15-08-2020 - 06:45

VĂN NGHỆ DÂN GIAN HÀ TĨNH TRƯỚC XU THẾ HỘI NHẬP VÀ NHIỆM VỤ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA

"Hà Tĩnh là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng. Từ cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất và đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước, người dân đã sáng tạo và lưu giữ được một kho tàng di sản văn hóa dân gian vô cùng phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc địa phương. Và trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ đó, các loại hình diễn xướng dân gian (dân ca, dân nhạc, dân vũ) được xem là “tài sản”, “thổ sản”, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của cộng đồng nhân dân nơi đây...Văn nghệ dân gian là một nguồn lực sống động, có bề dày về thời gian tồn tại, nhưng lại vô cùng mong manh, bởi lẽ phải đứng trước rất nhiều tác động. Nếu không có một cuộc điều tra, khảo sát, sưu tầm một cách toàn diện, thì rất khó để có thể hình thành cũng như có phương pháp bảo tồn vốn văn hóa này"... Tham luận của tác giả Phan Thư Hiền tại Đại hội Hội LHVHNT nhiệm kỳ 2020-2025 đề cập đến vấn đề này. Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài viết này

VĂN NGHỆ DÂN GIAN HÀ TĨNH TRƯỚC XU THẾ HỘI NHẬP

VÀ NHIỆM VỤ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA

 

                                                                                              Phan Thư Hiền

 

        Hà Tĩnh là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng. Từ cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất và đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước, người dân đã sáng tạo và lưu giữ được một kho tàng di sản văn hóa dân gian vô cùng phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc địa phương. Và trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ đó, các loại hình diễn xướng dân gian (dân ca, dân nhạc, dân vũ)[1] được xem là “tài sản”, “thổ sản”, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của cộng đồng nhân dân nơi đây. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, những món ăn tinh thần này đã đồng hành cùng người dân, trở thành dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tinh thần, hình thành nên tính cách, tâm hồn của các thế hệ người dân Hà Tĩnh. Những làn điệu dân ca cổ truyền (ví, giặm, ca trù, sắc bùa, hát văn…) vừa trữ tình, sâu lắng, vừa sôi nổi, rộn ràng vẫn đang được quần chúng nhân dân gìn giữ trong sinh hoạt cộng đồng.  Ðiều đó làm cho giá trị các loại hình văn nghệ dân gian luôn được kế thừa và phát huy trong đời sống đương đại.  

         Hà Tĩnh vinh dự có 04 di sản liên quan được UNESCO vinh danh, công nhận, đó là: Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh[2] và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ[3] được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Ca trù[4] được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, cùng với 02 tư liệu ký ức Châu Á, Thái Bình Dương là Mộc bản Trường LưuHoàng Hoa sứ trình đồ. Ngoài ra, Hà Tĩnh có 03 lễ hội được xếp hạng Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, đó là Lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn ông (2015) và lễ hội đền Chiêu Trưng (2016), lễ hội Chùa Hương (2018). Ngoài ra, Hà Tĩnh có gần 100 lễ hội gắn với các trò diễn dân gian rất sinh động, tiêu biểu như các màn diễn xướng: Sĩ - Nông - Công - Thương ở Xuân Thành, Nghi Xuân; Huyền thoại công chúa Ba ở trong lễ hội chùa Hương Tích ở Thiên Lộc, Can Lộc; Y tông tâm lĩnh trong lễ hội Hải Thượng Lãn ông; Kê minh thập sách trong lễ hội Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu tại Kỳ Ninh, Kỳ Anh; Trưởng giả gả con gái ở Đình Đụn; Mục Liên cứu mẹ và Thập loại chúng sinh ở trong lễ hội đình Hội Thống, Nghi Xuân; Triệt Giang đoạt A Đẩu ở trong lễ hội đền Trường Xuân, Đức Thọ; Hội hát ghẹo trong lễ hội Lục ngoạt ở Mỹ Dương, Cẩm Xuyên; Hò chèo cạn trong lễ hội Cầu ngư xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên... Thông qua các hoạt động lễ hội, đã hình thành nên đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và những phong tục tập quán tốt đẹp, tạo nên tâm hồn và cốt cách con người Hà Tĩnh.

