22-10-2022 - 10:45

Bút ký SÔNG BIỀN ĐANG TIẾT THU PHÂN của Tác giả Nguyễn Ngọc Vượng

Tạp chí Hồng Lĩnh số 194 tháng 10-2022 xin trân trọng giới thiệu Bút Ký SÔNG BIỀN ĐANG TIẾT THU PHÂN của Tác giả Nguyễn Ngọc Vượng

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

SÔNG BIỀN ĐANG TIẾT THU PHÂN

                                                                                                                              Bút ký

 

Sông Rác đoạn chảy qua địa phận xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh với chiều dài khoảng 10 km còn được gọi là sông Biền hay Lạc Giang đang vào mùa khô, chỉ còn lại lạch nước nhỏ ngoằn nghèo như con trăn già ngái ngủ, chập chờn trườn qua những cồn, bãi bơ phờ phơi mình dưới tiết trời ngột ngạt.

Tại vực Sảnh, nơi được coi là rốn của sông Biền dường như còn phưởng phất một luồng khí uất nào đó đang phả lên tận mép cỏ dại thưa thớt.  Phía tả ngạn, gần chân cầu Thọ Trung xuất hiện một khóm Táo nhân đang nở bung những bông hoa trắng tựa chùm sao rua giữa ban ngày. Có vẻ khóm Táo nhân này đang muốn thể hiện sức mạnh quyền uy  nào đó, sẵn sàng đẩy lùi tất thảy những luồng uất khí ngột ngạt từ dưới vực lên.

Theo người dân địa phương thì dọc hai bờ sông Biền chỉ duy nhất có vạt cây Táo nhân ở đây là do khoảng cuối thế kỉ thứ XIX cố Võ Hữu Đàn, người làng làm nghề thầy thuốc đem giống cây này, một loài thảo dược ở nơi khác về trồng trong vườn để chữa bệnh cho dân. Gần đây khi cải tạo lại mảnh vườn hương hỏa của cố để lại, con cháu cố vô tình đào nguyên cả khóm Táo nhân cuối cùng đem ra vất bên mép sông. Lạ thay, từ đó khóm cây này phát triển tốt tươi và nở hoa quanh năm!

Theo truyền thuyết, năm Đinh sửu (1577) dưới thời Vua Lê Thế Tông niên hiệu Gia Thái thứ năm tổ chức kỳ thi chế khoa, Lê Phúc Nhạc là người Dư Lạc lúc đó mới 25 tuổi đã ra kinh kì ứng thí kỳ thi và đỗ Đệ nhất giáp chế khoa xuất thân, được ban chức Hữu thị lang bộ lễ, tước hầu, nhưng khi vinh quy về làng không được ai đón tiếp nên ông tức giận, bèn chạy lên động Mòi vác một hòn đá to táng xuống vực Sảnh mà nguyền: “ Lúc nào hòn đá nổi lên mặt nước trôi ngược thì Dư Lạc mới có người đỗ đạt”.

Kể từ đó mặc dù người Dư Lạc học hành rất giỏi giang nhưng thi cử thì bao giờ cũng lận đận. Mãi đến sau này có nho sinh Võ Hữu Định nổi tiếng thông minh mà cũng không nằm ngoài số phận chung của các sĩ tử Dư Lạc qua nhiều đời. Nhớ đến lời nguyền xưa, ông đã đứng ra cho xây dựng Đền thờ Lê Phúc Nhạc với mong muốn xin chuộc lại lỗi lầm của dân làng, đồng thời cầu mong lời nguyền được xóa bỏ. Quả nhiên từ đó nhiều người Dư Lạc tham gia các kì thi mới vượt qua.

Một câu hỏi cho tận ngày nay nhiều người vẫn còn thắc mắc là tại sao Lê Phúc Nhạc lại dùng đá lấy trên động Mòi để trừ yểm mà không lấy ở nơi khác? Vậy động Mòi có sự liên quan bí ẩn như thế nào với vùng đất Dư Lạc?

