14-08-2017 - 21:51

Cái sự đời...

Tạp chí Hồng Lĩnh số 132 tháng 8 giới thiệu tác phẩm "Cái sự đời..." trích tiểu thuyết của tác giả Trần Hậu Thịnh

…Một đêm vui vầy hạnh phúc trong mái nhà đơn sơ của một miền quê yên mạc. Dù càn khôn có quây trở thế nào. Dù tham vọng ai đó có thể vô tình hủy hoại môi trường sống, thì đất này mãi rộng lòng che chở cho những kiếp người lem lúa cùng những nếp nhà bình dị cổ xưa. Thế mới biết muôn loài ở giữa, trời đất kẹp hai bên. Trời có mắt của trời. Đất có chín tầng địa ngục.

Ngấm chút rượu, hắn rửa ráy qua loa rồi chui vào giường thả màn. Một giấc ngủ ngon lành đến với hắn.

Nghe chồng gáy khò khò, chị bực bội đến nhém màn rồi lẩm bẩm “chắc từ hôm nay bố mày không thèm nghĩ tới chuyện viết lách, bút giấy gì nữa”. Tuy vậy trên giá sách vẫn còn mấy cuốn nhàu nát và một tập bản thảo thơ nằm yên trên ấy. Mấy lần chị muốn hỏi cụ bạn làm thơ hay tuế tóa ấy dạo này đi đâu. Nhưng lại nghĩ tới chuyện vô duyên dễ mà xoọc vào riêng tư của các ngài, chị lại thôi. Chính chị cũng đã từng xót xa, khi có lần nghe chồng bảo “từ nay nhà ta có thể dẹp bỏ cái giá sách này để lấy chỗ đặt cái tủ thuốc gia đình”.

Đêm sâu yên tĩnh đến dịu dàng. Bóng trăng dát vàng in bóng mấy ngọn cau gầy rạc nghiêng xuống góc sân. Một luồng gió ùa vào, chị nghe mùi thơm thoang thoảng của hoa lộc vừng trườn qua khe cửa.

Sáng nay từ giường bật dậy, hắn thấy vợ đang mãi mê chăm chắm chúi đầu chăm chắm nhìn vào vại nước. Chị sung sướng đến đắm đuối khi nhìn thấy bầy cá dày đặc, như tàu lượn đang cuồn cuộn dưới làn nước dập dờn. Thấy chồng, chị tỏ vẻ dận hờn: “này tối qua ăn xong chạch rán, ngấm cả rượu ngon là kéo khò khò, không thèm để ý đến ai. Người gì mà. Từ nay soi vể mẹ không bao giờ rán cho bố uống nữa đâu. Vừa tốn công lại mất thời gian. Thế mà mồm thiên hạ bảo, chạch đất là thần dược của đàn ông. Ăn xong trườn cả xóm”.

Hắn véo vào vai vợ: Thong thả hả. Ăn xong phải chờ thần dược ngấm nghía đã chứ.

Thấy hai con đã đến trường, hắn vội vã định dắt vợ vào buồng, chốt trong và kéo ri đô… nhưng chị than thở, bây giờ mẹ phải thay nước mới cho lũ cá, chết con nào thiệt con nấy. Tối nay ta ngủ sớm hơn các con được không. Chị nhìn chồng cười tủm tỉm má ửng hồng và đi ra bể nước.

Hắn cười nói: Nhất định rồi, tối nay vợ chồng mình ngủ sớm.

