Tạp chí Hồng Lĩnh số 211 tháng 3/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Văn nghệ dân gian trong đời sống cư dân vùng biển Hà Tĩnh” của Phan Thư Hiền
Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km (trong tổng số 3.260km của bờ biển Việt Nam). Trong môi trường biển, với ý thức của chủ sở hữu, cộng đồng cư dân ven biển Hà Tĩnh đã sáng tạo ra một kho tàng văn hóa dân gian, bao gồm: ca dao, tục ngữ, thành ngữ, hò, vè, ví, giặm, giai thoại, truyền thuyết, truyện kể… vô cùng phong phú, đặc sắc, độc đáo. Sống cùng biển, ăn cùng biển, thậm chí chết vùi trong biển, nên những ứng xử của cư dân vùng biển, trước vũ trụ và thiên nhiên, cũng trở thành một kinh nghiệm sống. Ca dao, tục ngữ, thành ngữ đúc kết từ dự báo thời tiết. Đây là các nội dung dễ nhớ, dễ thuộc nhưng lại có giá trị thiết thực nhất đối với ngư dân: Thuyền ngược ta khiến gió nam/ Thuyền xuôi ta khiến gió nồm thổi lên; Ông tha mà bà không tha/ Coi chừng cây bão 23 tháng 10/ Ông cười mà bà không cười/ Coi chừng cây bão mùng 10 tháng 3; Sông sâu, mà biển cũng sâu/ Muốn ăn cá lớn, rong câu cho dài… Những khi chài lưới trên biển khơi đầy sóng gió, họ dùng những câu thành ngữ ngắn gọn để trao truyền lại cho đời sau: Nồm mùa sông, dông mùa biển; đi biển nhớ phương, đi đường nhớ hướng; tháng chín, cá vịn nước sóng; coi gió bỏ buồm... Họ nhìn trời, nhìn sao, nhìn trăng, nhìn chim trên biển, nhìn hướng gió… cũng đoán biết trước được chuyến đi ra biển đó có đánh bắt được không: Nước trong cá lội thấy vi/ Anh câu không được bởi vì sáng sao… Nghề đánh bắt cá trên biển cả cũng có lúc được mùa tùy, nhờ biết lựa theo hướng gió hợp chiều mà ra khơi. Chính vì vậy mà cư dân vùng biển Xứ Nghệ đã lưu truyền các câu ca dao, tục ngữ về đi biển, đánh bắt hải sản như: Thuyền ngược ta khiến gió Nam/ Thuyền xuôi ta khiến gió Nồm thổi lên… Để có nhiều tôm cá giữa biển cả mênh mông, họ luôn tìm đến sự an lành thể hiện trong mối quan hệ giữa ngư dân làng vạn với môi trường xung quanh, từ đó làm nảy sinh sự hiểu biết về biển, về tập tính các loài hải sản: Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông; Trời sương mù nhiều cá thu, cá bẹ…
Cư dân vùng biển Hà Tĩnh thường chỉ cho nhau cách chế biến chúng cũng bằng ca dao, tục ngữ: Nguyên chất nước mắm cá lầm/ Một thìa cũng giá bằng mâm cỗ đầy; Cá thiều mà nấu măng chua/ Một chút canh thừa cũng chẳng bỏ đi... Nhiều kinh nghiệm lâu năm, thấm sâu vào trí nhớ, trở thành lối ứng xử linh hoạt trước thiên nhiên, giúp cho người ngư dân những phán đoán khá chính xác về những điều sắp xảy ra để tránh những rủi ro đến tính mạng: Trời trong trăng tỏ/ Nước đục ngàu ngàu/ Cha con bảo nhau/ Chèo mau cập bến. Hay họ nhắc nhau khi có hiện tượng thời tiết khác lạ: Bạn chèo, thợ lái bảo nhau/ Mống tây chớp lạch, quay mau mà về.
