23-05-2024 - 07:58

Vận hội mới nơi thành phố tôi yêu

Tạp chí Hồng Lĩnh số 213 tháng 5/2024 trân trọng giới thiệu bút ký “Vận hội mới nơi thành phố tôi yêu” của tác giả Nguyễn Ngọc Vượng.

Thành phố Hà Tĩnh xa xưa là vùng đất phèn chua, bị xâm lấn bởi những đầm lầy rộng lớn ở tả ngạn sông Rào Cái. Trải qua hàng trăm năm khai khẩn, dần dần trở nên trù phú, nhưng cũng có giai đoạn từng là phên dậu, bị bao trùm lên bởi thảm cảnh hoang tàn. Với vị trí tiền tiêu nên trong suốt chiều dài lịch sử, chốn này có rất nhiều thành trì, đồn lũy được dựng lên. Đặc biệt là sự ra đời của tỉnh lỵ Hà Tĩnh vào năm Minh Mạng thứ 12 (1831) cùng với hệ thống các thành lũy được xây dựng rất công phu như: Thành Phủ Hà Thanh, Thành Hà Tĩnh... càng khẳng định vị thế của địa danh này, đồng thời mở ra thời kì mới cho sự hình thành phát triển đô thị.

Tuy vậy, bước ngoặt quan trọng nhất được tính vào ngày 30, tháng 7, năm 1924, khi Toàn quyền Đông Dương Merlin ra Quyết định chuẩn y Chỉ dụ của Vua Khải Định, xây dựng Trung tâm đô thị Hà Tĩnh với lí do: "Xét thấy việc cấp cho đô thị Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh có tầm quan trọng ngày càng tăng, các phương tiện để thực hiện công việc vệ sinh, chỉnh trang cần thiết nhằm nâng cao sức khỏe của người dân, đồng thời tạo điều kiện sinh sống cho công dân và các đối tượng người Pháp". 

Văn bản ghi rõ: Trên cơ sở xác lập việc trao tặng bất động sản; mở rộng địa giới có ranh giới theo phạm vi phía Bắc: bên phải lò mổ đến Nghĩa trang Trung Quốc đến ngôi mộ của nhà sư gần nút giao đường Hộ Độ (route de Ho- Do), với đường đi từ Nghĩa trang Trung Quốc và nối đường Hộ Độ; phía Tây: bên phải ngôi mộ của nhà sư đến nút giao thông đường thuộc địa số 1 với đường Truông Bát (route de Truong- Bat); phía Nam: bên phải đường thuộc địa số 1 với đường vào Khu đô thị qua bệnh viện tới Chùa Cảm (Pagode à Chua - Cam).

Theo học giả Phan Phú Thoại (1912-2004), thì ranh giới trên nằm trọn trong phạm vi các phường: Nam Hà, Tân Giang và một phần của các phường: Bắc Hà, Đại Nài, Văn Yên và Thạch Quý ngày nay. Thời kì này Thị xã Hà Tĩnh được chia làm 8 phố gồm: Tịnh Trung, Hoàn Thị, Tiền Môn, Hậu Môn, Tả Môn, Hữu Môn, Tân Giang, Nam Ngạn. Đối với các phố chính: rue Lucieng Lemaire (nay là Phan Đình Phùng); rue Monnet (song song với Phan Đình Phùng, nay đã bị san lấp trong khuôn viên Sở Tài chính và UBND Tp. Hà Tĩnh); rue Coude (nay là Nguyễn Chí Thanh, đoạn cắt Phan Đình Phùng đến cầu Sở Rượu), đường Tôn Thất Hãn, (nay là Đặng Dung), đường Nguyễn Công Trứ... nếu ai không có điều kiện làm nhà kiên cố hướng ra mặt tiền thì phải di dời đến nơi khác, để nhường đất cho nhà giàu xây dựng.

