31-07-2017 - 21:49

Bút ký: Bí ẩn ở Cù Lao Chàm

Xin hân hạnh giới thiệu bài bút ký "Bí ẩn Cù Lao Chàm" của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú in trong Tạp chí Hồng Lĩnh số 131.

Tôi còn nhớ cách đây hơn 30 năm nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn có  cuốn tiểu thuyết “Cù Lao Chàm” gây xôn xao dư luận bạn  đọc chủ yếu viết về cách làm ăn mới trong thời điểm trước thời kỳ đổi mới mà địa bàn “Cù Lao Chàm” được ông lấy làm bối cảnh. Vì thế có một “Cù Lao Chàm” hoang sơ với những con người mộc mạc ám ảnh tôi  từ ngày ấy. Cho đến gần đây vào dự  trại viết văn ở Đà Nẵng tôi mới có dịp cùng bạn bè đống nghiệp có  một ngày ở “Cù Lao Chàm” thật thú vị bởi những bí ẩn xung  quanh hòn đảo này ….
Lần giở từ điển tôi thật bất ngờ khi danh từ “Cù Lao” có hai nghĩa trái ngược nhau. Một nói về hình thái địa lý, một là nói về tình cảm con người. “Cù Lao” nghĩa là : Khoảng đất nằm giữa sông do bồi đắp một dòng chảy lâu ngày và cỏ cây mọc nhiều cù lao còn là cồn đất  giữa biển tuy nhiên không quá xa đất liền thì còn có một nghĩa khác: “Cù Lao” là công nuôi dưỡng vất vả của cha mẹ. Như trong truyện thơ Phan Trần đã có câu: “Than rằng đổi đất “cù lao” - bề sâu mấy trượng bề cao mấy trùng”. Thế thì tôi ghép cả hai nghĩa này cho một Cù Lao Chàm là ốc đảo yêu thương. Nhưng Cù Lao Chàm không còn đơn độc không còn ốc đảo. Dân Cù Lao Chàm vốn quen nghề biển nay chuyển sang nghề du lịch cũng khá nhạy bén và họ còn có tư chất nghệ sỹ  dân gian  nữa. Ví như để nhớ được các tên hòn đảo ở  vùng này họ đặt câu ca cho dễ thuộc: “Ra Lao đốn Lũy  thật Dài - Chờ Mồ Khô lá, xuống Tai chực Nồm”. Lao, Lũy, Dài, Khô, Tai, Lá, là  những hòn đảo nơi này. Hòn Lao lớn nhất có dân cư sinh sống từ bao đời nay, còn các đảo khác được đặt tên tùy theo hình dáng và thảm thực vật.


Cầu cảng ở Cù Lao Chàm - Ảnh: Minh Chiến

Trong “Phủ biên tạp  lục” nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết: “Phủ Thăng Hoa ở ngoài biển Cửa Đại Chiêm có núi to gọi là Cù Lao Chàm, ba ngọn nối nhau, hai ngọn lớn và xanh tốt, có dân cư ruộng nương … chạy từ bờ ra đó cách chứng hai  canh thì đến”, còn sách “Đại Nam nhất thống chí” thì ghi lại cụ thể hơn: “Cách huyện Duyên Phước 68 dặm về phía đông ngất ngưỡng giữa biển có đảo Ngọa Long. Cũng gọi là hòn Cù Lao có tên nữa là Tiềm Bút, tên cũ là Chiêm Bất Lao. Dân Phường Tân Hợp ở phía nam núi, riêng đất trên núi có thể cấy cày, thuyền bè nước ta thì trong núi này làm chứng đi về đều độ ở đây để lấy củi nước. Như vậy Cù Lao Chàm xuất hiện ở đây mấy trăm năm và tên Cù Lao Chàm nay là xã Tân Hiệp thuộc thành phố  Hội An có nguồn gốc từ chữ Tân Hợp dưới triều Nguyễn. Cù Lao Chàm gắn với hình thành phát triển độ thị Hội An, ở đây còn lưu giữ dấu vết văn hóa Chăm và Sa Huỳnh, Đại Việt. Chúng tôi đến bến tàu cửa Đại lúc 8 giờ sáng và được phát vé xuống ca nô cao tốc có áo phao cứu sinh. Đặc biệt hướng dẫn viên người nào da cũng đen cháy rất niềm nở và không quên dặn câu cửa miệng là :” xin mời quý khách bỏ các thứ cần