07-08-2017 - 21:50

Bút ký: Hà Tĩnh thành phố của những con nước triều lên

Tạp chí Hồng Lĩnh số 132 giới thiệu bài viết "Hà Tĩnh thành phố của những con nước triều lên" của tác giả Nguyễn Ngọc Vượng

Thành phố Hà Tĩnh quê tôi có tên cúng cơm “Thành Sen” gần gũi và thân thiết là một vùng đồng bằng nằm lọt giữa dải đất duyên hải miền Trung đầy nắng gió với địa thế, địa hình hết sức lý tưởng. Bởi ngoài hòn núi Nài kiêu vọng như một ngọn hải đăng sáng chói, sừng sững giữa giông tố thời gian thìquê tôi còn được tạo hóa dệt thêu cả một hệ thống sông ngòi giăng dày như tơ nhện. Ấy nhưng, chính tạo hóa lại càng phải thầm khen cho con người Thành Sen biết cách tôn thêm vẻ đẹp núi sông nên thơ ấy, bằng việc đào con sông Cụt ngay lòng thành phố thông ra sông nước bốn bên, ba bề để tạo thành điểm nhấn hết sức hấp dẫn giữa không gian đa chiều.

Sông Cụt trăm mến ngàn thương trong thơ của cố thi sĩ Phạm Ngọc Cảnh, trong chất liệu tranh lụa của cố họa sĩ Nguyễn Phan Chánh như một vòng tay lớn kết nối lại tất thảy những dòng sông lớn nhỏ khác như sông Phủ, sông Cày, Rào Cái, Hà Hoàng… để hòa chung một con nước triều lên chát mặn tự bao đời dâng hiến! Những dòng sông đã doàng lên khúc biến tấu của bản hợp xướng Thành Sen hoành tráng vọng vang đất trời cứ bồi hồi réo rắt, mà không một thế hệ con người Thành Sen nào không thấm thía ngay từ thủa mới lọt lòng!

Trên bản đồ địa lý Việt Nam, ta có thể hình dung thấy những con sông lãng mạn đó đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn kỳ vĩ. Những dòng ngắn nhưng dốc như thể cứ muốn lao thẳng xuống biển cả, đại dương cho thỏa chí tang bồng! Thế nhưng khi hội về đến thành phố Hà Tĩnh thì mặt nước bỗng hiền hòa phẳng lặng, xanh biếc như gương trời! Và từ đó những con sóng trĩu nặng nhớ nhung bắt đầu phát ra những tín hiệu mới, nhường chỗ cho mỗi bận triều lên từ phía biển không kém phần hào phóng, mà viết lên từng trang lý lịch cho quê hương tôi cùng với từng phận số con người.

Với những tên núi, tên sông ấy, thành phố Hà Tĩnh còn được biết đến bởi một vùng đất lành nhờ sự ưu ái hết sức đặc biệt của thiên nhiên. Có lẽ quê tôi là nơi duy nhất của miền Trung khắc nghiệt được bỏ sót lại như một “ốc đảo xanh” quanh năm mát mẻ, không có gió Lào và bất cứ một cơn bão lớn nào, bởi nhờ có ngọn Rào Cỏ cao vút dưới dãy Trường Sơn án ngự cả một vùng rộng lớn ở phía Tây, và dãy núi Nam Giới nằm ngay bên cửa Sót án ngự ở phía Đông như hai bức bình phong khổng lồ che chắn tất cả.

Thành Sen với những tên núi, tên sông cùng với khí hậu cảnh quan hết sức lý tưởng như hôm nay mà thế hệ chúng ta đang tận hưởng. Phải nói rằng, ngoài máu, mồ hôi, nước mắt và bàn tay khối óc của bao lớp người đi trước, còn là kết quả vận động hàng triệu năm của vỏ trái đất. Nhưng theo “An -Tĩnh cổ lục” của Le breton, thì đến thời kỳ đệ tứ vùng đất này mới thành lục địa, biển đã lùi xa nên rất có thể ngay giai đoạn này được gọi là thời sơ kỳ đồ đá cũ (tương ứng khoảng 30 vạn năm), ở đây đã xuất hiện người nguyên thủy. Với địa hình được kiến tạo bởi phù sa núi và cát biển,cộng thêm lợi thế của ba mặt sông thông ra cửa Sót với cảnh quan hết sức phong phú, đa dạng như thế là yếu tố có tác động rất lớn đối với mọi hoặt động kinh tế, văn hóa, xã hội… của cả một vùng rộng lớn. Một địa bàn lý tưởng như vậy, rõ ràng là quá hấp dẫn cho việc dừng chân và tụ cư  của con người từ buổi sơ khai đất nước.


