27-06-2024 - 02:53

Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh trong 50 năm qua

Chuyên mục "50 năm nền văn học, nghệ thuật Hà Tĩnh sau ngày đất nước thống nhất (1975-2025) - Tạp chí Hồng Lĩnh Số tháng 6/2024 - trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Quang Ái: Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh trong 50 năm qua"

 Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh trong 50 năm qua

 

1. Nếu xét riêng phương diện sưu tầm, biên khảo, nghiên cứu thì hoạt động văn nghệ dân gian ở Hà Tĩnh có từ rất sớm, từ trước năm 1945 đã xuất hiện gương mặt tiêu biểu là học giả, nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi (1915 - 1984) với công trình Hát giặm Nghệ Tĩnh (tập 1), Văn học dân gian sưu tầm ở Ích Hậu (4 tập, chưa xuất bản). Sau năm 1945, tiếp bước GS Nguyễn Đổng Chi và cùng cộng tác đắc lực với GS là các ông Nguyễn Chung Anh, Vũ Ngọc Khánh (1926-2012), Thanh Minh (1914-1986), Thái Kim Đỉnh (1926-2017), Ninh Viết Giao (1933-2014). Từ cuối thập niên thứ 5 đầu thập niên thứ 6 của thế kỷ XX, các ông đã xuất bản được những công trình văn nghệ dân gian sáng giá như Hát ví Nghệ Tĩnh (Nguyễn Chung Anh), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Nguyễn Đổng Chi), Lược khảo thần thoại (Nguyễn Đổng Chi), Hát giặm Nghệ Tĩnh (2 tập, Nguyễn Đổng Chi - Ninh Viết Giao),… Những thành tựu đó đã góp phần đặt nền móng cho sự ra đời của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vào năm 1967. Lúc bấy giờ, các ông Thanh Minh, Thái Kim Đỉnh là những hội viên sáng lập của Hội. Sau đó, tại Hà Tĩnh, được sự hỗ trợ của cấp ủy và chính quyền tỉnh, hai ông đã tổ chức thành lập Tiểu ban Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh và trực tiếp phụ trách. Tuy tiểu ban chuyên trách chỉ có 4 người, nhưng với sự nhiệt tình, năng động của các ông, tiểu ban đã tổ chức được nhiều tổ sưu tầm và mạng lưới cộng tác viên khá đông ở cơ sở, xúc tiến việc sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản tác phẩm văn nghệ dân gian trong nhiều năm liền...Tuy nhiên, do điều kiện đất nước đang còn trong tình trạng chiến tranh, công tác sưu tầm gặp nhiều khó khăn, trở ngại; đặc biệt, việc xuất bản thành sách các công trình sưu tầm, biên khảo văn nghệ dân gian lại càng khó. Tuy nhiên, các thành phần cốt cán của Tổ Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh như Thanh Minh, Thái Kim Đỉnh, về sau có thêm Võ Hồng Huy (1925 - 2016), vẫn có những thành quả về phương diện sưu tầm, khảo cứu. Thanh Minh với các tiểu luận như Hà Tĩnh hát giặm, Tập Kiều và nhại Kiều khác nhau như thế nào, Một số nét cơ bản về sáng tác vè giặm…; Thái Kim Đỉnh với công trình sưu tầm, biên khảo như Ca dao chống Mỹ, Cá gáy hóa rồng… có thể coi là những đóng góp tiêu biểu cho hoạt động văn nghệ dân gian giai đoạn này.

2. Sau năm 1975, khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, và sau đó, vào năm 1976, hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An nhập lại thì về phương diện quy mô, tổ chức, điều kiện xã hội đáng lẽ có rất nhiều thuận lợi cho công tác văn nghệ dân gian. Nhưng do đất nước vẫn chưa hết chiến tranh, Việt Nam bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận về mọi mặt nên cuộc sống kinh tế - xã hội chồng chất khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, đương nhiên, mọi hoạt động xã hội nói chung, công tác văn hóa, văn nghệ nói riêng gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, vượt lên mọi thử thách của đời sống, các nhà hoạt động văn nghệ dân gian gạo cội vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác sưu tầm, biên khảo và phục dựng sinh hoạt văn nghệ dân gian cổ truyền.