dùng vào túi vải chứ không được mang theo túy ni lon”. Thì ra ở Cù Lao Chàm có một quy định rất nghiêm ngặt là khách du lịch  và người dân trên đảo đi chợ không được dùng túi ni lon vì đây là sản phẩm tái tạo nhựa không thể tiêu hủy được Xung quanh chuyện này tôi nghe Tú - chàng trai hướng dẫn viên vui tính nói đặc sệt giọng Quảng Nam rằng: Chính ông Nguyễn Sự - Bí thư thành ủy Hội An ngày đó đã ra đây phát cho mỗi  nhà 2 cái giỏ nhựa  một to và một nhỏ để đi chợ mua thức ăn nhiều thì to, ít thì nhỏ. Và ông ngồi cạnh cổng chợ Tân Hiệp mấy hôm liền thấy ai đi chợ mang theo túi ni lon theo thói quen thì ông bắt phải quay về nhà lấy giỏ nhựa. Và các em học sinh ở đây có thêm công việc mới là xếp các giấy báo và sách cũ dán thành túi, thành bao để người nhà đi chợ đựng đồ khô, còn đồ ướt đã có lá chuối bọc cho vào làn nhựa. Tú còn cho tôi biết thêm từ năm 2016, Cù Lao Chàm mới có điện lưới. Mới có câu chuyện vui là: “Trước đây máy nổ chỉ cung cấp được mấy tiếng đồng hồ vì ăn dầu nhiều quá cho dân xem thời sự. Nếu ai có đám cưới thì ưu tiên chạy từ cuối chiều đến 10 giờ đêm  thả phanh lấy cả mốc: “đến lúc nào tắt điện thì  về!”. Nay, có điện có đám cưới   cứ thế vui mãi cho … đến sáng, vì điện cù lao vẫn sáng tưng bừng. Lại chuyện những ngày biển động giá cả hải sản ở đất liền thì tăng còn ở Cù Lao Chàm ngược lại lại giảm giá, vì khách du lịch không ra được mà  dân trên đảo ăn mãi đồ biển… cũng chán dù là đặc sản! Sau khoảng 20 phút ca nô cao tốc chạy từ bến tàu Cửa Đại đến cầu cảng Cù Lao Chàm  cách   khoảng 15 hải  lý. Do vị trí cách Hội An  không xa và thắng góc một đường chiếu nên Cù  Lao Chàm còn được gọi là “Bình phong” che trước thương cảng Hội An ..
 Lại nhớ có lần nói chuyện với nhà văn Thái Bá Lợi người đã có cuốn tiểu  thuyết lịch sử “Minh Sư” khá nổi tiếng. Ông cho tôi biết: Bàn về lịch sử vùng đất này nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cho rằng: Cù Lao  Chàm xuýt nữa trở thành một Hồng Kông. Chả là năm 1973, ba chiếm hạm lớn của Đặc mệnh toàn quyền Anh Mesathay bỏ neo tại cảng Đà Nẵng trong một tháng. Phái bộ Anh đã cử đoàn đi khảo sát Cù Lao Chàm và có tường trình kỹ về quần đảo này. Năm 1804 và sau đó năm 1821, người Anh nhiều lần xin các Vua nhà Nguyễn cho phép xây dựng ở đấy một căn cứ kinh tế để dễ bề tiếp xúc với thương buôn Quảng Châu và các quốc gia khác. Đến khi chiến tranh nha phiến nổ ra “1839 - 1942) và kết thúc là hiệp ước Nam Kinh đã giúp người Anh có được Hồng  Kong Vì vậy vấn đề buôn bán tại Cù Lao  Chàm không có nữa. Như thế mới biết Cù Lao Chàm có một vị trí quan trọng thu hút sự quan tâm đặc biệt. Không chỉ bây giờ mà còn trong quá khứ. Gần đây qua các di chỉ của khảo cổ học, các hiện vật quý như  tiền cổ, gốm Slam, nền tháp Chăm… mới biết trong quá khứ Cù Lao Chàm là nơi tiếp xúc giao thông với người nước ngoài …
