10-04-2024 - 06:48

Về quê nghe hát Ca Trù

Tạp chí Hồng Lĩnh số 211 tháng 3/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Về quê nghe hát Ca Trù” của Nguyễn Tiến Lập

       Nghi Xuân là đất tổ của Ca trù. Tương truyền, xưa có chàng tên là Đinh Lễ học rộng tài cao nhưng chẳng màng công danh, chỉ thích ca hát. Một lần đi hát, chàng gặp một người tên là Lã Đồng Tân và một người là Lí Thiết Quái. Biết Đinh Lễ mê nghiệp cầm ca, hai ông tặng chàng một mảnh gỗ kèm bản vẽ một cây đàn. Đinh Lễ về nhà tự tay làm cây đàn (Nay là đàn đáy). Có đàn, chàng đi dạy hát cho mọi người khắp làng. Một ngày nọ chàng phiêu bạt đến Thanh Hóa, gặp cụ Bạch Đình Sa có người con gái tên là Bạch Hoa đã đến tuổi cập kê nhưng chưa biết nói, mời chàng về nhà đàn hát cho cụ nghe. Mỗi lần ôm đàn cất lên tiếng hát Bạch Hoa lại cầm đũa gõ vào mâm theo điệu hát, nhịp đàn (Tiếng gõ lách cách ấy ngày nay thành tiếng phách của các ca nương). Thời gian sau, do nghe tiếng đàn, giọng hát của chàng mà Bạch Hoa biết nói. Cảm mến tài năng Đinh Lễ, cụ gả Bạch Hoa cho chàng. Từ đó, hai vợ chồng bôn ba khắp nơi rồi trở về Cổ Đạm truyền dạy cho dân làng điệu hát làm say đắm lòng người. Đó chính là điệu hát Ca trù ngày nay. Tiếng hát của vợ chồng Đinh Lễ, Bạch Hoa khiến làng Cổ Đạm nổi danh từ đó. Khi hai vợ chồng Đinh Lễ mất được dân làng lập đền thờ. Đó chính là đền thờ tổ phụ Ca trù ngày nay ở làng Cổ Đạm.

       Nghi Xuân có những ca nương nổi tiếng như Hà Thị Bình, Trần Thị Giá, Đặng Thúy Vân, Phạm Thị Sâm… và các kép đàn Lê Văn Đài, Lê Thanh Tuấn… Khi những các ca nương, kép đàn đều đã vào tuổi “cổ lai hi”, họ vẫn say mê đàn hát và truyền dạy cho con cháu để tạo ra được những ca nương, kép đàn nổi tiếng như Phương Anh, Thu Hà, Nguyễn Thị Quỳnh Như, Văn Đài… nối nghiệp. Đặc biệt có vợ chồng kép đàn Văn Đài và ca nương Lương Thị Xanh, cả hai người đều đã được nhà nước vinh danh Nghệ nhân ưu tú. Vợ chồng Văn Đài có công lớn trong phục dựng, bảo tồn và truyền dạy Ca trù cho lớp trẻ bây giờ. 

Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ biểu diễn ca trù tại Khu di tích đền thờ Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Internet

       Những ngày cận tết, quê tôi đang “mùa” văn nghệ. Về quê là tôi đến Nghi Xuân ngay để được nghe hát Ca trù Cổ Đạm. Tâm hồn tôi như được chìm đắm vào không gian ngập tràn âm thanh huyền ảo. Tiếng phách lách cách, tiếng hát ca nương Thu Hà (CLB Cổ Đạm) cất lên khi êm dịu, lúc mượt mà, lảnh lót.  Thu Hà hát như rút ruột ra cái hồn cốt câu thơ của thi sĩ Tản Đà. Cô kể cho tôi nghe về sự khổ luyện để có được chất giọng như hôm nay: “Với Ca trù tôi có một tình yêu sâu sắc. Sự say mê đó khiến tôi lao vào khổ luyện. Tác giả những câu thơ, bài thơ được chuyển thể thành Ca trù đều là những thi nhân, anh tài nổi tiếng như Bạch Cư Dị, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tản Đà… Đòi hỏi cao nhất là phải học thuộc, hiểu thấu hồn cốt lời thơ trong câu hát, để khi nhả chữ mang hết được cái hồn của câu thơ, bài thơ ấy”. Luật giáo phường xưa còn buộc các ca sinh khi đã thuần thục phải có cơi trầu trình lên quản giáo là thành viên trong ban giám khảo, họ là những nghệ nhân nổi tiếng. Đặc biệt trong quá trình thụ giáo, học trò không được để lại tiếng xấu, dù rất nhỏ mới được làm lễ “mở xiêm y” (mặc trang phục hát ca trù). Sau sát hạch, học trò mới chính thức được vào nghề, đi diễn. Đào hát không chỉ có học hát mà còn phải học cách gõ phách, bởi đào nương vừa là ca sỹ vừa là nhạc công, là người cầm phách, giữ nhịp. Học gõ phách rất khó, ngày nào cũng phải vừa luyện hát vừa luyện phách mới không bị lỗi nhịp, lạc điệu. Tiếng phách điêu luyện của đào nương là mấu chốt của chất lượng giọng hát, kết quả của bài hát, đêm diễn…

