Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Bác Hồ với việc xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân những ngày đầu cách mạng” của tác giả Lê Văn Tùng
Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bao nỗi lo toan của người đứng đầu nhà nước vừa mới thành lập mà hầu như tất cả đều bắt đầu từ con số không. Chỉ mấy ngày sau Tổng Khởi nghĩa, độc lập tự do đã bị đe dọa nghiêm trọng bởi bọn phản động bên trong, giặc xâm lăng bên ngoài, rồi giặc đói, giặc dốt... Chính quyền các cấp vừa mới được thành lâp, bên cạnh những mặt mạnh của đại bộ phận cán bộ háo hức cống hiến khi chính quyền đã thực sự về tay nhân dân thì cũng đã xuất hiện tệ quan liêu, cửa quyền, hách dịch... suy nghĩ nhiều trước thực tế đó, Bác nói như tâm sự với nhiều cán bộ từ trung ương đến cơ sở "Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng nghĩa lý gì" (Võ Nguyên Giáp - Hồi ký Đại biểu Quốc hội Khóa I).
Giữa bao nhiêu công việc bộn bề của những ngày đầu dựng nước, Bác Hồ vẫn giành nhiều thời gian cho việc xây dựng một Nhà nước kiểu mới mà trong đó nhân dân là chủ thể, với quan điểm được Bác khẳng định ngay từ đầu "Nước lấy dân làm gốc", "Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó" (Võ Nguyên Giáp - Hồi ký Đại biểu Quốc hội Khóa I)
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Ngày 3- 9 - 1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Bác Hồ nói với các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng:
"Sau tám mươi năm bị áp bức, bóc lột và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính.
Nhưng điều đó không làm chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm.
Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công..." (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, T/4, Tr 7).
Ngày 17- 9- 1945, chỉ hai tuần sau ngày tuyên bố độc lập, trong "Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà", Bác đã nghiêm khắc chỉ ra những khuyết điểm nghiêm trọng của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan chính quyền: "...có người hủ hóa lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán,hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến chính phủ và đoàn thể" (Hồ Chí Minh sdd, T/4, Tr 19).
Theo Bác Nhà nước kiểu mới sinh ra từ Cách mạng Tháng Tám phải là nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Ngày 17- 10- 1945, trong thư "Gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng", Bác viết: "Chính phủ ta đã hứa với dân sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc phải làm dần dần,..., song ngay từ bước đầu chúng ta phải theo đúng phương châm.
Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật, (Hồ Chí Minh: sđd, Tr 56).
Chính quyền nhân dân mới thành lập được hơn một tháng, phát hiện thấy nhiều nơi tính tổ chức kém, cách làm việc tỏ ra lộn xộn, Bác đã viết bài để bổ cứu và uốn nắn kịp thời. Đó là bài báo mang bút danh Chiến Thắng với đầu đề "Thiếu óc tổ chức một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban Nhân dân". Trong đó Bác chỉ rõ nhiều vấn đề cụ thể như: "...Trong một Ủy ban nhiều khi có người rất rỗi rải, cả ngày chỉ chạy ra, chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc... Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì không thể nào thành công được... Tài to ta dùng việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực việc gì ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy sẽ không lo gì thiếu cán bộ" (Báo Cứu quốc số 58 ngày 4- 10- 1945).
Một lần khác phát hiện thấy cách làm việc mang nặng tính ỷ lại, thiếu năng động sáng tạo trong các Ủy ban Nhân dân, cũng với bút danh Chiến Thắng Bác đã viết bài "Tinh thần tự động trong Ủy ban Nhân dân" phê phán một cách nghiêm khắc hiện tượng trì trệ, thiếu tinh thần trách nhiệm: "Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú..., khi có công việc thì đem thi hành một cách máy móc, khi làm xong việc lại chỉ ngồi không...., cứ ì ra như xe bò lên dốc, không có người đẩy là y như đứng lại.....
Nói tóm lại các ủy viên trong các ủy ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ, nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện" (Báo Cứu quốc, số 59 ngày 5- 10- 1945).
Ngoài việc tổ chức bộ máy, phương pháp làm việc, tinh thần trách nhiệm,..., ngay từ khi chính quyền cách mạng vừa mới được thành lập, Bác Hồ đã rất quan tâm đến tính chất trong sạch, liêm khiết của bộ máy Nhà nước. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, Người đã tuyên bố trước Quốc hội:
"Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở các ủy ban làng hiện đông lắm và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ; đã trị, đương trị, và sẽ trị cho kỳ hết..." (Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946- 1960, Tr 98).
Gần tám mươi năm đã đi qua, đọc lại mỗi lời dạy của Bác chúng ta vẫn thấm thía nỗi trăn trở của Người về việc xây dựng một Nhà nước của dân do dân vì dân; một Nhà nước mà trong đó mỗi thành viên đều là "công bộc" của dân; một Nhà nước luôn luôn hành động vì quan điểm "lấy dân làm gốc".
Đọc, suy ngẫm để rồi thực hành theo mỗi lời Người dạy cũng sẽ là một trong những hình thức tốt nhất để thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
L.V.T