28-04-2017 - 21:28

Viết về chiến tranh sau chiến tranh nhìn từ hiện tượng Biên bản chiến tranh 1-2-3-4,75

Nghiên cứu - Phê bình - Giới thiệu: Viết về chiến tranh sau chiến tranh nhìn từ hiện tượng Biên bản chiến tranh 1-2-3-4,75 của Nhà văn Bùi Việt Thắng

Bản tiếng Anh 'Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75' ra mắt nhân dịp 30/4


CHIẾN TRANH NHƯ CHƯA KẾT THÚC
 
Trong đời sống văn chương Việt Nam gần đây văn học tư liệu đang có xu hướng lên ngôi. Nhưng có một hiện tượng đáng chú ý nhất - đó là sự ra mắt độc giả tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Nxb Chính trị quốc gia, 2014, tái bản 2015, 2016) của nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh. Chúng tôi gọi đó là một hiện tượng vì nhiều lẽ trong và ngoài văn chương. Trong phạm trù văn chương thì chiến tranh, với sự xuất hiện của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, một lần nữa tái khẳng định tính chất, ý nghĩa “siêu đề tài” của văn chương viết về chiến tranh. Một năm 2014 đồng thời xuất hiện Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, Xác phàmcủa Nguyễn Đình Tú,…đều hướng tới tái hiện những cuộc chiến đã qua chắc phải có một nguyên cớ gì đó mà không đơn giản chỉ có thể giải thích bằng văn chương thuần túy. Dường như tại thời điểm này cái gọi là “tâm thức cộng đồng Việt” đang trỗi dậy, đang phát sáng, đang tỏa nhiệt. Cuốn tiểu thuyết này đáng lẽ xuất hiện trên văn đàn cách đây hơn mười năm như chính lời trần tình của tác giả. Nhưng riêng tôi nghĩ, tại thời điểm này khi nó trình làng có lẽ lại hợp thời hơn chăng?! Hợp thời vì nó mang lại kì vọng cho độc giả, đặc biệt thế hệ độc giả sinh sau năm 1975, về một tương lai của văn học viết về chiến tranh. Đọc Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà văn Trần Mai Hạnh tôi nhớ tới lời tiên đoán của nhà văn Nga A.Tôn-xtôi, ngay từ năm 1945: “Trong một trăm năm tới, chiến tranh vẫn là cảm hứng và là đề tài vô tận cho nền văn học của chúng ta”. Bây giờ là năm 2017, sau thời điểm 1945 cả 72 năm, đề tài chiến tranh trong văn học Nga đương đại không hề bị “chìm xuồng”. Trái lại nó như một núi lửa chưa đên ngày hoạt động. Năm 2013, bản dịch Cuộc chiến đi qua (Giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga về VHNT năm 2003) của nhà văn Kanta Ibragimov đã  được đích thân Tổng thống Nga V. Putin đưa sang Việt Nam như một món quà  văn hóa của nước Nga nhân chuyến thăm chính thức  cấp Nhà nước.    
Chiến tranh như chưa kết thúc trong ký ức không chỉ của một thế hệ và nó cũng như chưa kết thúc trong cảm hứng sáng tác của các nhà văn đương thời và cả trong tương lai. Với ý nghĩa đó tiểu thuyết của nhà văn Trần Mai Hạnh cho phép chúng ta nghĩ tới tiền đồ của “văn học tư liệu” về chiến tranh. Tiểu thuyết của nhà văn Trần Mai Hạnh đồng thời cũng xác nhận một thực tế: Cho đến nay những tác phẩm viết thành công về chiến tranh chủ yếu vẫn thuộc về những nhà văn đã trải nghiệm chiến tranh với tư cách là người trong cuộc. Tiếng nói nghệ thuật của người trong cuộc, theo tôi, dẫu sao vẫn có quyền năng trong việc chinh phục độc giả.
 
