02-04-2020 - 13:02

VĂN HỌC DU KÝ CỦA CÁC TÁC GIẢ TRẺ

Thời đại của khoa học, công nghệ, thông tin phát triển, thế giới phẳng, những con đường học tập, tiếp thu tri thức rộng mở. Sự tiếp xúc với những nền giáo dục lớn và môi trường văn hóa đa dạng trên khắp thế giới đang dần dần tạo ra một thế hệ tự tin, năng động, bản lĩnh, tự chủ, có tri thức, có ngoại ngữ và độc lập trong suy nghĩ, hành động. Môi trường rộng mở này cũng tạo điều kiện cho họ phát huy hết những khả năng tiềm ẩn của mình, trong đó có khả năng sáng tạo văn học. Hầu hết các tác giả trẻ đều là những cây bút không chuyên, họ không chọn viết văn làm nghiệp chính nhưng đều có khả năng Viết. Đi, Thấy, Nghĩ và Viết gần như là nhu cầu tự thân, là một cách thể hiện và truyền cảm hứng

       Có một thể loại văn học phát triển khá rầm rộ trong khoảng dăm bảy năm trở lại đây, được người viết trẻ ưu tiên lựa chọn và người đọc trẻ nồng nhiệt đón nhận, sách được xuất bản và tái bản liên tục, con số phát hành khá ấn tượng, đó là du kí. Có thể điểm qua những đầu sách đã phát hành: Nước Ý câu chuyện tình của tôi (Trương Anh Ngọc, XB Thế giới 2012), Đảo thiên đường (DiLi, Nxb Văn học, 2012), John đi tìm Hùng (Trần Hùng John, 2013), Tôi là một con lừa (Nguyễn Phương Mai, Nxb Hội nhà văn 2013), Xách ba lô lên và đi (Huyền Chíp, Nxb Văn học, 2013), Venise và những cuộc tình gondola (Dương Thụy, Nxb Trẻ 2013), Một mình ở châu Âu (Phan Việt, Nbx Trẻ, 2013), Con đường Hồi giáo (Nguyễn Phương Mai, Nxb Hội nhà văn, 2014), Quá trẻ để chết, hành trình nước mỹ (Đinh Hằng, Nxb Hội nhà văn, 2015), Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanfort (Huyền Chip, Nxb Hà Nội, 2016), Bánh mì thơm, cà phê đắng (Ngô Thị Giáng Uyên, Nxb Trẻ, 2016), Chân đi không mỏi (Đinh Hằng, Nxb Hội nhà văn, 2016), Hạt muối rong chơi (Nguyễn Phan Quế Mai, Nxb Phụ nữ, 2016), Và tuyết đã rơi ngoài cửa sổ (DiLi, Nxb Hội nhà văn 2017), Dưới nắng trời châu Âu (Hoàng Yến Anh), Tôi là một con lừa (Nguyễn Phương Mai), Những ngày ở châu Âu (Vũ Minh Đức, NXB Thế giới, 2017), Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero (Nguyễn Tập, Nxb Tổng hợp 2017), Đến Nhật Bản học về cuộc đời (Lê Nguyễn Nhật Linh, Nxb Trẻ, 2017), Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu (Trương Anh Ngọc, Nxb Hội nhà văn 2017) Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương (Ngô Thị Giáng Uyên, NXB Trẻ, 2017)... Chắc chắn chưa thể liệt kê đầy đủ nhưng đây có thể là một danh sách khá cơ bản các tác phẩm thuộc dòng văn học du kí của những cây bút trẻ chuyên và không chuyên mà những ai yêu thích và muốn tìm hiểu thể tài này có thể tìm đọc.