Để vén mở bức màn thần bí này, ông Lê Văn Kiệm sinh năm Giáp Thân (1944), hậu duệ của Tiến sĩ Lê Phúc Nhạc cho hay thêm một tình tiết đáng được quan tâm, mà từ nhỏ ông từng được thân sinh của mình kể rằng: Trước Cánh mạng Tháng Tám, cố Võ Hữu Tiến người làng Thượng là hậu duệ của nho sinh Võ Hữu Định, giữa lúc đang ngủ trong nhà bỗng có một con hổ từ phía trên động Mòi chạy đến cắp đi. Sau đó cả làng tổ chức vào rừng đi kiếm nhưng chẳng phát hiện thấy dấu vết gì.

Tuy vậy, ba ngày sau con hổ lại xuất hiện khi cắp cố Võ Hữu Tiến về thả giữa sân trong lúc toàn thân thể cố bị cào quấu bầm toạc khắp nơi. Vừa nằm xuống cố gọi vợ đến dặn: “Từ nay ta làm việc cho giang sơn”, rồi leo lên lưng hổ để con hổ cõng đi.

Biết tin, dân làng lại hò nhau cầm dao, mác vào rừng tìm kiếm, nhưng khi họ vừa chạy đến lòi Cây Mít sát chân động Mòi bỗng nghe mùi tanh nồng nặc. Tìm xung quanh phát hiện thấy một đụn đất mối vùn lên cao, mọi người bèn xúm lại đào lên thì thấy nguyên cả bộ xương cố Võ Hữu Tiến dưới đó nên họ đưa cố về an táng cố ngay sau động Cơn Ngoóc gần đó.

Khoảng ba năm đầu cứ đến đêm trước ngày giỗ cố Tiến con hổ ấy lại xuất hiện về chầu lên phía bàn thờ nhà cố với 2 con mắt nhìn chằm chằm như 2 ánh ánh đèn pha. Mỗi lần như thế con trai trưởng cố là ông Võ Hữu Cử nhảy vào bể cạn giữa sân tắm rửa sạch sẽ, rồi đứng lên bàn thờ quát: “Trần gian đừng sợ, ngựa (hổ) ta đã có người cai quản”. Sau đó ông cùng ba người em ruột cầm hương chạy một mạch vào Miếu thờ Nang Nang dưới chân động Mòi khấn lạy. Lạ thay, ngay lúc đó con hổ bỗng dưng cụp đuôi ngoan ngoãn bỏ đi.

Trong số những người con của cố Tiến có ông Võ Hữu Han biết bấm chí từ nhỏ. Sau Cách mạng Tháng Tám ông Han từng tham gian hoạt động trong các tổ chức đoàn thể ở địa phương, rồi giữ chức Chủ tịch UBND xã và Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lạc  từ năm 1958 đến năm 1963.

Năm 1964, ông Han được huyện điều động làm Chủ nhiệm trại chăn nuôi của huyện rồi về nghỉ hưu làm trại ở động Mòi. Do công việc lao lực nên sau một thời gian ông đã lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng tại trại mà chưa kịp trăng trối lại với vợ con, trong khi bao dự tính khác của ông còn dang dở.

Đặc biệt, trong số những người con của ông có anh Võ Kim Cự- con của bà vợ hai rất sáng dạ và chăm chỉ nhưng thấp bé còi cọt, bởi lúc bé anh phải chịu cảnh khát sữa triền miên. Đến ngày khai giảng năm học mới đầu đời, anh Cự chỉ có bộ đồ rách quấn vào người và phải nhịn đói đến trường. Biết vậy, nhưng hồi đó cả xã cũng nghèo xác xơ cùng nhiều lý do khác mà ông Han không thể thoát ra được, nên vô tình đứa con tội nghiệp của ông như kẻ bị bỏ rơi.

Dù ông Võ Kim Han chết nhắm mắt không đành nhưng nỗi niềm của ông vẫn được thần thiêng động Mòi chứng giám. Có lẽ nhận thấy được điều đó, mà ngay từ nhỏ anh Cự đã đã ý thức được việc tự lập cuộc sống và luôn biết vượt lên chính mình.

