Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 tháng 11/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Về hưu không nghỉ việc” của nhà thơ Lê Văn Vỵ
Từ thành phố Hà Tĩnh đến nông thôn Đức Thọ, Can Lộc, từ miền biển Nghi Xuân, Kỳ Anh đến miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, hơn 10.407 cựu giáo chức (CGC) sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nghỉ hưu theo chế độ, đang ngày đêm âm thầm, lặng lẽ cống hiến trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm của mình góp phần làm cho đất nước quê hương đổi mới
Những việc không tên
Lựa chọn con đường tiếp tục cống hiến, CGC không nề hà bất cứ công việc gì từ Bí thư chi bộ, Tổ trưởng thôn, tổ dân phố, Hội người cao tuổi, Mặt trận thôn cho đến công tác khuyến học, khuyến tài... Có những công việc ở môi trường mới chưa từng tham gia, nhưng khi Đảng cần, dân gọi, CGC vẫn sẵn sàng…
Theo NGƯT Trần Hữu Doãn, Phó Chủ tịch hội CGC tỉnh Hà Tĩnh, hiện có 553 CGC tham gia giữ chức vụ cấp ủy; 926 CGC đảm nhận tổ trưởng tổ dân phố, thôn; hàng trăm CGC tham gia BCH Hội CGC, Hội khuyến học từ cấp xã, huyện, thành phố đến tỉnh. Đó là chưa kể đến, hàng trăm CGC vẫn say sưa lên bục giảng, sưu tầm điền dã văn hóa làng xã, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ với di sản dân ca Ví, Giặm, Ca trù…
Có dịp lên Hương Khê công tác, tôi đã gặp cô Đinh Thị Phúc, người được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ phường đã 10 năm nay. Mười năm làm Bí thư ở một cụm dân cư thị trấn quen người nhưng không quen việc, cô Phúc vừa làm vừa học, vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm, thành công có, thất bại có, gian khổ, khó khăn vô vàn nhưng cũng không ít niềm vui. “Làm việc phường, việc xã không chỉ tay năm ngón mà “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Vẫn biết bên cạnh có Mặt trận, Hội phụ nữ, nông dân, thanh niên, CGC… nhưng không kiểm tra, đôn đốc, không bám sát cụ thể khó lòng thành công”- cô Phúc trao đổi. Được biết, huyện Hương Khê đang nỗ lực phấn đấu về đích Chương trình mục tiêu NTM 2025. Vì vậy, mỗi nhà, mỗi thôn, xóm, phường cũng phải nỗ lực. “Lâu nay, chúng tôi cho rà soát các chỉ tiêu xây dựng Khối phố văn minh, tập trung chỉ đạo quyết liệt, với nhóm giải pháp khả thi phù hợp nhằm củng cố, nâng cao những chỉ tiêu đạt, hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt. Ví như chỉ tiêu Môi trường, - phải làm thường xuyên, phải biến thành ý thức thường trực của người dân, người người tham gia, nhà nhà tham gia, không ai đứng ngoài cuộc”. Cô Phúc chia sẻ.
Cách đây không lâu, tôi đến thăm NGND Bùi Thân tại tư gia. Ở tuổi 94, thầy vẫn say sưa biên soạn Lịch sử, viết Hồi ký, tham gia nhiều hoạt động hội CGC. Thầy quên tuổi già, truyền cảm hứng tích cực mạnh mẽ đến các thế hệ tiếp nối. “Hình như càng làm càng khỏe. Một ngày không đọc sách, viết vài dòng là người như bở ra”. Thầy vừa cười, vừa nói.
Ở tuổi 90, thầy Võ Giáp lặn lội đến đình chùa miếu mạo ở các làng ven biển bãi ngang “điền dã”. Và cũng cùng quê Nghi Xuân, NS Mạnh Chiến, từng dạy ở trường VHNT tỉnh vẫn say sưa với ca trù Cổ Đạm, vẫn viết nhạc, vẫn ôm mic cháy hết mình trên sân khấu quên mình đã tuổi 82!