       Trước hết nói về mặt thể loại, du kí không phải là một thể loại mới trong văn học, nó ra đời rất sớm trong lịch sử văn học viết, nhưng trong lịch sử văn học trên cả hai phương diện sáng tác cũng như lý thuyết nghiên cứu về thể loại, du ký có một vị trí khiêm tốn và lặng lẽ. Sự lặng lẽ này xuất phát từ lý do, ở góc độ nghiên cứu, du ký không được quan tâm chú ý như một thể loại văn học trung tâm như thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch… Du ký bị bỏ quên như là một trong các tiểu loại nằm ở vị trí lằn ranh/vệ tinh của các thể loại trung tâm, như tản văn, bút ký, du ký, hồi ký, nhật ký… Và ở phương diện sáng tác, tác phẩm cũng ít được quan tâm, “khích lệ” như đối với các sáng tác thuộc các thể loại “chính thống”. Thực ra, ngoài những thể loại cơ bản luôn là “rường cột” của nền văn học, thì sự quan tâm đến một loại hình/dòng/trào lưu văn học nào đó bao giờ cũng liên quan đến sự phát triển, hưng thịnh của nó trong một giai đoạn, một thời điểm nào đó. Ví như sự nở rộ trường ca sau năm 1975 của thế hệ các nhà thơ chống Mỹ, hay “thời của tản văn”- để dánh giá sự phát triển mạnh mẽ của tản văn những năm gần đây… Văn học du kí cũng năm trong tình hình chung đó. Trong văn học trung đại, mặc dầu khái niệm thể loại du ký chưa xuất hiện nhưng tác phẩm thuộc nó đã có và tồn tại ở các dạng như phú, kí, thơ…. Văn học hiện đại từ đầu thế kỷ XX đến nay “đậm nhạt” khác nhau, các tác phẩm thuộc thể loại du kí vẫn luôn xuất hiện. Tuy nhiên để thể loại du kí trở nên thịnh hành và được quan tâm nghiên cứu như một loại hình thì chỉ trong một vài thời điểm, giai đoạn mà thôi. Đối với văn học du ký, mấu chốt vấn đề nằm ở chính  bản chất của thể loại. Du kí là thể loại văn học liên quan đến hành trình, là kết quả của những chuyến đi, sự dịch chuyển của người viết ra một không gian khác xa lạ, “Đi và Thấy cảnh và người, sự và việc, rồi Viết ra cảnh ấy người ấy, sự ấy việc ấy, kèm theo nghĩ suy, cảm xúc của mình, có khi còn là phân tích, khảo cứu, ấy là du kí.” Đi, Thấy và Viết là ba yếu tố quyết định việc có một tác phẩm du kí. Chính vì điều này, tác phẩm văn học du kí chỉ phát triển mạnh, nở rộ thành một trào lưu, hiện tượng, chỉ khi trong một giai đoạn, điều kiện khách quan nào đó diễn ra nhiều cuộc hành trình, nhiều cuộc Đi của những người viết. Quay trở lại vấn đề sự nở rộ của tác phẩm du kí những năm gần đây, có thể lý giải dễ dàng vì sao văn học du ký đang gần như là một hiện tượng, một dòng văn học làm sôi động thị trường xuất bản sách. Đó là các bạn trẻ hôm nay đang có rất nhiều hành trình đi ra với thế giới. Thời của hội nhập, mở cửa, hợp tác đào tạo, giao lưu đã mở ra con đường du học, du lịch, công du và cả trào lưu đi “phượt” của giới trẻ… Rất nhiều lý do và những con đường mở ra cho việc giới trẻ có thể đặt chân đến những châu lục xa xôi, cả những vùng đất cách trở nhất. Có một “làn sóng” đi Tây đang diễn ra mạnh mẽ với nhiều mục đích khác nhau. Và những trải nghiệm của bản thân trong và qua cuộc hành trình, những điều mắt thấy tai nghe, những xúc cảm đầy ắp khi đến các vùng đất xa xôi, mới lạ và nhiều khác biệt tạo cảm hứng, thôi thúc mạnh mẽ những người trẻ, những cây bút chuyên và không chuyên, những người có khả năng viết lách cầm bút, tạo nên dòng văn học du kí sôi nổi. Người đọc trẻ nồng nhiệt đón nhận, các tác phẩm du kí nhanh chóng được tái bản, có những tác phẩm tái bản đến lần thứ 6 như Xách ba lô lên và đi, John đi tìm Hùng... làm nên một thị trường rầm rộ cho các nhà xuất bản như đã nói.

