10-09-2016 - 21:22

Bút ký "Ký ức đồng quê"

Tạp chí Hồng Lĩnh số 121 tháng 9 giới thiệu đến bạn đọc bút ký "Ký ức đồng quê" của tác giả Nguyễn Thị Nguyệt.

  Mẹ tôi là nông dân. Tôi sinh ra ở nông thôn”. Không hiểu sao, câu văn giản dị này của Nguyễn Huy Hiệp luôn hiển hiện trong tâm trí tôi với một dư âm đặc biệt. Dường như có một nỗi niềm nào đấy rất đỗi sâu xa ẩn chứa chỉ trong  mấy từ ngữ  giản đơn, như một lời tự giới thiệu thông thường. Phải rồi, câu văn giản dị ấy đang nắm giữ một sinh mệnh tâm hồn, tâm hồn trong mối liên hệ sâu xa với cái gốc gác của nó. Đó cũng có thể là một sự tự khẳng định, ngấm ngầm một niềm kiêu hãnh thầm kín và không được ý thức của những con người đã được sinh ra ở nông thôn.

       Ông bà, cha mẹ nội ngoại tôi đều là nông dân. Dĩ nhiên tôi được sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Chúng tôi đã cảm thấy rất may mắn vì được sinh ra ở làng, đã được sống những năm tháng tuổi thơ thật đẹp, thật bình yên. Thế hệ chúng tôi sinh ra ngay sau khi chiến tranh kết thúc, lớn lên trong những tháng năm gian khó nhất của đất nước. Những năm tháng ấy ở làng, những đứa trẻ chúng tôi đã hồn nhiên lớn, hồn nhiên đến trường, hồn nhiên nghịch ngợm, hồn nhiên với những chiếc quần cộc vá chằng vá đụp, tóc cháy nắng chạy nhảy khắp làng trên xóm dưới… Để bây giờ chúng tôi có cả một tài sản trong ký ức đồng quê và những ngày xưa cũ, hễ nhắc đến là sống dậy một trời thương nhớ…

       Làng tôi ở trên một cồn cát với độ vài ba trăm nóc nhà. Từ thị trấn của huyện về làng đi qua Cồn Nậy rộng mênh mông, cỏ mọc đan dày, điểm xuyết vài ba doi cát trắng tinh, nổi bật giữa nền cỏ xanh. Giữa Cồn Nậy có một lối mòn nhỏ xíu từ đường cái dẫn về làng. Người làng tôi lên huyện hay ai ở đâu xa về cũng đi qua con đường mòn đó để vào làng. Đến năm 1992, làng tôi mới có điện thắp sáng, trước đó nhà nào cũng thắp đèn dầu hỏa, quạt mát bằng mo cau. Những đêm trăng sáng, người làng thường tụ tập trên cồn chuyện vãn, hóng mát, họp đội bàn chuyện công ăn việc làm, thời vụ, hát hò văn nghệ… Trước khi dân làng tôi đến sinh sống, dựng nhà dựng cửa, làm nương vườn, hẳn đây là một cồn cát rộng mênh mông và trắng xóa. Tôi thường hình dung thế bởi có rất nhiều cồn cát còn sót lại trong làng hoặc nằm ở rìa làng mà lũ trẻ chúng tôi vẫn thường tụ tập chơi ở đấy. Trong tâm trí tôi còn in rõ màu trắng đến lóa mắt trải dài trong ngày hè và cảm giác nóng bỏng chân khi băng qua đó để đến trường. Cồn cát trắng, những lũy tre, hóp đan dày cao vút và những lùm lòi rậm rạp với đủ thứ cây hệt như những khu rừng thu nhỏ làm nên cảnh quan của làng tôi và cũng là thế giới rộng lớn, hấp dẫn của lũ trẻ chúng tôi hồi đó. Trên những cồn cát, chúng tôi đi đào lỗ bắt chông, những chú chông hoa đẹp mắt và hết sức tinh khôn. Chúng tôi nằm úp xuống thổi cát từ những cái lỗ nhỏ hình miệng phểu để trồi lên những con vật nhỏ màu nâu gọi là con cối xay rồi lại thả ra xem chúng chui thành những cái