Có một vị trưởng phòng khi về hưu để lại niềm kính trọng trong giáo giới về lối sống chân thành, trong sạch, giản dị là NGƯT Trần Đình Sửu (nguyên trưởng phòng GD&ĐT Can Lộc). Về hưu, thầy lặn lộn với công tác khuyến học. Những hoạt động của thầy đã mang lại niềm hy vọng cho hàng trăm học sinh học giỏi, nhà nghèo vẫn tiếp tục đến trường thực hiện ước mơ của mình. Không chỉ các thầy mà các cô như cô Phạm Thị Hồng Vân (KH Đức Thọ), cô Phạm Thị Lan (Nghi Xuân) là cầu nối giữa nhà trường, gia đình, xã hội. Những hoạt động âm thầm của các cô đã kích hoạt phong trào xã hội hóa GD trong cộng đồng, dòng họ truyền cảm hứng phong trào khuyến học, khuyến tài nơi thôn cùng, xóm vắng…
Hội Cựu giáo chức Hà Tĩnh thăm ông Lê Thể,
Nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh. Ảnh: Tư liệu
Mỗi người một việc, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện, sở trường của mình mà lựa chọn công việc cống hiến. Có những đóng góp cụ thể, thiết thực, lại có những đóng góp ở tầm vĩ mô. Ấy là tôi muốn nói đến những đóng góp ở tầm hoạch định đường hướng, cách thức hoạt động cho một cơ quan hay tổ chức cơ sở. Đây là lĩnh vực mà nguyên những nhà quản lý có tiềm năng. Có thể kể đến NGƯT Trần Nguyên Trực (Kỳ Anh), NGƯT Đinh Lê Báu, NGND Lê Đức Quý (TP Hà Tĩnh). Là một trong những Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã góp phần đưa GD Hà Tĩnh lên đỉnh cao, khi về hưu NGND Lê Đức Quý đã có những tư vấn xuất sắc về 4 kết hợp giữa Hội CGC và Sở GD&ĐT đưa chủ trương của Bộ GD&ĐT vào cuộc sống GD địa phương. Tại Thông báo số 2838/TB-SGD ĐT “Kết luận Hội nghị Tổng kết thực hiện Chương trình phối hợp “4 cùng” giai đoạn 2015-2023” đánh giá “đã có hiệu quả thiết thực” trong việc: “Nắm bắt định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện đổi mới Chương trình GDPT 2018”; “Phối hợp giáo dục đạo đức học sinh, ngăn ngừa bạo lực học đường, xây dựng “văn hóa học đường” lành mạnh; thực hiện tốt công tác khuyến tài khuyến học; lan tỏa những mô hình, những cách làm hay; phối hợp xây dựng Quỹ tình thương làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa”
Đền ơn đáp nghĩa
Theo NGƯT Nguyễn Duy Tiệp, Chủ tịch Hội CGC Hà Tĩnh, trong rất nhiều hoạt động, đền ơn, đáp nghĩa là một trong những trọng tâm hoạt động của tỉnh hội nhằm tiếp tục truyền thống đạo lý:“Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Trong Chương trình hoạt động, Tỉnh hội đã triển khai đa dạng các nội dung để chia sẻ vui, buồn với CGC như: Kết hợp với các ban ngành địa phương, với mạng lưới CGC địa phương thăm hỏi CGC ốm đau, bệnh tật, thăm viếng CGC qua đời, tổ chức mừng thọ cho CGC và động viên, chia sẻ kịp thời những hội viên gặp hoạn nạn do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh vv…Theo NGƯT Trần Hữu Doãn, Phó Chủ tịch Hội CGC Hà Tĩnh, “các cấp hội luôn luôn quan tâm chỉ đạo, động viên hội viên tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công và gia đình chính sách”. “Trong 5 năm (2019-2024) hội CGC các cấp đã tổ chức mừng thọ 4.786 hội viên với số tiền 1.037.400 000 đồng; thăm hỏi 7.984 lượt hội viên ốm đau, bệnh tật với số tiền 1.937.100 000 đồng; thăm viếng 734 hội viên CGC qua đời; ủng hộ phòng chống Coovid 1.559.900 000 đồng…”. Đó là chưa nói đến trong phong trào xây dựng NTM hội viên hiến tặng 135.362m2 đất làm đường, ủng hộ 9.228.000.000 đồng xây dựng CSVC. Gần đây, Tỉnh Hội đã động viên CGC gương mẫu tiên phong, tuyên truyền chủ trương giải phóng mặt bằng cho công trình đường điện mạch 3, công trình đường cao tốc Bắc Nam đi qua Hà Tĩnh. Ngoài ra, còn có những đóng góp không thể tính bằng công, bằng tiền của Hội CGC. Đó là sự lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng dân cư, tạo nên cộng hưởng tích cực trong tạo nguồn lực cho Chương trình mục tiêu NTM về đích cuối năm 2025.
Được biết, những thầy gíao trong Ban Thường vụ, BCH Hội CGC đã thuộc “lớp người xưa nay hiếm”, thậm chí có người đã ở tuổi 94 “còn hơi thở, còn sống, còn cống hiến”. Tôi biết những NGƯT. Đinh Lê Báu, NGND.Lê Đức Quý, NGND. Bùi Thân, NGƯT. Trần Trung Dũng, NGUT. Nguyễn Duy Tiệp, NGƯT. Trần Hữu Doãn, Nguyễn Ngọc Nhuần vv…hầu hết đều mang bệnh nền trong người, thậm chí có người bệnh trọng, thường xuyên đến BV khám điều trị, nhưng âm thầm lặng lẽ, vượt lên mình, không quản khó khăn vất vả, đến tận Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên thăm thầy Bùi Vân (Nguyên CB phòng tổ chức Sở GD&ĐT Nghệ Tĩnh), ngược Sơn Hoà, Hương Sơn thăm, tiễn đưa thầy Nguyễn Khắc Lanh về nơi an nghỉ cuối cùng và nhiều CGC khác cũng nhận được tình cảm từ lãnh đạo Tỉnh Hội.
