02-05-2024 - 22:56

Văn học Hà Tĩnh – nhìn từ đội ngũ sáng tác

Thực hiện Kế hoạch số 237/KH-TU ngày 06/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc Tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025), Tạp chí Hồng Lĩnh mở chuyên mục 50 năm nền văn học, nghệ thuật Hà Tĩnh. Chuyên mục nhằm tổng kết, đánh giá sâu sắc, toàn diện 50 năm văn học, nghệ thuật Hà Tĩnh, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò cùng những cống hiến to lớn của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sỹ cho sự nghiệp đổi mới, kiến tạo quê hương đất nước; đồng thời cổ vũ, động viên văn nghệ sỹ phát huy tài năng, tâm huyết sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng và yêu cầu của nhân dân. Chuyên mục 50 năm nền văn học, nghệ thuật Hà Tĩnh sau ngày đất nước thống nhất lần này trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết “Văn học Hà Tĩnh - nhìn từ đội ngũ sáng tác” của Nhà văn Đức Ban

Thế kỷ XX, một 100 năm đầy biến động, văn học Hà Tĩnh là một dòng chảy liên tục, mạnh mẽ. Từ Văn học thời Lê - Nguyễn, văn chương của các nhà Nho trong phong trào Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục, văn học của các thế hệ có cả Nho học và Tây học đến văn học của các chiến sỹ cách mạng, các trí thức tiến bộ. Văn học Hà Tĩnh “nội dung cách mạng và yêu nước được đặt lên hàng đầu, văn chương với tư cách là vũ khí của cách mạng đã tạo nên những giá trị mới cho văn học” (Lịch sử Hà Tĩnh; t.2; Nxb Chính trị quốc gia; 2000), về sau cùng với văn học giai đoạn chiến tranh vệ quốc, giai đoạn dựng xây kiến tạo cuộc sống mới, tất cả làm nên một di sản văn hóa đồ sộ góp phần xứng đáng vào Lịch sử văn học Hà Tĩnh nói riêng, văn học Việt Nam nói chung.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Linh, nhà văn Nguyễn Đình Thi 
chụp ảnh lưu niệm với cán bộ văn nghệ sĩ Hà Tĩnh trước ngày hợp tỉnh

a/ Về tổ chức: Ngày 15 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Chiến khu 4 gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Sau khi Trung ương thành lập Hội văn nghệ Việt Bắc, Khu 4 thành lập Chi hội văn nghệ Liên khu Tư do nhà thơ Lưu Trọng Lư làm Chi hội trưởng. Sau đó, Ty thông tin tuyên truyền văn nghệ thành lập Phân hội văn nghệ Hà Tĩnh. Phân hội do nhà văn Việt Thường làm Phân hội trưởng, Trần Hữu Thưởng, Hoàng Nguyên Kỳ làm Thường vụ. Các nhà văn, nhà thơ trong Phân hội Hà Tĩnh tổ chức Ban vận động thành lập Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh. Tháng 1 năm 1969, Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh chính thức được thành lập trực thuộc Ty Thông tin Hà Tĩnh, do Thanh Minh (Nguyễn Hưu) làm Hội trưởng và là tiền thân của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh. Đến nay, Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh với quy mô 244 hội viên, thuộc 9 chuyên ngành: Văn, Thơ, Lý luân phê bình, Văn nghệ dân gian, Sân khấu - Biểu diễn, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Kiến trúc và 7 Chi hội trực thuộc: Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh Hương Khê, Hương Sơn.

b/ Về đội ngũ sáng tác văn học Hà Tĩnh:

- Thế hệ 1, vắt ngang từ thế kỷ trước qua Cách mạng tháng Tám năm 1945, gồm các gương mặt tiêu biểu: Võ Liêm Sơn, Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Xuân Hãn, Lê Thước, Nguyễn Đổng Chi, Xuân Diệu, Huy Cận, Thái Can, Trương Chính, Phạm Khắc Hòe, Thanh Minh... Đây là thế hệ tiếp nối tư tưởng nghệ thuật từ dòng văn học yêu nước và cách mạng Hà Tĩnh thế kỷ XX, có ảnh hưởng sâu sắc tới tư tưởng nghệ thuật các thế hệ văn nghệ sỹ Hà Tĩnh hàng chục năm sau đó.