Khi nói về cư dân vùng biển Hà Tĩnh, nhiều người cho rằng họ là những người “ăn sóng, nói gió”, nên tư chất mộc mạc và tâm hồn khô khan. Nhưng không phải thế, những người dân nơi đây đã dùng sự hiểu biết, kinh nghiệm về nghề biển của mình truyền lại cho các thế hệ bằng thơ ca, hò, vè rất sinh động và tinh tế. Đối với họ, Bài ca con nước, Nhật trình đi biển, Hải trình ca, Vè các lái… là cẩm nang cho mình khi ra khơi, vào lộng. Những người đi biển lâu năm, dày dạn kinh nghiệm, đã trải qua nhiều chặng đường trên biển, đã đặt ra các bài vè trên với mục đích qua rồi chép để hậu lai, luôn nhắc nhở thế hệ đi biển tiếp sau phải biết đêm ngày mà đi và mong rằng ai cũng nên thuộc, trước là xem gió xem trời/ Sau thì cho biết những nơi hiểm nghèo… Những người hành nghề đánh bắt thủy, hải sản luôn cầu mong một điều: Ra khơi bữa có bữa không/ Lạy trời đừng để tố giông cho mình… Bởi những người đi biển, luôn gặp lắm điều gian khổ, cho nên đối với họ: Không đi con đói vợ van/ Đi thì cực khổ gian nan nhiều bề. Với ngư dân, nghề biển dù cật lực lao động, dù đã đổ mồ hôi, nước mắt hay đánh đổi cả tính thì họ vẫn không nề hà, dẫu rằng nghề nước mặn trên biển có lúc khổ và nguy hiểm đến mức: Nghề biển nhà ta/ Năm tấc là người, năm tấc là ma… Những người đàn ông đi ra biển, luôn để lại nỗi nhớ nhung, lo sợ cho người phụ nữ ở nhà: Trông ra ngoài biển mù mù/ Biết anh câu đục, câu đù mà thương.
Sống lênh đênh trên biển cả mênh mông, đối mặt với thiên tai, vật lộn với bão to, sóng lớn, những người hành nghề đánh bắt thủy, hải sản luôn gặp lắm điều gian khổ. Ra biển, lấy môi trường biển làm mưu kế sinh tồn, nhưng không phải lúc nào cũng trời yên, biển lặng mà có lúc biển dữ dằn và mãnh liệt, sẵn sàng chôn vùi xuống biển những ai không tuân theo quy luật vĩnh hằng. Cho nên họ đã mượn thơ ca làm niềm an ủi và trao gửi tình cảm giữa người đi biển với người ở nhà: của biển: Con thương cha tay lái ta chèo/Lượn quăng sóng ném cheo leo giữa vời/ Mẹ thương cha vào lộng ra khơi/Đương cơn sóng gió, túi trời khổ thân; Anh đi ba bữa chưa về/ Biển xa sóng dữ, chớ hề ở lâu/ Từ ngày thiếp bắc, chàng đông/ Thuyền kia chẳng lại, hết mong lại chờ… Dẫu nghề biển khó khăn đến vậy, nhưng ngư dân vùng biển Hà Tĩnh vẫn luôn tự hào với nghề sông nước từ bao đời nay của cha ông mình: Nhà ta nghề biển, nghề sông/ Lặng thì tôm cá đầy trong đầy ngoài; Nghề anh nghề lộng, nghề khơi/ Lấy em về khuya sớm vác bơi, vác chèo... Và không khí đánh cá trên biển lại tiếp tục diễn ra sôi nổi hết ngày này qua ngày khác: Ra xem bãi bể bãi vời/ Trong thì rùng đánh, ngoài khơi te đòi/ Ngoài khơi một mảng lưới mòi/ Trong thì lưới sáu, lưới mười chen nhau… Từ đó, họ lại tự tin yêu đời, bám biển: Gió đưa hai chữ ra vời/ Sao với trăng là bạn, nước với trời là thân.
