02-12-2020 - 08:02

Vở kịch PHÓ CỐI UY VIỄN của Nguyễn Ban (Giải B- Giải VHNT Nguyễn Du lần VII)

NGUYỄn ban (GIẢI B)

phó cỐi uy viỄn

                                                       (Rút từ chùm kịch)

 

Nhân vật: Lệ 1, Lệ 2

Phó đóng cối: Phó cả, phó 2

Tri huyện: Bảo Châu

Tiểu thư: Con tri huyện

Bài trí: Gian giữa nhà Tri huyện – trang trí lộng lẫy. Chính diện bức hoành phi: “Đức Lưu Quang” (sơn son thiếp vàng).

Phía dưới bộ phản gụ khảm xà cừ, phía phải mé ngoài có để chiếc võng diều, vài điều, vài cây cảnh đặt xa xa hai bên, phòng có hai lối ra vào.

MÀN

Sau tiếng con chim gáy vọng vào, Lệ 1 từ ngoài đi vào nhìn ngang ngó tắt không gian có vẻ yên tĩnh, Lệ ta yên tâm lẩm bẩm như đọc như hát:

Lệ 1: “Kiếp sau dứt khoát phải làm quan

Kẻ hầu người hạ ngay gian tùy lòng           

Việc quan là việc của chồng

Mà các bà huyện, vòng trong lớp ngoài      

Như rày là buổi giêng hai

Mà thóc bà huyện còn vài ba kho”.

Lệ 2: (Vào nghe một lúc rồi vờ quát) Lệ kia!...

Lệ 1:À dạ!... (quay lại) Hừ!...Mày làm ông…

Lệ 2: Hú vía chứ gì?...

Lệ 1: Hú gì… hết cả hồn

Lệ 2: Này đã sợ thì đừng có hát, đã hát thì đừng có sợ

Lệ 1: Vợ còn sợ nữa quan…

Lệ 2: Thế mà quan sai mày đi gọi thợ đóng cối xay lúa cho quan: Gọi chưa? Sao đến giờ mà chưa nghe tiêng cui đục gì cả.

Lệ 1: Họ đang làm ngoài kia, không phải sao?... À! Nhưng mà mày ơi! Tao thấy lạ lắm, có tay phó 2 phó cối chẳng ra phó cối, phó lò chẳng ra phó lò. Vừa đến là mắt cứ như dán vào ngực mẹ con bà huyện.

Lệ 2: Thế thì đích thị là Phó Lý rồi còn gì.

Lệ 1: Lý tổng gì mà lại đi làm thuê… Đẹp trai da dẻ hồng hào, năm ngón tay như 5 chiếc đũa ngọc, nhưng mà chẻ dăm cối lại cứ lóng nga lóng ngóng đến buồn cười.

Lệ 2: Ôi dào! Làm thuê cũng năm cũng bảy cách, làm để lấy tiền, làm để trả ơn, làm để cầu cạnh nhờ vả, có khi đi làm để chim chuột đỡ buồn. Ớ!... Mày làm sao mà mặt lại nghệt ra thế kia?

Lệ 1: Hôm qua nhân lúc đi gọi thợ đóng cối, tao đảo về làng, làng xóm giêng hai chẳng còn hạt thóc. Binh tình này không khéo chết đói cả làng

Lệ 2: Chết là cái chắc

Lệ 1: Nghe đồn trong triều có người của nhà vua ra thanh tra, giám sát, liệu nhà vua có ban bố cho dân được chút đỉnh gì không?

Lệ 2: Dào ơi! … Tra với khảo cái cóc khô, các vị ra để lấy lòng dân. Rồi các bà quan huyện, bà lý lôi đi hát nhà trò vài đêm, tẩm quất vài buổi là lại xách gói về triều.

Ngày trước nhà vua đích thân đi thị sát mà chẳng ăn nhằm gì nữa là quan.

Lệ 1: Ấy! Nghe đâu lần này họ đích thân đi đến từng nhà để điều tra. Đến bữa cũng ra quán chứ không ăn với quan trên công đường.