Dứt lời hắn chạy ra dòng kênh trước làng xách vào hai xô nước để thay đổi môi sinh cho đàn cá. Bỗng hắn giật mình một con mèo mướp nhà ai tới ăn vụng sa chân nổi tềnh phềnh trên mặt nước. Lúc đầu hắn định vứt con mèo xấu số ra ngoài mương, như mọi người từng vất gà, vất vịt chết vậy, rồi mặc xác nó trôi về đâu, hay tiêu hủy thế nào thì tùy. Nhưng sau một lúc chần chừ thấy cây chuối tiêu cuối vườn đã nhú bắp, hắn quyết định đào một cái hố dưới gốc rồi tấp xác con mèo xuống dưới đó. Hắn hy vọng ít tháng sau sẽ có một buồng chuối quả béo bự lắm đây. Xong việc, hắn vớt mấy con diếc bơi ngửa vật vờ bỏ vào rổ và hái thêm mấy quả ớt cay chỉ thiên để khi nấu khử bớt mùi tanh. Thế là hôm nay cả nhà không phải chợ búa gì cả. Trời sinh trời dưỡng, ăn thế mà mọi người đều vô bệnh. Nhà không đốt tiền âm phủ, chẳng mời thầy mo tới giải hạn Kim Lâu hay bài trừ Thái Bạch, cũng không đổ gạo đổ muối ra đường ra ngõ để báo oán cho các linh hồn thất lạc, mà hai con vẫn lớn sồn sồn, tiếng cười vui thâu đêm suốt sáng.


Minh họa: PHÚ NAM

Tuy vậy khi thấy hai con đã lớn, hắn cũng có phần lo lắng. Làm cha không lo được tương lai cho con cái là người cha có lỗi. Nhưng phương án nào, lực bất tòng tâm, đường đời xui xẻo, biết làm sao.

Tương lai hai con rồi sẽ đi về đâu hay lại tiếp tục cái nghề săn bắt cá cạn, rồi lủi thủi ngoài đồng ngày này qua đêm khác để thêu dệt bản anh hùng ca của những con người quần thâm áo gụ, cùng những niềm mơ ước mong manh. Người sinh nở, đất chẳng sinh sôi, gia bần trí đoãn rồi lại loay hoay như vòng mây nuộc lạt bên vành nia miệng thúng. Nhiều đêm hắn cũng đã tâm sự với hai con “thà làm một việc gì đó trong xã hội này hoặc chí ít là một nông dân nghèo, đội nắng dầm mưa như bố mẹ, chứ không đi làm thuê cho ngoại quốc, hèn hạ và nhục nhã lắm. Sách đã dẫn, đất nước mình rừng vàng biển bạc, ruộng đồng phì nhiêu, tài nguyên đầy ắp phong phú, cớ gì bỏ quê hương đi làm cái khiếp trâu ngựa xứ người. Người Việt Nam mình giàu lòng nhân ái, có truyền thống là lành đùm lá rách, sang bên kia nhỡ thất cơ lỡ bước lấy lá đâu mà đùm.

Cuộc sống thanh bần nơi thôn giã, lắm khi hắn cũng tự động viên an ủi số phận của cuộc đời. Cũng có lần hắn bực bội khi nghe thiên hạ kháo nhau: “Các sếp trên phố không ít vị có đến hai ba cái nhà mấy gác”.

Hắn ngẫm một hồi rồi lắc đầu cười: Họ ở sao cho hết nhỉ, thuê quản gia, thuê người quét dọn cũng phải tốn công dòm ngó. Mà đời người ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu. Đời cua, cua ngoáy, đời cáy, cáy đào. Cha lo hết phần con dễ dẫn đến cảnh đổ đốn về sau.

Đó chẳng qua là sự suy diễn của kẻ bất lực yếu thế, chứ ở đời ai chẳng tham giàu. Nghèo là hèn chứ có gì mà hãnh diện. Làm cha mẹ ai chẳng muốn con mình thành đạt để sung sướng hơn con cái thiên hạ. Nghĩ đến đây hắn phục thằng Đạt mít rất nhiều, phục sát đất.

