Hơn 3.000km bờ biển là món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho người Việt. Biển trở thành một phần tâm hồn người Việt. Biển chở che người Việt, để người Việt yêu thương biển. Biển nuôi dưỡng người Việt, để người Việt ca ngợi biển. Biển hát trong từng giấc mơ thanh bình. Biển reo trong từng ngày no ấm. Biển đi vào ca khúc với âm thanh của từng con sóng vỗ miên man!
Nền tân nhạc nước ta chưa tròn 100 tuổi, mà biển đã có từ ngàn năm. Ca khúc của người Việt rất khiêm tốn so với biển của người Việt. Thế nhưng, khi tiếng lòng đi cùng tiếng biển, thì vẫn có được những câu hát đồng hành trái tim. Vang vọng nhất trong kho tàng ca khúc viết về biển, không thể không kể đến "Việt Nam quê hương tôi" của Đỗ Nhuận và "Xa khơi" của Nguyễn Tài Tuệ, đều ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, đưa cảm hứng biển lên ngang tầm cảm hứng dân tộc.
Tiếp nối mạch nguồn sáng tạo ấy, trong giai đoạn chống Mỹ có nhiều ca khúc được phác thảo trên không gian thẩm mỹ cụ thể là mảnh đất Hải Phòng. Thành phố cảng lớn nhất miền Bắc là nơi đầu tiên mà âm nhạc viết trực diện về biển và viết trực diện về đảo. Không khí vừa lao động vừa chiến đấu đã kích hoạt nhiều giai điệu say sưa, nếu Nguyễn Đức Toàn có ca khúc "Chiều trên bến cảng" nồng nàn: "Một chiều mùa hè gặp nhau trên bến cảng/ Ta gần nhau hơn sau bao ngày xa cách/ Qua mỗi chuyến đi xa, lại thấy yêu quê mình đất cảng/ Mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi con tàu và nhà máy mà ta yêu, mà ta quý / Nghe đất nước đang gọi mình đi theo cánh chim của đồng quê"; Hồ Bắc có ca khúc "Bến cảng quê hương tôi" rạo rực dựng xây: "Ơi cô gái lái xe trên cảng, xe em bon nhanh và tóc em bay trên sóng biển quê hương/ Anh công nhân bốc xếp đã mang bao tấn thép, như dũng sĩ biển đông vai sắt chân đồng/ Cảng thân yêu ơi, miền quê hương ta ơi/ Tổ quốc đã cho ta cuộc đời hôm nay, và sức sống tin yêu vì một ngày mai".
Riêng huyện đảo Bạch Long Vỹ có diện tích khoảng 2,5 km2 khi thủy triều lên và có diện tích khoảng 4 km2 khi thủy triều xuống đã có quyền tự hào về hai bài hát nổi tiếng: "Bạch Long Vỹ đảo quê hương" của Hoàng Vân và "Bài ca trên đảo Bạch Long Vỹ" của Vũ Ngọc Quang.
Nhạc sĩ Huỳnh Phước Long.
Cần xác định, cảm hứng biển là một cảm hứng lớn đối với những người sáng tác. Hầu hết các nhạc sĩ nổi tiếng, dù tự viết lời hoặc phổ thơ, đều có trong hành trang một vài ca khúc viết về biển. Ví dụ, Hoàng Hiệp có "Chút thơ tình lính biển", Phan Huỳnh Điểu có "Thuyền và biển", Hồng Đăng có "Biển hát chiều nay", Phạm Minh Tuấn có "Sao biển", Nguyễn Cường có "Hò biển"…
Tên tuổi có vẻ lặng lẽ hơn một chút, nhưng nhìn vào trường hợp nhạc sĩ Văn Thành Nho cũng thấy được cảm hứng biển mang tính xuyên suốt. Bài hát quan trọng nhất làm nên sự nghiệp âm nhạc của Văn Thành Nho là "Đất nước lời ru" với niềm riêng dạt dào "biển xanh xanh trời xanh xanh, cho con bao hy vọng" tiếp tục nảy nở trong ca khúc "Bài thơ biển" nhiều xao xuyến: "Sóng ru bao lời của mẹ, để anh vượt qua bão tố/ Những khi yên trời biển lặng, sóng gọi kìa em nghe chăng/ Thương ai như trời với biển, trông ai chân trời góc biển/ Dạt dào con sóng vỗ, bồi hồi con sóng vỗ…".
Phần lớn sáng tác của các nhạc sĩ đều gắn tình yêu biển cả vào tình yêu đôi lứa. Từ "Biển nhớ" của Trịnh Công Sơn, "Biển khát" của Trương Ngọc Ninh, "Biển cạn" của Kim Tuấn đến "Biển, nỗi nhớ và em" của Phú Quang, "Bên em là biển rộng" của Bảo Chấn, "Phố biển" của Thanh Tùng….
Và đôi khi tình yêu đôi lứa chỉ là cơn cớ để thúc đẩy tình yêu biển cả, nhưng ca khúc "Biển hát lời anh ca" của Trần Thanh Tùng đang dần quen thuộc với khán giả: "Ngoài khơi xa mênh mang có muôn ngàn những lớp sóng/ Mải mê theo nhau xô hoài miệt mài trên cát trắng/ Hàng cây bâng khuâng như mơ ru hồn trên gió nắng/ Và hát, hát câu tình ta/ Làng quê bên sông bốn mùa xanh biếc lá/ Vòng tay để ôm quê nhà mặn mồi trong gió nắng/ Bờ cát đứng ngóng trông biển xôn xao cá/ Con tim thấy nồng nàn, nồng nàn…".