       Quan sát tiến trình văn học, có thể thấy giai đoạn văn học đầu thế kỷ XX, thể loại du ký đã từng bùng phát mạnh mẽ. Như đã nói liên quan đến sự dịch chuyển, những cuộc hành trình của số đông, được thúc đẩy do sự phát triển của xã hội. Khoảng ba bốn chục năm đầu thế kỷ XX, với sự khai hóa của thực dân Pháp, phát triển hệ thống giao thông phương tiện đi lại, khuyến khích du học phương Tây, thanh niên, trí thức Việt Nam có cơ hội đi xa, đến được nhiều vùng đất, danh lam thắng cảnh xa xôi của đất nước và đi ra nước ngoài. Với sự phát triển, hiện đại hóa của các thể loại và ngôn ngữ văn học, cùng với khát vọng mở mang dân trí, khẳng định bản sắc văn hóa của đất nước và mở rộng tìm hiểu, khám phá thế giới bên ngoài, các nhà văn là những trí thức Tây học, được tiếp thu tinh thần thời đại đã đi và viết về những điều mới lạ, thể hiện suy tư, chiệm nghiệm bằng các thiên du ký... Trong thời kỳ này đã có hàng trăm tác phẩm xuất hiện trên các báo tạp chí, tiêu biểu như các cây bút Phạm Quỳnh, Đông Hồ, Mộng Tuyết... Mới đây, Nxb Trẻ đã xuất bản cuốn Du ký Việt Nam, gồm 3 tập, tập hợp các tác phẩm du ký của các tác giả in trên tạp chí Nam Phong từ năm 1917-1034. Đây là cả một kho tư liệu quý về văn hóa, địa lý, lịch sử của các vùng miền khắp cả nước, và cả nước ngoài, nơi mà tác giả du ký đã đặt chân đến. Công cuộc đổi mới lớn lao, mạnh mẽ của xã hội, gắn với những thời điểm cụ thể như đã nói, tạo ra những cơ hội Đi của các thế hệ. Đó là điểm gặp gỡ tương đồng của thế hệ 7X, 8X, 9X, thậm chí 10X và thế hệ trí thức Tây học đầu thế kỷ XX. Và nếu như ngay ở thời điểm đầu thế kỷ XX, Phạm Quỳnh, người viết du ký nhiều nhất giai đoạn, này cũng đã quan niệm rằng bài văn được gọi là du kí phải gắn liền cuộc đi xa, dài ngày: "Đi sang Tây, sang Tàu, đi Phú Xuân, đi Đồng Nai, gọi là cuộc "du lịch", trở  về  viết bài "du ký", còn do khả; chớ  đi tỉnh nọ sang tỉnh kia mà nói "du lịch" với "du ký" thì tưởng cũng khí quá vậy"; thì đến thời điểm hiện tại, rõ ràng du ký của thế hệ 8X, 9X đang và phải là về những hành trình “dài hơi” hơn, qua các châu lục… 

       Thế hệ trẻ, có thể coi là những người sinh sau 1975, thực sự có nhiều cơ hội hơn, điều kiện thuận lợi hơn để bước ra thế giới. Ngày càng có nhiều các bạn trẻ đi ra nước ngoài du học, thực hiện giấc mơ Mỹ, giấc mơ châu Âu…Thời đại của khoa học, công nghệ, thông tin phát triển, thế giới phẳng, những con đường học tập, tiếp thu tri thức rộng mở. Sự tiếp xúc với những nền giáo dục lớn và môi trường văn hóa đa dạng trên khắp thế giới đang dần dần tạo ra một thế hệ tự tin, năng động, bản lĩnh, tự chủ, có tri thức, có ngoại ngữ và độc lập trong suy nghĩ, hành động. Môi trường rộng mở này cũng tạo điều kiện cho họ phát huy hết những khả năng tiềm ẩn của mình, trong đó có khả năng sáng tạo văn học. Hầu hết các tác giả trẻ đều là những cây bút không chuyên, họ không chọn viết văn làm nghiệp chính nhưng đều có khả năng Viết. Đi, Thấy, Nghĩ và Viết gần như là nhu cầu tự thân, là một cách thể hiện và truyền cảm hứng. Không gì hạnh phúc hơn được Đi, được