05-02-2024 - 00:47

Xuân Diệu - thi sĩ tuổi rồng và những vần thơ xuân, tết

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Giáp Thìn trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả BÙi Việt Thắng về nhà thơ Xuân Diệu: "Xuân Diệu - thi sĩ tuổi rồng và những vần thơ xuân, tết

Xuân Diệu - thi sĩ tuổi rồng

và những vần thơ xuân, tết

 

  

Văn chương nết đất, thông minh tính trời

                                                  (Nguyễn Du - Truyện Kiều).

Không chỉ riêng tôi tin thi sĩ Xuân Diệu tuổi Rồng

Theo sách Nhà văn Việt Nam hiện đại (NXB Hội Nhà văn, 2020), có tất cả 1623 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Riêng tỉnh Hà Tĩnh được coi là miền đất văn chương, tính đến 2011, có 76 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (theo sách Nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh, NXB Hội Nhà văn, 2011). Trong Lời giới thiệu Văn chương nết đất thông minh tính trời, nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) trang trọng và tinh tế khi viết “Hà Tĩnh mình ơi, bài “tỉnh ca” mở đầu cho điệu tâm hồn của cái nết đất ấy. Bản sắc Hà Tĩnh đắc địa đến đâu trong kinh tế, quân sự, xin sẵn sàng hầu chuyện các bậc cao kiến, riêng trong văn học, tôi muốn xem đó như một trong những nguồn mạch. Giống như triều Trần, vua ở đâu thì triều đình ở đấy. Trong văn học, thiên tài ở đâu thì nguồn mạch ở đấy. Hà Tĩnh là một trong những nguồn mạch có sức nuôi dưỡng và nhuần thắm cho cả nền văn của đất nước”.

Tuổi (năm sinh) của nhà thơ Xuân Diệu (Tên khai sinh Ngô Xuân Diệu, quê ở làng Trảo Nha, nay là xã Đại Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) - nhà thơ “ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh - Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, 1942), được ghi chú không giống nhau trong các sách (1916 hay 1917?), tương tự năm sinh đồng nghiệp cùng thời Nam Cao - nhà văn hiện thực xuất sắc (1915 hay 1917?). Sự thật ấy cho thấy ngành Lưu trữ của ta thiếu và yếu đến chừng nào. Ở xứ sở Sương Mù, ngành Lưu trữ của họ còn bảo tồn được những bút tích bản thảo đầu tiên của thiên tài văn học W.Shakespeare (1564 -1616). Ngay trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh do soạn theo sách Nhà văn Việt Nam hiện đại, nên cũng ghi Xuân Diệu (1917-1985). Tôi dựa theo các tài liệu sau có độ tin cậy cao hơn: Thơ mới, 1932-1945 – Tác giả và tác phẩm (NXB Hội Nhà văn,1998), Xuân Diệu - Tác phẩm chọn lọc (Lưu Khánh Thơ tuyển chọn và giới thiệu, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009), Từ điển văn học. Bộ mới (NXB Thế giới, 2004), SGK Ngữ văn 11 (Bộ Chân trời sáng tạo, NXB Giáo dục Việt Nam, 2023), Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996-2016) (Đỗ Ngọc Yên biên soạn, NXB Quân đội nhân dân, 2017), Xuân Diệu“Vây giữa tình yêu”(Hà Minh Đức, nghiên cứu, trò chuyện, ghi chép về thơ Xuân Diệu, NXB Văn học, 2013), Biên niên sử Phong trào Thơ mới Hà Nội (1932-1945) (Nguyễn Hữu Sơn chủ biên, NXB Hà Nội, 2019). Tất cả nguồn tài liệu này mặc nhiên có tính chất chính thống, độ tin cậy cao, đều ghi năm sinh của nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985). Trên cơ sở này không chỉ riêng tôi tin nhà thơ Xuân Diệu tuổi Rồng (Bính Thìn, 1916). Nếu Xuân Diệu sinh 1917 (Đinh Tỵ) thì tuổi này không ánh phản tính cách của thi sỹ: bay bổng, khoáng đạt, ríu rít và đắm say với đời, với người,... Nói theo cách của cố thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo “Ai tin thì tin không tin thì thôi” (!?).

