảo mật, giáo viên sẽ cho học sinh ôn tập đúng các văn bản có trong các ngữ liệu đã có thì mục tiêu xây dựng ngân hàng ngữ liệu cũng như mục đích kiểm tra không còn đảm bảo nữa. Riêng đối với các nhà trường, ngoài ngân hàng ngữ liệu chung dùng cho việc ra đề thi, kiểm tra, các tổ nhóm chuyên môn có thể xây dựng và chia sẽ cho nhau ngân hàng ngữ liệu khác để phục vụ cho việc học tập ở lớp.

Điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là ra đề Ngữ văn không dùng ngữ liệu trong Sách giáo khoa, đó là một điều cần thiết và hợp lí. Như đã nói, trong môn Ngữ văn, ngữ liệu đóng vai trò quan trọng, góp phần quyết định chất lượng của đề thi, nó không chỉ đảm bảo đúng mà còn phải đáp ứng được yêu cầu đánh giá được phẩm chất, năng lực của người học. Với kinh nghiệm của một giáo viên dạy Ngữ văn, và kinh nghiệm của một người đã nhiều năm ra đề thi cho Sở GD&ĐT, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số đề xuất chọn ngữ liệu cho đề thi Ngữ văn để đồng nghiệp tham khảo. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẽ của đồng nghiệp.

P.T.T

. . . . .
Loading the player...