Những dòng hồi ức về anh Võ Kim Cự dường còn nóng hổi trong tâm khảm thầy Dư Lý Trí, nguyên công tác tại Sở GD&ĐT Hà Tĩnh là bạn học với anh từ nhỏ. Bởi cuộc sống của anh Cự cơ cực đến tận đáy, anh chưa bao giờ có một bộ quần áo lành lặn mặc trên người và chưa bao giờ có được ăn một bữa cơm no; túp lều chui vô, chui ra của mẹ con anh nằm gần mép sông Biền còn tồi tàn hơn cả lều “chị Dậu” vì chỉ được dựng bằng 4 chiếc cọc tre, lợp lá léch, xung quanh che bằng lá chuối khô. Trong lúc đó vừa đi học anh phải vừa vào rừng chặt củi đem về chợ bán để đỡ đần cho mẹ. Thế nhưng, suốt bảy năm học cấp I và cấp II phổ thông anh luôn là học sinh giỏi và đều đạt giải cao trong các kì thi toán cấp huyện, cấp tỉnh. 

Có hai lần đang học dở lớp 2 và lớp 4 Cự phải bỏ học. Thấy thế, thầy Dư Giao Cầm- chủ nhiệm đã đến tận nhà vận động và cho thêm củ khoai, củ sắn, tha thiết gọi anh trở lại trường. Tuy nhiên, đến năm học hết cấp II mặc dù được lên thẳng cấp III, nhưng anh vẫn quyết bỏ học. Lúc này thầy Dư Giao Cầm cũng không còn khả năng giúp đỡ cậu học trò giỏi của mình tiếp tục theo đuổi đèn sách được nữa.

Nói đến cuộc đời anh Cự thời trẻ, ông Lê Văn Định sinh năm1956 ở thôn Hoa Thám quả quyết: Võ Kim Cự là người khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa. Một hôm anh đến nhà ông chơi, thấy có 4 cánh cửa pha- nô làm bằng gỗ mít vừa đóng xong, anh bàn với ông lấy những cánh cửa này dùng cọc tre đóng xuống sông Biền để chặn dòng chảy cho nước phía dưới dòng tự rút mà chẳng cần phải tát để bắt cá. Tuy nhiên, khi vừa ngăn sông xong nước trên thượng nguồn bỗng dâng cao và chảy xiết lập tức đẩy cả 4 cánh cửa trôi mất tích. Ông Định biết rằng, nếu không tìm được 4 cánh cửa ấy thì phải chịu đòn của cha đến “chí tử”, bởi thời đó làm được 4 cánh cửa ấy, cha của ông phải bán mất 4 con trâu. Không ngờ lúc đó anh Cự đã chạy xuống tận cầu Rác, đoạn khúc sông eo cua cách đó hơn 3 km đợi sẵn 4 cánh cửa trôi đến vớt  lên, kịp đưa về bỏ lại chỗ cũ trước khi cha ông Định từ trong trại về nhà.

Xót thương nhất là trong một lần đi hái lá dong về bán chợ Tết, thấy chiều 29 Tết đã bán hết mà chợ vẫn đông người mua nên anh quyết định trở lại rừng mót tiếp gánh khác. Thế nhưng do bụng đói hoa mắt đi lạc rừng. Đến tối không thấy con về, mẹ anh nghĩ anh đã bị hổ ăn thịt nên hô hoán với mọi người. Biết tin, ông Định liền chạy lên Xã đội mượn được khẩu súng AK cùng đoàn người đốt đuốc vào rừng tìm anh. Mãi đến sáng mùng Một Tết, mọi người bất ngờ thấy anh đang lảo đảo đi trong cửa truông. Đó là Tết Nguyên đán năm 1973, một cái Tết buồn đáng quên nhất trong kí ức anh Cự và cả những người từng chứng kiến cảnh tượng hãi hùng ấy.

Nhắc lại chuyện cũ, ông Lê Văn Kiệm khẳng định như “đinh đóng cột” là anh Cự không thể bị hổ ăn thịt và dù có lạc rừng thế nào thì cũng về được, vì đã có linh hồn cố Võ Hữu Tiến cùng thánh thần động Mòi che chở.

