26-02-2022 - 11:53

Ân tình người “Mẹ hiền áo trắng”

Kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2022). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tản văn Ân tình người “Mẹ hiền áo trắng” của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

       Đầu xuân có một ngày truyền thống dành cho các thầy thuốc Việt Nam (ngày 27/02). Hình ảnh người thầy thuốc được tôn vinh ngợi ca đó như là những “Thiên thần áo trắng” và trong đại dịch chống Covid-19 họ được vinh danh với cái tên gọi “Những chiến binh áo trắng” quả cảm trên tuyến đầu chống dịch. Tôi  muốn gọi họ là những người “Mẹ hiền áo trắng”. Mẹ hiền bởi tấm lòng y đức, cái tâm trong sáng của người thầy thuốc vừa bao dung nhân ái, vừa hiền hòa thân thiết tin cậy. Tôi rất ấn tượng hình ảnh người thầy thuốc với giọng nói ấm áp, dịu dàng, ân cần nhẹ nhàng có sức thuyết phục lan tỏa. Và ánh mắt thật yêu thương, ánh mắt dịu hiền mà chứa đựng bao trìu mến có sức động viên truyền cảm. Đó là ánh mắt của hy vọng như là một điểm tựa của niềm tin. Và đôi bàn tay có một năng lượng thần kỳ giao cảm khi bắt mạch kê đơn, khi xoa dịu mũi tiêm mũi kéo. Màu trắng chiếc áo Bluse của người thầy thuốc là màu trắng tinh khiết, cái màu trắng, màu sáng ấy chính là màu nắng trong đêm sưởi ấm bởi tình người. Màu trắng là nền làm nổi bật màu đỏ của dấu chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ biểu tượng cho ngành Y. Đó là màu của trái tim ấm nóng của sự sống, sức sống. Nhiều lần tôi ngắm nhìn (dấu +) chữ thập đỏ và nghĩ về sự cộng hưởng, sự nhân lên cộng thêm tình thân ái để bù đắp tròn đầy trọn vẹn tình thương mến của người lương y. Cả nhân loại có chung dấu cộng của ngành Y, bớt đi những sự hao khuyết như vành trăng lưỡi liềm mong muốn sự tròn đầy của trăng rằm tỏa sáng. Cái màu trắng tinh khôi cho ta cảm giác sáng trong, sạch trong như buổi đầu nguyên sơ tinh khiết.  

Chung sức, đồng lòng để chiến thắng đại dịch COVID-19. Ảnh: Nguyễn Thế Thiêm (Giải B Cuộc thi ảnh “Ấn tượng Việt Nam mùa COVID-19” do Bộ Y tế phối hợp với Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) tổ chức)

       Sinh thời Bác Hồ kính yêu là người rất chăm lo đến ngành Y và nhiều lần Người căn dặn sâu sắc khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nghề Y là một nghề rất đặc biệt cao quý trong xã hội. Đất nước càng phát triển, cuộc sống càng được nâng cao về chất lượng, càng quan tâm nhiều về vấn đề y đức. Y đức là phẩm chất tốt đẹp là giá trị cốt lõi của người thầy thuốc biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tình phục vụ hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh như chăm lo những người thân yêu trong gia đình mình bởi đây là một nghề liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người. Trong thư gửi “Hội nghị quân y tháng 3/1948” Bác đã viết: “Người thầy thuốc  chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Đó chính là yếu tố cốt lõi của y đức, cũng như Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã từng dạy: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người, không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Vì thế các bác sỹ được đào tạo lâu nhất thường 5 đến 6 năm để có trình độ tri thức nghề y khi ra trường đều tuyên thệ “Lời thề Hip Pocrates” là lời thề của đạo đức ngành Y. Đất nước ta là miền có khí hậu nhiệt đới, vì thế có rất nhiều loại cây thuốc phát triển, đó là những vị dược liệu từ ngàn đời. Bác Hồ đã khuyên: “Y học phải được dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên nghiên cứu và phối hợp thuốc đông và thuốc tây”. Tôi bất chợt nhận ra: Mỗi mảnh vườn của người dân nông thôn bao giờ cũng dành ra một góc nhỏ để trồng các loại rau, loại sả để xông hơi xua đi những cơn cảm cúm nhức đầu. Vòng tay thương mến của thiên nhiên thật ân tình, ân nghĩa biết bao khi khi hòa vào mạch nguồn linh khi đất trời để cho những vị thuốc dân gian hiếm quý.

       Trong đại dịch Covid-19 những người “Mẹ hiền áo trắng” trên mặt trận thầm lặng không tiếng súng chiến đấu với kẻ thù vô hình. Họ gác lại niềm vui sum vầy bên gia đình, tạm gác hạnh phúc riêng tư, để vào trận chống dịch xông pha nơi tuyến đầu, xâm nhập vào các ổ dịch hiểm nguy bảo vệ an toàn sức khỏe cho cộng đồng với quyết tâm: “Chống dịch như chống giặc”. Có bao tấm gương không quản hy sinh khi đối diện với cái chết trong gang tấc. Màu trắng thanh  cao, thanh liêm ấy ấy chính là những đêm thức trắng để trọn vẹn ân tình với hình ảnh thiêng liêng: “Lương y như từ mẫu”

N.N.P

. . . . .
Loading the player...