Là người đã từng gác bút lên đường nhập ngũ, đã đối mặt với sống chết ở chiến trường Quảng Trị, hơn ai hết, NGƯT Nguyễn Duy Tiệp thấu cảm nỗi đau mất mát của đồng đội và nhân dân, cho nên, ý tưởng tập hợp, thống kê thông tin về các Liệt sĩ nhà giáo đã từng giảng dạy trên quê hương Hà Tĩnh, nung nấu và thôi thúc. Ý tưởng đó được Ban Thường vụ, Chấp hành và Hội CGC các cấp đồng lòng ủng hộ.
Để có được thông tin đầy đủ, chính xác về các LS-NG-HT thật không dễ dàng chút nào. Thời gian như nước chảy. Đất nước chiến tranh. Thông tin về các LS-NG-HT ở hồ sơ Tổ chức cán bộ Sở cũng như Phòng không dễ dàng cập nhật thường xuyên. Bố mẹ, người thân của một số liệt sĩ đã qua đời. Địa bàn rộng, không gian, thời gian xa cách. Khi đang còn công tác, trăm ngàn việc chưa có thời gian để thu thập. Lúc về hưu, chính là lúc điều kiện để tri ân với các anh hùng, Liệt sĩ đã cống hiến máu xương của mình cho Tổ quốc. Những thông tin: Họ và tên, tên gọi khác; Bút danh; Ngày tháng năm sinh; Quê quán; Ngày nhập ngũ; Đơn vị (Bao gồm Trường; Đơn vị chiến đấu); Thời gian hy sinh; Hoàn cảnh; Địa điểm hy sinh; Phần mộ; Bằng Tổ quốc ghi công; Hiện ai thờ cúng Liệt sĩ? Tất cả nội dung ấy được thông tin qua nhiều kênh đặc biệt là phối kết hợp với Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, các cơ sở GD để bổ sung, xác minh, cập nhật . Sau đó, đối chiếu thông tin tại Sở, Phòng LĐ-TB-XH là cả một quá trình. Nếu không kiên trì, nhẫn nại khó có thể hoàn thành được!
Theo Văn bản số 22/KH-SGD &ĐT-HCGC ngày 7/5/2024 về phối kết hợp giữa HCGC và Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, đến nay, Sở và Tỉnh Hội đã xác minh được 129 LS-NG-HT, trong đó 44 LS chưa tìm được mộ. Trong thời gian từ 2021-2024 đã thăm hỏi, phúng viếng thương binh, liệt sĩ là GVHT 1097 lượt người.
Để hoàn thiện bản thảo cuốn sách về LS-NG-HT còn nhiều việc phải làm cần sự phối kết hợp của nhiều cơ quan, ban ngành, nhiều người để có được thông tin chính xác.
Cuốn sách ra đời là tư liệu quý giá giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ nối tiếp và muôn đời con cháu mai sau. Thông tin từ cuốn sách cung cấp cho các cơ sở GD có tư liệu bổ sung vào phòng truyền thống, đồng thời là địa chỉ xác tín để công tác đền ơn đáp nghĩa đi vào thực chất và chiều sâu.
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong đó có một phần quan trọng là GD địa phương. Cuốn sách ra đời sẽ thêm tư liệu vô cùng quý giá làm sinh động, phong phú Chương trình, gắn kết Chương trình với Lịch sử, văn hóa, con người địa phương.
Khi tôi đang viết những dòng này, nhiều thông tin gợi mở cách tiếp cận hay. Tỉnh hội đã xây dựng trang facebook Hội CGC Hà Tĩnh, giao cho thầy Dư Lý Trí phụ trách. Kế hoạch mỗi tuần sẽ đăng một bài về Liệt sĩ. Vừa qua, BBT đã nhận được bài viết của GV trường Nguyễn Tuấn Thiện, Hương Sơn về LS Nguyễn Đình Ngô. Bản thảo đã được cô con gái Nguyễn Thị Thu Hiền chỉnh lý, cung cấp thêm ảnh. BBT đã cho đăng số 1. Số 2 đã lên trang bài viết của cô Bùi Thị Hải; con dâu viết về bố chồng là LS-GV Đặng Duy Giáp (Nghi Xuân)… Những bài viết ấy đã lan toả những điều tốt đẹp; không chỉ giáo giới, HS, phụ huynh đón nhận ,mà các cấp lãnh đạo, nhân dân cũng đón nhận bằng cả tấm lòng trân trọng.
Hà Tĩnh, Thu 2024
L.V.V