lỗ hình phểu khác… Cứ thế, say sưa cả ngày không biết chán. Suốt cả tuổi thơ ở làng, có lẽ lũ trẻ nít không bao giờ có giấc ngủ trưa. Buổi trưa là khoảng thời gian tuyệt diệu nhất được “tự do”  không vướng bận việc gì. Ở trong đó, mùa nào thức nấy, từ Sim, Móc, Sắn, Nổ… thứ quả đặc trưng của vùng đất cát. Với những đứa trẻ thiếu ăn, kẹo bánh quanh năm không biết tới thì đó là những thứ ngon lành nhất. Không một bờ bụi nào mà lũ trẻ chúng tôi không lục soát để kiếm các thứ quả có thể ăn được. Buổi trưa trong “khu rừng” lý tưởng đó, chúng tôi còn tết bẹ chuối mắc võng dưới các gốc cây nằm hóng mát, nhìn lên vòm cây xanh mơ màng về những quả chín giá có thể kéo dài quanh năm. Từng chùm quả nổ chín trắng như tuyết phủ trên những thân cây già nua mốc thếch xanh lốm đốm những địa y cho đến bây giờ vẫn vẹn nguyên trong tôi một niềm vui thơ trẻ. Thỉnh thoảng, ngoài chơi bời, “hưởng thụ”, chúng tôi cũng làm được vài việc có ích. Cũng từ chỗ trèo cây hái quả, mấy đứa liền nghĩ ra việc tiện tay bẻ củi khô về đun bếp. Làng tôi làm nghề nông, quanh năm các nhà đun nấu chủ yếu bằng rơm khô. Đun rơm thì phải ngồi một chỗ, đội cái nón mê để mun tro khỏi phủ lên đầu tóc. Mùa đông còn đỡ, mùa hè thì quả là một cực hình. Nấu được nồi cám lợn thì mặt mũi đã như quả cà chua chín. Chẳng đứa nào trong chúng tôi thích cái món đun rơm nấu cám lợn ấy. Củi khô chỉ giành để nấu nướng vào dịp giỗ tết. Vì thế trong ấn tượng của tôi, việc bổ củi thường mang một dấu ấn “trọng đại” nào đó, hoặc là nó gợi không khí tết nhất và những ngày đông lạnh mưa phùn lê thê, hoặc là những ngày giỗ chạp với mùi khói hương u trầm, với đông đủ cô gì chú bác gần xa, có những người cả năm chúng tôi mới gặp một lần quen quen lạ lạ… Cho nên việc kiếm củi khô cũng rất có động lực, chúng tôi được tự do đun bếp bằng thứ củi mình kiếm được. Cả lũ bẻ cành khô sắp chung một đống to tướng sau đó mới chia đều cho từng đứa. Anh, Ninh, Hải, Việt… chúng tôi đứa nào cũng thành tác zăng  leo cây thoăn thoắt, đu từ cây này sang cây kia nhanh như chớp. Những thân cây già cỗi với những chạng hai, chạng ba mòn bóng lên vì lũ trẻ thường xuyên leo trèo. Chúng tôi đã chơi, học bài, nằm ngêu ngao trên những thân cây đó hầu như hàng ngày. Hình như tuổi thơ của chúng tôi ở làng chủ yếu sống trên cây thì phải, hồi đó trẻ con ở làng ngoài công việc nhà như cất rớ, chăn trâu, cắt cỏ, trông em chúng tôi chỉ còn có thú vui trèo cây. Giờ thì  những “khu rừng nguyên sinh” nho nhỏ ấy chỉ còn trong ký ức của người làng, cây cối trong làng đã bị phá bỏ phần nhiều để trồng rau và cây ăn quả, nhưng tôi quyết rằng nếu bỗng dưng ai đó có một ý tưởng phục dựng lại cảnh quan của làng tôi những năm đó, tôi đảm bảo chắc chắn sẽ vẽ lại được một sơ đồ chi tiết đến từng gốc cây, búi cỏ, từng cụm dây leo và cả những mảng địa y xanh xám đã ăn sâu trong ký ức tôi từ những tháng năm thơ dại… Các bạn tôi đều đã rời làng xa xứ, chắc hẳn đều mang theo vẹn nguyên hình