Căn cứ vào thơ để suy đoán tuổi của nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985), sẽ thấy tuôn trào đầu ngọn bút luôn luôn đậm chất men say nồng“Không có cánh nhưng vẫn thèm bay bổng/ Đi trong sân mà nhớ chuyện trên trời/ Trút ngàn năm trong một phút chơi vơi/ Ngắm phong cảnh giữa hai bề lá cỏ” (Cảm xúc). Thi sĩ tuổi Rồng mới viết được những câu thơ rất khó viết với bất kỳ ai “Sương nương theo trăng ngừng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi” (Nhị hồ), hay “Ta lên cao như một ý siêu phàm/ Nhìn vũ trụ muốn tranh phần cao vọi” (Hy Mã Lạp Sơn). Câu “Văn là người” ứng vào trường hợp thi sĩ tuổi Rồng (Bính Thìn) với Xuân Diệu rất sát hợp. Năm 1959, khi ông đang ở Hà Nội, nơi “Thăng Long phi chiến địa”, nhân một chuyến thực tế về Quảng Ninh, đến Hạ Long, như thể tâm linh giao kèo với vạn vật, những câu thơ vút lên “Ta chào người, Hạ Long nghìn vạn đảo/ Vạn hòn gieo trên sóng biếc trập trùng/Bia biển trời với đá xanh kỳ ảo/ Dựng muôn đời ca vẻ đẹp non sông/ Ta vào vịnh Hạ Long, hồn diễm lệ/ Trải tung ra, quăng lưới bắt muôn trùng/ Đảo gọi đảo, bể lượn rồng giữa bể/ Ta ngả chào vùng non nước Hạ Long” (Chào Hạ Long). Cảm xúc vũ trụ bao la ấy chỉ có thể phát khởi trong lòng thi nhân tuổi Rồng (Bính Thìn) mà thôi. Đúng thế chăng (?!).

Những vần thơ xuân &Tết của “Ông hoàng thơ tình”

Xuân Diệu là một thi sĩ tài năng, một nhà văn hóa, trước tác của ông đồ sộ về khối lượng và thâm sâu chất lượng, đặc biệt ánh lên rực rỡ trong thơ ca. Thơ ông là một tập đại thành về vũ trụ tự nhiên, về xã hội nhân quần, về tình yêu không biên giới của con người, về những thăng hoa vô tận của bản năng bản ngã, về sự cô đơn cùng cực của một nghệ sĩ không bao giờ thỏa mãn tìm kiếm cái đẹp và chân lý... Thơ Xuân Diệu gây cảm giác lúc nào thi nhân cũng vội vàng sôi sùng sục, cũng vội vàng tranh đua giành giật thời gian để sống, thời gian để yêu đến kiệt cùng sức lực, ứ đầy hoan ca. Nhưng nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra những khoảng lặng, những nốt nhạc êm đềm trong thơ ông khi tự nhiên hiện hữu, lan tỏa, thấm nhuần tâm hồn thi sĩ. Ấy là khi đất trời tuần hoàn đến độ, hiến dâng vẻ đẹp nguyên sơ, trinh nguyên cho con người được thụ hưởng miễn phí vô điều kiện. Thiên nhiên tươi đẹp và vô tư khác nào “liều thuốc giảm đau tinh thần” cho con người, nhất là nghệ sĩ vốn quá nhạy cảm và dễ tổn thương “Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá/ Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ” (Trăng). Ai đó nói mùa thu là tình nhân trong thơ Xuân Diệu. Không có gì là không đúng với những thi phẩm nổi tiếng như Đây mùa thu tới, Thu... Nhưng đọc kỹ thơ Xuân Diệu, sẽ nhận ra ông công bằng với tạo hóa khi coi mùa xuân là thi hứng, thi liệu, thi ảnh, thi tứ căn cốt. Đã như thế nên thi sĩ nâng niu câu chữ tụng ca mùa xuân, qua hai bài trực tiếp Nụ cười xuânXuân không mùa. Trong thi phẩm đầu Nụ cười xuân độc giả như chạm được một cách trực quan sinh động mùa xuân hiện hữu “Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui/ Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời/ Sao buổi đầu xuân êm ái thế/ Cánh hồng kết những nụ cười tươi/ Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao/ Cây vàng rung nắng, lá xôn xao/ Gió thơm phơ phất bay vô ý/ Đem đụng cành mai sát nhánh đào. (...)/ Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người/ Chưa từng hẹn đến, - giữa xuân tươi/ Cùng chàng trai trẻ xa xôi ấy/ Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười”. Bài thơ này được in trong tập thơ đầu tay của thi sĩ Xuân Diệu Thơ thơ (Nhà xuất bản bản Đời nay, 1938). Chúng ta nên nhớ, lúc ấy thi sĩ còn rất trẻ, mới 22 tuổi, nhìn đời bằng con mắt xanh. Người trẻ thì lòng trẻ, hồn trẻ như thể “hồn tôi đôi cánh” (nhan đề một tập thơ của thi sĩ xuất bản năm 1976).

