19-06-2023 - 01:13

Cảm nhận từ một trại sáng tác

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Cảm nhận từ một trại sáng tác” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hướng

Đã thành thông lệ, cứ khoảng 2 năm, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học, nghệ thuật (Bộ VHTT- DL) lại tạo điều kiện để các Hội văn học nghệ thuật địa phương cử hội viên tham gia Trại sáng tác. Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, Đoàn văn nghệ sĩ Hà Tĩnh đã có cơ hội đến Vĩnh Phúc phối hợp với Nhà sáng tác Đại Lải tổ chức Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2023.

Trại sáng tác lần này, gồm 15 thành viên, thuộc các chuyên ngành Văn xuôi, Thơ, Nhiếp ảnh và Mỹ thuật. Đại Lải là nhà sáng tác được thành lập sớm nhất (năm 1978) so với 6 nhà sáng tác khác thuộc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, gồm Tam Đảo, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Đà Nẵng và Cần Thơ. Với một không gian rộng rãi, nằm bên hồ Đại Lải thơ mông rất phù hợp cho văn nghệ sĩ cả nước đến sáng tác, nghiên cứu, nghỉ dưỡng. Được bố trí phòng ở hợp lý, cùng với tinh thần phục vụ chu đáo, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, công nhân viên - Nhà sáng tác Đại Lải đã sớm trở thành mái nhà chung, để mọi người yên tâm hoàn thành nhiệm vụ sáng tạo.

Ngay trong buổi chiều của ngày khai mạc, Đoàn đã tổ chức đi tàu sang thăm Đảo Ngọc - nằm ngay giữa lòng hồ Đại Lải - một không gian khoáng đạt bao la, khí hậu trong lành. Từ đây có thể ngắm nhìn được đỉnh núi Thằn Lằn và dãy núi Tam Đảo trong mây mù huyền ảo. Mênh mang giữa biển hồ Đại Lải, nhà thơ Lê Văn Vỵ đã có những phát hiện liên tưởng thú vị: “Chẳng có Mỹ nhân nào thách thức, Tôi đâu phải vị hôn phu? Đại Lãi ơi! Huyền thoại sương nù, Trăm năm, ngàn năm, Đi tìm hạt ngọc…” (Ngọc). Còn nhớ, lần tôi chở Nhà giáo Trần Đăng Đàn bằng xe máy từ làng Gốm Hương Canh trở về Nhà sáng tác. Khi đi qua hồ Đại Lải, ông yêu cầu tôi dừng xe với lời nói vội: “Chờ mình một tí”. Sau chừng mấy phút, ông quay lại, vui mừng nói “Vừa chụp được dãy núi Thằn Lằn, hiếm khi có được dịp này”… để sau này Trần Đăng Đàn kể Huyền thoại núi Thằn Lằn bằng một tâm hồn không có tuổi: “Đêm nay mình giữa ốc đảo bình yên. Em chẳng về trời anh cũng không hóa đá. Lặn vào mắt em trăng khuya huyền diệu quá. Anh đã tìm được ngọc rồng trước lúc bình minh!”. Trở lại Đại Lải đúng vào dịp tháng tư, Võ Chinh đã có những ý thơ khá ấn tượng: “Tháng tư em có về không. Hồ trong vẫn đợi lối xưa vẫn chờ. Con thuyền neo giữa mộng mơ. Bao nhiêu sóng vỗ đôi bờ vẫn cong” (Chờ). Từ  những ám ảnh của những ngày nào, khi thăm lại nơi đây Nguyễn Tất Thủy đã chia sẻ: “Đại Lải chiều tà vắng bóng mây. Ngổn ngang trăm mối những vơi đầy. Vẫn hồ nước cũ tình không cũ. Chỉ em là khác với em xưa” (Đại Lải ngày trở lại). Trước khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, các tay máy say sưa tác nghiệp và đã có được những góc nhìn riêng về Đảo Ngọc cả những hình ảnh khá sinh động của các nữ vận động viên đua thuyền dọc theo hồ Đại Lải khi hoàng hôn buông dần ở phía xa. 