Trong giai đoạn từ năm 1976 - 1991, nhìn chung, trong văn nghệ dân gian xứ Nghệ nói chung, văn  nghệ dân gian Hà Tĩnh nói riêng thì các mảng như văn học dân gian, âm nhạc dân gian, sân khấu dân gian là có nhiều thành tựu nhất ở tất cả các khâu sưu tầm, biên khảo, nghiên cứu, phục dựng và kế thừa. Về văn học dân gian, tiêu biểu là các công trình của nhà văn hóa Thái Kim Đỉnh như: Núi Thiên Cầm, Truyện dân gian Nghệ Tĩnh (2 tập)…; của Ninh Viết Giao như Ví phường Vải, Ca dao Nghệ Tĩnh,…Về âm nhạc dân gian, chủ yếu là việc sưu tầm, nghiên cứu và cải biên các làn điệu dân ca trong các ca khúc, tổ khúc được biểu diễn trên sân khấu. Cố nhạc sỹ Vi Phong (1940 - 2003), với những sáng tác tiêu biểu như: Hương cau vườn Bác,  Lời ru trong đêm, Nhìn hoa nhớ Người, Nơi mùa xuân tươi xanh, Về quê Hà Tĩnh, Quê mình, Nhớ Hương Sơn, Ngàn Phố sông ơi, Tình quê, Đêm Tam Soa,... đậm chất dân ca ví giặm. Ngoài các đóng góp về nghiên cứu và sáng tác âm nhạc. Vi Phong còn là một trong những người tâm huyết, trăn trở với việc đưa dân ca Ví - Giặm lên sân khấu kịch hát, sân khấu hóa dân ca Ví - Giặm như một kịch chủng trong hệ thống các loại kịch hát dân ca Việt Nam. Về sân khấu, đáng chú ý là các tác phẩm kịch hát dân ca của cố nghệ sĩ Phan Lương Hảo như: Gói quà, Chuông đồng hồ báo thức, Mai Thúc Loan, Khúc hát rừng thông , Xôn xao rừng quế,...

3. Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh thực sự phát triển mạnh mẽ bắt đầu từ khi tái lập tỉnh đến nay. Trong Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Tĩnh có Ban Văn nghệ dân gian và nòng cốt là các hội viên Chi Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ở Hà Tĩnh với các bậc lão thành như  Thái Kim Đỉnh, Võ Hồng Huy, Hồ Hữu Phước (1936 - 2023), Lê Nghi, Lê Anh Tuấn, Trần Hồng Dần. Về sau, có thêm Phạm Quang Ái, Phan Thư Hiền, Đặng Thị Thúy Hằng. Về mặt tổ chức, các hội viên TƯ vừa sinh hoạt trong Chi Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh vừa là Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Tĩnh. Ngoài số hội viên nòng cốt, Ban Văn nghệ dân gian còn tập hợp được một đội ngũ công tác viên sưu tầm, biểu diễn và sáng tác đông đảo.

Trước hết, đây là giai đoạn bùng nổ xuất bản các công trình sưu tầm, biên khảo văn nghệ dân gian. Chỉ riêng nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh đã có hàng chục đầu sách trình làng, nổi bật trong đó là: Kho tàng truyện cổ Nghệ Tĩnh (4 tập, soạn chung), Kho tàng ca dao xứ Nghệ (2 tập, soạn chung), Lễ hội dân gian Hà Tĩnh, Thái Kim Đỉnh tuyển tập (tập 1 “Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh”). Các hội viên khác như nhạc sĩ Vi Phong có: Nghiên cứu âm nhạc dân gian xứ Nghệ: ca trù Cổ Đạm, Ví phường vải Trường Lưu, Nghiên cứu Dân ca Nghệ Tĩnh, Dân ca Nghệ Tĩnh; Phạm Quang Ái với công trình Tự điển thành ngữ, tục ngữ xứ Nghệ (soạn chung), Dân ca Ví Giặm (soạn chung), Dòng họ Nguyễn Tiên Điền qua gia phả, sử sách và tư liệu điền dã; Phan Thư Hiền với các đầu sách: Ca trù Hà Tĩnh trong nôi Ca trù người Việt; Tri thức dân gian của người Nghệ Tĩnh về chuyện sinh đẻ, Ứng dụng các loại hình diễn xướng dân gian ở Hà Tĩnh vào phát triển du lịch, Các vùng dân ca tiêu biểu ở Hà Tĩnh, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Dân ca Ví Giặm trong tâm thức người Nghệ Tĩnh (đồng tác giả với Lê Thanh Loan), Những người giữ hồn và thắp lửa dân ca Ví Giặm; Trần Hồng Dần có Đất và Người Đức Thọ,…