Với chính sách này, Thị xã Hà Tĩnh từ một đô thị heo hút trở nên sầm uất, bởi những dãy nhà cao tầng nhanh chóng được mọc lên san sát với các cửa hiệu, cửa hàng: Hồng Kí, Cộng Hòa, Ninh Kí, Bang Tá, Vĩnh An, Đại Nguyên, Hồng Hoa Sinh, Đức Vinh, Vĩnh Hanh, Vĩnh Ích... của người Việt, người Hoa, kinh doanh các hàng hóa vải vóc, quần áo, tạp hóa, mỹ nghệ, thuốc Bắc, rượu, thuốc lá, dịch vụ nhà hàng... Trong đó rượu Tây được coi là một trong những mặt hàng tiêu thụ lớn nhất. Tại thị xã Hà Tĩnh thời đó có hẳn Sở rượu Fontaine đóng trên đường Lucieng Lemaire (khu vực Sở TTTT ngày nay). Ngoài ra, người Pháp còn cho xây cả hệ thống kho rượu tại bến sông Cụt, chuyên nhập các hãng rượu của Pháp, được vận chuyển theo đường biển thông qua cảng Cửa Sót đến tận kho bãi.

Vậy nhưng, do những biến cố lịch sử, chiến tranh và nhiều lí do khác nhau, đến nay hầu hết những gia đình có nhà ở mặt phố đều chuyển đi chỗ khác. Dọc hai bên phố chính Phan Đình Phùng hiện chủ yếu là nơi tập trung các cơ quan, công sở, trường học... và một số bộ phận dân cư mới được cấp đất ở sau 1975 và sau ngày chia tách tỉnh 1991.   

Về giao thông, hồi đó Thị xã Hà Tĩnh có bến xe liên tỉnh tọa lạc ở phố Hoàn Thị, có nhiều hãng xe lớn chạy bằng than đi các tuyến Vinh, Huế hay Thà Khẹc, Na Pê (Lào)... Về phong trào thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... cũng phát triển. Sân vận động Hà Tĩnh được xem là sân đẹp nhất Trung Kì. Đội bóng đá Hà Tĩnh cũng rất nổi tiếng, từng vô địch Trung Kì và vô địch cúp M. De Touris do Pháp tổ chức. Danh thủ Hùng Mận Hối người gốc Hoa có nhà ở mặt tiền phố Lucieng Lemaire cũng xuất thân từ màu áo Hà Tĩnh, nhiều năm liên tục là thủ quân đội tuyển Trung Kì. Sau đó ông đầu quân cho đội Hải Phòng một thời gian, rồi chuyển vào Sài Gòn khoác áo đổi tuyển Nam Kì, xách giầy đi du đấu khắp Đông Dương. Ông đã mất từ lâu tại Pháp, nhưng hiện còn có đông cháu chắt sinh sống ở Tp. Hà Tĩnh. Trong số đó có ông Hùng Minh Loan (hơn 86 tuổi) trú phường Bắc Hà cũng theo nghiệp quần đùi, áo số, từng là tiền đạo chạy cánh nổi tiếng một thời của đội Thành Sen, đội tuyển Yên Bái và nhiều đội bóng lừng danh khác trong ngoài tỉnh.

Nhà thương Hà Tĩnh được xây dựng khang trang, (ở góc ngã tư đường Đặng Dung - Nguyễn Chí Thanh hiện nay). Đội ngũ y tế ở đây có một bác sĩ người Pháp và các y sĩ, y tá người Việt như: Ông Đốc Hiến hay còn gọi là Hàn Hiến - chú ruột bà Nguyễn Thị Giáo vợ cố T.B.T Hà Huy Tập, người bắc cầu cho mối giao duyên giữa Hà Huy Tập và bà Giáo nên vợ nên chồng vào năm 1928; ông đốc Minh (thân sinh thầy Đỗ Xuân Vượng, nguyên Hiệu trưởng Trường cấp 3 Phan Đình Phùng). Riêng ông đốc Lan (thân sinh T.S. Lê Dánh, hiện Chủ tịch Hội đồng hương Tp. Hà Tĩnh tại Hà Nội), ngoài việc ở nhà thương ông còn là chủ của một hãng xe hơi trên phố Lucieng Lemaire...

Thị xã Hà Tĩnh cũng là địa bàn duy nhất ở tỉnh Hà Tĩnh có Trường nữ và Trường nam Tiểu học Ecole primaire de Hatinh, từng là những cái nôi đào tạo ra nhiều bậc danh nhân nổi tiếng. Trong đó có nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Hường, người con Thị xã Hà Tĩnh bị giặc Pháp bắt giữ và tra tấn dã man vì tham gia tổ chức cách mạng. Chị đã anh dũng hy sinh vào ngày 02, tháng 8, năm 1930 tại Nhà lao Hà Tĩnh. 