Trước đó, năm 1971 khi đang học lớp 7, Trường cấp II Cẩm Lạc tổ chức đi đào hố trồng cây thông tại vùng núi Thượng Tuy, xã Cẩm Thịnh. Đến khoảng gần trưa các bạn học thấy anh bị ngất sùi bọt mép nằm trên miệng hố liền đưa đi cấp cứu tại Trạm xá xã. Phát hiện anh bị tụt đường huyết, nhân viên y tế xuống nhà dân xin nước cơm chắt mang về cho anh uống. Dần dần anh tỉnh lại, hỏi ra mới biết là từ ngày hôm trước đến sáng hôm đó anh chưa hề có miếng gì lót dạ.

Tạm thời gác lại ghế nhà trường, anh Cự về làm công tác đoàn đội rồi nhanh chóng được tiến cử làm Bí thư đoàn xã. Anh luôn đi đầu trong những đợt phát động làm giao thông, thủy lợi, nuôi bèo hoa dâu... Nổi bật là giai đoạn phụ trách lực lượng thanh niên xã Cẩm Lạc tham gia đào đắp Công trình Thủy lợi Vách Nam, anh đã đề ra khẩu hiệu “Ba tại chỗ”, gồm: “Ăn tại chỗ”, “làm tại chỗ”, “ngủ tại chỗ” và sáng kiến dùng kéo cắt đất thay ven, dùng xe cút kít thay gióng gánh nên đạt năng suất lao động cao, được các đơn vị trong toàn đại công trường đến học hỏi.

Sau một thời gian hoạt động tại Đoàn xã Cẩm Lạc với những thành tích đạt được quá ấn tượng, anh Võ Kim Cự được chuyển lên công tác tại Huyện đoàn Cẩm Xuyên và trở thành Bí thư Huyện đoàn trẻ nhất nước khi mới 22 tuổi. Lúc này anh còn kiêm chức Chính ủy tổng đội TNXP làm các tuyến đê chính của Công trình Đại Thủy nông Kẻ Gỗ.

Anh Trần Đắc Hòa, nguyên Phó Bí thư Huyện đoàn Cẩm Xuyên làm việc cùng thời đó tâm sự: Anh Cự là một người năng động, sáng tạo, hăng hái, chịu khó, tận tụy và xả thân vì công việc tập thể; anh có tư duy chiến lược, có khả năng phán đoán đi trước thời đại, làm gì cũng phải mới; làm việc quần quật không kể ngày đêm, ngày thường hay ngày lễ, chưa bao giờ thấy anh nghỉ phép. Trong thời gian  này anh Cự có tới 4 lần bị lồng, dính ruột phải vào bệnh viện cấp cứu, nhưng sau khi mổ xong được vài ngày là anh lại lao vào công việc ngay.

Quá trình đào đắp kênh mương Kẻ Gỗ, phát hiện thấy xác bom đạn, xe cháy, cầu phà hỏng... sót lại sau chiến tranh rất nhiều, nhất là dọc tuyến đường Trường Sơn và quanh khu vự sân bay dã chiến Li Bi... anh đã cho thu gom và thu mua được hàng chục ngàn tấn sắt vụn chở ra Thái Nguyên đổi sắt thép xây dựng đem về bán, xây trụ sở Huyện đoàn và tạo thêm thu nhập cho anh em .

Không dừng lại ở đó, trong lúc đơn vị thiếu thốn lương thực, phương tiện máy móc thi công, anh đã cơm đùm, cơm gói ra tận Trung ương gõ cửa Văn phòng Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt xin Chính phủ hỗ trợ. Dù nhiều lần xin vào gặp đồng chí Võ Văn Kiệt nhưng bảo vệ không cho, anh vẫn kiên trì ngồi ngoài cổng nhiều ngày cho tới khi gặp được đồng chí Võ Văn Kiệt để trình bày. Nhận thấy mong muốn cùa anh hợp lí, sau đó Chính phủ cấp cho đơn vị của anh 2 chiếc xe ô tô vận tải mới cùng nhiều thiết bị máy móc và lương thực. Nhờ đó mà các các hoạt động của đơn vị anh luôn hoàn thành xuất sắc, góp công lớn đưa huyện Cẩm Xuyên từ chỗ thiếu đói triền miên trở thành vựa lúa lớn nhất miền Trung.

