02-08-2012 - 09:57

Vào hang sâu bắt cọp dữ

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ Việt Nam - Lào (1962 – 2012), kỷ niệm 35 năm ngày Ký Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác (1977 – 2012), và hưởng ứng năm Đoàn kết hữu nghị Việt – Lào 2012, chúng tôi xin trân trọng giới thiêu bài viết" Vào hang sâu bắt cọp dữ" của nhà báo Khắc Hiển.

“ Khi giao nhiệm vụ cho chúng tôi, Chỉ huy trưởng mặt trận Đỗ Kế Thoa dăn đi dặn lại: Việc này phải tuyệt đối bí mật. Trước, trong và sau khi nhiệm vụ đã hoàn thành cũng không được nói cho ai biết! Nay hơn 40 năm trôi qua; lịch sử đã lật sang những trang mới. Câu chuyện kỳ bí đường mòn Hồ Chí Minh trên biển cũng đã được giải  mã, công khai. Vì thế mà tôi và Thượng tá Phạm Tùng Mậu là những người trong cuộc, mới quyết định tiết lộ thông tin này cho nhà báo ”.
 

                         Nhiệm vụ tuyệt mật

          Ngồi bên nhau trong ngôi biệt thự khang trang  của vợ  chồng cô con gái đầu lòng ở Đại lộ Xô viết Nghệ Tĩnh (TP Hà Tĩnh), Nhà báo- thiếu tá CCB Trương Quang Hường mắt lấp lánh niềm vui. Không vui sao được. Bởi đã gần 40 năm rồi mới có cuộc hội ngộ khá bất ngờ giữa những người đồng đội một thời trận mạc, may ít rủi nhiều. Đó là cựu Chỉ huy trưởng BCHQS Hà Tĩnh, Đại tá Nguyễn Xuân Hệ ở huyện Cẩm Xuyên ra; cựu Thượng tá Trưởng ban Lịch sử BCHQS Hà Tĩnh Phạm Tùng Mậu từ Vinh nhảy xe vào, và cựu Thiếu tá – nguyên PV chiến trường mặt trận 872 Trương Quang Hường mãi tít ở Kỳ Anh tới. Họ ngồi bên nhau, tóc đã hoa râm, đều ở lứa tuổi trên “ thất thập”, ôn lại những năm tháng hào hùng, gian lao mà anh dũng trên đất nước Triệu Voi. Ngoài trời mịt mùng mưa giăng. Nước đổ ào ào, xối xả trước hàng hiên, nhưng hầu như không ai quan tâm. Họ đang thả hồn mình ngược thời gian về xứ hoa Chăm Pa của gần 40 năm về trước.
Ấy là vào khoảng 23h đêm mồng 3, tháng 12 năm 1972. Tôi đang ngủ lơ mơ thì bị đồng chí Minh, công vụ của Chỉ huy trưởng mặt trận Trung Lào, Trung tá Đỗ Kế Thoa, dựng dậy – Trương Quang Hường bắt đầu câu chuyện.
Tôi vớ vội quần áo, nai nịt gọn gàng, súng ngắn dắt lưng, rời hang Cắm Cớt, bước dò dẫm trong ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn pin được che gần kín, lên sở chỉ huy để nhận nhiệm vụ. Khuya như vậy mà Thủ trưởng Thoa vẫn thao thức bên tấm bản đồ mặt trận, điếu thuốc lá không rời môi.
Tình hình chiến trường Lào những ngày này rất phức tạp. Đang kỳ mùa khô, bọn phỉ Vàng Pao quấy phá mạnh. Ỷ vào lực lượng hùng hậu của 19 tiểu đoàn hổn hợp, gồm 12 ngàn quân Lào, 500 lính Thái Lan với sự hỗ trợ của hàng trăm máy bay Mỹ, dưới cái gậy chỉ huy của CIA chúng ta ra sức lấn chiếm vùng giải phóng hai tỉnh Xiêng Khoảng và Bôly khăm Xay. Nguy hiểm hơn, chúng dùng chiến tranh tâm lý, kích động, dụ dỗ, lôi kéo được một số cán bộ chủ chốt của tỉnh Bôly khăm Xay như Khăm Xổm – Bí thư Tỉnh ủy, Bua Xon Tỉnh đội phó, Khăm còn phó Tỉnh Trưởng