        Thời gian qua, bằng những nỗ lực không ngừng, đội ngũ cán bộ làm công tác văn nghệ dân gian Hà Tĩnh đã có những đóng góp tích cực cho việc sưu tầm, nghiên cứu các loại hình diễn xướng dân gian trên địa bàn Nghệ Tĩnh nói chung, Hà Tĩnh nói riêng như Dân ca Ví Giặm, Hò, Vè, Nghệ Tĩnh; Ca trù, Sắc bùa, Trò Kiều, Lẩy Kiều, Chầu văn, Hát ru; dân ca dân tộc Chứt;  Lễ hội Chăm -Cha - bới (mừng cơm mới của dân tộc Chứt); Lễ hội Cầu ngư và diễn xướng Hò Chèo cạn Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên; Lễ hội Sỹ - Nông - Công - Thương ở Xuân Thành, Nghi Xuân phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp điều tra, sưu tầm, khảo cứu văn nghệ dân gian và một số Hội thảo như: Bảo tồn và phát huy các giá trị của Ca trù; ứng dụng đưa Dân ca Ví Giặm vào tua tuyến du lịch; Giải pháp đưa Dân ca Nghệ Tĩnh vào trường học…; chủ trì thực hiện 05 đề tài khoa học cấp tỉnh gồm: “Dân ca Nghệ Tĩnh”; “Lễ hội dân gian Hà Tĩnh”,“Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của Ca trù Hà Tĩnh”,Nghiên cứu, ứng dụng các loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc ở Hà Tĩnh, nhằm phát triển du lịch” và “Nghiên cứu các giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu của Di sản Văn hóa làng Trường Lưu”; phát hiện, bồi dưỡng và hướng dẫn làm hồ sơ trình Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho trên 50 nghệ nhân có thành tích thực hành diễn xướng và truyền dạy Dân ca Ví Giặm, Ca trù, Trò Kiều, Chầu văn…; tham gia cùng với Viện Âm nhạc, Viện Văn hóa nghệ thuật, Trung tâm Lưu trữ quốc gia lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Ca trù, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh; Mộc bản Phúc Giang Thư việnHoàng Hoa sứ trình đồDi sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tư liệu ký ức Châu Á - Thái Bình Dương…; xây dựng và sản xuất 10 đĩa DVD về Ví Giặm, Trò Kiều, Hát thơ Kiều, Ca trù, Sắc bùa…; phối hợp Đài PTTH tổ chức chuyên đề “Diễn đàn văn hóa dân gian Hà Tĩnh thời kỳ hội nhập” và hàng chục phóng sự truyền hình về thực trạng hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian ở Hà Tĩnh cùng nhiều bài viết khác trên báo, tạp chí trung ương và địa phương. Đặc biệt, một số anh chị em đã xuất bản được nhiều tập sách có giá trị về văn nghệ dân gian. Tiêu biểu như: Thái Kim Đỉnh với…“Làng cổ Hà Tĩnh”; “Bách thần sự tích”, “Chùa cổ Hà Tĩnh”, “Lễ hội dân gian Hà Tĩnh” và năm 2017, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã chủ trì xuất bản“Tuyển tập Thái Kim Đỉnh”; Võ Hồng Huy với “Non nước Hồng Lam”; “Tiếng Kiều đồng vọng đất Hồng Lam”(Đồng tác giả với Vũ Ngọc Khánh và Thái Kim Đỉnh). Nhân ngày giỗ Đại tường của ông, gia đình đã xuất bản “Tuyển tập Võ Hồng Huy”;  Phan Thư Hiền với “Nguyễn Công Trứ với hát Ca trù”, “Giai thoại Nguyễn Công Trứ”, “Ca trù Hà Tĩnh trong nôi Ca trù người Việt”; “Tri thức dân gian của người Nghệ Tĩnh về chuyện sinh đẻ”, “Ứng dụng các loại hình diễn xướng dân gian ở Hà Tĩnh vào phát triển du lịch”; “Các vùng dân ca tiêu biểu ở Hà Tĩnh”, “Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh”, “Những người giữ hồn và thắp lửa dân ca Ví Giặm”, “Ca trù Cổ Đạm xưa và nay”;  Phạm Quang Ái với “Dòng họ Nguyễn Tiên Điền qua gia phả và tư liệu điều tra, điền dã”; Trần Hồng Dần với “Văn bia Hà Tĩnh” ; Lê Văn Tùng với “Làng cổ Hương Nao”; Võ Giáp với “Xã cổ Nghi Xuân”…Tại các cộng đồng, nhiều nghệ nhân với ý thức và tâm huyết gìn giữ vốn cổ, đã mở lớp truyền dạy đàn, hát cho con em trong làng và các vùng lân cận. Tiêu biểu như NNND. Trần Khánh Cẩm và các NNƯT: Vũ Thanh Minh, Nguyễn Ban, Nguyễn Trọng Tuấn, Hoàng Bá Ngọc, Trương Quốc Đính, Nguyễn Viết Hoài, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thị Duyễn, Trần Thị Phượng, Nguyễn Huýnh…Hàng trăm câu lạc bộ dân ca ví giặm lần lượt ra đời, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. 