Bắt đầu là bí ẩn “giếng  cổ” trên Cù Lao Chàm. Đó là giếng Xóm Cấm nằm tại ngã ba đường bê tông của khu dân cư xóm Cấm .Giếng cổ Chăm ở  Cù Lao Chàm là giếng nước ngọt duy nhất ở vùng đất này. Cấu trúc giếng mang đặc trưng giống với nhiều kiểu giếng Chăm ở Hội An. Giếng có kiểu hình ống tròn, thành giếng hình vuông, nền giếng hình vuông, ở mỗi góc có môt trụ vuông. Diện tích khuôn giếng khoảng 15m2,  đường kính miệng giếng khoảng 1,2m, lòng giếng xây gạch tô vữa vôi, xây theo kiểu vành khăn độ sâu từ miệng giếng đến đáy giếng khoảng 5m. Ở đây tôi bất ngờ gặp nhiều cặp trai gái khách du lịch  dừng lại rất lâu và chia cho nhau từng  ngụm nước ngọt múc từ cái giếng độc đáo này. Thì ra ở đây còn lưu truyền câu chuyện uống nước giếng cổ Cù Lao Chàm để cầu tình duyên. Trường hợp những người chưa có người yêu thì con trai uống 7 ngụm  nước con gái uống 9 ngụm nước thì tình yêu sẽ đến. Và uống nước giếng còn có thể sinh con theo ý muốn. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây thì người ra Cù Lao Chàm bị say sóng lấy nước giếng này nấu với lá rừng ở đây chỉ người dân địa phương biết uống vào hết say sóng Thì ra ở đâu cũng có bí mật riêng của nguồn mạch thiên nhiên. Và giếng cổ Chăm  như quà tặng vô giá, còn là một dấu ấn văn hóa đã triện khắc xuống nơi này. Tôi nhìn xuống đáy giếng trong văn vắt lại nhớ cái giếng trong phố cổ Hội An mà một người đàn ông suốt đời chỉ sống bằng nghề gánh nước ở cái giếng không cạn này bán cho người dân phố cổ. Còn ở đây giếng đầy ăm ắp nước quanh năm không chỉ cung cấp cho dân trên đảo mà còn cho cả những thuyền, tàu cập bến. Mặc dù chưa xác định niên đại của giếng song qua so sánh đối chiếu với các kiểu giếng Chăm khác ở Hội An và vùng lân cận cũng như  thông tin từ nguồn tư liệu cổ thì các nhà chuyên môn cho rằng giếng xóm Cấm có thể đã được xây dựng cách đây trên 200 năm…
Điều bí ẩn thứ hai ở Cù Lao Chàm là trước khi ra đây tôi được nghe nói nhiều về chùa Hải Tạng. Ở chợ Tân Hiệp trên cù lao có một đội xe ôm nghiệp dư. Họ trước đây là dân đánh cá biển chuyên đi bắt tôm hùm ốc vú nàng và cua đá là những thứ đặc sản ở các rạn san hô nhưng nay để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển đặc biệt này đã được UNESCO công nhận nên cấm đánh bắt họ chuyến sang làm nghề xe ôm. Chỉ với cuốc xe 100 ngàn trong khoảng một giờ sẽ đi hết 7 điểm du lịch cần đến trên Cù Lao Chàm trong đó có chùa Hải Tạng. Từ bãi Làng trên đảo hòn Lao men theo những con đường ngoằn ngoèo dài chừng 300m là đến Xóm Cấm nơi có chùa Hải Tạng uy nghi cổ kính. Chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) ở vị trí cách nơi này khoảng 200m. Nhưng sau đó do bị  bão gió hư hại nặng và để tiện cho  các tín đồ là ngư dân trên đảo và thương thuyền các nước  ghé vào hành lễ cung kính cầu xin thuận lợi làm ăn buôn bán nên đến năm Tự Đức nguyên niên (1848) chùa dời về đây tôn  tạo lại khang trang hơn. Ở vị trí phong thủy lý tưởng này Chùa tọa lạc ở chân núi phía tây hòn Lao, nhìn thẳng vào núi Bà Mộc như thể hòn xôi án ngự. Phía trước có thung lũng nhỏ là cánh đồng lúa duy nhất ở Cù Lao Chàm. Xung quanh câu chuyện xây chùa có nhiều huyền thoại bí ẩn. Bác xe ôm cho tôi biết: Tương truyền các cây cột được