Đền Văn Miếu

Tuy vậy, phải đến năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831)tỉnh lị Hà Tĩnh mới bắt đầu được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt hết sức quan trọng trong quá trình lịch sử của thành phố Hà Tĩnh. Tiếp đến năm Tự Đức thứ 34 (1881) thành Hà Tĩnh bắt đầu được xây dựng, khẳng định địa thế thiết yếu trong bộ máy nhà nước phong kiến thời bấy giờ. Thành Hà Tĩnh được xây bằng gạch và đá ong theo kiểu Vô băng(vaubang) gồm 4 cửa: Tiền, Tả, Hữu, Hậu là cả một giá trị nghệ thuật với lối kiến trúc độc đáo, từng được coi như thành An Cựu - Huế thu nhỏ, nhưng rất tiếc đến nay thành đã bị phá bỏ nên chỉ còn lại trong nỗi nuối tiếc mà thôi!

Một lần nữa, đến năm Giáp Tý (1924), thời Vua Khải Định mới chính thức ban hành đạo dụ thành lập thị xã Hà Tĩnh trở thành trung tâm hành chính, tiền thân của Thành phố Hà Tĩnh ngày nay. Về mặt hành chính, lúc bấy giờ thị xã Hà Tĩnh được chia làm 8 phố, gồm: Tiền Môn, Hậu Môn, Tả Môn, Hữu Môn, Tân Giang, Nam Ngạn, Hoàn Thị, Tịnh Trung. Mỗi phố có một ngôi Đền Thành hoàng riêng để tế lễ, thờ cúng. Riêng phố Hậu Môn không có Đền Thành hoàng nhưng lại được lập Đền Đức Mẹ ngôi đền này có lối kiến trúc rất độc đáo và hầu như còn nguyên vẹn nhưng không hiểu lý do mới được đập phá vào năm 1978. Hiện nay, trong số những ngôi đền trên chỉ sót lại Đền Nam Ngạn đang tọa lạc bên mép sông Cụt thuộc phường Tân Giang. 

Tôi may mắn được sinh ra bên mép con sông Cụt, được tắm mặn cuộc đời bằng chính những con nước triều lên. Và ngay từ khi tôi bắt đầu cất tiếng khóc chào đời, cũng là lúc ông nội tôi đã viết bản tấu sớ báo với vị Thành hoàng Đền Tả Môn chứng giám sự có mặt của tôi trên thế gian này. Có lẽ cũng bởi những mối ràng buộc bí mật đó, nên tôi không muốn lý giải cho bất cứ ai đó về thắc mắc của họ, là tại sao những vùng đất của những ngôi đền, miếu cũ ở Thành Sen trước đây,bây giờ dù hoang phế nhưng trên nền đất ấy bao giờ cũng khói hương nghi ngút!

Từ một đơn vị hành chính nhỏ bé, nếu lấy điểm mốc lịch sử năm 1945 chỉ vẻn vẹn có 2,5km2 diện tích đất đai cùng với quy mô dân số mới chỉ có 4.400 người. Và cùng với 8 con phố nhỏ xuay quanh 2 bên bờ sông Cụt hiu hắt ngọn lửa  bấc lùng trên đĩa đèn dầu lạc, dầu vừng...Vậy mà trải qua 72 năm với bao biến động giữa dòng chảy thời gian, đến nay Thành phố Hà Tĩnh đã trở thành một đô thị sầm uất có16 đơn vị hành chính, gồm 10 phường và 6 xã trải đều trên diện tích: 56,55km2, cùng với quy mô dân số gần 9,7 vạn người đang hừng hực khí thế trên con đường phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2018 và đô thị loại 1 trong tầm nhìn những năm tiếp theo, xứng với những gì mà tạo hóa đã ban phát, cũng như công sức của bao thế hệ cha ông đã đổ xuống mảnh đất này. 

Không đâu xa, chỉ so với 10 năm trước thôi, thời điểm thị xã Hà Tĩnh chính thức được Chính phủ công nhận thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2007, cho đến nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã dồn hết toàn tâm, toàn lực, hồ hởi xây xựng quê hương đạt nhiều thành tịu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực Kinh tế- xã hội… đáng chú ý là hoàn thành quy hoạch chung và vùng phụ cận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; kêu gọi đầu tư hợp tác với thị trấn Langley – Canada, Quỹ đầu tư IDI, tập đoàn Vingroup, tập đoàn Kim Liên ô tô...Riêng giai đoạn 2010-2016, thành phố đã thu hút đầu tư và huy động nguồn lực xã hội hóa được 14.000 tỷ đồng. Nhiều công trình, dự án đã được triển khai xây dựng như: Trung tâm thương mại và nhà ở Vincom, Khu đô thị Bắc thành phố, Khu đô thị sông Đà, các dự án phát triển đô thị loại II (ADB)...