chiêm ngưỡng, trải nghiệm những miền đất mới và viết ra những cảm xúc, suy nghĩ, trải nghiệm của mình. Hầu hết tác giả du ký là những người trẻ du học và làm việc ở châu Âu, Mỹ… Điểm gặp gỡ chung ở họ trước hết là khát vọng được được đi, được khẳng định, thử sức mình ở những môi trường mới mẻ. Những người trẻ chủ động tạo ra những cuộc hành trình cho bản thân mình, Đi để thấy cuộc đời mình rộng lớn hơn, để lấp đầy sự hữu hạn, để thỏa mãn đam mê, để làm giàu bản thân, khát vọng mở rộng tầm mắt. “Mục đích của chuyến đi và những dự kiến về lộ trình mà cuộc hành trình mang những ý niệm khác nhau. Ở đó có thể là: sự trở về cội nguồn, sự  trải nghiệm bản thân, sự đánh thức bản năng, sự tìm kiếm lịch sử, sự thách thức cái trong ta, sự đi tìm thế giới, sự đi tìm khát vọng, sự trải nghiệm tự do, sự tìm kiếm cái đẹp”. Slogan của người trẻ đều khẳng định một cách đầy bản lĩnh chủ nghĩa xê dịch. Đinh Hằng, sinh năm 1987, tác giả của 2 cuốn du ký Quá trẻ để chết Chân đi không mỏi viết về hành trình nước Mỹ và hành trình đi qua 10 nước Đông Nam Á, tuyên bố “Vì cuộc đời là những chuyến đi. Vì tuổi trẻ đâu có bao nhiêu, nên phải đi, và sống, sống cho hết những tháng năm tuổi trẻ rồi sẽ không bao giờ quay trở lại nữa”. Huyền Chip (Lê Thị Khánh Huyền), tác giả của hai tập du ký Xách ba lô lên và đi, 21 tuổi, với 700 USD, đến đâu làm việc đó để kiếm tiền đi tiếp cuộc hành trình qua 25 nước châu Á và châu Phi, khẳng định: “Đi ra ngoài không phải là một xu hướng mà là “kim chỉ nam” mà các bạn trẻ cần phải làm trong xã hội rộng mở này”, “Chúng ta không chỉ đi ra thế giới mà chúng ta cần phải đi ra thế giới”. Vũ Minh Đức, du học ở châu Âu, tác giả cuốn du ký Những ngày ở châu Âu quan niệm: “Với tôi, một chiếc passport với nhiều con tem khiến tôi thích thú nhiều hơn là một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi”, “Hãy dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn. Thế giới ngoài kia có rất nhiều điều đáng để khám phá vì đó là một lớp học vô cùng sinh động”. Nguyễn Phan Quế Mai, tác giả của Hạt muối rong chơi, người đã đi qua 40 quốc gia trên thế giới, chia sẻ: “Tên cuốn sách là Hạt muối rong chơi vì tôi đã đi qua hơn 40 quốc gia trên thế giới và càng đi thì càng thấy mình bé nhỏ giữa đại dương văn hóa, đại dương kiến thức của thế giới. Càng đi tôi càng nhận thấy rằng chính những câu chuyện của người dân bản xứ đã soi sáng cho tôi, để tôi biết rằng mình chỉ là một hạt muối bé nhỏ giữa đại dương bao la ấy...”. Nguyễn Phương Mai, sinh năm 1976, 24 tuổi đã là thư ký biên tập tờ báo Hoa học trò, đã từ bỏ công việc đi du học và hiện là PGS.TS tại một trường Đại học danh giá của Hà Lan, tác giả của hai cuốn du ký Tôi là một con lừaCon đường Hồi giáo rất được yêu thích trong thời gian qua. Cô không muốn giống như những phụ nữ khác, “nằm tựa vào vai chồng, cắn hạt dưa và xem tivi mỗi tối”, cô tự nhận mình là một hòn đá, và “để không bám rêu thì hòn đá phải lăn”... Đủ để thấy, thế hệ trẻ giờ đây đều là những cá tính mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân. Họ tự tin mở cánh