vận chuyển từ ngoài Bắc đem vào làm một chùa nào đó ở trong Nam. Nhưng khi đi ngang qua Cù Lao Chàm, trời tối nên phải neo thuyền nghỉ lại. Sáng mai thuyền tiếp tục lên đường nhưng thật lạ, biển tự nhiên dậy  sóng, thuyền cứ xoay tròn lòng vòng  không đi được ra khỏi Cù Lao Chàm, sau đó có người trong đoàn lên cúng xin keo cho hay số gỗ này không được đem đi mà phải để lại dựng chùa ở nơi này. Vì thế chùa dựng nên lấy tên là Hải Tạng, Tên chữ Hải Tạng mang một hàm ý đẹp: Kinh tạng của  nhà Phật. Tên Hải Tạng còn được lý giải: Hải là biển, Tạng là  tam tạng kinh điển - Với ý nghĩa đó chùa Hải Tạng là nơi hội tụ kinh  tam tạng mênh  mông cho biển cả. Phía trước chùa có tượng Phật Quan Âm đứng trên đài sen giữa lòng hồ sen nhỏ, mặt hướng về biển  đông như che chở cho cuộc  sống an lành của người dân nơi đây. Tôi lại chợt nhớ đến những ngôi chùa trên đảo Trường Sa giữa bốn bề sóng gió mới hay trong tâm  thức người Việt ngôi chùa như là một biểu tượng điểm tựa cho sự bình an kể cả  trong tâm thế. Tiếng chuôngchùa trưa này ở Cù Lao Chàm thong thả và lan xa, lan tỏa vào những  vòng sóng, viền  lại bao nổi niềm nhân ái cộng đồng và thẳm sâu bao nghĩa tình da diết. Tôi nhận thấy ngoài khách Việt thì có nhiều du khách nước ngoài cũng đến thăm chùa Hải Tạng. Đó là ngôi cổ tự  biểu tượng bằng kiến trúc văn hóa Phật giáo độc đáo tiêu biểu cho vùng đất linh thiêng nằm ở phia đông Tổ Quốc...


Chùa Hải Tạng ở Cù Lao Chàm

Đến Cù Lao Chàm tôi bất ngờ được biết dấu ấn văn hóa của xứ  đảo này đó là nghề đan võng ngô đồng truyền thống. Võng ngô đồng là thứ võng đặc biệt kể cả từ chất liệu đến công phu đan lát. Sợi đay xe lại của võng đượ làm từ sợi của thân cây ngô đồng chỉ  mọc trên những  mỏm núi cao vách đá cheo leo, mặc cho gió to bão lớn rể cây vẫn bám  chắc vào đá, thân cây luôn dẻo dai vươn thẳng mình như thách thức với sự khắc nghiệt với đại dương. Ngô đồng là loại cây đẹp không kém phần lãng mạn, khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 khi gió đảo trút đi hết những chiếc lá cuối cùng trơ trọi cành là lúc cây đâm chồi, rực rỡ một màu hoa đỏ tràn ngập Cù Lao Chàm. Muốn đan được võng phải đốn cây ngô đồng còn non phải bằng nửa cổ tay người trưởng thành, không chọn cây lớn và già vì tước lấy manh  đồng sẽ bị xơ, tưa và đứt từng khúc. Cây ngô đồng được đưa về đập ra dùng tay tước vỏ cứng và lấy sợi  màu trắng đục gọi là manh đồng, sau đó những sợi manh đồng sẽ được ngâm trong nước khoảng vài ngày rồi mang đi giặt cho sạch và trắng và đem ra phơi nắng thật khô. Đến khi chuyển thành màu trắng ngà tinh mới có độ óng là lúc xơ có độ bền đẹp để đan võng. Đan võng rất khó, đòi hỏi sự khéo léo tỉ mỉ kiên trì và cả tình yêu bền bỉ gửi gắm vào từng đường se mũi đan, phải miệt mài ngồi nhiều giờ mỗi ngày cẩn thận xe lại từng múi rồi bện lại thành nhiều đốt. Để cột được đầu võng phải đan chiều dài mưới mấy múi lẻ không được để chẵn vì không có cái tỳ dư ra để cột thành võng. Muốn học đan võng thì đâu tiền phải học cách xe dây. Dây phải xe cho đều