Sáng nay, hắn đang còn trong giấc ngủ say sưa thì nghe tiếng vợ gọi: “Bố ơi, dậy giúp mẹ với, đợt này e trúng to, chắc được vài chục ký. Bố tranh thủ chở mẹ lên cho nhanh, chứ “gà đồng” để ươn mất giá lắm. Lên chợ bán xong ta đi ăn phở gia truyền Nam Định nghe mọi người bảo ngon lắm. Năm ngoái mẹ mấy lần làm thuê trên phố định liều vào thưởng thức xem thế nào, nhưng chưa có dịp. Hay là bán xong ta đi ăn cháo lươn. Nói là trong nhà làm ra, nhưng đã bao giờ nấu cháo lươn ăn đâu!”

Hắn lúc lắc cái đầu: Lươn nó khỏe, sống dai dẳng như thuồng luồng, có chịu chết cho đâu mà đòi cháo với lao. Mẹ mày là dạng cứt sắt với bố con tôi rồi đấy.

Dứt lời hắn dắt xe máy ra sân khởi động. Nghe xe nổ giòn giã, không kịp ăn sáng, hai vợ chồng vừa ù ra khỏi ngõ thì khốn nạn thay, một cái gai căng lồ, nhọn hoắt như răng bừa đâm vào lốp.

Hắn bực bội và ngán ngẩm: Giờ đẩy ra quán cuối làng thì ít nhất mất tiếng đồng hồ, lại phải quỵ lụy tay chủ tiệm cũng khổ. Mà cái thằng thợ này tính tình chẳng giống ai cũng sớm nắng chiều mưa, dạo này nghe bảo sợ bẩn tay đang sa đà vào cờ bạc, đỏ đen, nhiều đêm thức đến ba giờ sáng, biết nó có dậy vá hay không. Hôm trước nó có bảo đánh bạc nhanh có tiền mặt hơn sửa xe, lại sạch sẻ lịch sự con người.

Hắn tần ngần thì nghe vợ xuýt xoa: Cá khỏi nước, kiểu này nguy to rồi bố ơi.

Mặc dầu tâm trạng xốn xang, nhưng hắn nhẹ nhàng trấn an vợ, bây giờ mẹ chịu khó đưa hàng xuống, để bố sang trưởng thôn Bình mượn cái Suzuky để nhanh lên kịp.

Trưởng thôn Bính cũng dạng cứt sắt, xưa nay chẳng ai trong làng sén gả được một cắc, chỉ có mẹo vặt, khôn lõi không ai bằng. Mấy sào ruộng nục nạc gần mương dễ lấy nước, khỏi lo chuột bọ thì chia cho người thân. Đã thế chưa lúc nào Chủ tịch xã có công buổi mà gã vắng mặt. Tuy không dám nói ra, nhưng trong làng Đại Náo này, Bính ngán ngẫm nhất vẫn là cái mặt thằng Triệu. Bởi loại người ấy khó mà gạt được. Mỗi khi bầu bán hoặc lệ phí xóm, hoặc bịa ra các chính sách mập mờ thì Bình không qua được cái đầu ma ranh của hắn. Dù sao thì hắn cũng là kẻ sĩ trong làng, loại ma xó ấy đi guốc trong bụng thiên hạ nhưng nhiều lúc lại nghễnh ngãng bợm khờ. Chuyện to nhỏ từ ủy ban đến xóm làng chưa ai hay nhưng nó đã biết thục mung múc, thành phần ấy khó mà thu phục lắm. Lơ mơ nó tương cho một bài thì nhục cả đời.

Cũng biết rằng, mượn được xe máy của Bính, không phải là dễ như mượn ngô mượn sắn, hoặc mượn bò thụ tinh, nhưng vì Bính gần nhà mà việc lại không thể chậm trễ, thấp trời thì phải đi còng, nên hắn đành mạnh dạn đi sang.

Mới tinh sương, gà chưa cõng con đi đái, cớ sao Triệu lại sang mượn xe? Lúc đầu Bính từ chối đay đảy: “Sáng nay xã họp hội đồng kết hợp việc bình xét hộ nghèo cho chú mượn tôi đi bộ chăng”. Nhưng nấn ná suy nghĩ một chốc, Bính chợt nhớ ra, Triệu là kẻ sĩ, là nhà báo tự do. Trong khi mình đang có ý định đánh bật tay địa chính xã sang làm công tác đoàn thể, để từng bước cơ cấu vào hội đồng, rồi tuần tự từng nấc thang. Một khi có chủ tịch là người thân mình phải tranh thủ thời co này. Muốn lên cao, thì bàn chân phải đạp thật chắc vào nấc thang đầu tiên và hai tay phải có choái vịn.