Công an và một số bộ đội địa phương của bạn chạy sang phía chúng. Đích thân Vàng Pao phong chức và bổ nhiệm cho Khăm Xổm làm chỉ huy, Bua Xon, Khăm Còn làm phó tướng, lấy bản Noọng Len làm đại bản doanh đóng quân. Bọn chúng tuyên truyền lừa phỉnh dân bản Noọng Len và các bản quanh vùng Mường Mày, chia rẽ tình cảm hai nước Việt - Lào,  nói xấu bộ đội Việt Nam, lôi kéo, trang bị vũ khí cho thanh niên về đây làm phỉ phục vụ cho ý đồ đen tối của chúng.
Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 quyết định thành lập Bộ chỉ huy mặt trận 872(ra đời vào tháng 8/1972) đóng tại Căm Cớt (Bô ly khăm xay) và cử Trung tá Đỗ Kế Thoa, quê ở Thanh Hóa làm chỉ huy trưởng. Đơn vị có nhiệm vụ làm tốt công tác vận động quần chúng, tuyền truyền giác ngộ những người lầm đường trở về với cách mạng, ủng hộ bộ đội Pa Thét Lào và quân tình nguyện Việt Nam tiêu diệt bọn phỉ Vàng Pao, mở rộng và giữ vững vùng giải phóng. Sau khi trinh sát, nắm chắc tình hình về phía địch, Bộ chỉ huy mặt trận 872 quyết định tấn công vào chính hang ổ của bọn Khăm Xổm. 
Đúng giờ G đêm 29/11/1972 quân ta nổ súng. Đến 15h ngày hôm sau thì căn cứ Noọng Bạt hoàn toàn lọt vào tay ta. Dân được giải phóng , chính quyền được cũng cố lại. Bon tàn quân cùng Bua Xon, Khăm Còn kéo nhau chạy về Mường Mày để củng cố lại và chờ tiếp viện từ phía Vàng Pao. Một kế hoạch khá táo bạo được hình thành từ chỉ huy trưởng Đỗ Kế Thoa. Và Trương Quang Hường cùng hai đồng chí rất tin cậy được chỉ huy để mắt tới.
Sau khi hỏi han sức khỏe Hường cùng gia đình, Trung tá Đỗ Kế Thoa vào thẳng vấn đề .Ông cho biết: Theo nguồn tin tình báo của phía bạn Lào, đêm 04/12 tới, bon Bua Xon – Khăm Còn và số tàn quân còn lại ở bản Noọng Bạt sẽ kéo nhau về tập trung ở bản Mường Mày – quê hương của Bua Xỏn. Đồng chí giao nhiệm vụ cho tôi, anh Nguyễn Chuyến, chuyên gia quân sự giúp bạn và anh Thái tìm mọi cách lọt vào hang ổ địch, vận động bằng được hai tên Bua Xon và Khăm Còn quay về với chính nghĩa, với quân đội cách mạng Lào. Đồng chí phân tích: làm được điều này rất có lợi . Một khí hai kẻ cầm đầu  đã đầu hàng thì như rắn mất đầu, bọn còn lại không cần đánh cũng sẽ tan rã. Nói đến đây, thủ trưởng Thoa nắm lấy tay tôi, ân cần động viên:Đồng chí là phóng viên, chụp ảnh tốt, thao tác nhanh, hãy phát huy nghề nghiệp trong chuyến đi đặc biệt này để thuyết phục,  lôi kéo họ trở về với chính nghĩa. Trước khi chia tay Chỉ huy trưởng nhắc nhở: Chuyến là một chuyên gia giỏi, nói được nhiều thứ tiếng các bộ tộc Lào, hiểu biết sâu về phong tục, tập quán của bạn, có kinh nghiệm qua nhiều năm làm cố vấn cho tỉnh đội Bôly khăm xay. Lại là “Siều”( anh em kết nghĩa của Bua xon) nên Chuyến có lợi thế khi vào gặp hắn. Anh em nhớ kết hợp chặt chẽ, dựa vào nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, phải tuyệt đối giữ bí mật trước trong và cả sau khi xong nhiệm vụ không được tiết lộ cho bất kỳ ai biết!
 