vì nếu  không đều mà dây to dây nhỏ thì sẽ bị leo dây. Khi xe dây thành thạo thì mới có thể học điểm khó nhất là đan đầu võng cuối cùng là đan múi và đan bìa. Chính vì vậy đan xong một cái  võng phải mất gần hai tháng  ròng rã liên tục. Võng ngô đồng không chỉ êm bền mà nghe dân ở đây nói còn chữa được bệnh đau lưng giãn cột sống vì vỏ cây ngô đồng có chất hóa học gì đó đã thấm vào da người và thư giản có hiểu quả. Giá mỗi chiếc võng ở đây từ 3 đến 4 triệu đồng chủ yếu bán cho khách du lịch. Nhưng nghề đan võng  mai một chỉ còn sót lại vài người tuổi già vì theo họ: “tính ngày công thu nhập từ người đan võng ngô đồng thấp hơn so với đánh bắt trên biển”. Tôi đã gặp một trong những nghệ nhân cuối cùng  bằng yêu nghề và muốn giữ lại nghề tuyền  thống như là một nét đẹp văn hóa riêng biệt ở Cù Lao Chàm. Đó là bà Lê Thị Kề. Bà kể: Khoảng 20 tuổi đã được mẹ dạy cho đan võng. Bà chỉ vào mấy chiếc  võng đã đan xong: Đây là loại  võng 4 tính khoảng cách giữa hai múi là 4 dây còn đây là võng 6 là 6 dây. Võng 6 có chiều ngang và chiều dài lớn hơn võng 4. Tây người to thích mua võng 6, ta người nhỏ thì chọn võng 4. Rồi bà nhìn ra xa nơi bờ có những chiếc ca nô cao tốc dập dềnh trên sóng vừa bõm bẹm nhai trầu thủng thẳng nói: Cái ca nô kinh quá chạy vèo vèo đến chóng mặt nhưng có lúc con người ta cũng cần được thảnh thơi trên chiếc võng ngô đồng phải không mấy chú. Cũng chao nghiêng bềnh bồng như võng cả thôi nhưng cái kia chao bằng máy, cái này chao bằng tâm (tim). Bà nói ví von thật hay. Không ngờ ở cái Cù Lao bãi đá này lại sinh ra cái loại cây để làm nguyên liệu cho một loại võng đặc biệt. Cái võng ngô đồng như một con thuyền mắc hai đầu từ biển vào đảo để neo bà lại đây hơn 70 năm và tuổi cái võng đầu tiên bà đan cũng đã bằng nữa từng ấy năm. Võng đã mềm bóng loáng mồ hôi mà chưa đứt xơ một múi hay mắt võng nào...
Cù Lao Chàm là một quần thể trong đó đảo hòn Lao lớn nhất có  khoảng gần 3000 người sinh sống mang trong mình một sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Trong chương trình một ngày ở Cù Lao Chàm chúng tôi được ngắm san hô  ở bãi hòn Tai. Ca nô đậu cách bờ mấy chục mét cho khách du lịch khoác tấm áo phao mang ống thở úp mặt xuống làn nước trong xanh là có cảm giác như mình đang lạc vào cõi thủy cung. Ở đó có những rặng san hô rực rỡ sinh động, rập rờn như một phần cơ thể sống phập  phồng dưới làn nước. Có những con cá lượn lờ bơi quanh những con sao, con ốc đủ hình thù màu sắc. Đúng là bàn tay tạo hóa thiêng nhiên thật kỳ diệu. Tôi nhận thấy nước biển ở đây trong xanh có thể nhìn thấy đáy sâu hai chục mét, cát ở đảo sạch đến độ đặt lưng ướt xuống rồi nhổm dậy thì những hạt cát rơi không bám chút bụi đất nào trên da. Ở đây còn có bãi tắm thoai thoải cát mịn, trên bờ là những hàng dừa xanh tỏa bóng mắc những chiếc võng đung đưa hay những chiếc ghế bạt cho khách du lịch sau khi ăn trưa nghỉ thỏa mái. Các môn thể thao như: Dù lượn lướt sóng hay đi bộ dưới biển ngắm kỳ quan của thiên nhiên cũng có sức hút với du  khách nước ngoài