30-08-2018 - 18:07

Văn nghệ sĩ Hà Tĩnh thực tế sáng tác tại Thái Bình, Ninh Bình

Trong ba ngày 28- 29 - 30/8/2018, Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh đã tổ chức cho một số thành viên BCH và hội viên đi giao lưu, thực tế sáng tác tại tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thái Bình do Nhà văn Phan Trung Hiếu – Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn .

          Đây là chuyến đi nhằm tìm hiểu, thu thập thêm các tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình và huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình để hoàn thành ấn phẩm tổng hợp giới thiệu một số tác phẩm chọn lọc liên quan đến danh nhân Nguyễn Công Trứ nhân dịp kỷ niệm 240 năm Ngày sinh (19/12/1778-19/12/2018), 160 năm Ngày mất (14/11/1858- 14/11/2018) của Cụ.

Đoàn đến thăm đền thờ Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ tại huyện Tiền Hải ( tỉnh Thái Bình)

     Danh nhân Nguyễn Công Trứ (1778-1858) quê ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam. Ông là người học giỏi, thông minh nhưng thi cử lận đận, mãi đến năm 42 tuổi mới đỗ Giải Nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hương), là một người đa tài, có công lớn trên nhiều lĩnh vực trong đó có việc lãnh đạo tổ chức khai hoang, lập ra hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn. Có thể nói, dưới thời Nguyễn, Nguyễn Công Trứ là người hoạt động tích cực nhất cho sự nghiệp biến những khu đất hoang thành ruộng đồng phì nhiêu.

Đoàn tới dâng hương và nghe giới thiệu về Khu tưởng niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

và tại Đền thờ Nguyễn Công Trứ thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

        Đền thờ Nguyễn Công Trứ nằm bên quốc lộ 10, cách thị trấn Phát Diệm 2km, thuộc xã Quang Thiện, Kim Sơn ( tỉnh Ninh Bình). Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Ninh Bình, Thái Bình và Hà Tĩnh đều có điểm chung là được nhân dân xây dựng từ khi ông còn sống( Sinh từ) nhưng mãi tới những năm đầu thế kỷ 21 thì tượng ông mới hoàn thành và rước về 3 đền. Tất cả 3 ngôi đền đều được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
        Ngoài mục đích chính đến thăm hai đền thờ Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, trong hành trình suốt gần ba ngày, Đoàn đã nhận được sự tiếp đón ân cần, chu đáo của lãnh đạo, hội viên tỉnh Thái Bình, Ninh Bình và được bố trí đi tham quan một số điểm khác trên địa bàn.

          Chùa Keo ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam trải gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tôn tạo hiện vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ độc đáo của ngôi chùa Việt, có từ thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII). 

        Với những giá trị kiến trúc, văn hóa lịch sử, khoa học đặc biệt, chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ đẹp bậc nhất của Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương chiêm bái cảnh chùa trong ngày Xuân và những ai yêu thích kiến trúc chùa cổ của Việt Nam.

        Nhà thờ đá  Phát Diệm ( tỉnh Ninh Bình) là sự giao thoa, sự kết hợp hài hoà, tinh tế của lối kiến trúc nhà thờ phương Tây và kiến trúc truyền thống phương Đông mang đức tin đến cho con người nhưng phong cách kiến trúc, không gian thờ tự mang đậm hình ảnh mái đình, ngôi chùa vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng.

           Nhà thờ Phát Diệm còn là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, là điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của quê hương Ninh Bình.

          Nằm trong quần thể khu di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) và Lê Đại Hành (Lê Hoàn) nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận năm 2014, là điểm đến lý tưởng cho những du khách có ý định kiếm tìm một không gian yên bình.

           Ðền thờ Vua Đinh Vua, Lê có kiến trúc độc đáo, nét chạm trổ, chạm khắc trên gỗ và đá của các nghệ sĩ Việt Nam từ đời xa xưa, tạo nên vẻ đẹp chỉ có tại Ninh Bình. Hơn nữa, ngôi đền còn được bao bọc bởi các cây cổ thụ, cây cảnh đan xen nhau càng tạo nên vẻ bề thế, tôn nghiêm.

 

Linh Châu
 

. . . . .
Loading the player...