bóng của ngôi làng bé nhỏ. Trong những giấc mơ và cả những giây phút bất chợt giữa cái chộn rộn của cuộc sống thường ngày nhói lên hình ảnh cồn cát làng Hầu Thượng trắng đục mờ ảo dưới đêm trăng, sáng lóa lên dưới ánh mặt trời, nóng thót chân mỗi lần băng cồn ngược lên Trường Đảng, những con đường cát trắng len lõi trong làng, len lõi dưới những tán cây rợp bóng,  lồi  lõm, ngoằn ngoèo các loại rễ cây ăn xuyên qua…,và những rừng cây Nổ, cây Sim mỗi mùa lại toát lên mùi thơm ngọt chát nồng nàn như nỗi nhớ khôn nguôi. Dì tôi, xa làng sống ở thành phố gần hết cả đời người, vẫn thường thắc thỏm những giấc mơ về làng cũ, lúc nào dì cũng thấy trong mơ con đường làng cát trắng đầy lá rụng, dọc ngang đi mãi không hết, và đi mãi như thế dì thấy lại hết các nhà trong làng mình, cố Thử, cố Oanh, cố Nhuyến… Bây giờ họ đã thành người muôn năm cũ…Đường sá trong làng giờ đã  “như thành phố”, bê tông hóa đến tận ngõ ngách… Những ngôi nhà mái tranh bạc phếch nắng mưa, phía trước có những tấm rèm đan bằng lá tro được chống lên bằng một cây sào trong những ngày trời nắng…, giờ đã được thay thế bằng những ngôi nhà tường xây mái bằng, mái ngói, cửa gỗ sáng choang. Thương nhớ quá người mẹ, người chị quê tôi những ngày xưa, tháng ba áo mỏng, mưa phùn, mang tơi ghánh mạ ra đồng, gió bấc hun hút dọc những con đường cát đã đanh lại vì mưa và lạnh.


Hình ảnh minh họa từ internet

       Người lớn có công ăn việc làm của họ.. Cày cấy, làm cỏ, bón phân, gặt hái, thu dọn rơm tooc… Mùa vụ nối tiếp, quanh năm không có lấy một ngày nghỉ chân nghỉ tay. Làng tôi không có đất trồng màu chỉ mỗi năm hai vụ lúa tháng 5 và tháng 10. Vụ tháng mười gặt xong, chổ đồng đất cao, bà con ghế thêm vụ khoai lang. Trên những vồng khoai, người làng tôi còn rạch thêm hai hàng hai bên trỉa cải củ. Tôi còn nhớ rõ vào cữ giáp tết, mưa phùn như rây bột, hoa khoai  tím lơ thơ, hoa cải trắng từng luống dài nở ngả nghiêng trong gió rét, các bà các mự tôi đi bới khoai nầm, bàn tay tím tái trong giá lạnh, bàn chân bấm võng vào rãnh  bùn nhão nhoét và trơn trượt.  Khoai bới xong, họ ghánh lại chổ con mương dẫn nước từ kênh chính của làng xuống rửa. Các bà tôi, mang tơi, đầu chít khăn len gấp chéo, quần xắn ngang đầu gối, nước đê lạnh và trong vắt tuôn xối xả từ chiếc ống lù bằng sắt, rổ khoai lang bết bùn đất sáng dần lên một màu trắng khỏe khoắn, tươi mới trong tiết trời xam xám, rét mướt của buổi chiều đông. Tại sao tôi lại nhớ như in, nhớ mồn một cảnh tưởng ấy, cảm giác ấy, màu sắc ấy trong bấy nhiêu năm xa làng và thoát ly đồng ruộng.  Trong muôn vàn ký ức về làng như những cuốn phim quay chậm thì cảnh tượng ấy lúc nào cũng hiển hiện sống động và đầy cảm xúc. Tựa như một nỗi niềm phức tạp và khó gọi tên. Chỉ biết rằng, cho dù tôi có đi bất cứ đâu trên thế giới, sống trong cao ốc, biuding, đi trên xa lộ thì hình ảnh ấy luôn ẩn náu một nơi nào đó trong tiềm thức và cũng có thể sống dậy bất cứ lúc nào trong một cảm giác se sắt về những tháng ngày xa lắc lơ mà cũng thật gần... Dân làng tôi không có thu nhập gì thêm ngoài hai vụ lúa chính. Ngày xưa nghe ông bà tôi kể lại làng có nghề làm giấy. Nhưng khi tôi lớn lên nghề giấy cũng không còn.  