CÁI NHÌN NGƯỢC SÁNG CỦA NHÀ VĂN
 
Nói Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là một hiện tượng văn chương còn  bởi  chính “cái nhìn ngược sáng” của nhà văn thể hiện rất rõ trong tác phẩm. Đã từ lâu, như một truyền thống mặc định, viết về chiến tranh thông thường nhà văn chọn góc nhìn thuận, như nghệ sĩ nhiếp ảnh chọn góc độ ống kính thuận chiều ánh sáng khi tác nghiệp. Nghĩa là viết về “phe chính nghĩa”, viết về “ta thắng địch thua”; hình tượng trung tâm là người lính cách mạng. Nghĩa là viết với tư thế của người chiến thắng. Việc chọn đối phương, cụ thể ở đây là chính thể Việt Nam Cộng hòa, từ nguyên thủ đến các quan chức cao cấp, các tướng lĩnh đến tận hàng binh sĩ của một chính phủ - mà ta quen gọi là “ngụy”- làm đối tượng miêu tả, tái hiện chính khiến nhà văn sẽ gặp không ít khó khăn, thử thách. Thứ nhất là vấn đề “lập trường”, “quan điểm” (phải khách quan, không được chủ quan), thứ hai là phải “biết địch biết ta”, nghĩa là phải hiểu rõ đến “chân tơ kẽ tóc” đối phương như hiểu chính chúng ta vậy. Thứ ba là phải có nguồn tư liệu dồi dào, chính xác và có độ tin cậy cao. Tôi nghĩ rằng nếu như tạm thời không tính đến tiểu sử của nhà văn thì độc giả sẽ hình dung tác giả của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 phải là một người trước đó làm việc trong Phủ Đầu Rồng, hoặc là một ký giả (có thể là người Việt, có thể là người nước ngoài) tác nghiệp tại miền Nam Việt Nam vào đúng thời kì lịch sử “nước sôi lửa bỏng” trong những tháng ngày đáng ghi nhớ của một quá trình sụp đổ của một chính thể. Nhưng trong thực tế thì tác giả đóng vai một nhà phân tích và bình luận thời cuộc thông qua một nguồn tư liệu đồ sộ, phong phú, có độ chính xác và tin cậy cao. Xét về phương diện văn chương nói chung, tiểu thuyết nói riêng thì tác giả cần phải biết bắt đầu từ đâu và kết thúc ở chỗ nào cho hợp tình hợp lí. Tôi rất chú ý đến chương mở đầu tiểu thuyết “Lễ Giáng sinh cuối cùng” (tháng 12 năm 1974). Đó là một mùa Lễ Giáng sinh ảm đạm, như một điềm báo những điều không tốt lành “Lễ Noel và Tết của dân Công giáo năm nay đã đánh dấu giai đoạn mới trên con đường vác cây thánh giá đẫm máu mà quân đội Sài Gòn vừa đi vừa vấp ngã đã bao  hiêu năm nay rồi…” (L’Aurore4-1-1975). Cái mở đầu ấy không là ngẫu nhiên mà là tất nhiên ứng với cái kết không có hậu ở chương cuối (chương 19)- “Phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hòa”.