                          Vào hang bắt cọp

      Chúng tôi chuẩn bị cho chuyến đi rất chu đáo, tỷ mỷ. Riêng tôi, theo lời dặn của thủ trưởng Thoa, sửa soạn máy ảnh, phim, giấy, thuốc rửa ảnh đầy đủ dể chụp và in tráng tại chỗ. Cả ba anh em đều tay không, tất cả vũ khí và dao găm phải để lại hậu cứ, để tránh nghi ngờ cho đối phương khi gặp. Tuy vậy, chúng tôi biết Bộ chỉ huy đã có kế hoạch tác chiến bảo vệ vùng ngoài đề phòng bất trắc rất chu đáo. Đại đội trưởng Đại đội I Nguyễn Xuân Hệ đã giao nhiệm vụ cho Chính trị viên Phó Phạm Tùng Mậu và B trưởng Trưng trực tiếp chỉ huy 3 tiểu đội trang bị vũ khí mạnh, cơ động nhanh, bố trí bảo vệ bên ngoài, sẵn sàng chi viện ứng cứu khi có tình huống xấu.
Như một sự trùng hợp, cả anh Hệ và anh Mậu đều chợt nhớ lại, nói xen vào: “ Lúc đó, bọn tôi rất lo cho sự an toàn của cả ba người. Giữa sào huyệt của địch mà trong tay không có một tấc sắt. Chúng tôi nhận định với nhau: bọn phỉ rất xảo quyệt. Chúng ta khó lường hết âm mưu của nó. Phải chuẩn bị cả hai tình huống: nếu cả ba bị bắt, phải giải thoát khỏi tay kẻ địch. Khi gặp sự cố xấu nhất, phải dùng lực lượng thật mạnh và tinh nhuệ đột nhập vào, đưa bằng được xác từng người về căn cứ. Kiên quyết không để anh em nằm lại trong tay chúng”.
Trương Quang Hường cười, kể tiếp. Đúng như ai đó từng nói: “Chết sợ những người dũng cảm!”. Thời ấy có lẽ còn quá trẻ. Bon tôi coi cái chết nhẹ nhàng như không. Nhận nhiệm vụ nguy hiểm như vậy nhưng chẳng ai so đo, tính toán. Đúng 4h sáng ngày 4/12/1972, ba chúng tôi gặp nhau tại địa điểm quy định rồi nhằm thẳng hướng thù xốc tới. Đường đi vô cùng vất vả, nguy hiểm. Bọn tôi phải vượt qua nhiều khe suối chảy xiết, nhiều dốc đá dựng chênh vênh; phải luồn tránh không để bọn phỉ phát hiện. Đúng như thủ trưởng Thoa nói, đến Mường Mày chỉ hơn 1 ngày đường, nhưng cả ba anh em phải vừa đi vừa chạy bở hơi tai mà mãi đến tối mịt mới đến được tới nơi.