       Ngoài trời cái nắng đầu xuân lành lạnh, trong Bái đường, chiếu hát không khí sang trọng, ấm áp. Bài “Thề non nước” của Bạch Cư Dị đã dứt từ lâu mà âm hưởng còn đó. “Tom tom tom” tiếng trống cất lên đĩnh đạc, Thu Hà mở đầu bằng câu thơ của Đỗ Phủ “Lác đác rừng phong bạc mưa sa/ Ngàn lau heo hắt khi thu già”. Tiếng phách lách cách gõ, tôi nhìn thấy Thu Hà ngất ngư như “đồng đảo”. “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách/ Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu”. Tiếng phách khua vang, dồn dập đuổi theo giọng hát như muốn níu lại một thời quá khứ… Cả Bái đường lặng phắc như muốn nuốt vào lòng những âm điệu huyền ảo mê hoặc từ tiếng hát của ca nương.

       Cầm chầu là một nghệ thuật trong Ca trù. Ngày cha tôi còn, ông kể cho tôi nghe về người cầm chầu. Cụ nói: “Phàm đã là Ca trù thì nhất thiết phải có trống chầu. Những người không hiểu gì về Ca trù sẽ cho là việc có trống chầu hay không, không cần thiết, nhưng trong Ca trù người cầm chẩu mới chính là nhạc trưởng, là người điều tiết nhanh chậm, ngắn dài cho từng câu hát, nhịp ngân. Cái thú, cái tài của người cầm chầu là tiếng trống chầu phải điểm vào thời khắc nào trong từng câu hát. Khi đào nương, kép đàn thể hiện được những câu ông tâm đắc nhất ông sẽ thưởng bằng cách điểm một hồi “tom tom, chát”. Như vậy, người cầm chầu chính là người thẩm định chất lượng bài hát, sự thành công của ca nương, của kép đàn”.                     

       Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến kép đàn. Bình thường kép đàn chỉ cần đàn đúng điệu của đào nương là được. Nhưng để tạo được sự hứng khởi cho ca nương, tạo được cái huyền ảo trong từng câu hát và không khí buổi diễn, kép đàn phải biết cách nhấn, nhá đúng lúc, phải điêu luyện nhả những nhịp lưu không, biết phóng tác những âm giai trợ giúp vừa tạo cho đào nương giữ được chất giọng, nhịp ngân, vừa tạo được sự hứng khởi, say đắm ngất ngây cho người nghe trong đêm diễn. Cố Nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát từng nói: “Nghe tiếng đàn đáy ta có cảm giác như đứng trong một cung điện thâm u, hay trước một phong cảnh tuyệt đẹp được phủ một màn sương mù …đang nhấn thì gãy, đang gãy lại nhấn hay gãy chưa dứt đã nhấn. Đấy là tài hoa của kép đàn, cái bí thuật của nhạc công biết dùng cây đàn để khiến cho tiếng ngân như chỉ riêng cho một mình câu hát đủ sức quyến rũ khiến một từ tầm thường trong câu thơ cũng trở nên huyền ảo…”

       Ca trù không làm người ta say ngay được mà phải ngấm dần, càng nghe càng ngấm, càng ngấm càng quyến rũ. Âm hưởng Ca trù hòa vào lời thơ như xoáy tận vào “ngõ ngách” của tâm hồn con người.

       Tôi nhớ mãi câu nói, đại ý như thế này “Cái gì đã thuộc về linh hồn dân tộc thì sẽ không bao giờ mất”. Ca trù là vậy!

N.T.L

. . . . .
Loading the player...