- Thế hệ 2, xuất hiện từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên ngôn trước toàn thế giới về kỷ nguyên độc lập của dân tộc Việt Nam, đội ngũ văn nghệ sỹ trí thức từ thân phận nô lệ chuyển sang thân phận người dân của đất nước tự do, độc lập. Vì thế, lẽ đương nhiên tình cảm, tư tưởng nghệ thuật của họ có những thay đổi về nguyên tắc và định hướng sáng tác, cùng những xác định về sứ mệnh của nhà văn trước đất nước và nhân dân. Những nhà văn Hà Tĩnh thuộc thế hệ này được tắm mình trong dòng chảy văn chương yêu nước và cách mạng, giữa một hiện thực phong phú, cao cả của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã miệt mài lao động sáng tạo làm nên dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng, trong đó nổi bật chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa nhân văn thấm đẫm bản sắc văn hóa Hà Tĩnh. Đại diện cho thế hệ này là những nhà văn, trí thức nổi tiếng của Hà Tĩnh và của đất nước: Hoàng Trinh, Chính Hữu, Hà Xuân Trường, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Ngọc Hiến, Vũ Hoàng, Nguyệt Tú, Bùi Văn Hồng, Cẩm Lai, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Tạo, Nguyệt Tú, Duy Thảo, Nguyễn Quang Thân, Xuân Thiều, Phạm Ngọc Cảnh, Phong Lê, Thiếu Mai, Trần Lê Đệ, Văn Linh, Lê Bá Hán, Võ Hồng Huy, Lê Trần Sửu, Phan Lương Hảo, Hà Quảng, Trần Quốc Anh, Xuân Hoài, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Sinh, Lê Huy Quang, Phan Văn Các, Trần Hậu Tân, Lê Thanh Bình, Lê Duy Phương, Mai Hồng Niên, Lương Sỹ Cầm,  Chính Tâm, Lê Xuân Dụ, Hồ Hữu Phước…

- Thế hệ 3, sau Đại thắng mùa xuân 1975: Thế hệ nhà văn giai đoạn này sống và lao động sáng tạo trong một hiện thực phong phú và vô cùng sôi động. Đấy là hiện thực giai đoạn hậu chiến ngổn ngang, bất công với những con người chịu thua thiệt, đau đớn và đầy nỗi niềm trước thời thế. Đấy là hiện thực giai đoạn bao cấp, cơ chế thị trường gian nan, thiếu thốn, bất công; tiếp đó là hiện thực của bước đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội khó khăn, nhiều lầm lỗi, rồi hiện thực của đổi mới, hội nhập, phát triển. Tiếp đó là Đại hội VI của TW Đảng năm 1986, mở rộng cánh cửa cho tự do sáng tạo văn học nghệ thuật. Những nhà văn Hà Tĩnh đã tiếp nhận giữ gìn, phát huy phẩm tính, tài năng của của các thế hệ đi trước, xây dựng một đời sống văn học sinh động, giàu bản sắc. Tác phẩm của các nhà văn giai đoạn này đa dạng về đề tài, thể loại, biên độ phản ảnh được mở rộng và xuyên suốt là chất trữ tình, tinh thần lạc quan, tình yêu tha thiết, trắc ẩn và bao dung cuộc đời, con người. Có thể kể tên một số tác giả đại diện cho thế hệ các nhà văn giai đoạn này trong số gần một trăm văn nghệ sỹ Hà Tĩnh: Lê Thành Nghị, Tùng Bách, Nguyễn Huy Hoàng, Thuận Vi, Đình Kính, Lê Cảnh Nhạc, Nguyễn Sỹ Đại, Phan Quốc Bình, Trần Kim Hoa, Trần Chấn Uy, Tôn Phương Lan, Lê Văn Vỵ, Nguyễn Ngọc Phú, Phan Trung Hiếu, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Quốc Trung, Dương Kỳ Anh, Lê Quốc Hán, Như Bình, Nguyễn Công Bình, Bùi Việt Thắng, Bùi Quang Thanh, Nguyễn Văn Thanh, Đặng Quốc Vinh, Phan Tấn Linh, Nguyễn Văn Hùng, Trần Hậu Thịnh, Nguyễn Trung Tuyến, Hà Lê, Trần Nam Phong, Yến Thanh, Nguyễn Xuân Diệu, Bùi Minh Huệ, Hồ Minh Thông, Nguyễn Thị Hạnh Loan, Trần Quỳnh Nga, Trần Hải Vân, Tống Phú Sa, Trần Tú Ngọc…

