05-12-2022 - 02:49

Bập bùng lửa ấm ngày đông

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tùy bút “Bập bùng lửa ấm ngày đông” của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú

       Không biết ai đặt tên cho cái rét đầu đông là rét ngọt. Có chút xuýt xoa khi ngậm cái tái tê của kẹo gió. Có chút thu mình để trỗi dậy bùng nổ bao sắc màu quần áo của nhân tạo khi thiên nhiên lặng lẽ nhường ngôi rụng lá, tái hoa. Nhưng đằng sau thớ gỗ xù xì, mạch nhựa mạch sống vẫn âm thầm đọng chảy thành những hổ phách thời gian cất giữ chút dùng dằng của thu mới qua và xuân thì chưa tới. Nhịp cầu vồng mùa đông bắc giữa cũ và mới, rụng và mọc của chuyển động tự nhiên, của vận động con người từ gốc đến ngọn. Bếp lửa ngày đông chính là điểm nhấn hội tụ vừa bập bùng ảo ảnh cũng chính là nơi vun lên những nhỏ nhoi niềm vui tí tách len lỏi vào tâm tư, lan tỏa vào mạch giao cảm khi đốt những lụi tàn, nhen nhóm những tro than, thổi bùng lên hy vọng. 

       Không hiểu sao tôi vẫn thích “Bếp lửa ngày đông” hơn là “Bếp lửa mùa đông”, những khoảnh khắc bất chợt với những ngấn thời gian chia nhỏ như lóng mía, đốt cau cứ từng nấc một để vươn cao và bùi ngọt. Vị ngọt của hương đất, hương đời, trong ngọt có cả bùi và ấm. Có cả chút đắng đót để miếng trầu thêm đậm cho sắc da thêm đỏ, cái kẹo mía thêm giòn, những sợi mật thêm dai. Một sự dẻo dai quyến luyến hòa quyện đánh thức mọi khứu giác chứ không phải bọt bèo hòa tan, nông nổi nhạt nhẽo. Bếp lửa ngày đông có gì lạ đâu mà sao cứ rưng rưng lạ lùng, cứ làm nhẹ nhõm cả người như nâng bổng ta lên mà không hời hợt bãng lãng, cứ bập bùng quấn quýt thật độ lượng và tin cậy biết bao. Khác với ánh lửa gas xanh lè hay ngọn lửa hồ quang nhức mắt của hơi thở công nghiệp lạnh lùng có chút gì đó vô cảm. Hơi lửa có sóng điện riêng, có tần số riêng bằng sự đồng điệu của những nhịp đập trái tim đỏ thắm sắc hồng cầu tình cảm. Có hai câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh cứ ám ảnh day dứt trong tôi: “Còn một chút hoa dong riềng cuối dậu - Có một ngày sương muối đến mang đi”. Màu hoa dong riềng như một ánh lửa thiên nhiên lẻ loi thắp lên từ đất, tự dâng hiến mình để củ khoai bụ bẫm hơn, thơm bùi hơn, giấu sau màu đất giá lạnh sương muối của mùa đông khắc nghiệt. Mới biết sức sống của thiên nhiên lớn lao hết mình thì sao ta lại không truyền giữ và khơi bùng bếp lửa như một hồi âm đồng vọng giữa héo khô và tươi cháy, giữa mộc đến hỏa đúc cho người một khối kim trong veo không đọng cặn cát bụi đời thường. Mà kết tụ thành “Bông hồng vàng” như tên một thiên truyện nổi tiếng của nhà văn Nga, những cám vàng li ti, in hình vảy lửa của thổn thức tình người.

       Mùa đông trong tôi lan tỏa cái cảm giác: “Bếp lửa bập bùng như nỗi nhớ dây dưa”. Bếp lửa như tụ hội tâm điểm của tình người trong những ngày giá rét. Những gộc tre khô nỏ được bố tôi đánh sẵn, phơi từ những ngày hè nóng bức cháy thật đượm. Tiếng nổ lách tách của vỏ tre, rễ tre cháy thật vui. Thân tre ngã xuống để lấy cái bền dẻo dai làm đủ thứ việc từ dựng nhà, kèo cột đến đan thúng, đan rá rồi võng tre. Nghĩa là tre vẫn sống đời mình cạnh đời người, chỉ có gốc tre là chết, nhưng chết để tỏa hơi ấm cho người.

       Lửa ấm của vùng cao khi người nói với người bằng giọng sương, giọng khói. Khi những luống rau cải vẫn trổ những đọt nắng vàng, ươm nắng vàng, gieo nắng vàng. Để rồi lá thì xanh, cành thì trắng reo lên trong chảo mỡ sôi đem lại bữa cơm xuýt xoa nóng hổi. Cho má em bé thêm hồng, cho tóc con gái bản thêm mượt, cho cái chữ gập gềnh đến lớp thêm tươi màu mực mới.