Trước đó, dù bộn bề công việc nhưng với nghị lực phi thường anh vẫn học tiếp vào cấp III và thi vào Đại học. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Công- Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội từng chủ nhiệm lớp anh nhận xét: Anh Cự là người thông minh, năng nổ, dù lúc đó đã lớn tuổi nhưng vẫn học hành rất chăm chỉ và tiếp thu bài vở nhanh.

Đến năm 1986 anh được điều lên làm giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Cẩm Xuyên, trước khi chuyển về làm giám đốc Xí nghiệp xuất khẩu Cẩm Xuyên cuối 1989. Tiếp nhận công việc mới khi biết được trữ lượng quặng “vàng đen” (Titan) rất lớn sẽ đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Trong lúc phương tiện máy móc khai thác chưa có gì, ngoài số tiền vay cố định của ngân hàng không đủ, nên anh đã kêu gọi toàn thể gần 1.800 lao động trong đơn vị dốc tiền túi cho xí nhiệp vay với mức 50.000 đồng/1 người; đối với những người  quá hoàn cảnh anh về bàn với vợ bỏ hết 4 triệu đồng góp được trong quá trình học tập ở Liên Xô cho họ vay mượn (số tiền ấy sau này vợ chồng anh hiến cả cho xí nghiệp) để đầu tư mua sắm thiết bị vật tư máy móc....Vậy là xí nghiệp nhanh chóng đi vào hoạt động, cho ra đời mẻ quặng đầu tiên với sản lượng 1.817 tấn xuất khẩu sang Nhật, mở ra một thời kì mới công nghiệp hóa ở Hà Tĩnh.

Chỉ tính từ năm 1989-1991, xí nghiệp của anh đã xuất khẩu được 19.000 tấn Titan thu về gần 1 triệu USD. Nhờ đó mà ngoài trả hết cả gốc lẫn lãi tiền vay của anh em, xí nghiệp còn tạo điều kiện cho anh em được vay vốn ưu đãi làm nhà cửa, mua sắm ti vi, xe máy...

Nhận thấy việc khai thác Titan Cẩm Xuyên đem lại hiệu quả cao, tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng thành lập Công ty Meteco Hà Tĩnh, sau này là Tổng công ty Mitraco Hà Tĩnh giao cho anh tiếp tục phụ trách trở thành đơn vị kinh tế mũi nhọn ở Hà Tĩnh, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động với thu nhập cao.

Điều đáng nói là đối với những vùng mỏ sau khi khai thác xong được anh chỉ đạo cho trồng rừng phòng hộ và đầu tư trồng rau sạch bằng công nghệ cao. Đồng thời hỗ trợ các địa phương đó xây dựng điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc...

Sau này trên các cương vị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2005 đến năm 2015, anh Võ Kim Cự càng có điều kiện cống hiến cho quê hương, bằng việc đưa tỉnh nhà từ chỗ nghèo trở thành tỉnh đứng trong tốp đầu của cả nước về tốc tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó là sự ra đời của  các dự án lớn, trong đó có Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, dự án FDI lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Nếu trước đó Hà Tĩnh chỉ là một góc trời nghèo đói trên bản đồ đất nước thì năm 2010 đã nhảy vọt lên nghi tên vào câu lạc bộ nhóm các tỉnh, thành phố thu ngân sách trên 10 ngàn tỷ. Anh Cự cũng là người quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, chống lãng phí tiêu cực... Đặc biệt, anh đã góp công lớn trong phong trào xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh, tạo việc làm mới cho nông dân, tăng thu nhập nâng cao đời sống vật chất tinh thần, biến những miền quê nghèo trở thành nơi đáng sống.

Trong suốt hơn 10 năm giữ các chức danh lãnh đạo tại Hà Tĩnh, tỉnh nhà cũng xảy ra nhiều biến cố lớn về thiên tai lũ lụt, sự cố môi trường biển, sập giàn giáo ở công trường Formosa...ở đâu người ta cũng thấy anh luôn có mặt tại các điểm nóng, xông xáo quyết liệt khắc phục hậu quả, kịp thời động viên cỗ vũ tinh thần người dân trong lúc gặp muôn trùng hoạn nạn mà vượt qua.