Lệ 2: Hình thức, hình thức hết. Nhưng mà trò đời nghề nào thì nghiệp ấy. Họ phải làm cho ra bộ, để ông tổng, ông lý phải sợ hãi mà dấm dúi.

Lệ 1: Ê mày! Có tay nào cứ nghiêng nghiêng ngó ngó kho thóc của quan thế kia.

Lệ: Tay phó cối mà mày nói là Lý đấy

Lệ: Chết cha mày rồi, không khéo đang vụ giáp hạt, lão ra rình rập kho thóc của quan để tối nay đột nhập lấy trộm thì có mà chết cả lũ.

Lệ 1: Mày đi theo dõi xem, không cháy thành vạ lây.Ờ có thể lắm

Lệ 2: Mày phải hỏi phó cả cho cẩn thận, anh ta là ai, việc này không phải chuyện đùa.

Lệ 1: Đi ra đó tiện thể nói ông phó cả vào đây… (tự sự). Chết thật, không khéo mình lại rước cáo về nuôi thay mèo… phen này (hoảng sợ)

Phó cả: (Vào) Dạ thầy cho gọi tôi

Lệ 1:  Thầy bà gì cái thằng canh đàn bà, coi nhà gác cổng này

Phó cả: Thầy nói thế, được quan tin dùng là oai lắm rồi

Lệ 1: Tin gì… Tôi hỏi ông nói cho thật: Cái tay phó 2 của ông, sao không phải cái tay tôi gặp hôm qua?

Phó cả:  (Giật mình)

Chết chết, …(Cảnh giác nhìn xung quanh) Ôi thầy ơi! (kéo lê ra một góc nhỏ, cả hai đều tỏ vẻ sợ hãi)

Lệ 1:  Hả… Có đúng thế không? Có đúng ông ta không?

Phó cả: Im!... Để lộ chuyện là chết cả nút, không thì rồi cũng bị giam cầm suốt đời.

Lệ 1: Thế thì bây giờ làm thế nào?

Phó cả: Đơn giản là chúng ta vô tình không hay biết gì cả, nhớ chưa…

Lệ 1: Coi như không biết gì… nhớ rồi nhưng mà linh tính tôi thấy có chuyện chẳng lành.

Phó cả: Có người vào đấy… Chú nhớ chắc điều tôi dặn

Lệ 1: Tay này cũng là lính của quan, nó dẻo mồm lắm, ông không được nói điều gì với nó… Tôi ra đây lấy nước cho các ông (đi)

Lệ 2: (Ông cả định đi thì Lệ 2 gọi)

Ấy! Ông cả: Tay phó 2 của ông ở nhà thường có tính tắt mắt, tí máy gì không?

Phó cả: Dạ tắt mắt thì không, nhưng tí máy thì nghe đồn đi đâu gái đó

Lệ 2:  Đĩ thõa thế cơ à?

Phó cả: Đó là tôi cũng chỉ nghe người ta kháo nhau; ông ta có cái tính lãng mạn, chơi bời…

Lệ 2: Được, nếu có cái tính ấy thì trưa nay mẹ con bà huyện tắm. Ta mách lão ta đến đó, lảng vảng, để quan cho trận đòn.

Phó 2: (Vào nghe một lúc rồi nói)

E hèm… Thưa ông cả, ta không may rồi, vả lại đi làm thuê cho một ông quan nghèo kiết xác, không khéo không có tiền công.

Phó cả:  Nghèo thì mình đã nhận lời cứ phải xem sao đã…

Lệ 2: Này!… Nhà ông rình rập được những đâu mà nói quan nghèo

Phó 2: Cần gì phải rình, tôi ngứa cái cằm muốn tìm hạt thóc nhổ râu mà con khó hơn tìm kim.

Lệ 2: Không hạt thóc nhổ râu, ông làm mật thám có khi nướng cả quân lẫn tướng.

Phó cả: Thôi các ông ở đó mà giàu nghèo, tôi đi làm đây… (đi)

Lệ 2:  Này, nhất tổng này đấy… nhưng mà đêm chó lai cả bầy, đừng mơ vào trộm thóc của quan.

Phó cả: Nhất gì mà sân trên nhà dưới lạnh tanh

Lệ 2: Thế ông không nhìn thấy 3 dãy nhà kho 9 gian kia hay sao.