       Lửa ấm mùa đông của người miền biển, hình như nước biển mùa này bốc hơi và ấm hơn chăng khi con sóng nhuộm màu chì, màu tro nặng trịch. Bát nước mắm nguyên chất màu cánh gián đưa lại ngọn lửa ấm trong lòng để bắp tay, vồng ngực cuồn cuộn kéo cả biển về nhà trong những mắt lưới lân tinh như lấp lánh ánh lửa mùa đông của biển. Và mẹ ta đã bày ra những con cá, con tôm còn búng lách tách, roi rói trong cái căm căm rét giá ngày đông của người đi chợ: “Chao ôi! Cá tôm sao mà tươi ngon nhìn đã sướng mắt, ấm cả lòng”.

       Lửa ấm mùa đông phố thị khi lá bàng ngã màu đổ ối như một tàn lửa còn giăng mắc trên cây. Hun hút những ngõ phố dài với tiếng rao của người bán hàng rong. Lại nhớ cái cảnh bạn bè chụm đầu vào nhau bên những lò than nướng bắp ngô, củ khoai hoi hổi nóng. Dường như mùa đông tan đi trong những quà mọn từ quê ra phố ấy. Và đông cũng là dịp để ta khoe bao màu áo len, áo rét với những sắc màu tưng bừng để: “Áo đỏ em đi giữa phố đông - Cây xanh như cũng ánh theo hồng - Em đi lửa cháy trong bao mắt.. ” (Vũ Quần Phương - Áo đỏ)

       Lửa ấm mùa đông xua đi cảm giác ẩm ướt mù sương. Và sợ nhất là ẩm cả hồn người, mốc cả lòng người bởi sự xa cách, lãnh cảm như muốn ru rú co cụm. Lửa ấm mùa đông như mời gọi ta xích lại gần nhau hơn, trải lòng với nhau hơn. Và nắng đông thì mới ra ràng. Một sóng sánh mìn mịn, một óng ánh rỡ ràng, một lung linh tươi thắm. Nó như là nắng mật ong, thứ mật lìm lịm ngọt như mật khoai lang nướng...

       Lửa ấm mùa đông hoài niệm cho ta sống chậm để nếm thấm và nghe được cả những âm thanh vô hình để hiểu thấu rõ hơn giá trị cuộc sống của tươi non của ấm áp, cứ lằng lặng ngấm vào mình như một năng lượng mới. Tôi lại chợt nhớ hai câu thơ của Xuân Diệu: “Đã nghe rét mướt luồn trong gió/ Đã vắng người sang những chuyến đò”. Sự nhạy cảm tinh tế động lòng ấy giúp ta như một điểm tựa mà lửa ấm là chất xúc tác là thứ gia vị điểm tô không hời hợt sao nhãng...

       Lửa ấm mùa đông, tôi lại nhớ đến bà tôi. Chao ôi, một đời người có hai lần làm con trẻ khi cái tuổi đã nhớ nhớ, quên quên. Bà chống rét bằng trầu cay đầm đậm và bát nước chè xanh sánh vàng bốc hơi hôi hổi khói.

       Nhớ lắm những mùa đông rơm rạ của nông thôn trong cái ổ rơm ngày xưa: “Rơm bọc tôi như kén bọc tằm/ Tôi thao thức trong cái mật ong đồng ruộng” (Nguyễn Duy - Hơi ấm ổ rơm). Những buổi chiều trên đồng sau vụ gặt là ngổn ngang những đám khói của: “Trẻ con đốt khói đồng hun chuột/ Cánh diều mắc cạn dưới vòm tre”. Khói thật thơm, thơm mùi cá đồng nướng mà cho đến bây giờ tóc tôi ngả sang sợi bạc vẫn còn vấn vương. Cái mùi khói đã nhuộm vào da thịt mình không thể bóc ra được, đã ngấm vào ký ức mình bịn rịn, chập chờn cả trong mơ. Và cả khói sóng nữa, khói của sông, của biển, của thung lũng vùng cao cứ vun vào tôi, cứ nâng nhẹ bổng tôi lên vừa chơi vơi vừa đầm đậm, lan tỏa...

       Trong những ngày giá lạnh đầu đông này ngoài đảo khơi xa, các chiến sĩ hải quân tựa lưng tìm hơi ấm vào nhau trong nhà giàn heo hút gió thèm nghe tiếng bập bùng cơm sôi với bóng dáng mẹ già. Bếp lửa ngày đông - bếp lửa mùa đông đang nhóm trong ta bao niềm tin cuộc sống. Đừng để ngày xưa ấy lụi tàn - ai đó đã từng nói thế! Trong ánh sáng quang phổ mặt trời, ta thấy cả diệp lục màu xanh. Trong ánh sáng điện gần như không trọng lượng, ta thấy cả quang hợp màu sáng và trong ánh sáng của bếp lửa thắp lên cái ngọn, ta thấy cả màu ấm tình người. Và có một bếp - lửa - thơ bỗng bập bùng hiện về trong ký ức: “Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm - Nhóm niềm yêu thương khoai, sắn ngọt bùi - Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui - Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ - Ôi kỳ lạ và thiêng liêng: Bếp lửa !” (Bằng Việt - Bếp lửa)

Hà Tĩnh, ngày 01/12/2022

N.N.P

. . . . .
Loading the player...