Các thế hệ nhà văn Hà Tĩnh đã xây dựng được một nền văn học dày dặn. Hàng trăm tác phẩm văn xuôi (truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, bút ký, phóng sự, tản văn), thơ (thơ ngắn, trường ca) kịch bản (kịch ngắn, kịch dài), Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình… đã phản ảnh sinh động cuộc sống và tâm hồn người Hà Tĩnh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong kiến tạo cuộc sống, đổi mới, phát triển, hội nhập. Đội ngũ và tác phẩm văn học Hà Tĩnh là một sự nối dài, càng về sau càng dồn dập, càng đông đảo, nguồn mạch trữ tình càng dào dạt, khởi động lên đỉnh cao của dòng văn trữ tình - lãng mạn, cũng là nơi không vắng tiếng nói thật của Ngạc Am, cùng tầm quảng bác và chiều sâu học thuật của các thế hệ đi trước.

Hiện nay, trong bối cảnh cách mạng Khoa học công nghệ, Hội nhập quốc tế, cơ chế thị trường, một cuộc xâm nhập sâu rộng về văn hóa tác động mạnh mẽ vào tư tưởng, tình cảm, tâm lý, thói quen, lẽ sống và cách sống của con người. Một bộ phận không nhỏ suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, bạo lực, lệch chuẩn giá trị nhân văn truyền thống đang là tình trạng báo động. Bản sắc văn hóa, cái làm nên hồn cốt dân tộc, làm nên phẩm giá con người nguy cơ bị pha loãng là rất cao, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, tình yêu thương con người, chống lại các thế lực thù địch con người trở thành sứ mệnh cao cả của đội ngũ lao động sáng tạo văn chương.

- Thực trạng đội ngũ: Hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh, mỗi năm được kết nạp thêm trong ngoài 15 người, trong đó hội viên các chuyên ngành văn học 3 đến 4 người. Đến nay tổng số Hội viên 2 chuyên ngành văn học: Văn xuôi và Thơ trên 110 người chiếm 50% số hội viên của Hội. Trong số đó khoảng 1/3 không sáng tác do sức khỏe, để giải quyết khó khăn kinh tế chuyển sang viết báo, làm doanh nghiệp, thương mại dịch vụ và số nhiều do không theo kịp sự phát triển phải “rửa tay gác kiếm”. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam chuyên ngành văn xuôi và thơ người Hà Tĩnh, từ Cách mạng tháng 8 -1945 đến nay chỉ có 16/ 110 người ở lại Hà Tĩnh Trong số đó 2 người trên 80 tuổi, 6 người trên 70 tuổi, 4 người trên 60 tuổi. Hẫng hụt đội ngũ, là một sự thật đáng lo ngại.

- Thực trạng tác phẩm: Theo báo cáo của Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh thì mỗi năm có khoảng 25 tác phẩm văn học được xuất bản. Trong đó thơ chiếm đến 80%. Văn xuôi, một thể loại xương sống cho văn học xuất hiện ít, một số thể loại chỉ là con số 0 như truyện vừa, tiểu thuyết. Chất lượng tác phẩm, nhìn chung tư tưởng nghệ thuật chưa sâu sắc, thi pháp ít đổi mới. Thân phận con người với những nỗi niềm, những suy tư, dằn vặt, khát vọng... dường như chưa được quan tâm đúng mức. Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đã bản sắc dân tộc: Nghị quyết 03-NQ-TW, Nghị quyết 33-NQ-TW, NQ Hội nghị TW khóa XI, Nghị quyết Đại hội XII, XIII… Ở Hà Tĩnh có NQ 11-NQ -TU, NQ Đại hội Đảng bộ khóa XV, XVI, XII, XIII, XIX… Chương trình hành động 848-CTr/TU của Tỉnh Ủy Hà Tĩnh Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học, Nghệ thuật trong thời kỳ mới, đã xác định: “Mục tiêu xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật phải đảm bảo tính toàn diện, chú trọng việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng; chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ cả về số lượng, chất lượng; tăng cường các hoạt động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo cho công tác sáng tác, sưu tầm văn học, nghệ thuật.”

Từ thực trạng văn học Hà Tĩnh hiện nay, công tác đào tạo đội ngũ trở nên bức thiết và nó phải được quan tâm thường xuyên trong quá trình triển khai thực hiện Đề án xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh theo NQ Số 18 ngày 22-12-2023 của Ban chấp hành Tỉnh ủy Hà Tĩnh./.

Đ.B

. . . . .
Loading the player...