Với lại không lẽ quan gọi các phó đến đóng cối xay đất.

Phó quan: Quan trọng là cái ruột bên trong nhiều ít, còn cái vỏ bên ngoài, biết đâu để cho oai, ta giàu có…

Lệ 2: Quan giấu tiền như mèo giấu của nợ… Còn 3 dãy nhà kia, chuột vào không có chỗ đứng, hơn chín trăm thùng là cái chắc, liệu mà đi đóng cối cho quan đi.

Phó 2: Mùa rồi thiên tai hạn hán, chuột bọ sâu keo, dân được vua miễn thuế thì quan lấy đâu ra mà thu tám chín trăm thùng.

Lệ 2:  Vua miễn là việc của vua, quan thu là việc của quan. Ở đời, trên nóng dưới lạnh, thợ đóng cối biết quái gì việc nhà quan.

Phó 2: Ừ thì cho là quan giàu như ông nói. Nhưng sao ông lại làm lính cho một tay keo kiệt bủn xỉn thế.

Lệ 2: Ông làm như ông trên trời rơi xuống, không kẹt, không bủn xỉn sao mà giàu được.

Phó 2: Ừ đúng thế, cho nên bây giờ chính Ngọ rồi mà thợ chưa được ăn cơm là phải.

Lệ 2: À, thì ra ông đói rồi, muốn ăn không nói toạc ra.

Phó 2: Trâu bò giờ này cày bừa cũng đã tháo dù cởi néo từ lâu rồi.

Lệ 2: Thế để tôi đi thưa với bà huyện và cô chủ…

Phó 2: Này này… Con gái bà huyện có đẹp, đã có chồng chưa?

Lệ 2: À quên, chưa, chưa có… Ông mà thích thì trưa nay, cô nhà thường tắm cạnh giếng ấy, ông vờ đến rửa tay rồi kỳ giúp cô ấy cái lưng may ra được hưởng đấy… Tôi đi đây (đi)

Phó 2: Chưa ai kỳ cho ta, ta kỳ cho ai… (Ngắm nhìn nhà quan một lúc)

Nhà quan có khác… Đức lưu quang… hoành phi câu đối, phản gõ khảm xà cừ… võng điều 8 thước… Ta ngả cái lưng hưởng lộc đọc thơ không khoái sao… E hèm! … “Chuồn chuồn ta vẻ màu đạo đức. Miêng tham ăn một cục thâm si”… hay… hay.

Phó cả: (Vào nhanh)

Chết chết… Dẫu sao mình cũng đang là thợ, ông nằm hỏng phản của quan, tôi bị liên lụy.

Phó 2: Cái đồ “Bất trung” này thì có gì mà sợ hỏng, phải liên lụy ông cả

Phó cả: Phản gụ nhà quan sao lại gọi là đồ bất trung được.

Phó 2: Làm phản: Không phải là đồ bất trung sao?

Phó cả: Phản để nằm để ngồi sao gọi bất trung, tôi xin ông.

Phó 2: Này!... ngửa thân cho thế gian ngồi

Rồi ra lại nói là đồ bất trung

Phó cả:Thôi việc ông khác, việc tôi thằng làm thuê sợ tai vạ đổ lên đầu lắm.

Phó 2: Chiều ý ông, tôi nằm võng vậy…

Phó cả: Ấy chết… Võng lại càng không được…

Quan: (Nói ở ngoài)

Thợ mạc đóng cối đâu cả mà lặng lẽ thế này

Phó cả: Tôi mặc ông, dạ dạ, chúng con đang ở đây ạ (ra vội)

Phó 2: Đau lưng nằm võng xem lại bài thơ càng hay

(Rút trong túi ra tờ giấy) (đọc)

A đèo nắng quá ực thân ay

…ám ơn yếu ữ ã o ày…

Quan vào: Anh là thằng nào mà dám nằm ngửa trên võng của ta.

Phó 2: Dạ…con là thợ đóng “quan”, à đóng cối cho quan ạ.