Một năm hai vụ lúa vất vả quanh năm mà dân làng tôi cũng chưa đủ lúa để ăn. Bây giờ giống mới, năng suất cao, ít mất mùa, lúa đứng thẳng hàng chín trĩu bông, làng tôi trở thành vựa lúa của xã, của huyện. Máy gặt đập liên hợp, ngày xưa chỉ nhìn thấy trong mấy cuốn họa báo cũ của Liên Xô mua ở hàng xén về bọc vở, giờ đã chạy khắp cánh đồng  xã tôi, chỉ vài ba ngày là gặt hết tất cả các cánh đồng trong xã. Nghĩ  lại ngày xưa lại thương cây lúa, thương người dân làng tôi, thường ông bà cha mẹ tôi đã vất vả, âu lo một đời vì hạt chắc hạt lép. Mất mùa liên miên. Lúa “bạc lạc” bông trắng hạt đét lại đứng phất phơ buồn bã khắp cánh đồng. Bó lúa nhẹ bẫng trên tay, lại một năm cả làng mất mùa đói kém. Có năm được mùa, hạt vàng ruồi ruội chưa kịp thu hoạch thì mưa bão ập đến, chỉ trong vài ngày cả cánh đồng chìm trong mênh mông nước, cả làng đi vớt lúa. Gánh lúa trĩu nặng trên vai mà trong lòng xa xót. Những mùa vàng ngập nước ấy tôi đã chứng kiến rất nhiều. Tiếng thở dài của cha mẹ tôi trong những ngày mưa bão mất mùa  gieo vào lòng tôi  một nỗi buồn không bao giờ cứu vãn được. Buồn mất mùa, buồn lợn ốm bỏ ăn… Chúng tôi đã đi qua những nỗi buồn như thế để lớn lên, để biết thương quý tất cả những điều nhỏ bé, giản đơn nhất… Người dân làng tôi kiếm thêm thu nhập từ những thứ rau trái có trong vườn. Cũng chẳng nhiều nhặn gì, các bà các chị đã nhịn ăn, nhịn cả cho con ăn giành dụm ít quả ổi, quả dứa, quả mít, quả thị, quả lòng đỏ trứng gà trong vườn đem bán. Làng tôi đất cát thích hợp với nhiều cây loại cây ăn quả, không nhiều nhưng gần như mùa nào thức ấy. Nhưng trẻ con không bao giờ được ăn, chỉ những quả nào sâu thối, vẹo vọ không bán được thì trẻ con mới được phép. Và bọn trẻ chấp nhận điều đó như là một cái gì đó hiển nhiên, không đòi hỏi. Tuổi thơ của tôi ở làng trèo cây hái ổi, hái na, thăm mít, bẻ dứa…, đi chợ gần chợ xa… Đến bây giờ giấc mơ đi “nặn mít” vẫn luôn trở đi trở lại, hình như không một quả nào sâu thối, vẹo vọ cả. Quả mít nào cũng lớn bổng, trơn tru…Cây được trồng nhiều và cho thu nhập chính là chè. Nhà nào cũng có một vườn chè xanh. Chè thì lúc nào cũng rẻ và khó bán nhưng cả làng tôi đã nhờ cậy vào cây chè rất nhiều. Trẻ con làng tôi đứa nào cũng uống nước chè từ thưở lọt lòng. Các cụ làng tôi sống thọ và khỏe mạnh ít đau ốm bệnh tật chắc cũng nhờ uống nước chè từ nhỏ. Ông bà ngoại tôi sống gần trăm tuổi, không ngày nào thiếu được nước chè. Ông chú tôi, sáng ra đồng không cần ăn gì chỉ uống ba bát nước chè xanh cày ruộng đến trưa tròn bóng. Tôi lên bảy đã bắt đầu thay mẹ đi bán chè ở chợ Mới, ba ngày họp một phiên. Lớn tí nữa, khi đã biết đạp xe lóc cóc, ngồi chưa đến yên, chân nhún bên này bên kia đã đạp xe đi chợ xa trong huyện để bán chè. Mươi