“Cái nhìn ngược sáng”, như đã nói ở trên giúp tác giả “chui sâu leo cao” vào “hang ổ” của đối phương để lần đầu tiên bằng hình thức “văn chương tư liệu”, trong trường hợp này là tiểu thuyết tư liệu - lịch sử, tái hiện chân dung một chính thể hiện diện qua những cá nhân từ chóp bu đến ngạch cuối của một hệ thống với ý nghĩa là đối phương của chúng ta. Không ngẫu nhiên mà trong tiểu thuyết này tác giả dành trọn 3 chương chỉ để kể về Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu (Chương 8: Thiệu lên gân trong cô độc sợ hãi, Chương 14: Thiệu như ngọn đèn trước gió và Chương 16: Thiệu cuốn gói). Đó là 3 chương đặc tả một nhân vật chóp bu của chính thể Việt Nam Cộng hòa. Ngoài ra đây đó trong tất cả các chương còn lại, hình ảnh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu luôn bất chợt xuất hiện đúng lúc trong các sự kiện quan trọng. Đặc biệt trong phần Phụ lục tiểu thuyết đăng nguyên văn bài phát biểu của Nguyễn Văn Thiệu trước khi từ chức. Bài phát biểu này cho độc giả tri nhận đầy đủ về đường đời và bản chất của ông ta. Có thể nói lần đầu tiên qua “văn chương tư liệu” chúng ta có thể hình dung khá đầy đủ về cuộc đời và số phận của Nguyễn Văn Thiệu trên chính trường cũng như trong đời thường (một người mê tín, một kẻ tham lam và giảo quyệt, một người đàn ông háo sắc,…). Xung quanh Nguyễn Văn Thiệu, độc giả còn biết khá tường tận về hàng ngũ quan chức và tướng lĩnh cao cấp của chính thể Việt Nam Cộng hòa như Trần Thiện Khiêm, Trần Văn Hương, Dương Văn Minh, Nguyễn cao Kỳ, Vũ Văn Mẫu, Trần Văn Đôn, Cao văn Viên, Đặng Văn Quang, Dư Quốc Đống, Nguyễn Khoa Nam,…Mỗi người một vẻ, thăng trầm trên chính trường chẳng ai giống ai nhưng giống nhau ở cái kết cục thê thảm - sụp đổ  và bi kịch.
“Cái nhìn ngược sáng” cũng giúp tác giả khắc họa chỉ bằng những nét chấm phá nhưng đầy ấn tượng về những người Mỹ vốn được coi là đồng minh và là bạn của chính thể Việt Nam Cộng hòa từ ngài Tổng thống đến vị đại sứ Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến kéo dài hai mươi năm. Việc Mỹ “bỏ rơi” chính thể Việt Nam Cộng hòa vào thời điểm năm 1975 ứng với câu nói đầu cửa miệng của người phương Tây “Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”.
“Cái nhìn ngược sáng” quy định phương pháp viết “nở hoa trong lòng địch”  khiến cho những gì được kể ra gây ấn tượng về vị trí trung lập của tác giả (mặc dù tác giả chưa bao giờ đứng ở vị trí ấy trong quá trình tác nghiệp). “Cái nhìn ngược sáng” giúp tác giả hiểu rõ “nội tình”, “nội cảm” của chính thể Việt Nam Cộng hòa và những đại diện của nó, có tác dụng gia tăng tính chân thực của tác phẩm tới mức như cách thể hiện của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Một chế độ đổ sụp bởi sức mạnh của súng đạn đè lên nó, thì cái quần láng của những người đàn bà với kiểu may và loại vải do chế độ đó đẻ ra cũng trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu” (Di cảo Nguyễn Minh Châu, nxb Hà Nội, 2009, tr.262).
 