Phóng viên Trương Quang Hường ( bên phải) tại chiến trường Lào năm 1972
 
Trong lờ mờ tranh tối tranh sáng, chúng tôi thấy một số người có vũ khí đứng dưới gốc cây me to đầu bản, có lẽ là tốp bảo vệ vòng ngoài đại bản doanh. Đếm tất cả có 5 tên, được trang bị súng kíp, nỏ và dao mẹo. Một tên chắc là tổ trưởng vì có một khẩu cac – bin. Tên đó chĩa súng vào bọn tôi rồi hét to bằng tiếng Lào: “Đi đâu? Dừng lại!”Anh Chuyến ra bộ kẻ cả, khệnh khạng đáp lại bằng một sạc tiếng Lào. Đại loại: Ta là Siều của Bua Xon. Nghe tin Bua Xon về nhà, mấy anh em bạn bè đến chúc mừng. Các anh cho bọn ta vào đi!
Vẻ cảnh giác, bọn chúng liếc nhìn chúng tôi từ đầu đến chân xem có súng ống gì không. Tên nào tên nấy đều râu ria rậm rạp, đen đủi, trông dễ sợ. Thấy tôi đeo một túi đựng mìn Clay -mo căng phồng, thằng tổ trưởng đâm nghi, hất hàm cho tên cầm con dao mẹo. Tên này tiến lại gần, một tay lăm lăm con dao, tay kia bóp vào cái túi. Tôi biết ý, mở túi cho chúng thấy rõ máy móc,đèn chụp, rồi nói bằng tiếng Lào: “ Thái húp”( chụp ảnh). Thấy không có gì khả nghi, một tên chạy vào báo Bua Xon. Sau đó chừng 15 phút, hắn trở ra nói với tên tổ trưởng cho mấy người vào. Hú vía, cả ba anh em theo chúng đi vào. Trông thấy Bua Xon giữa đám đông, anh Chuyến nói  một tràng tiếng Lào rồi chạy lại ôm chầm lấy nó.
Tôi đưa mắt quan sát nhanh thấy bọn chúng cả lính và dân có chừng khoảng 30-35 người. Không khí ồn ào, náo nhiệt. Đám thanh niên đang tất tưởi mổ lợn. Các bà, các chị xăng xái hông xôi, chặt thịt, chuẩn bị rượu cần. Đám con gái xúng xính áo váy để  chốc nữa múa lăm vông.
Anh Chuyến kéo tôi lại giới thiệu với Bua Xon – Khăm Còn: “ Ái Coóng Bun Hương phóng viên ở Hà Nội lên”. (Tôi sang đây được bạn đặt tên Lào là Bun Hương) Cả hai tên bắt tay tôi  nhưng anh mắt đầy cảnh giác, thiếu thiện cảm. Nhằm tạo ẩn tượng, tôi đưa máy lên bấm lia lịa. Đèn phơ  - lát lóe sáng. Bọn chúng rất thích, chen nhau cười trước ống kính. Vừa chụp, tôi vừa liếc xem hướng nào thoát ra nhanh, an toàn nhất khi gặp sự cố. Xác định hướng Tây Bắc là nơi đơn vị anh Tùng Mậu đang mai phục, yểm trợ cho mình, tôi lấy cây xoài to nhất làm vật chuẩn và khẽ nhắc anh Chuyển, anh Thái, thoát ra theo hướng đó nếu cần. Đồng thời bảo Thái, lẻn ra bắt liên lạc với anh em bên ngoài, dặn kỹ họ khi phải nổ súng thì trừ hướng ấy ra, bởi đó là lối thoát duy nhất của ba đứa tôi.
Suốt 6-7 giờ đồng hồ, chúng tôi phải dở đủ các chiêu để thuyết phục bọn chúng. Lúc thì tuyên truyền, vân động, lúc phải nhảy múa, ăn uống, hát hò với bà con dân bản. Tôi và anh Chuyến mệt đến rã rời! Một ngày hành quân khẩn cấp, trèo đèo lội suối vừa đi vừa chạy chưa được nghỉ ngơi, đến nơi phải lo đấu trí, đối phó với kẻ địch vừa căng thẳng vừa nơm nớp không biết điều gì sẽ xẩy ra. Đến gần 1h sáng, mấy anh em kéo Bua Xon và Khăm Còn ra một góc sân, ngồi uống rượu tiếp. Chúng tôi nói cho chúng biết về tình hình rất bi đát tuyệt vọng của quân phỉ. Nào là đại đội BV34 đơn vị chủ lực mạnh mà Vàng Pao tăng cường cho Khăm xổm đã bị tiêu diệt ở điểm cao Pha Hom; chỉ huy bị bắt sống. Nào là các nhóm biệt kích, thám báo chúng tung vào vùng giải phóng đều bị diệt gọn. Đường tiếp tế hàng không đã bị chặn đứng. Sân bay trực thăng Pha Hom đã lọt vào tay quân cánh mạng. Quan sát thấy cả Bua Xon lẫn Khăm Còn đều tỏ ra hoang mang, lo sợ khi nghe tin dữ, bọn tôi “tấn” thêm: không còn con đường nào hay hơn là các anh trở về với cách mạng. Đồng đội cũ và bà con dân bản dang rộng cánh tay chào đón những kẽ lầm lỗi trở lại với đội ngũ. Tết Bun-pi-may đã cận kề, người thân đang chờ các anh về sum họp. Tội gì mà sống chui lủi, đói khát trong rừng, vừa cực thân vừa mang tiếng nhục…
Như chạm vào đáy lòng của những kẻ lầm lỗi, cả Bua Xon và Khăm Còn đều ngồi buồn bã như pho tượng. Những giọt nước mắt hối hận rơi xuống. Tay chúng run rẫy, rượu sóng sánh, đỗ tràn ra bên ngoài. Đến 3 giờ sáng , thấy không khí thuận lợi, tôi tranh thủ rửa phim, tráng ảnh rồi in ra một loạt ảnh nhỏ tặng mọi người. Cả Bua Xon – Khăm Còn đến bọn đàn em đều thích thú, luôn miệng khen: “Ngăm lái! Ngăm lái!”( đẹp lắm!).
Khoảng 5h, khi tiếng gà trong bản te te gáy sáng, bọn Bua Xon –Khăm Còn đồng ý nộp vũ khí và ra lệnh cho bọn lính đầu hàng cách mạng. Đèn Phơ-lát trong tay tôi lại lóe lên! Tôi dường như tan biến mọi mệt nhọc. Những bức ảnh quý giá nhất, đáng nhớ nhất trong đời phóng viên của tôi đã hình thành. Ấy là cảnh Bua Xon – Khăm Còn- những tên chỉ huy cao cấp của quân đội Vàng Pao cùng lũ lính tráng mặt cúi gầm, lặng lẽ đi về phía tập trung dưới sự dẫn độ của quân cách mạng.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhiệm vụ trên giao “Vào hang bắt cọp dữ” đã hoàn thành một cách êm đẹp. Toàn bộ bọn chỉ huy đến binh lính ở căn cứ Mường Mày đều bị tóm gọn. Bên ta hoàn toàn bình yên vô sự. Chỉ mất có đúng một thước phim ORWO của Đức!
Anh Hệ, anh Mậu và đồng đội ôm chầm lấy chúng tôi, sờ từng người từ đầu đến chân như không tin bọn này còn sống sót, trở về.
Trời sáng dần. Một buổi sáng an lành, bình minh rực rỡ nắng, đẹp đến lạ lùng mà lần đầu tiên tôi được thấy trên đất bạn!
 

 
   Đại tá Nguyễn Xuân Hệ, Thiếu tá Trương Quang Hường và Thượng tá Phạm Tùng Mậu tại buổi gặp mặt

 
Thành phố Hà Tĩnh, Thu 2011
                                                  Khắc Hiển
. . . . .
Loading the player...