và người trẻ. Chúng tôi được thưởng thức bữa trưa ngay tại bãi Hương  lộng gió và rợp mát bóng dừa. Thực đơn gồm 11 món, mâm nào cũng  giống nhau, tây cũng như ta, bao gồm các loại hải sản  tươi như cá, mực , nghêu, tôm và các loại rau củ sạch được  trồng trên  đảo. Một không  khí chan hòa cởi mở giữa mọi  người không phân biệt màu da giọng nói rất thân thiện. Tú - hướng dẫn viên nói với tôi đây là bưa trưa có sẵn  trong vé Tou vì thế tuy phong phú nhưng khá đơn giản. anh muốn thưởng thức đặc sản Cù Lao Chàm thì lát nữa nghỉ trưa xong ra chợ Tân Hiệp em sẽ chỉ cho. Chợ Tân Hiệp ở Cù Lao Chàm bán hải sản tươi rẻ mà khong nói thách. Người dân ở đây còn giữ nguyên vẻ mộc mạc thân tình với cái giọng biển  đã nặng cộng với chất giọng sệt của Quảng Nam thật khó nghe. Nhưng qua sự hướng dẫn nhiệt tình của Tú tôi và các đồng nghiệp đã được thưởng thức những món đặc sản  đặc biệt này. Đầu tiên là món ốc vú nàng. Tú nói vui ở  đây còn truyền lại câu ca: “Ra Lao nhớ hỏi vú nàng - hỏi thăm con ốc vú nàng lớn chưa - anh hỏi thì em xin thưa - vú  nàng đã lớn những chưa ai  sờ…”. Chỉ với tên gọi thôi  loài ốc độc đáo này đã khiến mọi người tò mò tìm hiểu. Đó là trên đỉnh đầu ốc có cái nhúm nhỏ trong tựa như đầu vú của các cô gái dậy thì, vỏ ngoài màu đen  xạm, mặt trong lấp lánh xà cừ. Luộc ốc chẳng cần tý nước nào,  những con ốc vú nàng từ thân khá nhiều nước, tự nó đủ nước luộc lấy. Ông chủ quán giải thích: Dân bắt ốc chuyên nghiệp phải ngâm mình dưới nước hàng giờ, dùng đen soi rọi vào tận kẻ đá dùng mũi dao nhọn tách từng con ốc đang bám chặt vào thành đá. Ốc bắt về ngâm nước cho sạch, xếp vào nồi luộc. Trong giây lát những con ốc vú nàng bắt đầu co dần thịt chuyển sang màu vàng mùi thơm tỏa ra là ốc chín. Tiếp đó chúng tôi được thưởng thức món cua đá hấp bia. Người bắt cua đá ở đây thường bắt vào ban đêm vì ban ngày chúng ở trong hang. Ban đêm là thời gian cua đá ra khỏi hang để kiếm ăn, lúc đó chúng  không nhìn thấy gì khi bị ánh sách dọi vào. Ở Cù Lao Chàm khi ánh nắng mặt trời tắt thì những người bắt cua đá chuẩn bị đố nghề lên đường cho  một đêm thức trắng. Đây là một nghề bất trắc  đòi hỏi phải có sức khỏe và sức chịu đựng bền bỉ. Cua đá hấp bia toàn thân ngấm  một màu đỏ hồng như gạch, vỏ bóng loáng. Đặc biệt hai cái càng cua ngắn nhưng rất chắc, phải có cái chày hoặc kềm lớn để kẹp mới có thể lấy được phần  thịt đầy bên trong, thớ thịt trắng xen những gân hồng nõn nà mà bùi ngọt, ăn thật thấm thía nhớ đời...
Tạm biệt Cù Lao Chàm tôi mang về theo cái vỏ ốc lấp lánh ánh sà cừ có những đường vân chìm, nổi rất đẹp, ruột ốc xoắn lượn cuộn vào đó làn gió  nồng nàn của biển khơi. Và khi tôi giơ vỏ ốc lên thì bất ngờ thảng thốt  vọng ra tiếng gió u u thổi ngân vang. Tú bảo: Đó là ốc gọi hồn. Gọi hồn: Cù Lao Chàm ơi ….

                                                                        Hà Tĩnh, ngày 18/06/2017
                                                                                                 N.N.P

. . . . .
Loading the player...