bước ra thế giới không phải để hưởng thụ, không phải để dạo chơi trên đường phố các thủ đô hoa lệ, mua sắm hàng hiệu, ngủ khách sạn năm sao mà là những trải nghiệm kiểu “phượt bụi”, không ít gian truân, vất vả, thậm chí mạo hiểm. Đi với mục đích để thấy, hiểu, cảm nhận, “làm đầy” bản thân. Và nói như Nguyễn Phương Mai trong cuốn du ký Tôi là một con lừa: "Like a rolling stone - Như một hòn đá lăn. Để không bị bám rêu. Để thấy mình sảng khoái như một cánh chim bay trên thung lũng thăm thẳm. Để đi đến tận cùng sợ hãi khi bước ra khoảng không từ độ cao vời vợi. Để phát hiện ra sự nhỏ bé ngu ngốc của con người trước tự nhiên. Để băn khoăn trước câu hỏi văn minh hay mông muội. Để phá tan những ngộ nhận và định kiến. Để soi vào danh tính và bản ngã con người mình. Để liều lĩnh. Để tươi mới. Để suy tưởng. Để nghẹn ngào. Để hớn hở. Để độc thân mà vẫn long lanh!"…

       Bằng những trang viết sinh động, những cuốn du ký đã cho người cơ hội được tiếp tục một cuộc hành trình đầy cảm xúc đến với những vùng đất mà những bạn trẻ đã đi qua, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, sự khác lạ, mới mẻ của văn hóa phong tục, tập quán, ẩm thực… Châu Âu được đến và viết nhiều nhất, với nhiều góc nhìn, cách cảm nhận riêng. Có thể tìm thấy văn hóa, lối sống, ẩm thực châu Âu trong Những ngòn tay mình còn thơm mùi oải hương, và Bánh mì thơm, cà phê đắng của Ngô Thị Giáng Uyên. Với văn phong nhẹ nhàng, tinh tế, lãng mạn, cô gái sinh năm 1981, từng đi qua 20 nước, đã làm say đắm những ai yêu và ngưỡng mộ vẻ đẹp của châu Âu, bằng cách dẫn họ lang thang khắp các con phố, nẻo đường của những thành phố cổ kính của Pháp, Hà Lan, Áo…, qua những rặng núi quanh năm tuyết phủ, những cánh đồng nho ngút ngàn vùng Địa Trung Hải, Scandinavia…Những cái tên nghe nhắc đến đã thấy nao lòng. Cũng viết về châu Âu, với những những thành phố xinh đẹp nổi tiếng Amxtecdam, Bacelona, Verona, Viene, Prgue..., tác giả Vũ Minh Đức trong Những ngày ở châu Âu, Tuyết đã rơi ngoài cửa sổ của Di Li… đã thể hiện những góc nhìn riêng, sinh động về con người, cuộc sống, cảnh đẹp, kiến trúc và những nét thú vị trong ẩm thực ở đó khiến người đọc tò mò, thích thú. Với nhà văn Phan Việt trong Một mình ở châu Âu, châu Âu được nhìn qua lăng kính của một người am hiểu và yêu thích văn hóa, lịch sử, văn học và hành trình châu Âu cũng là hành trình nội tâm dai dẳng của tác giả nên người đọc có một châu Âu lặng lẽ hơn, có chiều sâu hơn, giàu tâm tưởng hơn. Châu Á “là nhà”, gần gũi hơn, dường như đã quen thuộc nhưng thực ra còn bao nhiêu bí ẩn, quyến rũ và những vẻ đẹp chưa bao giờ biết đến cũng đã được làm sống lại dưới những chuyến đi đầy trải nghiệm, những quan sát chăm chú, những thông tin mỉ, chi tiết của Đinh Hằng trong Chân đi không mỏi và DiLi trong Đảo thiên đường… Với chất liệu thực tế ngồn ngộn, trải qua xứ sở của người Quechua, Mexico, thổ dân vùng Amazon, Peru, Bolivia và kết thúc ở đất nước Cu Ba, người đọc bị cuốn hút bởi những điều mới lạ, thú vị đặc trưng của đời sống Nam Mỹ qua giọng văn đầy chất phiêu lãng, mạnh mẽ của Nguyễn Tập, một kiến trúc sư, trong tập du ký Từ Amazon đến quê hương Bolero. Hấp dẫn và thuyết phục người đọc là hành trình của Nguyễn Phương Mai qua hai cuốn du ký rất nổi tiếng thời gian qua Tôi là một con lừaCon đường Hồi giáo. Tôi là một con lừa là hành trình lần theo dấu vết của loài người qua các châu lục, khởi sự từ cái nôi của nhân loại ở châu Phi, qua châu Úc, châu Á, rồi tới châu Mỹ. Con đường hồi giáo là con đường của đạo hồi đi qua các nước Trung Đông. Là một giảng viên, tiến sĩ ngành đa văn hóa, sự am hiểu, uyên thâm của một người nghiên cứu sâu ở lĩnh vực này, Phương Mai không Đi theo cách của một người bình thường, hành trình của chị cũng không phải là hành trình theo nghĩa thông thường mà liên quan đến những vấn đề chị đang theo đuổi, nghiên cứu. Con đường đi qua các châu lục thực ra là một sự hiện thực hóa, sinh động và trải nghiệm hóa diễn đồ nghiên cứu đã có sẵn trong tư duy, nhận thức. Cái nhìn khái quát tổng thể đặc trưng về từng châu lục, một châu Phi bế tắc và hoang mang như "con lắc giữa hai thái cực", một châu Úc như "người lạ trong chính nhà mình", và một châu Mỹ được ví với "những đứa con hoang vô thừa nhận", những băn khoăn về danh tính mang tính “châu lục” ấy không phải là cái có thể nhìn thấy sau chặng hành trình mà chỉ là sự kiểm chứng sinh động hơn mà thôi. Cái thấy, cái sự chứng kiến chỉ là làm đầy thêm, làm sống động kho dữ liệu đã có sẵn. Phương Mai viết rằng “Tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với nỗi niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay”, thế nhưng đọc những trang viết của chị trong cả hai tập, người đọc thấy rằng cái sự Đi, Đến, và Thấy chỉ là cái yếu tố cuối cùng xác thực cho những lập luận, xác tín về những vùng đất đã và sẽ đi qua. 8 tháng, đi qua 13 nước: các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Yemen, Li băng, Jordan, Israel, Palestine, Oman, Ai Cập, Lybia, Syria, Tunisia, Ma rốc vẫn đang nghi ngút khói lửa chiến tranh hậu Mùa xuân Ảrập, Phương Mai cho độc giả thấy rõ hơn về bức tranh Trung Đông đa sắc màu, bình yên và bạo động, truyền thống và nổi loạn, cực đoan và sự bình dị, lạc quan… Giọng văn đầy lôi cuốn, mang màu sắc ký sự nóng bỏng, tư duy nghiên cứu sắc sảo, cảm xúc mạnh mẽ, cách diễn đạt thông minh, ngôn ngữ sống động, đầy màu sắc, Con đường Hồi giáo cuốn người đọc theo tốc độ đi, tốc độ tư duy, cảm xúc của tác giả… Hiếm có một cây bút du kí nào có được một trái tim nóng và cái đầu lạnh để khám phá và “tái nhận định” các điểm đến hấp dẫn, kích thích được cảm xúc và tư duy của người đọc như Nguyễn Phương Mai. Bước chân tự tin, đầy ý chí, nghị lực của những người trẻ không khỏi có lúc mệt mỏi, cảm xúc hứng khởi đôi khi phải nhường chỗ cho nỗi buồn, nỗi cô đơn, sợ hãi. Không phải lúc nào cũng là một châu Âu với những trầm tích văn hóa, thiên nhiên đẹp đến thắt lòng mà có lúc là những bước chân cô đơn trên những cung đường hoang vắng của châu Phi… Tất cả hành trình ấy được những cây bút du ký tái hiện lại sống động trong những trang viết của mình với nhiều cung bậc cảm xúc.

