02-01-2018 - 10:11

Bập bùng bếp lửa ngày đông

Tạp chí Hồng Lĩnh số 136 giới thiệu tản văn "Bập bùng bếp lửa ngày đông" của tác giả Nguyễn Hà Huy.

Tôi muốn nói về bếp lửa đầu đông chứ không phải là bếp lửa mùa đông, mùa đông dài lắm, đêm đông dài lắm. Còn đây là khoảng thời gian của ngày đông, ngắn nhưng không đứt đoạn,  cứ nối tiếp nhau, cứ ấp iu nồng đượm, cứ vun lên trong tôi bao ký ức, kỷ niệm chập chờn và ấm áp sum vầy…
Minh họa: LÊ HÀ

Bếp lửa ngày đông của đồng  quê thôn mạc được chuẩn bị bắt đầu từ ngày hè nắng chói chang phơi khô nỏ đám gộc tre, gộc mít … mà bố tôi đã đánh sẵn để phơi khô rang nẻ toác. Đống củi khô ấy cứ ngày một đầy thêm, cao thêm ngổn ngang những cành, những  rễ. Bếp lửa ngày đông trong gian bếp chật mà xếp xung quanh đó là những vại cà,  vại tương, vại mắm.. Chúng cao thấp cạnh nhau đầu đội  những chiếc nón mê đã rách. Chúng là hương vị cho bữa cơm thêm đậm đà cái vị quê nồng mặn, ngọt bùi – Đó là cái mùi làng không thể nào trộn lẫn được. Chúng ngồi cạnh người im lặng nghe người nói chỉ có cái bóng là rung rung in lên vách tường nhà bếp đăm chiêu bao nghĩ ngợi. Cái sợi khói có vẽ vẩn vơ mà không vu vơ mang cả bao thân phận nữa. Trước khi chúng tan vào hư không bay về trời thì lại  quẩn quanh: “Khói về đành kia ăn cơm, ăn cá – Khói về đàng này lấy  đá đập đầu”. Nhưng đó không phải là xua đuổi khói mà là trò chơi của con trẻ mặc dù : “Cái ngọn khói hun nhèm mắt cháu – Nghĩ đến bây giờ sống mũi vẫn còn cay”  (thơ Bằng Việt).  Nhưng khói cứ vô tư để trát sơn khói vào cái kèo, cái cột một lớp bồ hóng láng bóng để không bao giờ mối mọt. Và mẹ tôi thường bảo: “Không có lửa sao có khói như một đối nhân xử thế trong cuộc sống. Chính lửa là  cội nguồn của khói sinh ra khói. Nhưng lửa  sẽ lụi tàn còn khói sẽ nâng bỗng ta lên thật nhẹ nhõm với mùi sực ấm  hương vị mùa màng còn sót lại qua rơm qua rạ. Hương vị của vườn quê còn sót lại qua gốc mít, rễ thị - cây ngã xuống rồi mà hương vị quả vẫn còn phảng phất đâu đó. Ngày đông bắp ngô nướng, củ khoai vùi hôi hổi nóng âm thầm trong hộc bàn, túi sách để nuôi bao cô cậu học trò lớn lên thành những người tài. Tôi cứ thèm nghe tiếng lách tách nổ của củi để được nghe tiếng cơm sôi lục bục thơm mùi gạo mới. Đi xa về đến đầu làng nhìn thấy ngọn khói ngoằn nghèo bay lên lòng đã có cảm giác ấm no. Vâng, ấm và no đó là những điều hạnh phúc  giản dị, bền bỉ. Lửa không chỉ xua đi lạnh giá mà xích lại lòng người. Lửa là tấm gương để người soi vào đó đốt đi những lọc lừa dối trá, thắp lại những nồng nàn sẽ chia sum vầy. Tôi mới hiểu vì sao trong các vách đá  nguyên thủy có chạm khắc những dáng hình nhảy múa bên bếp lửa. Lửa hoang sơ bắt đầu và luôn mới mẻ mở ra những bí ẩn bí mật. Bếp lửa chứng kiến những buồn vui gia đình họ tộc từ tiếng trẻ khóc chào đời đến  giọng ho khan người già. Lửa sinh ra để truyền lửa ….

Bếp lửa ngày đông là một bảo tàng sống là nơi quây quần sum họp của cả gia đình chứa chan bao tâm sự  nỗi niềm khi tất cả đều quay về phía lửa đều hơ tay trên lửa. Tôi mới hiểu vì sao đã mấy chục năm xa làng mà  tóc tôi vẫn còn ám khói, mùi khói. Khói đốt đồng hun chuột ngày nhỏ, khói của rạ rơm ngày mùa, khói của những rễ khô đất vườn. Chính khói đã ngấm hồn quê len  lỏi đánh thức trong tôi bao nỗi  nhớ. Tôi mới hiểu vì sao bàn tay mẹ, nếp nhăn trên gương mặt mẹ, sợi  tóc sương của mẹ đều răn reo ám khói. Tiếng ho của cha tôi  từ khói thuốc lào ở cái nõ điếu chạm khắc bằng đốt lóng trẻ già láng bóng kêu ro ro với nước giếng nhà trong vắt chính bắt đầu từ  mồi lửả lấy từ bếp châm vào sợi thuốc. Và không có niềm vui nào bằng khi cha tôi khoan khoái và bình tâm an lòng nuốt vào để nhả ra từng vòng tròn khói thuốc thơm   và ấm tan vào  không gian nhưng không thể tan trong ký ức của tôi khi mỗi mùa đông đến …

 

. . . . .
Loading the player...