Kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2023), Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tùy bút “Cách mạng Tháng Tám nhìn từ hôm nay” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú
Trong những ngày thu Tháng 8 này, lòng ta ai cũng hân hoan hồ hởi đón một mùa thu cách mạng. Đã 78 năm trôi qua mà cứ ngỡ như mới hôm qua vì âm vang và hào khí thiêng liêng của những ngày lịch sử đó còn vang vọng đến hôm nay. Không chỉ những thước phim tư liệu, những ca khúc với nhịp điệu hành khúc hào hùng, những trang thơ hào sảng và đắm say lòng người mà còn qua kí ức của những người con đất Việt được tham gia, được hòa mình trong sóng người điệp trùng đứng lên dành chính quyền cách mạng. Những lớp người lớn lên sau này vẫn tiếp thu truyền thống lịch sử với bao niềm tự hào để phát huy năng lượng khí thế tinh thần của những ngày không quên ấy.
Từ hôm nay, chúng ta nhìn lại cách mạng Tháng 8 với một sự điềm tĩnh nhiều chiêm nghiệm và chiếu dọi qua sự phát triển của đất nước mới thấy tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng Tháng 8 lớn biết bao. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, một trang sử vàng chói lọi của dân tộc; là đỉnh cao thiên tài trí tuệ của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh giải phóng dân tộc; là biểu tượng sức mạng tổng hợp của mọi tầng lớp nhân dân vì mục tiêu: độc lập tự do, đó chính là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta. Một đất nước hình chữ S lưng dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ hướng mặt ra biển đông cuộn sóng. Một đất nước mà nhà thơ Nam Hà đã ca ngợi trong bài thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi!” đó là: “Đất nước của thi ca - Của bốn mùa hoa nở - Đọc câu Kiều tưởng câu hát dân gian - Nghe xôn xao trong gió nội mây ngàn”. Một đất nước với bao khí phách anh hùng nhưng lại rất mềm mại sáng trong mà nhà thơ Huy Cận đã đúc kết thành một tượng đài vĩnh cửu: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững - Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa - Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng - Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”. Một đất nước mà các vỹ nhân, các vị anh hùng dân tộc là những người mang tâm hồn thơ, là những nhà thơ. Đó là Lý Thường Kiệt với bài thơ Thần bất hủ, là Trần Hưng Đạo với “Hịch tướng sỹ”, là Nguyễn Trãi với “Bình ngô đại cáo”. Và đặc biệt Bác Hồ kính yêu đã chúc tết bằng thơ đã biến những dự cảm, những quyết tâm chiến lược thành những câu thơ dễ nhớ, dễ thuộc. Và trong phút cao hứng đang bàn việc cách mạng trọng đại ngày Nguyên tiêu rằm xuân trên sông Đáy, Bác vẫn cảm nhận: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” con thuyền cách mạng hay lúc lắng sâu những suy nghĩ về vận mạnh đất nước trong lòng Bác vẫn lạc quan: “Bỗng nghe vần thắng vút lên cao”. Vần “thắng” của cuộc cách mạng Tháng 8 đó chính là sự khơi dậy và phát huy chủ nghĩa yêu nước trên cơ sở đó xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp Nhân dân để thực hiện yêu cầu cấp bách cuộc cách mạng là giải phóng dân tộc dành độc lập tự do cho Tổ quốc. Đó là tầm nhìn chiến lược lâu dài của Bác Hồ và Đảng ta đã cũng cố căn cứ địa xây dựng lực lượng cách mạng (bao gồm cả chính trị và vũ trang) chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Đó là nắm chắc thời thế, thời cơ, thời điểm khi ra chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Và nhớ sao hình ảnh Bác Hồ từ đầu tháng 4/1945 từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tuyên Quang chọn Tân Trào để đại hội quốc dân vào sáng ngày 16/08/1945 thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh” và “Lệnh tổng khởi nghĩa”, thành lập Ủy ban Giải phóng Trung ương tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm chủ tịch. Bác ơi! Làm sao quên được lời Bác dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc ốm nặng mà cao trào cách mạng sắp đến gần: “Dù có phải đốt chảy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập”. Ngay từ trong bài ca Bác viết để tuyên truyền cách mạng trước đó mấy năm Người đã tiên tri dự báo: “45, sự nghiệp hoàn thành”. Năm 1945 ngày ấy đã làm 2 triệu đồng bào ta bị nạn đói cướp đi. “Tức nước vỡ bờ” chỉ chờ thời cơ cách mạng, vì thế Bác đã chỉ rõ: “Giờ quyết định vận mệnh của dân tộc ta đã đến, toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Hình ảnh những ngày Tháng Tám lịch sử ở Hà Nội... (Ảnh: hochiminh.vn)
Có thể nói cuộc cách mạng Tháng 8 như vũ bão đã thể hiện sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam có từ ngàn đời, là sự phát huy cao độ nghệ thuật cách mạng đã được tích lũy qua bao cuộc chiến chống xâm lăng, là “cẩm nang” báu vật tinh thần thành nguồn năng lượng lớn - Năng lượng của cả trầm tích văn hóa nước Việt. Cách mạng Tháng 8 không chỉ dừng ở việc dành chính quyền mà còn thay đổi sâu sắc cả cơ tầng xã hội, khi sinh ra những còn người mới, xã hội mới. Âm vang dòng người cuộn chảy vùng lên cướp chính quyền cũng chính là âm hưởng của bài hát “Mười chín Tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh đã viết ngay trong ngày sôi nổi cướp chính quyền với bao đắm say tự hào phấn chấn: “Mười chín Tháng Tám, ánh sao tự do đem tới - Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng - Máu pha tươi hồng trên lá cờ đi khắp chốn giang sơn - Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề”. Có thể nói tinh thần của cách mạng Tháng 8 vẫn chiếu sáng đến hôm nay là nguồn cảm hứng cộng hưởng trong các phong trào thi đua yêu nước trong mỗi con người Việt Nam với lòng tự hào dân tộc. Một dân tộc đã vươn vai đứng dậy như Phù Đổng lập nên bao kỳ tích thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ xây dựng “Đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như di nguyện mong muốn của Bác Hồ.
Trở lại Thủ đô Hà Nội những ngày này đứng trước quảng trường nhà hát lớn nắng vàng ngọt mật ong, dưới những tán cây xanh xòe rộng chấp chới bao con mắt lá, ta lại hồi tưởng 78 năm trước hàng chục vạn người đã tụ tập về đây ngày 19/08 vào 10 giờ rưỡi cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng được diễn ra đại diện Việt Nam tuyên bố: tổng khởi nghĩa! Lưu giữ kí ức chính là lưu giữ tâm hồn, lưu giữ sức mạnh tinh thần, sức mạnh văn hóa. Thời gian sẽ qua đi nhưng ký ức lịch sử, tinh thần cách mạnh Tháng 8 vẫn còn sống mãi với bao hào khí thiêng liêng với bao niềm tự hào dân tộc.
Hà Tĩnh, Ngày 15 tháng 08 năm 2023
N.N.P