QUYỀN UY CỦA TƯ LIỆU
 
Với người đọc Việt Nam, trong thời kì hiện đại, dường như đa số say mê đọc “văn học hư cấu” hơn là “văn học tư liệu”. Nhưng có một thực tế là “văn học tư liệu” đã chứng tỏ được quyền uy của mình trong không ít trường hợp. Không riêng tôi mà độc giả nói chung đều hình dung nhà văn Trần Mai Hạnh là một “tỷ phú” về tư liệu chiến tranh, ở đây là cuộc chiến tranh với những kỉ lục thế giới về thời gian, về tính phức tạp và mức độ ác liệt, về số lượng bom đạn, và đặc biệt là những hậu họa khôn lường của nó đổ lên đầu người dân Việt Nam bất kể ở phía nào. Nếu có thể nói thì nhà văn Trần Mai Hạnh được Trời dành cho một đặc ân để tiếp cận một kho tài liệu mật đồ sộ với độ chính xác, tin cậy cao. Đó là một vốn sống gián tiếp mà không phải nhà văn nào trong số chúng ta cũng có được khi muốn viết về cuộc chiến đã qua. Nguồn tài liệu mà nhà văn Trần Mai Hạnh sử dụng quả thật là số 1 cả về số lượng và chất lượng. Nhưng một vấn đề đặt ra là, như người ta nói, “người giàu là người biết tiêu tiền”. Cũng đã có không ít nhà văn vì may mắn mà sở hữu một nguồn tài liệu kếch xù nhưng rốt cục anh ta chìm ngập trong mớ tài liệu ngổn ngang đó như lạc vào mê hồn trận, tác phẩm trở thành một thứ “mê lộ”. Nhà văn bỗng chốc là “tù binh” của tài liệu. Nói “quyền uy của tư liệu” là tôi và độc giả đều cảm thấy xa lạ với “chủ nghĩa tư liệu” trong quá trình viết của nhà văn. Nói “quyền uy của tư liệu” là nói đến cách thức và thậm chí là bí quyết sử dụng tư liệu vào mục đích viết để tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao.
Sẽ có không ít người trong số chúng ta cho rằng nhà văn trong trường hợp này “ỷ” vào tư liệu nên không phát huy được cái gọi là “hư cấu” vốn được xem như là một phẩm tính quan trọng của quá trình sáng tạo. Trong trường hợp của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà văn Trần Mai Hạnh, tôi thấy “quyền uy của tư liệu” không hề cản trở năng lực hư cấu của nhà văn. Trái lại, nếu đọc kĩ càng tiểu thuyết này sẽ thấy sở dĩ khi tư liệu ùa vào mà tác phẩm không bị xâm thực, xơ cứng, thô ráp, khô khan là vì nó được tổ chức kết cấu, bố cục hợp lí. Cái “mạch ngầm” của tác phẩm không khó khăn để nhận ra chính là quá trình tự sụp đổ từ bên trong của chính thể Việt Nam Cộng hòa được tác giả tiểu thuyết dẫn dặt khéo léo qua sự sắp xếp hợp lí các chương, mục và những trích xuất tài liệu hết sức chọn lọc, trở thành điển hình và thuyết phục. Và đặc biệt qua các nhân vật như là nhân chứng của lịch sử của “phía bên kia”.
Nói “quyền uy của tư liệu” là nói đến khả năng chắt lọc, phân tích và tổng hợp tư liệu để nâng lên khái quát trong quá trình viết của nhà văn. Trong quá trình sử dụng tư liệu thì ý thức về “cái toàn cảnh” và “cái cận cảnh” đối với nhà văn là rất quan trọng. Đọc Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 thấy rõ cả hai phương diện này đã được nhà văn điều hòa nhịp nhàng. Và cần nói thêm về khả năng tiết chế ngòi bút của nhà văn để không bị sa đà vào phía này hoặc phía kia của tư liệu. Gói gọn trong hơn 400 trang sách, “toàn cảnh” và “cận cảnh” của lịch sử trong dòng chảy bất tận của nó được nhà văn Trần Mai Hạnh điều tiết và cân đối cả hai phương diện. Ở đây phải nói đến phẩm tính của một nhà báo có tầm chiến lược, để không vì sách lược mà làm tổn hại đến một tác phẩm đôi khi người ta coi là nước đôi giữa báo chí và văn chương.
Trong Lời nhà xuất bản (in đầu sách) xác nhận Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là một cuốn “tiểu thuyết tư liệu lịch sử”. Một cuốn tiểu thuyết tư liệu đã  chiếm ngôi vị của Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2014 (tiếp đến là Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, năm 2015), điều đó chứng tỏ quyền uy của “văn học tư liệu” trong thời hiện đại. Hơn thế cho ta một kì vọng về triển vọng của “văn học tư liệu” có khả năng song hành cùng “văn học hư cấu”. Nhưng có một thực tế là “văn học tư liệu” cũng có quy tắc “chọn mặt gửi vàng” của nó. Không dễ dàng gì khi sử dụng tư liệu đối với những nhà văn hòng biến phương tiện thành mục đích. Với tư cách một độc giả tôi có cái cảm giác thú vị và thỏa mãn khi đọc Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà văn Trần Mai Hạnh với ý nghĩa là “một bức tranh tham khảo sống động về quá trình sụp đổ từ phía bên kia, càng làm nổi bật chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta” (Lời tác giả)./.

                                                                                        Hà Nội, 3/2017

 B.V.T (Nguồn Tạp chí Hồng Lĩnh số 128)

. . . . .
Loading the player...