Quan: Láo… Thằng phó cối mà dám nằm lên võng của ta… Lính…

Phó 2: Dạ con quên, cứ tưởng như ở nhà võng ru thằng nhỏ

Con trót dại mong quan minh xét cho thấu tình đạt lý.

Quan: Được!... Ta sẽ cho anh biết thế nào là thấu tình đạt lý

Lệ 1: Dạ!...Quan gọi con… Dạ con chào ông phó ạ…

Quan: Chào chào cái quái gì… Vào lấy cái hèo ra đây để cho lão phó cối này… thế nào là thấu tình đạt lý.

Lệ 1: Dạ dạ… con đang dở tay, để con gọi chú 2 cho quan

Quan: Thằng nào cũng được, nhưng nó có biết miếng hèo: “Nhẹ tay mà gay lâu không”

Lệ 1: Dạ chú ấy biết nhiều hơn con, để con đi gọi… (lầm bẩm) thôi chết mày rồi.

Phó 2: (Vờ đánh rơi tờ giấy)

Chết chết!... (Cúi nhặt lên vuốt vuốt)

Quan: Mày có mảnh giấy gì thế

Phó 2: Dạ!... Giấy con làm thơ…

Quan: Thợ đóng phó cối mà cũng biết làm thơ sao?

Phó 2: Bẩm ông!... Có cảm xúc là có thơ có phân biệt quái gì phó cối hay phó lý đâu.

Lệ 2: Bẩm quan gọi con lấy hèo.

Quan: Chờ đấy để ta nghe thơ “ngài” phó cối đã. Nếu chẳng ra thơ thì thêm 15 hèo, vị chi là 3 chục.

Lệ 2: Chết cha nhày ông mày rồi… Ba chục hèo có mà dừ xương

Phó 2: Nhưng chú mày nhớ: “ăn hụt phải trả mười đấy”

Lệ 2: Hụt hụt cái con khỉ, bẩm quan ra tay chưa ạ?

Quan: Để ta nghe thơ đã… Ngươi làm thơ gì?

Lệ 2: Dạ, thơ cảm ơn

Quan: Cảm ơn tao hả?

Phó 2: Dạ, thơ cảm ơn con gái quan ạ

Quan: Con gái tao cho mày cái gì mà cảm ơn!

Lệ 2: Con cảm ơn, à làm thơ cảm ơn con gái quan huyện Kỳ Hoa

Quan: Tại sao mày phải cảm ơn con gái quan huyện Kỳ Hoa?

Lệ 2: Dạ! Hôm rồi con đi đóng cối mạn trong, khi đi qua Đèo Ngang trời nắng, đường nóng không đi được. Thương tình con gái quan huyện cho con đôi giày, nhớ ơn con làm thơ “chết tiệt” à “tứ tuyệt”.

Quan: Thơ Tứ tuyệt… giỏi… nếu không ra tứ tuyệt thì đừng trách, đọc coi.

Lệ 2: Con đọc: Qua đèo nắng quá cực thân thay

Quan: Cái gì cực thân thay?

Lệ 2: Nắng quá cực ạ!

Quan: Có nghĩa là là nắng ghê lắm phải không, đọc lại đi

Phó 2: Qua đèo nắng quá cực thân thay

Cảm ơn thiếu nữ đã cho giày

Ơn này chẳng biết lấy gì trả

Xin quỳ hai gối, chống hai tay

Lệ 2: Hí hí… thơ lại có loại thơ quỳ gối, chống 2 tay, đúng là thơ “chết tiệt”.

Quan: Phải, trời nắng mà lại còn quỳ được 2 gối, chống 2 tay… nhưng mà niêm luật lại khá… Trước đây anh cũng là học trò hả?

Phó 2: Loại thư sinh loèn quèn thôi

Quan:Là thư sinh anh có biết làm toán không

Phó 2: Cũng biết sơ sơ

Quan: Ta sẽ ra cho anh bài toán… Nếu là được ta tha tội phạm thượng, không làm được giữ nguyên 30 hèo đừng có trách.