Ngược thời gian, mới đó vừa trọn một thế kỉ, những hàng cây ngô đồng cổ thụ đã qua 100 mùa lá rụng, chứng kiến quá nhiều sự đổi thay của đất này. Để thành phố có được diện mạo như hôm nay, có người đặt câu hỏi phải chăng vua Khải Định là bậc thầy phong thủy, khi ông cho ban hành Chỉ dụ thành lập Trung tâm đô thị Hà Tĩnh vào năm Giáp Tý (1924), là năm khởi đầu cho vận 4 (20 năm) và Trung nguyên đại vận (60 năm) theo thuyết "Tam nguyên Cửu vận"?

Học thuyết trên cho rằng, vận 4 thuộc hành mộc, vượng khí về hướng Đông -Nam, được coi là điểm xuất phát thời vận yên ổn, an lành trí tuệ, sắc đẹp và hiển vinh... Việc mở rộng địa giới hành chính Trung tâm đô thị cũng dịch chuyển chủ yếu về hướng Đông - Nam là rất linh ứng. Dẫu sao đó chỉ là những suy luận, nhưng rõ ràng năm 1924 là một bước khởi đầu khá thuận lợi, trong việc hình hành và phát triển trung tâm đô thị Hà Tĩnh trên mọi phương diện.

Với vai trò trung tâm của một tỉnh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; có vị trí địa lí đắc địa hội tụ các điều kiện tự nhiên lí tưởng với rừng vàng, biển bạc, đồng bằng rộng lớn, lại nằm trên huyết mạch giao thông Bắc - Nam, trục hành lang Đông - Tây đi các nước: Lào, Thái Lan... thì việc xây dựng đô thị này xứng tầm thủ phủ của một xứ lớn là điều cần thiết, mà Chính phủ Nam Triều và thực dân Pháp nắm rất rõ trong việc củng cố quyền lực, cùng thực thi chính sách cai trị.

Từ đó đến nay biết rằng, trên mảnh đất này phải nếm trải bao thác ghềnh lịch sử, mà trong đó có những sự kiện đáng nhớ như: Cơn đại hồng thủy xảy ra năm 1934, nạn đói năm 1945; tiếp đến là hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, rồi cơn đại hạn hán năm 1978 hay đại dịch Covid-19 vừa qua.... nhưng mỗi giai đoạn như vậy càng khẳng định ý chí vươn lên của người dân quê tôi.

Giờ đây khi mùa phượng hồng đang nở, những cơn gió nồm nam mát rượi ùa về, hôn nhẹ lên gương mặt mới của thành phố thật đáng yêu! Bước trên đường Phan Đình Phùng, con đường vừa được rải nhựa láng bóng, hai bên là những hàng cây mới tràn đầy nhựa sống đang xòe tay chào đón hạ về; những cột điện quấn dây nhựa chằng chịt ngày nào đã được tháo dỡ, thay bằng hệ thống cáp ngầm, càng tôn lên vẻ đẹp lịch lãm của phố phường. Đâu đó tiếng ve sầu man mác, gợi bao kỉ niệm của bao thế hệ học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng khiến lòng tôi bâng khuâng!

Trong lúc đang chìm đắm giữa không gian đan xen của quá khứ với hiện tại, tôi được một người bạn mời thưởng ngoạn Tp. Hà Tĩnh trên tầng thứ 38, tòa nhà Vinpearl tọa lạc ngay trung tâm thành phố. Không biết so sánh gì hơn, nhưng ở đây như chốn thiên thai. Bởi ngoài hương vị cafe thơm ngon quyện dưới trời trong tinh khiết, tôi có cảm giác cứ ngỡ như mình đang đi trong mây. Hay chăng đó là khí chất tôn nghiêm của thành phố được chưng cất lên giữa vũ trụ phi phàm, chỉ cho phép tôi nhận biết khi buông bỏ hết mọi suy tính giữa gánh nặng cuộc đời?!