Về phương diện nghiên cứu khoa học, Ban Văn nghệ dân gian đã chủ trì hoặc tham gia các đề tài Nghiên cứu các giá trị tiêu biểu mang tầm nhân loại về di sản văn hóa làng Trường Lưu, Bảo tồn và phát huy các giá trị tiêu biểu di sản văn hóa làng Trường Lưu, Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vùng biển nhằm phát triển du lịch Hà Tĩnh, Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của Ca trù Hà Tĩnh, Nghiên cứu, ứng dụng các loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc ở Hà Tĩnh nhằm phát triển du lịch,… Chủ trì thực hiện 02 đề tài khoa học cấp tỉnh gồm: “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của Ca trù Hà Tĩnh”,Nghiên cứu, ứng dụng các loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc ở Hà Tĩnh nhằm phát triển du lịch” (do Phan Thư Hiền làm chủ nhiệm đề tài)…

Về phương diện diễn xướng, điều tra, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các loại hình diễn xướng dân gian trên địa bàn Nghệ Tĩnh nói chung, Hà Tĩnh nói riêng như Dân ca Ví Giặm, Hò, Vè, Nghệ Tĩnh; Ca trù, Sắc bùa, Trò Kiều, Lẩy Kiều, Chầu văn, Hát ru; dân ca dân tọc Chứt... trên đất Hà Tĩnh. Đặc biệt, Chi Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh đã cùng Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp điều tra, sưu tầm phục dựng các làn điệu và không gian diễn xướng dân ca Ví Giặm để xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh loại hình dân ca độc đao này vào năm 2014.

Khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị của lễ hội dân gian gắn với diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian và làng nghề truyền thống như: Lễ hội Chăm - Cha - bới (mừng cơm mới của dân tộc Chứt); Lễ hội Cầu ngư và diễn xướng Hò Chèo cạn Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên; Lễ hội Sỹ - Nông - Công - Thương ở Xuân Thành, Nghi Xuân; Lễ hội rước thần và trò diễn “Triệt Giang đoạt A Đẩu” ở Trường Xuân, Đức Thọ; … Khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị về tri thức dân gian, như: Tri thức của người Nghệ về chuyện sinh đẻ; tri thức dân gian của người ven bờ sông La về phòng chống thiên tai, bão lũ; tri thức chăn nuôi trồng trọt…

Tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp điều tra, sưu tầm, khảo cứu Văn nghệ dân gian cho hội viên, cộng tác viên và lực lượng nghệ nhân dân gian trong toàn tỉnh 05 năm/lần. Phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức một số Hội thảo chuyên đề liên quan như: Bảo tồn và phát huy các giá trị của Ca trù; ứng dụng đưa Dân ca Ví Giặm vào tua tuyến du lịch; Giải pháp đưa Dân ca Nghệ Tĩnh vào trường học…

Ban Văn nghệ dân gian đã tổ chức, phát hiện, bồi dưỡng và hướng dẫn làm hồ sơ trình Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gianHuy chương Vì sự nghiệp Bảo tồn Văn nghệ dân gian cho trên 40 nghệ nhân thực hành diễn xướng và truyền dạy Dân ca Ví Giặm, Ca trù, Trò Kiều, Chầu văn… Đến nay, Hà Tĩnh đã có 3 Nghệ nhân nhân dân, 26 Nghệ nhân ưu tú, 60 Nghệ nhân dân gian... khôi phục hàng chục không gian diễn xướng cổ truyền như  Hát ví Phường Vải, Hát ví Sông Lam, Ca trù Cổ Đạm, Hò Chèo Cạn.... với hàng trăm câu lạc bộ dân ca.