Phó 2: Bụng quan tốt phồng lên thế kia còn gì con phải trách

Quan: Nhân thấy con chim chích vững bay qua, ta ra đề “Cửu cửu chích”

Phó 2: Cửu cửu chích, nghĩa là 99 con chích

Quan: Đúng thế, làm đi

Phó 2: Thưa quan cho con đổi một chữ…

Quan: Chữ gì?

Phó 2: Bố vợ con tên là Chích… nên con xin đổi sang chữ thùng hay chữ hộc gì đó?

Quan: Thùng, thùng, hộc hiếc gì cũng được, miễn là có con số cửu cửu làm đi.

Phó 2: (Thở dài mệt mỏi)

Dạ quan là người học cao biết rộng, quan là cha mẹ của dân. Bây giờ đã là chính Ngọ rồi. Thánh hiền dạy: “Có thực mới vực được đạo”, bụng đói, quan bắt làm toán, biết đâu không làm được là vì bụng đói, chứ không phải vì loại vô học.

Quan: Đói rồi hả, được… Lính… lấy cơm cho thợ ăn… trì hoãn để nghỉ phải không ông thư sinh?

Lệ: Dạ vâng…(đi)

Phó 2: (Gọi) Bẩm bác cả…. mời bác nghỉ ăn cơm qua đã…

Quan: Tại sao là học trò mà anh lại làm nghề đóng cối.

Phó 2: Dạ… Vì con thích bóc bỏ cái vỏ để ló cái thật

Quan: “Bóc bỏ cái vỏ để ló cái thật” là sao?

Phó 2: Đó là quan vờ vịt không hiểu. Người ta nói mua lúa để ăn, nhưng thực ra là ăn gạo chứ ai ăn lúa, cho nên phải bóc cái vỏ bề ngoài, mới thấy được hạt gạo bên trong, con thích thế.

Quan: Thì ra anh cũng là tay phó cối lắm lý lẽ đáo để

Phó cả: (Vào) con chào quan… thưa chú phó có cơm rồi sao?

Phó 2: Quá Ngọ rồi, phủi tay chân đi mà ăn cơm chứ (phủi giúp)

Phó cả: Ấy… bụi bẩn

Phó 2:Bẩn cũng phải phủi đi chứ, bụi đâu phải của ông mà là của chủ chứ

Quan: Này, anh nhớ còn phải làm toán đấy…

Phó 2: Cửu cửu thùng… con nhớ rồi

Lệ 2: (Bê cơm ra, đặt xuống đất)

Dạ mời hai ông phó

Phó 2: Này… thằng kia bọn tôi là loại 2 chân đấy, không phải 4 chân đâu

Quan: (Với linh) nhấc lên kia

Phó 2: (Với lính) Sao cơm nhà quan không có rượu hả… thằng cha này…

Lính: Bẩm quan?

Quan: (Với lính) Lấy rượu cho họ

Lệ 2: Dạ … (với phó 2). Này nhớ có cái hèo để kia chứ (đi)

Quan: (Với phó 2) Chơ quê quán ông phó ở đâu ta?

Phó 2: Dạ… Một bên Tả Úc một bên Tiên Điền

Quan: À, thế thì hình như phó cối chợ Đình

Phó 2: Phải…. ngoài ta cũng gọi là làng Uy Viễn thì phải

Lệ 2: (Xách chai ra) Rượu đây, mời hai ông

Phó 2: (Rót rượu) Ấy mời bác cả…dạ… mời quan uống với thợ

Quan: Mời hai thợ, ta ra đây, chốc quay lại nghe anh ta làm toán

Phó 2:Dạ, con làm luôn… (uống mọt ngụm) chà… nhất chích…à nhất thùng

Quan: (Hỏi Lệ) Hắn ta nói gì?

Lệ 2: Nhất chích, nhất thùng gì đó không rõ lắm ạ

Phó 2: Kìa… mời đi bác cả… nhất thùng.. nhất thùng (uống 2 chén)

Quan:Này nhà ngươi bảo làm toán mà cứ nói nhất thùng, nhất thùng là sao?

Phó 2: Dạ, con đang làm toán của quan đấy, không tin quan lấy giấy bút mà ghi.