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh không dấu được cảm xúc cho biết: Kế hoạch phấn đấu đến năm 2020, thành phố Hà Tĩnh có cơ cấu kinh tế phát triển; thu ngân sách theo phân cấp trên địa bàn đạt trên 1.800 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng trên năm; có trên 2.000 doanh nghiệp; xây dựng 25 – 30 sản phẩm hàng hoá có thương hiệu; mỗi xã, phường có ít nhất 15 hợp tác xã, tổ hợp tác.Đặc biệt,thành phố Hà Tĩnh rất qua tâm tới việc đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, du lịch theo hướng mở,  coi đó là mũi nhọn phát triển kinh tế tăng thu ngân sách tạo việc làm cho người lao động. Trong đó, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện địa lý, cảnh quan sông, hồ, các tuyến giao thông, các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn.

Đây quả là một hướng đi đúng đắn mà thành phố Hà Tĩnh cần phải bắt tay sớm, bởi  đó cũng là tâm tư nguyện vọng thiết tha của bao lớp người quê tôi. Người quê tôi bao giờ cũng có quyền kiêu hãnh, bởi trải qua bao biến động thời gian không có một địa danh nào ở thành phố quê tôi mà không ghi đậm những dấu ấn văn hóa lịch sử nổi bật như sông Cụt, núi Nài, bến phà sông Phủ, Đền Võ Miếu, Đền Văn Miếu, Đền Đông Miếu, Chùa Cổ Lam, Đền Đức Mẹ, Nhà hát Nhân Dân, Đài tưởng niệm Liệt sĩ, Nhà thờ Quan Quận... Nhắc tới Đền Văn Miếu, sinh thời ông ngoại tôi từng kể rằng, nơi đây có một giếng nước tuy không sâu nhưng chưa bao giờ cạn dù hạn hán đến mấy. Việc tế lễ tế ở ngôi đến này thường thực hiện vào lúc nửa đêm, để khỏi con ruồi vô tình đậu lên đồ cúng là mất thiêng.

Với những giá trị văn hóa lịch sử càng thiêng liêng bao nhiêu càng tôn lên niềm tự hào của người thành phố quê tôi là thế. Vậy nhưng, chỉ trong một giai đoạn ngắn chưa đầy 30 năm lại nay, ngay thế hệ chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy cảnh tượng thành phố khai tử rất nhiều di tích có giá trị, trong đó cống cửa Hậu, một công trình hiếm hoi của thành Hà Tĩnh được xây bằng gạch thành to bản còn sót lại để xây dựng cầu bê tông mới. Hay như cho tháo dỡ giàn ra đa trên núi Nài, một chứng tích chiến tranh  gắn với lịch sử trận đầu bắn rơi máy bay Mỹ ngày 26 tháng 3 năm 1965, để thay thế vào đó một tháp nước nhưng rồi tháp nước này cũng không phát huy được tác dụng đành phải bỏ hoang. Đặc biệt, việc thành phố cho đập bỏ Nhà hát nhân dân ngoài trời, một công trình đã trở thành biểu tượng của con người Thành Sen, xuyên suốt thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ để xây dựng công trình khác nhà khiến nhiều người hết sức bất bình! Chính cố thi sĩ Phạm Ngọc Cảnh trong một dịp về thăm quê thấy vậy tỏ rất buồn và than lên rằng, vậy là “Thánh đường Hà Tĩnh” đã bị tước đoạt.

Tuy vậy, với con mắt nhìn xa trông rộng, biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đại đa số nhân dân, thế hệ lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh hiện nay đã coi việc phục hồi các di tích lịch sử văn hóa là việc làm bức thiết, không những để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của người dân, đề cao niềm tự hào của người dân, mà thông qua đó có thể phát triển Du lịch văn hóa tâm linh, tăng thu nguồn ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động. Chỉ trong vòng 5 năm lại nay thành phố Hà Tĩnh đã kêu gọi đầu tư xây dựng và tôn tạo được một số di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Trong số đó đáng chú ý nhất phải kể đến cả quần thể Khu di tích Văn hóa Đền Văn Miếu làng Đông Lỗ, phương Thạch Linh. Công trình đến nay đã đi vào giai đoạn hoàn thiện và đang đón nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ từ phía người dân.

Thành phố Hà Tĩnh với những dòng sông xanh và những con nước thủy triều mặn chát từng thấm đẫm từ trong lời ru của mẹ, là cả một kho báu vô tận hun đúc lên ý chí và tính cách riêng của con người Thành Sen quê tôi suốt dọc chiều dài lịch sử, trở thành giá trị bất biến. Bao lớp người con quê tôi đã đi qua không biết bao nhiêu sông dài và bể rộng, bao nhiêu vực thẳm và rừng sâu...Luôn dõi theo từng bước chân của họ, chở che họ chính là hồn thiêng của những con sông chát mặn thủy triều.

Dù thế nào thì người Thành Sen quê tôi từ khi sinh ra đến lúc nhắm mắt xuôi tay chẳng bao giờ có ai có thể giám nói rằng, họ đã đi hết cả đời sông. Nhưng những con sông quê tôi thì bao giờ cũng luôn đi suốt cuộc hành trình của mỗi con người, và luôn doàng lên con nước thủy triều hào phóng đón nhận những đứa con của sông nước trở về.

       N.N.V

. . . . .
Loading the player...