lăm bó chè được mẹ buộc chặt sau xe đạp, tôi và Nga đi bán chè ở chợ Đình, chợ Gon, chợ Cừa, chợ Đoài cách nhà cả chục cây số… Nói về chuyện bán đi bán chè, trong ký ức tôi lại sống dậy cả một chuỗi ngày đầy kỷ niệm thương mến. Tôi nhớ như in những phiên chợ Mới. Chợ Mới họp trên nền đất cát rộng, bên bờ con bàu lớn của làng, gồm 4 dãy lều tranh. Chợ khá đông đúc, nhộn nhịp người mua bán là dân trong làng trong xã tôi và những làng xã lân cận. Chợ có hai cổng hai bên. Bên phải phía nhà tôi cố Luyến Hà canh chợ. Cố đã già, lưng còng, rất ít nói. Tôi đi bán chè mẹ thường đưa hai hào lẻ để ra chợ (nộp thuế vào cổng). Hôm nào không có hào lẻ mẹ tôi bảo cứ nói với cố bán xong sẽ “ra chợ” cho cụ sau. Hôm nào như thế tôi cũng vùng vằng không chịu đi, cảm thấy khó nhọc vô cùng khi nói được câu đơn giản ấy để bưng rổ chè vào chợ. Thường thì cố Luyến Hà cho tôi vào mà không thu thuế. Người bán chè trong chợ ngồi hai hàng dài, xen lẫn với dăm ba bà bán vôi bột. Trong xã tôi có làng Huy Thắng làm nghề đốt vôi. Tôi còn nhớ rõ những lò vôi như những chiếc chòi canh nhỏ trên có mái nhọn như đội nón. Tôi ấn tượng vô cùng với những chiếc lò vôi đội nón ấy và coi đó như thứ đặc biệt, kỳ lạ nhất từng thấy. Lâu lâu tôi lại ngược lên ngắm mấy cái lò vôi đang nhả thứ khói trắng đục ấy một lần… Tôi ngồi ngắm mấy thúng vôi bột được đựng đầy vun thành chóp ở trên, ngắm các bà bán vôi tóc vấn vòng trên đầu, miệng nhai trầu, nước trầu chảy xuống hai bên khóe miệng... Hàng chè thường xuyên phải chịu cảnh ế ẩm, có khi ngồi từ sáng đến tận trưa vẫn mới chỉ bán được hơn nữa. Chè nhà tôi lại càng ế hơn vì vườn nhà tôi rợp, lá chè to và mỏng người mua kén chọn vì cho là nước không ngon, bao giờ cũng phải bán thua giá chè của người khác. Những người mua chè tôi đã thuộc mặt, tôi ngồi nhìn họ đi lại lựa chọn và chờ đợi như chờ đợi những vị cứu tinh, những khuôn mặt ấy luôn đồng nghĩa với một sự may mắn, một niềm vui nào đó, đến mức cho đến bây giờ đôi lần gặp lại một trong số họ trong tôi vẫn còn nguyên cảm giác cũ. Khuôn mặt của những vị cứu tinh. Với sự giúp sức của bà ngoại, cuối cùng thì tôi cũng bán được hết những rổ chè. Bán xong tôi xách chiếc rỗ lang thang nhìn ngó hết hàng này hàng nọ, không bỏ sót một dãy hàng nào. Hàng chuối, cam hôm nào cũng là những bà xóm Bắc mang lên bán. Hàng xáo bán gạo, cám chủ yếu là người làng tôi. Hàng chổi trện chổi đót, hàng than là những chị mặt mày đen nhẻm bụi than gánh hàng từ các xã miền trong Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn ra. Tôi thuộc mặt gấn hết những chỉ bán hàng trong chợ. Lạ nhất trong năm là vào cỡtháng 9, những người dân Kỳ Anh gánh từng gánh quýt thốp quả to, chín đỏ ra bán. Từng chiếc sảo to khác thường đựng đầy quýt gây nên một cảnh tượng lạ mắt cho những phiên chợ làng tôi. Hấp dẫn nhất là hàng xén mụ Cu Nên. Gọi là mụ những thực ra bà Cu Nên rất đẹp, đó là người đàn bà đẹp nhất mà ngày xưa tôi từng thấy, mỏng manh, trằng