Phó cả: Ấy ông 2 ăn cơm đi nữa… ai uống suông thế

Phó 2: Cơm nguội tanh, tính toán với quan xong, lát nữa ra quán, tôi đãi bác bữa bún ốc ngon đến tận triều đình… thưa quan con nhắc lại.

Quan: Nào anh bắt đầu đi.

Phó 2: Nhất thùng, nhất thùng, nhất thùng, tam tam chi cửu, quan tính xem bao nhiêu.

Quan: (Nhắc lại) Tam tam chi cửu – mới có 9

Phó 2: Tam cửu chi nhị thất… tính đi…

Quan: Ba chín hai bảy

Phó 2: (uống 1 chén) Bát cửu vị chi… mấy hả quan

Quan: Bát cửu là 72

Phó 2: Bảy 2 với 27 là mấy bác cả.

Phó cả: Vị chi là 99… Phó 2 khá đấy, thôi tôi đi làm đây…

Phó 2: Bẩm quan… giá như cho thật đầy đủ, cửu cửu thập chi thùng là mấy hả quan.

Quan: Là là, 990 thùng ấy nhưng mà…

Phó 2: Đó mới là chính xác của nhà quan

Quan: (Kéo Lệ ra 1 góc) Tại sao lão ta gần như biết chính xác số thóc của tao.

Lệ 2: Dạ con tưởng quan nhờ lão ta tính giúp, để cần đóng mấy cái cối xay cho kịp.

Quan: Vớ vẩn (với phó 2) nhà anh học trò đã thi tú tài chưa.

Phó 2: Không đi

Quan: Thế đã thi gì?

Phó 2: Giải nguyên giải nghệ gì đó, cái năm Gia Long, Kỷ Mão, Kỷ Dậu gì ấy.

Quan: Thi trượt rồi về đi làm nghề đóng cối phải không?

Lệ 2: Bẩm quan thời buổi này khối gì anh gì anh giả danh Cử nhân, tiến sĩ bịp, đâu thư sinh mà lại đi đóng cối, khoác lác quan cứ cho 30 hèo là phải.

Quan: Phải, học trò mà lại đi đóng cối, chuyện lạ… ra tay đi

Lệ 2: Láo… nằm xuống… nằm… ngứa tay lắm rồi

Phó 2: Ấy ấy… để ta (Cố ý như không may rơi chiếc thẻ ngà ra) ấy ấy của tao.

Lệ 2: (Định đỡ hèo lên)…Tao hả…

Quan: Khoan! Nó có cái gì kia? Nhặt lên xem

Lệ 2: (Nhặt lên) Bẩm quan… hình như thẻ ngà…

Quan: Thẻ ngà.. mày đánh cắp của ai?

Phó 2: Bẩm quan thẻ ngà của ta

Quan:  Thì… của mày (Xem mặt sau) Hả… Giải Nguyên Kỷ Mão thứ 18 là Ngài sao?

Phó 2: Phải, ta là Nguyễn Công Trứ đây ngài quan Bảo Châu ạ.

Quan: Ôi thôi, thế thì con có mắt như mù… mong quan Tổng đốc vạn tội vạn xá.

Lệ 2: Bẩm quan con đi cất hèo ạ

Phó 2:  Ở lại đó, nhà ngươi đã được hèo nào đâu.

Quan: Dạ bẩm, mời quan Tổng đốc lên huyện đường để chúng con tấu trình nhận tội.

Phó 2: Chẳng cần… giờ quan huyện cho biết danh sách những hộ thiếu đói của huyện này và số thóc mà nhà quan có trong kho…. Viết thành văn bản nhanh lên, đi đi…

Quan: Con xin vâng ạ… (lui ra)

Phó 2: Lính… vụ mùa vừa rồi quan huyện có miễn sưu thuế cho dân không?

Lệ 2: Dạ không… Dân chúng kêu ca nhưng không được. Quan chúng con đáng tội chết ạ.

Phó 2: Ta không đi xử tội chết sống, mà việc của ta là tìm ra thóc cứu dân, tội trạng quan là do nhà vua, còn quan và ta nếu không có thóc để dân chết đói cũng bị phạm tội.