        Kết quả đã đạt được như đã nói trên đây là rất đáng trân trọng, nhưng còn rất khiêm tốn đối với việc bảo tồn và phát huy những tài sản được xem là “báu vật” của cha ông để lại. Bên cạnh những thuận lợi, lĩnh vực văn nghệ dân gian đáng đứng trước những khó khăn, thách thức. Đó là: Đội ngũ tác nghiệp quá mỏng manh; một số nhà nghiên cứu có trình độ và tâm huyết với nghề như các bác: Thái Kim Đỉnh, Võ Hồng Huy, Trần Quang Tảo thì đã về với thiên cổ. Lớp kế cận hầu hết cũng đã tuổi cao, sức yếu. Trong khi đó, lớp trẻ không mấy ai mặn mà dấn thân vào mặt trận âm thầm, lặng lẽ, “có chăng hay chớ” này. Công tác sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản chưa được đầu tư tương xứng. Bên cạnh đó, thái độ quan tâm chiếu lệ của các cấp ủy, chính quyền về chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân, đã dẫn tới tình trạng một số nghệ nhân cao tuổi không đủ sức khỏe để truyền dạy cho lớp trẻ. Với cái đà này thì trong tương lai không xa, sự hụt hẫng trong lực lượng nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy về văn nghệ dân gian sẽ không tránh khỏi. Đáng lo ngại hơn, bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa làm cho nhiều thành tố văn hóa văn nghệ dân gian không còn tồn tại như một thực thể, mà bị "vỡ vụn" và biến đổi về cấu trúc, chức năng, mất đi cơ sở xã hội, vì không còn môi trường nuôi dưỡng và phát triển. Hàng chục lễ hội dân gian gắn với lễ nghi tín ngưỡng, phong tục tập quán bị rơi vào quên lãng hoặc hoặc bị “biến tướng”, thương mại hóa, xa rời với sinh hoạt của quần chúng nhân dân. Đó là: Hội rước thần và trò diễn “Triệt Giang đoạt A Đẩu” và Hát tuồng bội ở Trường Xuân; Hội hát ghẹo và tục ăn cá gỏi ở Mỹ Xuyên; Lễ trung nguyên và trò diễn“Mục Liên cứu mẹ” ở Hội Thống; Hội khai canh và trò “diễn hoa” ở Phan Xá…Một số loại hình diễn xướng dân gian đang có nguy cơ thất truyền như: Hát Ả đào: Chi Bông, Khang Quý, Hưng Nhân, Du Đồng, Như Sơn; Hò Thạch Khê; Ví phường nón Tiên Điền, Ví sông La, Ví phường vải Trường Lưu; Sắc bùa Can Lộc, Đức Thọ, Kỳ Anh; Hò Chèo cạn Cẩm Nhượng…Múa dân gian (múa đèn, múa quạt, múa tư linh…) và các trò chơi dân gian (đánh cù, đánh đáo, chơi thẻ, chơi ô ăn quan…) cũng đang nằm trong tình trạng mai một. Những khó khăn và thách thức nói trên, khiến cho nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể đang còn tiềm ẩn trong nhân dân chưa khai thác một cách tối đa, đã để lại khoảng trống khó lấp đầy trong kho tàng văn nghệ dân gian. Đáng báo động hơn, những tài sản vô giá của bao thế hệ đã sáng tạo, gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác không được bảo lưu trọn vẹn, mà có xu hướng ngày một vơi đi.

         Văn nghệ dân gian là một nguồn lực sống động, có bề dày về thời gian tồn tại, nhưng lại vô cùng mong manh, bởi lẽ phải đứng trước rất nhiều tác động. Nếu không có một cuộc điều tra, khảo sát, sưu tầm một cách toàn diện, thì rất khó để có thể hình thành cũng như có phương pháp bảo tồn vốn văn hóa này. Cần phải xác định các giá trị mang tính đặc trưng, bản sắc vùng miền, để từ đó có cách thức huy động cộng đồng cùng tham gia bảo tồn, gìn giữ; lồng ghép hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian vào chương trình giáo dục; Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đời sống của nghệ nhân và những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, bởi cuộc sống mưu sinh sẽ khiến họ bớt đi niềm đam mê, cháy bỏng. Đồng thời, chú ý phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những người có trình độ, tâm huyết hoạt động văn nghệ dân gian để bổ sung vào đội ngũ này; tăng cường công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá cho các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; đa dạng hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ; thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu, trình diễn nghệ thuật dân gian nhân các ngày lễ, tết và các sự kiện chính trị của địa phươngCó như thế mới giữ cho các trầm tích văn nghệ dân gian trên địa bàn Hà Tĩnh không biến mất hoặc mai một trước xu thế hội nhập và phát huy những giá trị tích cực trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay./.

                                                                                                      P.T.H                                                                                                      

       

 

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...