Về công tác quảng bá, Ban Văn nghệ dân gian phối hợp với Ban liên lạc động hương Hà Tĩnh, tham gia chương trình giao lưu, quảng bá Dân ca Ví Giặm tại thành phố Hà Nội, Huế, thành phố hồ Chí Minh… thu hút hàng vạn lượt người xem để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả cả nước. Phối hợp Đài PTTH tổ chức chuyên đề “Diễn đàn văn hóa dân gian Hà Tĩnh thời kỳ hội nhập”; tổ chức Hội nghị Quán triệt “Chương trình hành động quốc gia về về bảo tồn và phát huy dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh” cho các lực lượng hội viên, cộng tác viên, nghệ nhân.

Tham gia cùng với Sở VHTT&DL và các cơ quan Viện Âm nhạc, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Trung tâm lưu trữ quốc gai lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Ca trù là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp; Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Mộc bản Trường học Phúc Giang Thư viện và Hoàng Hoa sứ trình đồ là Tư liệu ký ức Châu Á – Thái Bình Dương…

Xây dựng và sản xuất 10 đĩa DVD về Ví Giặm, Trò Kiều, Hát thơ Kiều, Ca trù, Sắc bùa…và 05 phóng sự truyền hình về thực trạng hoạt động Văn hóa văn nghệ dân gian, trong đó có một số chuyên đề về công tác bảo tồn và phát huy dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh ở Hà Tĩnh như và nhiều chương trình chuyên đề khác trên Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh, Báo Hà Tĩnh, Tạp chí Di sản, Tạp chí nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật… để tuyên truyền cho các loại hình diễn xướng dân gian như Ví Giặm, Ca trù, Trò Kiều, Hò Chèo cạn, Sắc bùa, lễ hội dân gian…

Phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu Hội VNDG Việt Nam công nhận 40 nghệ nhân dân gian và 20 cá nhân được Huy chương vì sự nghiệp bảo tồn VNDG;

Hàng năm, liên kết với các tổ chức doanh nghiệp, hội đồng hương và cá nhân nhà tài trợ tổ chức cho các nghệ nhân tham gia quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống của Hà Tĩnh tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như chương trình “Ân tình Ví Giặm” tại Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…; chương trình“Duyên nợ Nghi Xuân” - quảng bá về Ca trù, Trò Kiều tại Bắc Ninh, Bình Định, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam…          

4. Nhìn chung, trong 50 năm qua, mảng văn nghệ dân gian Hà Tĩnh đã có những cố gắng vượt bậc để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Tuy nhiên, do những khó khăn khách quan và chủ quan, trong đó, đáng kể nhất là những khiếm khuyết về nhân lực và công tác tổ chức, nên có những bộ phận hợp thành văn nghệ dân gian như mỹ thuật dân gian, múa dân gian, kiến trúc dân gian, trò chơi dân gian còn chưa được chú trọng điều tra, sưu tầm, nghiên cứu. Riêng những thành tựu đạt được như văn học dân gian, âm nhạc dân gian, sân khấu dân gian tuy là rất lớn nhưng vẫn nặng về sưu tầm, ứng dụng, chưa có điều kiện để đi sâu vào nghiên cứu một cách bài bản.

Tiếp nối giai đoạn này, sắp tới chúng ta phải quan tâm hơn nửa về việc đào tạo nhân lực, tập trung khảo cứu những bộ phận đã có nhiều dữ liệu, tổ chức điều tra sưu, tầm những bộ phận lâu nay chưa có điều kiện hoạt động, để có thể kế thừa, phát huy những giá trị cốt lõi của văn nghệ dân gian trong công cuộc “xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnhtrong giai đoạn mới” theo tinh thần Nghị quyết số 18 - NQ/TU, ngày 22 tháng 12 năm 2023, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tinh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

              Phạm Quang Ái

 

. . . . .
Loading the player...