Tiểu thư: (Vào xách 1 cái túi nhỏ) Dạ… Tiểu nữ xin phép được chào quan Tổng đốc kính quý ạ…

Phó 2: Ối… cô nương xinh đẹp là ai mà lại vào đây chào ta…

Tiểu thư: Dạ! Em là con gái út của Tri huyện Bảo Châu. Dạ em xin mời quan giá hộ xuống phòng tiểu nữ để em được hầu chuyện ạ.

Phó 2: Thôi ta nóng lắm rồi ngay tại đây thôi

Tiểu thư: Dạ!...(hất hàm nói lệ ra ngoài) Dạ… của ít lòng nhiều chẳng mấy khi tiểu nữ vinh dự được gặp quan, nên tiểu nữ có chút quà của gia đình xin được quan thương tình nhận giúp ạ.

Phó 2: Quà hả… bao nhiêu thế này?

Tiểu thư: Dạ… có ba mươi lạng thôi ạ…

Phó 2: Ba mươi lạng… bằng mấy năm làm quan của ta rồi còn gì?...

Tiểu thư: Quan thương tình thì có thể còn nhiều hơn. Khác hơn nữa ạ.

Phó 2: Ta thích cái đoạn khác hơn, nhưng vì dân tình chết đói nhiều quá, cho nên ta thích có nhiều thóc, kể cả khoản tiền hối tặng trước mắt phải đem ra cứu dân đã.

Tiểu thư: Dạ… mong quan xá tội cho thân phụ của tiểu nữ…

(Quan vào nghe bên ngoài)

Phó 2: Ồ, nếu thân phụ tiểu thư dám bỏ 1.000 thùng thóc kia ra cứu dân và cả 30 lạng bạc nữa này thì ta chỉ cần dân no không chết đói là được.

Tiểu thư: Một ngàn thùng… bỏ ra 1.000 thùng, thế gia đình tiểu nữ…

Phó 2:  Sẽ còn đủ thóc để ăn đến qua mùa sau.

Quan: (Vào) Dạ… Đây là danh sách những người thiếu đói và sổ thóc của gia đình có ạ.

Phó 2: (Xem qua) Ta nhờ tiểu thư ra mời ông Phó cả vào đây giúp

Tiểu thư: Dạ ….(đi)

Phó 2: Người thiếu ăn đông thế này sao?

Quan: Dạ

Phó 2: Không chỉ thóc lúa của quan huyện mà các ông tổng, ông lý, ai trong huyện hạt còn dư dật bao nhiêu đều phải kê khai đem ra cứu dân đói.

(Ông Phó cả vào cùng nghe) Đó là lệnh của đức vua.

Ông nhắc lại cho các ông tổng, ông lý nhớ: Nước lấy dân làm gốc, dân đói chết hết lấy đâu ra người làm thóc lúa, còn các quan làm quan với ai, đúng thế không?

Phó cả: Dạ đúng thế.

Quan: Dạ đúng thế ạ

Phó 2: Còn ông cả, ông giúp tôi là giúp triều đình. Trực tiếp theo dõi, giám sát việc thu thóc và cấp phát thóc cứu đói dân của vùng này.

Phó cả: Dạ

Phó 2: Việc cấp phát phải kịp thời, công bằng công minh công khai, đúng người, thiếu nhiều cấp nhiều, thiếu ít cấp ít, chú ý người già và trẻ con, ông nhớ cho.

Phó cả: Dạ

Phó 2: Hoàn tất công việc, không còn có người kêu đói, ông cùng quan huyện mang theo bản kê khai cấp phát có điểm chỉ của dân để về triều.

Còn tôi tiếp tục đi vùng khác.

Phó cả: Ấy, bẩm quan

Phó 2:À, phải rồi… Trước hết ta nhớ công ơn của ông đã giúp ta thay tay phó 2 của ông để làm phó cối. Đó là công sẽ có thưởng. Còn quan huyện dám bỏ thóc lúa ra cứu dân lúc này cũng là công. Việc công tôi ra sao đều do nhà vua minh xét. Việc của tôi cũng như các ông lúc này là không được để chết đói rõ chưa.

Tất cả: Dạ, bẩm rõ ạ.

 

. . . . .
Loading the player...