Và trong cảm giác miên man đó, tôi càng thấy thành phố thật đẹp, thật thanh bình khi trải mắt thấy mồn một mọi ngõ ngách vô cùng sinh động. Và trong những mảng màu tươi tắn trẻ trung phố xá ngày mới, tôi chợt hình dung thấy thành cổ, Nhà hát nhân dân cũ, chợ Tỉnh cũ, âu thuyền sông Cụt cũ... và dường như ở đó còn có cả bóng dáng của tổ tiên, ông bà, cậu mẹ tôi đang thong thả đi về!...

Xa xa về hướng Đông là biển xanh tung những lớp bọt sóng trong như ngọc đang quay quắt hôn lên ngực tôi. Ngước về hướng Tây là cả dãy núi Nhật Lệ đang hiện ra như dang rộng vòng tay dịu dàng choàng lấy vai tôi. Trong vô thức tôi có cảm giác đất trời vừa vạch ra một đường cong mĩ miều. Không lâu nữa đường cong ấy sẽ hiện lên trên bản đồ đất nước, bọc lấy cả thành phố với diện tích tự nhiên hơn 200km2, (rộng gấp 100 lần so với 100 năm trước). Dự kiến cuối năm nay, thành phố sẽ sáp nhập thêm 14 xã liền kề hướng đến tận biển. Đây chính là vận hội mới để xây dựng Tp. Hà Tĩnh trở thành một thành phố biển đẹp giàu trong tương lai.   

Sức sống mới trên đô thị trẻ TP Hà Tĩnh hôm nay. Ảnh: Huy Tùng (Báo Hà Tĩnh)

Hiện thành phố cũng đã hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch chung và vùng phụ cận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng sinh thái xanh hướng biển, thành phố cacbon thấp, có bản sắc riêng; đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, ngập lụt, triều cường; đáp ứng quá trình gia tăng dân số và quy mô dân số về lâu dài; đồng bộ với nhiều ngành, lĩnh vực mang lại chất lượng sống tốt nhất cho người dân; xây dựng nhiều công trình có kiến trúc đẹp, độc đáo mang tính biểu tượng và hình ảnh của địa phương; xã hội hóa trồng, bảo vệ cây xanh với mục tiêu trở thành đô thị theo hướng “rừng trong thành phố” và “thành phố trong rừng”.

Trước mắt tỉnh đang đẩy nhanh "Dự án Thích ứng với biển đổi khí hậu" có tổng mức đầu tư: 3.286,112 tỷ đồng, (khoảng 136.296.640 USD) sẽ được thực hiện tại thành phố và vùng phụ cận thuộc các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, bao gồm: Hệ thống kênh và cống thoát nước; Phát triển hệ thống đường giao thông kết nối khu vực thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực giám sát hệ thống quan trắc môi trường, hệ thống cảnh báo ngập lụt, quản lý rủi ro bằng ứng dụng di động hiển thị trên điện thoại thông minh cho người dân.

Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai mở tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về phía Đông, với chiều dài khoảng 6,65km, rộng nền 70m; đường Ngô Quyền kéo dài đến cao tốc Bắc Nam; đường nối Ngô Quyền - ĐT.550 (dài 5,05 km); đường nằm trong các dự án giao thông kết nối cao tốc Bắc Nam... Đặc biệt là con đường trong mơ vành đai phía Đông dọc bờ sông Rào Cái, có tổng chiều dài 15,778 km từ cầu Hộ Độ đến cầu Phủ, với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng. Những con đường này vừa tạo cảnh quan đô thị, đáp ứng nhu cầu giao thông, vừa mở rộng quỹ đất, thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động...       

Qua bao phong vận thời gian, giờ đây thành phố quê mình đang đứng trước đại vận mới. Tin hay không, năm 2024 khởi đầu của vận 9, ứng với hành hỏa là vận hội của tài năng trí tuệ và lòng nhiệt tình?... Nhưng để nâng lên một tầm cao mới, trước hết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, trí tuệ và nhiệt huyết. Sức mạnh này hoàn toàn phù hợp với vận khởi mới, mà chúng ta đang giữ lợi thế nắm trong tay để hoàn toàn có quyền tự quyết.

Rào Cái lấp loáng triền nước lên. Sông như người thành phố tôi yêu đang phấn khích dâng hiến cho quê hương bằng cả khối óc và trái tim cháy bỏng của mình! 

1/5/2024

Nguyễn Ngọc Vượng

. . . . .
Loading the player...