trẻo, nền nã thật ra dáng cô hàng xén chợ huyện tôi vẫn thường đọc trong truyện của Thạch Lam. Trăm ngàn thứ trong gánh hàng xén của bà. Kim băng, bấc đèn, những chiếc bóng đèn thủy tinh được xâu lại thành chuỗi bên cạnh những chiếc đèn dầu đã được xâu sẵn bấc, rồi cúc bấm, kim chỉ, xà phòng, đá lửa, hoa tai, kẹp tóc… Thường thì mỗi phiên chợ tôi chỉ mua ở hàng của bà dăm viên đá lửa nhỏ xíu màu hồng, vài cái bấc đèn, kim băng, những chiếc xăm tóc màu trắng tôi đã làm mất quá nhiều nên có muốn mấy mẹcũng không cho mua tiếp. Đá lửa thì không thể thiếu. Tôi nhớ nhất những viên đá màu hồng nhỏ xíu ấy bởi chiếc bật lửa của nhà tôi thường phải bật đến phồng cả ngón tay cái mới đỏ được lửa… Mở lò xò, bỏ vào cái ống bé tí hai ba viên đá lửa, ấn lò xo lại, nhét bông vào thân máy, đỏ vào đó một ít xăng, đỏ nhiều xăng quá máy ướt không bật được lại phải cầm cái lên rảy bớt xăng… Ôi chiếc bật lửa một thời, vận hành nó khác nào vận hành một cỗ máy. Bán chè xong việc cuối cùng của tôi là đi mua cá. Sở dĩ tôi có thời gian la cà nhìn ngó là vì nhà tôi (cả làng tôi như thế), thường chỉ đủ tiền ăn loại cá nhỏđong bát, cha tôi gọi là “cá bầy”. Cá bầy thì phải gần trưa chợ những người bán cá Cẩm Nhượng mới hớt hải gánh lên. Tôi đi vòng qua hàng bánh để đến hàng cá bể Ngang, Cửa Nhượng. Nồi bánh vo nghi ngút khói, bánh đúc xắt lát, bánh lá to dày cộm, bánh nếp nhỏ mảnh mai hơn. Vài ba bà người làng tôi đang ngồi che nón ăn bánh ở đó. Tôi không có tiền mua bánh. Tôi chờ gánh cá của những bà da đỏ au, nói thứ giọng đặc sệt miền biển vừa đặt gánh cá xuống tay quạt liên hồi, miệng nói không ngớt. Họ đưa cái bát ra đong những con cá nhỏ xíu trong veo, không ngừng thêm bớt. Bao giờ cũng vậy, tôi mua hai bát đủ ăn cho đến phiên chợ sau và hoàn tất buổi chợ. Tôi đã đi không biết bao nhiêu phiên chợ Mới trong một năm. Tôi thuộc lòng hàng quán, thuộc mặt người bán mua, thuộc lòng đến cả lá phi lao rơi dày hay mỏng trên những mái lá của các dãy chợ, đến cả từng đám gói bánh người ăn qua vứt vung vãi trong chợ. Và phiên chợ đầy dư vị nhất có là phiên chợ ba mươi tết, màu áo hoa của trẻ con đi chợ tết, mùi hương trầm vấn vít, pháo tép nổ đì đẹt, hoa giấy hoa nhựa đủ màu, bóng bay xanh đỏ, lá dong chất đống trên các sạp hàng. Khuôn mặt ai cũng như mới mẻ ra. Không bán chè nữa, tôi mặc áo hoa đi chơi chợ. Tất cả những sắc màu, hương vị ấy quấn quyện, nồng ấm trong trí tâm trí tôi suốt những năm tháng tuổi thơ cho đến tận bây giờ. Nhớ tết là nhớ không khí ngày xưa đó, những tháng năm chưa từng nhạt màu trong ký ức.

       Chúng tôi đã lớn lên bằng thương nhớ của riêng mình. Dù đi đâu, dù muốn hay không thì chúng ta mãi mãi thuộc về xứ sở của mình. Ký ức luôn nhắc nhở chúng ta về điều đó. “Ở ngự viên mà nhớ ngự viên”, tôi muộn mượn ý thơ của Nguyễn Bính để nói về món nợ lòng canh cánh, ở làng mà không nguôi nhớ làng quê. Âu cũng là điều bình thường, dễ hiểu.

N.T.N

. . . . .
Loading the player...