Trên đại dương mênh mông, có những hòn đảo và những cụm đảo hiên ngang như phên giậu Tổ quốc. Giữ đảo để giữ biển, giữ đảo để giữ nước. Hai địa danh Trường Sa và Hoàng Sa xuất hiện rực rỡ trong nhiều ca khúc, từ "Nơi đảo xa" của Thế Song "Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/ Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/ Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/ Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua/ Lướt sóng con tầu mang tín hiệu trong đất liền/ Mắt em nhìn theo con tầu đi xa mãi" đến "Khúc quân ca Trường Sa" của Đoàn Bổng: "Ngày qua ngày, đêm qua đêm/ Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa/ Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ, ta vẫn vượt qua".
Đặc biệt, không cần giai điệu hào hùng mà "Gần lắm Trường Sa" của Hình Phước Long vẫn cho người hát và người nghe những rung động thiêng liêng: "Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng: Trường Sa xa lắm xa xôi/ Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương/ Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng quanh gành trúc san hô/ Trường Sa ơi, biển đảo quê hương, đôi mắt biên cương, vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật".
Biển muôn đời sóng vỗ, nhưng mỗi thời tình yêu biển mỗi khác. Vài năm gần đây, biển của người Việt gặp nhiều thử thách giông tố. Người Việt lại hướng đến biển bằng tâm trạng sôi sục hơn, gắn bó hơn. Dù không quá xuất sắc về giai điệu và ca từ, nhưng "Tổ quốc nhìn từ biển" và "Tổ quốc gọi tên mình" nhanh chóng chinh phục công chúng.
Nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí.
Ca khúc "Tổ quốc nhìn từ biển" được Quỳnh Hợp phổ từ thơ Nguyễn Việt Chiến: "Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa/ Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc/ Các con nằm thao thức phía Trường Sơn/ Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả/ Lời cha dặn từng thước đất giữ gìn/ Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/ Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không?"; còn ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình" được Đinh Trung Cẩn phổ từ thơ Nguyễn Phan Quế Mai: "Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Bão tố dập dồn, giăng lưới bủa vây/ Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước/ Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau/ Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi/ Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ/ Ngọn đuốc hòa bình, bao người đã ngã/ Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông".
Không thể nói khác, biển là tài sản mà tổ tiên người Việt đã trao truyền lại cho con cháu hôm nay. Thế hệ nào cũng phải có trách nhiệm nâng niu biển. Trong âm nhạc cũng vậy, nhiều nhạc sĩ lớp kế cận đã, đang và sẽ viết về biển bằng tất cả niềm tin yêu và sự chân thành.
Ca khúc "Nơi ấy là Trường Sa" của Xuân Nghĩa có cách thể hiện khá mới mẻ: "Ngoài kia không có ngọc lan/ Không tiếng chim hót ngày nắng hồng/ Không hẹn hò và không đón đưa/ Những trưa chiều về không tiếng hát/ Chỉ có gió sương trên cánh tay những người tuổi trẻ/ Đang kề bên nhau, vì non sông mãi yên bình".
Còn ca khúc "Bay qua biển Đông" của Lê Việt Khánh lại dùng giai điệu rất trẻ trung: "Bay qua biển Đông/ Mênh mông trùng khơi/ Gửi miền biên cương xa xôi những ân tình/ Biển xanh lấp lánh, Hải Âu tung cánh/ Trường Sa nơi ấy có anh/ Bao nhiêu tình thương/ Bay qua đại dương/ Gửi người chiến sỹ biên cương/ Trái tim nồng cháy yêu thương/ Cho dẫu sóng gió ngàn trùng phong ba cách xa…".
Trong những ca khúc viết về biển gần đây rất được giới trẻ yêu thích, có thể kể đến "Nghĩ về biển" và "Lời thỉnh cầu từ Mẹ Biển Đông" của Nguyễn Anh Trí. Với chất liệu âm nhạc nhẹ nhàng và sâu lắng, ca khúc "Nghĩ về biển" tỉ tê: "Dù bão tố giận hờn/ Thét gào trên mặt biển/ Bão tan đi, biển về lại hiền hòa/ Sông trút vào muôn vạn tấn phù sa/ Hàng triệu năm vẫn không làm biển đục/ Dẫu cuộc đời có muôn vàn mặn chát/ Đổ nữa thêm không làm biển mặn hơn/ Tôi ngắm biển và bao lần tự hỏi/ Biển bao dung nhờ sâu, rộng biển ơi/ Biển mãi trong tôi thăm thẳm cuộc đời"; còn ca khúc "Lời tỉnh cầu từ Mẹ Biển Đông" day dứt: "Những năm tháng này mỗi người dân Việt/ Đều nghe lời thỉnh cầu tha thiết của Mẹ Biển Đông/ Tiếng đảo chìm, đảo nổi vang vang/ Với lời thỉnh cầu phải là Đất Việt/ Trường Sa, Hoàng Sa đều là máu thịt/ Không được phụ lòng với tổ tiên/ Lời thỉnh cầu từ đáy biển thẳm sâu/ Những than, những dầu thỉnh cầu dâng hiến/ Tiếng những đoàn thuyền thỉnh cầu ước nguyện/ Mong chuyến ra khơi bão lặng giông dừng".
Càng thú vị hơn, nếu công chúng biết rằng, tác giả Nguyễn Anh Trí năm nay vừa tròn 60 tuổi, là Thầy thuốc Nhân dân, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương!./.
Theo Tuy Hòa (Văn nghệ Công an)