Nghĩ vậy Bính trở giọng thớ lợ: Chú cứ lấy xe mà đi, công lênh cả nhà thức khuya dậy sớm đừng để nó ươn mất, xăng tôi đổ đầy bình rồi. Biển dãy chết là cơ hội cho dân làng làm ăn đấy chú ạ.

Hắn vui vẻ dắt xe ra sân. Bính lẻo đẻo theo sau nói “tôi có chút việc con con, trưa chú về, anh em mình bàn bạc sau”. Vừa nói Bình vừa dúi vào tay hắn chùm chìa khóa lẻng xẻng có đến gần chục cái: Chú đi cẩn thận. Giấy tờ tôi để trong cốp. Mà chú có bằng lái chứ.

Hắn gật đầu: Vâng!

Bính nói hùa theo: Mình thấy dân ta có ai học lái đâu, chỉ thấy học lót thôi à.

Triệu loắp boắp: Anh yên tâm, công an tuýt còi tôi thì nhiều nhưng chưa anh nào phạt được tôi cả.

Dứt lời hắn rút cái thẻ cộng tác viên báo ra cho Bính xem. Đối với hắn, miếng giấy này đã đủ làm chứng chỉ để thông hành trên mọi nẻo đường gần xa.

Thấy chồng dắt xe về, chị mừng khôn xiết - Bố giỏi lắm mới mượn được xe gã đấy. Không biết có chiêu gì không. Vừa nói hai tay hai làn chị léo mẩy ngồi lên. Một bên đựng chạch, lươn và rắn nước, làn bên kia đựng cá và cua đồng. Tiếng loạc soạc của cái bao bóng lót trong giỏ nhựa nghe đến hỗn độn, hình như lũ “gà đồng” đang bị nhồi nhít quá ngột ngạt, chúng cố tìm một chỗ thoáng hơn để trút hơi thở cuối cùng trước khi đưa lên phố hóa kiếp. Cái làn nhựa có lúc phình to ra, bọng nhớt nhầy nhụa chảy lóc róc tanh đến là ngầy. Hắn chẳng nghe mùi gì, chỉ nhìn thấy tương lai phía trước là những đồng tiền sau bao đêm mất ngủ, và giải gió dầm sương ngoài đồng.

Nhưng rồi dần dần đồng quê càng dày đặc những ánh đèn soi. Còn đâu cái tổ thia cờ sủi bọt trắng xóa trong dấu chân trâu hay hình bóng mấy cô mụ trằn ngày đêm xoay vần bên gốc rạ, hoặc những cái ổ nà niệng tú ụ bám bên gọng cỏ non. Thỉnh thoảng từ đâu xuất hiện vài con cò run rẩy mò mẫm một chốc lại giật thót nẩy mình cụt bay đi. Mặt đất này như càng lạnh lẻo hơn bởi tiếng sung hơi cheo chéo khắp nơi còn đâu những cánh chim lai vãng.

Tâm trạng hắn đang miên man như lạc vào miền hoang tưởng thì nghe vợ dục: Nhanh lên chút có được không. Trưa chợ, chết con nào là thiệt con ấy.

Hắn vù tăng ga. Xe lên tới quốc lộ một từ lúc nào không rõ. Rồi bất thần xuất hiện một công an đeo quân hàm trung sĩ, tay cầm cái gậy vằn vện, như con rắn cạp nong cụt đầu đưa lên. Giơ tay chào kính cẩn trung sĩ nói: “Anh cho xem giấy tờ. Anh đã đi quá tốc độ”...

T.H.T

. . . . .
Loading the player...