Từ xưa đến nay, trên địa bàn vùng biển Hà Tĩnh còn lan truyền trong dân gian khá nhiều loại hình truyện kể dân gian, truyền thuyết, giai thoại, huyền thoại…(xin được gọi chung là truyền thuyết), được phổ biến ở nhiều nơi như: Truyền thuyết về thần Tam Lang, Truyền thuyết Bà Đại Càn, Chử Đồng Tử và Tiên Dung, Truyền thuyết về Thiên Cầm - Đàn trời, Truyền thuyết về bà Nguyễn Thị Bích Châu… kể về một số nhân, địa danh mang màu sắc huyền bí, linh thiêng, phản ánh quá trình hình thành làng, đất đai, nguồn gốc cư dân và nghề nghiệp của mỗi làng quê; về những người "khai sơn phá thạch" mở ấp lập làng về các dòng họ đầu tiên đến tụ cư làm ăn sinh sống góp công góp sức biến vùng đất hoang trở thành làng mạc trù phú, mở mang các ngành nghề như đóng thuyền, đan lưới, đi biển, làm muối.
Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn - Ảnh: Hương Thành
Ngoài văn học dân gian, trong các lễ hội truyền thống vùng biển Hà Tĩnh còn các trò diễn khác như: Triệt giang A Đẩu là một vở tuồng bội (hát bộ) ngắn lấy đề tài trong Tam quốc chí; Trưởng giả kén rể là trò diễn của người Phan Xá (Nghi Xuân) trong ngày hội khai canh; Mục Liên cứu mẹ là trò diễn của hội chùa Yên Phúc, xã Hội Thống (Nghi Xuân) lấy điển tích nhà Phật; Sỹ - Nông - Công - Ngư - Thương: Trò diễn thể hiện vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp trong đời sống người dân, đồng thời động viên nhân dân học hành nâng cao dân trí. Và tiêu biểu nhất trong các trò diễn ở vùng biển Hà Tĩnh là Hò Chèo cạn - một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo gắn với lễ cầu ngư ở Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Đây là một hoạt cảnh múa hát, thể hiện những sinh hoạt, lao động của ngư dân như: Chèo thuyền, đánh lưới, những khó khăn khi ngư dân ra khơi gặp giông bão, sóng gió hoặc đặc tả cảnh đưa rước linh hồn Nam Hải thần ngư về miếu Đức Ngư Ông trong những ngày lễ hội qua những câu hát theo làn điệu hò khoan. Và rất nhiều trò diễn khác được thực hành trong các lễ hội dân gian vùng biển Hà Tĩnh những năm cuối thế kỷ 19 trở về trước, đã bị mai một.
Trước nguy cơ kho tàng văn học dân gian và các trò diễn trong các lễ hội truyền thống vùng ven biển Hà Tĩnh vắng bóng dần trong trong đời sống văn hóa của cư dân, chúng ta cần tìm ra nguyên nhân để đưa ra các giải pháp có liên quan. Trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhằm khơi dậy ý thức tự giác, sự sáng tạo, để người dân có thể chủ động tham gia các hoạt động mang tính cộng đồng như là trách nhiệm và quyền lợi của chính họ. Việc xây dựng kế hoạch vui chơi giải trí trong các lễ hội cần có sự quan tâm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, nhất là những trò diễn gắn với công tích, hành trạng danh nhân được thờ phụng. Mặt khác, chính quyền địa phương các cấp phải xem các trò diễn trong lễ hội truyền thống phải là một yếu tố cấu thành không thể thiếu trong hội lễ, tạo nên giá trị văn hóa lễ hội dân gian, văn hóa làng xã. Đây không chỉ đơn thuần là hoạt động vui chơi giải trí, mà chính là nhiệm vụ của mỗi công dân trong việc giữ gìn, bảo tồn những tinh hóa dân tộc. Mặt khác, tỉnh cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính, đầu tư trong lĩnh vực sưu tầm, văn bản hóa, số hóa các tư liệu văn học dân gian; khôi phục lại các không gian diễn xướng, trò diễn trong lễ hội xưa; đưa vào chương trình ngoại khóa trong các trường học… để làm thế nào vừa khai thác các tiềm năng của các loại hình này vào phát triển kinh tế du lịch, vừa bảo tồn được các giá trị văn hoá truyền thống và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, góp phần hiểu về lịch sử truyền thống biển đảo của dân tộc, bảo tồn di sản văn hóa về biển đảo cha ông để lại.
P.T.H