Bài thơ thứ hai trực tiếp viết về mùa đầu tiên của năm có nhan đề Xuân không mùa (in trong tập Gửi hương cho gió, NXB Thời đại, 1945). Niên đại ghi cuối bài thơ 1939. Theo phỏng đoán thì bài Nụ cười xuân được viết khi Xuân Diệu tròn tuổi đôi mươi, nên hơi hướng thơ trẻ trung, phơi phới, bay bổng. Thi sĩ là người sớm từng trải nên có thể sớm già trước tuổi, dẫu như Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại (1942) đã nhận xét chính xác và tinh tế, thơ Xuân Diệu “Cả ý lẫn lời đều thiết tha, làm cho nhiều người thanh niên ngây ngất. (...). Bởi thế thơ ông là cả một bầu xuân, thơ ông là bình chứa muôn hương của tuổi trẻ”. Mới chỉ có vài ba năm, Xuân Diệu bỗng như chín hơn khi viết “Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm/ Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu/ Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều/ Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng/ Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng/ Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ/ Chim trên cành há mỏ hót ra thơ/ Xuân là lúc gió về không định trước/ Đông đang lạnh bỗng một hôm trở ngược/ Mây bay đi để hở một khung trời/ Thế là xuân (…)/ Miễn trời sáng, mà lòng ta dợn sóng/ Thế là xuân. Hà tất đủ chim hoa?/ Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa/ Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng”. Cụm từ “thế là xuân” (điệp ngữ)  như là sự nhấn nhá của tâm thế, cảm xúc của thi nhân khi mở lòng với tự nhiên, vốn được coi là một phương diện đặc sắc của Thơ mới 1932-1945.

Nguyên đán, có thể coi là một thi phẩm viết trực diện về xuân từ một góc nhìn, từ một hướng cảm xúc khác của thi sĩ về sự tuần hoàn của tự nhiên đất trời trong vòng quay tạo hóa 365 ngày. Đây là bài thơ thể tứ tuyệt nên không phải thi sĩ nào cũng có thế “nén” cả một vũ trụ vào trong bốn câu thơ đạt tới độ tinh chất, tinh hoa “Xuân của đất trời nay mới đến/ Trong tôi xuân đã đến lâu rồi/ Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi/ Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”. Hóa ra, theo cách viết của thi nhân thì, xuân lòng có sẵn trước xuân trời, cái này (có trước) kích cầu cái kia (có sau), song suy cho cùng thì cả hai có tính tương hỗ, phát lộ nhau trong tính tương liên biện chứng, vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Xuân về, Tết đến đọc lại những vần thơ ấm nồng hương vị, khoáng đạt màu sắc và đường nét, rộn rã âm thanh của thi sĩ tuổi Rồng Xuân Diệu chúng ta thêm một lần tận hưởng nhã thú của nghệ thuật ngôn từ đem lại. Để vui thêm, yêu thêm, tin tưởng thêm, chắt chiu thêm cái trác tuyệt của tạo hóa được thơ ban tặng cho mỗi người yêu văn chương./.

 Hà Nội - Hà Tĩnh, 12/2023

B.V.T

 
 

 

 

. . . . .
Loading the player...