       Viết du kí không hề dễ, viết được hay lại càng khó. Ngoài đề tài chung, cơ bản kể lại những “sự lạ” trong cảnh vật thiên nhiên, con người, ăn mặc, giao thông đi lại, cư xử, tập tục… của xứ người khiến bạn đọc tò mò, thích thú, thì các cuốn du ký nhìn chung đã làm thỏa mãn được mỹ cảm cũng như trí tuệ của người đọc bằng chất văn chương, hiểu biết khá sâu sắc về tự nhiên xã hội, lịch sử, văn hóa của người viết. Điều đáng đọc, đáng ghi nhận ở các tác phẩm du ký của những người trẻ đó là những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống, về những giá trị sống của tuổi trẻ khá sâu sắc và chín chắn. Bước ra thế giới để “làm đầy bản thân”, để thấy mình giàu có hơn cả về tri thức, tâm hồn và nhận thức cuộc sống, “đi để biết rằng cuộc đời này còn nhiều lắm những thứ đáng giá hơn giá trị vật chất và đi để cảm thấy rằng nhỏ bé nhưng chưa bao giờ tầm thường!”. Đi để thấy mình nhỏ bé, để biết mở lòng, mở trí, để xóa bỏ đi những hẹp hòi, định kiến và thiển cận, để nhìn cuộc sống khoáng đạt hơn, nhân ái hơn.. Đi cũng là để trở về, trở về với cộ nguồn, trở về với tâm thức dân tộc, để yêu hơn quê hương xứ sở. Trên hành trình xa ngàn vạn dặm xứ người, những người trẻ luôn có những nỗi nhớ khắc khoải quê hương, thấy ấm lòng khi bắt gặp hình bóng quê hương ở một nơi nào đó. Nếu có những so sánh, nêu thực trạng một số vấn đề nào đó của đất nước, bao giờ cũng xuất phát từ mong muốn đất nước mình trở nên tốt đẹp hơn. Có một thế hệ trẻ đang sống có hoài bão và đầy trách nhiệm. Động lực để viết ra những cuốn du ký sau mỗi hành trình rõ ràng không phải để khoe mình đã được đi đâu, mà từ trách nhiệm phải Viết, gửi gắm những thông điệp. Với dòng văn học du ký, người đọc, nhất là người đọc trẻ, sẽ được truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực, như tác giả Nguyễn Phan Quế Mai đã tin tưởng trong buổi ra mắt sách “Tôi tin rằng sau buổi hôm nay, các bạn sẽ có thêm động lực để mở được những cánh cửa ra thế giới. Dù khó khăn như thế nào thì tôi tin, với sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực, các bạn sẽ làm được”.

       Tuy nhiên có thể thấy, trong khá nhiều tác phẩm văn học du ký của người viết trẻ còn có một sự na ná về cách viết, về nội dung được đề cập, thường là xoay quanh việc thuật lại những “sự lạ” trong giao thông đi lại, ăn ở, sinh hoạt ở xứ người, và thường mới dừng lại ở “tả phơn phớt” cảnh đẹp bên ngoài, ít có được những tác phẩm có được chiều sâu, đúng với bản chất yêu cầu của một tác phẩm du kí. Như PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đã nhận xét: “Ở thời sau này ta không còn thấy sắc thái cá nhân nữa mà trở thành một sự chung chung, đều đều giữa các tác phẩm. Thời gian gần đây rộ lên những tác phẩm du ký của thế hệ 8x, 9x… Những cuốn sách này theo tôi thấy chủ yếu viết về cảnh vật trời tây, du ngoạn cá nhân, thấy gì kể nấy. Sách chứa đựng vô số những trải nghiệm, và cái tầm về tri thức quảng bác như thời kì trước thì chưa đủ”. Nhận xét này của Nguyễn Hữu Sơn là trong sự so sánh với tác phẩm du ký đầu thế kỷ 20, những tác phẩm “mang bản sắc tự do, tính chất ký giả nhân văn rất rõ đồng thời có sự tổng hợp văn hóa cao. Người viết cực kỳ đề cao tính cộng đồng và suy nghĩ cho đất nước. Các ký giả dám nói lên thực trạng của đất nước một cách rất cụ thể, rõ ràng, đặt vấn đề sâu sắc nhưng không vì thế mà thiếu đi sự tinh tế, thậm chí cái tinh tế còn rất “văn chương””. Nhận xét, so sánh này nêu lên hạn chế chung, như đã đề cập trong tác phẩm du ký của các tác giả trẻ. Tất nhiên nếu so với tác phẩm du ký đầu thế kỷ 20 thì hạn chế này là tất yếu, bởi hai thế hệ đã có sự khác biệt cơ bản: sự trưởng thành về tuổi đời, “tay nghề”, vốn sở học và cả trách nhiệm trước thời cuộc.

        Tuy nhiên, nhìn vào dòng văn học đang rất thịnh hành này, có thể tin tưởng chắc chắn rằng văn học du ký chắc chắn sẽ còn tiếp tục được mùa, bởi chúng ta đang có một thế hệ trẻ tài năng và bản lĩnh, có hoài bão và khát vọng đang tiếp tục đặt chân đến những vùng đất mới.

   Nguyễn Thị Nguyệt

. . . . .
Loading the player...