Trước lúc chuyển ra Trung ương làm Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu, anh đã làm được bao điều “vĩ đại” nhưng cũng không tránh được những thiếu sót. Người thương yêu quý trọng anh nhiều nhưng cũng không thiếu kẻ ganh ghét! Mới hay, đó là hai phần cuộc đời quá bầm dập mà hơn ai hết anh đã linh cảm được từ nhỏ nhưng không thể từ chối, bởi còn đó lời vọng về của bao kiếp cần lao.

Chỉ cần nhắc đến cơn bão số 9, năm 1989 diễn ra tại đèo Ngang, biến xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh cũ thành bãi đất đá tan hoang, đẩy hàng trăm người dân vô tội vào cảnh màn trời, chiếu đất; buộc bao số phận phải trở thành kẻ ăn xin, hoặc rời bỏ quê hương bản quán đi làm thuê, làm mướn. Xót thương trước nỗi đau mất mát của những kiếp phận nơi này khi được chứng kiến, anh đã thuê người về quay cả thước phim thực tế nhằm chia sẻ cho cộng đồng Việt kiều yêu nước ở Pháp biết, để kêu gọi kều bào ta khắp trên thế giới quyên gióp hỗ trợ cho họ có mái nhà chui vào, chui ra.

Ấy mà có một vị có chức trách hồi đó còn quy chụp anh là kẻ phản động, cố tình cướp đi những mái nhà yên ấm trong mơ của anh ở dưới chân đèo Ngang heo hút buồn. Vậy thì sự đời ân oán, khen chê đối với anh chẳng có gì mà không nếm trải. Vượt lên trên hết anh chỉ biết phấn đấu cho lí tưởng cao đẹp, hy sinh tất cả vì quê hương, đất nước.

Dẫu sao từ khi lọt lòng mẹ anh đã biết gửi trọn đức tin của mình vào thần thiêng bản xứ, cũng đủ tiếp sức cho anh vượt qua bao dông tố cuộc đời, để ít nhất tài sản quý giá mà anh có được tới lúc này là một tâm hồn thanh thản, làm hành trang cho ngày về với cội nguồn dưới chân rú động Mòi. Nơi đó tổ tiên anh cũng đã yên ắng giấc ngàn thu.

Mai này, rồi anh cũng như bao lớp người đi trước sẽ trả lại trần gian tất cả những gì vay mượn. Dù rằng ai đó còn ganh ghét đố kị với một con người mang tên Võ Kim Cự thì bức tượng của anh cũng đã được dựng lên trong lòng đại chúng một cách vững bền.

Với cụ Lê Thị Đậu sinh năm 1933, người dân thôn Quang Trung, xã Cẩm Lạc có một cách nhìn rất thực tế là nếu như không có hai chiếc cầu Chợ Biền và Thọ Trung được bắc qua sông Biền thì muôn đời người Cẩm Lạc vẫn cứ bám lấy đói nghèo quanh quẩn. Chính cụ đã tự sáng tác hàng chục bài hát ru để ru cháu chắt trong vòng tay âu yếm, với nội dung ca ngợi ông Cự đã có công xây dựng hai chiếc cầu ấy, vĩnh viễn xua đi những luồng tà khí từ bao đời rình rập dưới long mạch kẻ quê.

Tuy đã gần đất xa trời, nhưng không dấu được cảm xúc khi thấy quê hương đổi thay, đời sống của con cháu trong gia đình ngày thêm sung túc, cụ bùi ngùi kể lại cuộc đời khổ sở của mình từ thời con gái khi về làm dâu ở làng Hòa Thám bên kia sông, mỗi lần về thăm ngoại là phải lội qua dòng nước dữ. Có lần bòn được long gạo và mấy củ khoai mang về cho cha mẹ, khi đến giữa dòng thì bị nước xiết cuốn đi tất cả. Dù nay đã 90 tuổi rồi nghĩ lại mà cụ vẫn ứa nước mắt.

Cẩm Lạc chiều Thu phân, gió từ sông Biền thoảng qua sởn gai ốc. Những tia nắng cuối cùng hắt xuống dưới rặng động Mòi khẽ đậu bên bờ Táo nhân, tôi ra về mà lòng ray rứt!

                                                                                                   31/8/2022

                                                                                                            N.N.V   

Một khúc Sông Biền (ảnh nguồn ITN)

. . . . .
Loading the player...