Với văn nghệ sĩ, mỗi chuyến tham quan, trải nghiệm là một đợt sáng tác mới. Tam Đảo là điểm đến hấp dẫn của vùng đất Vĩnh Phúc cũng đã để lại nhiều cảm xúc cho các trại viên lần này. Bằng tâm hồn thi sĩ giàu tính phát hiện của một người có nhiều năm gắn bó với nghề báo, Vũ Thìn đã có được cách gợi để ai đó cùng nhớ từ Cầu Mây, Thác Bạc, Cổng Trời… đến Trúc Lâm Thiền Viện để rồi như người “mắc nợ” trước đất, người nơi đây: “Tam Đảo ơi, mai về rồi lại nhớ. Điệu khèn em, réo rắt buổi giã từ. Tam Đảo ơi ta thành người mắc nợ. Em chưa về, vẫn còn đợi, đấy ư” (Nhớ Tam Đảo). Từ nhừng hình ảnh đặc trưng: mây, núi, cây, sương, thác, và bằng sự rung cảm rất tinh tế, Mai Hoa đã “chạm” được hồn cốt của thiên nhiên nơi đây - một sự hóa thân - cái tình của thi sĩ trong một không gian đêm Tam Đảo. “Anh chạm vào sương… Chạm ngực núi. Căng đầy hạnh phúc!... Đêm chạm vào nhau. Nhú hạt sương khuya. Gập gềnh thác nhớ! Sương tan vào nhịp thở, Anh tan vào môi em”. (Chạm). Bằng những góc nhìn có chiều sâu không gian của ảnh phong cảnh, Minh Lý đã có những khoảnh khắc về cảnh sắc và con người nơi đây bằng bộ ảnh khá ấn tượng: “Tam Đảo – xứ sở sương mù”“Sân golf Tam Đảo”. Lựa chọn góc độ, thời điểm bấm máy hợp lý, Văn Bảy đã níu giữ được ngươi xem bằng khoảnh khắc “Mưu sinh” chính là những cố gắng của người nông dân nơi đây phải bươn chải bằng những ôm cua vượt dốc khá ấn tượng. Quang Diện có khá nhiều ảnh phong cảnh Tam Đảo được anh tác nghiệp bằng Flycam: “Đường đến cổng trời Tam Đảo”; “Một góc quán Gió Tam Đảo”… là những cố gắng đáng quý của anh có được trong chuyến trải nghiệm.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Quảng trường Tam Đảo

Không có được thuận lợi để cùng mọi người trải nghiệm, Lê Quang Lĩnh – thành viên ít tuổi nhất đoàn lại có cách cảm nhận riêng về nơi đây bằng tư duy, nhiều đam mê của một tâm hồn Họa sĩ. Thỉnh thoảng trong những giờ cơm, hoặc khi mọi người sôi nổi trao đổi, tôi thấy Lĩnh rất chăm chú lắng nghe, đồng cảm. Tôi tìm được cảm xúc đó trong tác phẩm của Lĩnh. Ở một góc phòng được bố trí cho hai người, ngay sát giường của mình, Lĩnh bày la liệt các hộp sơn cùng với nhiều loại bút vẽ. “Em thường vẽ vào lúc trưa và buổi tối, khi đó vắng vẻ và yên tĩnh”. Lĩnh nói với tôi như vậy. Mới hơn nửa thời gian dự trại, anh đã có được 4 tác phẩm kích cở (60 x 90)cm bằng chất liệu Sơn Acrylic. Lĩnh nói thêm: “Ngày tổng kết Trại em sẽ cố gắng hoàn thành 6 tác phẩm để báo cáo với Nhà sáng tác”. Chưa  bàn đến chất lượng về chuyên môn của tác phẩm, song với số lượng 6 tác phẩm có được của một Họa sĩ khuyết tật đã làm cho chúng tôi thêm sự quý mến, cảm phục trước tinh thần lao động sáng tạo đầy trách nhiệm của một thành viên dự Trại…

Không tự bằng lòng với những khuôn hình có đươc qua các chuyến trải nghiệm, các thành viên ảnh phấn đấu đến được vài địa danh ở các tỉnh Hà Giang, Phú Thọ để thực tế sáng tác. Thế nhưng, thời tiết trong những ngày đó không thuận lợi, nên phải tìm đến các làng nghề truyền thống để tác nghiệp. Được các đồng nghiệp chỉ dẫn, tôi đã 3 lần cùng Nhà thơ Lê Văn Vị đến thăm xưởng gốm của nghệ nhân Lê Hồng Quang ở làng gốm Hương Canh, cách nhà sáng tác Đại Lải hơn 20km. Làng Gốm Hương Canh đã hơn 300 năm tuổi, có nguồn tài nguyên đất sét xanh đặc biệt, nhiều nghệ nhân tài hoa nặn vuốt gốm bằng tay. Là dòng gốm mộc, không có men, đã làm nên cái đặc biệt của gốm Hương Canh. Tôi thật sự bất ngờ trước sự nặng lòng của Nhà thơ Lê Văn Vỵ với đất – người nơi đây và anh đã cháy hết mình qua bút ký “Ai về mua vại Hương Canh”. Được chứng kiến các nghệ nhân sơ chế đất, tạo hình, chạm khắc lên gốm và cả ánh mắt trẻ thơ –  của một “nghệ nhân tương lai” đang nghịch đất sét ở một góc xưởng… Tất cả đã truyền cảm hứng giúp tôi kể chuyện làng gốm này bằng những khoảnh khắc: “Đường gốm”,“Chung nhịp”, “Bàn tay vàng”.“Nối nghiệp”, “Mắt gốm”… được kết nối bằng bộ ảnh “Làng gốm Hương Canh – một góc nhìn”.

Với 49 tác phẩm, trong đó có 03 truyện ngắn; 01 bút ký; 35 bài thơ; 6 tác phẩm Mỹ thuật và 5 chùm ảnh là một cố gắng lớn của các thành viên có được sau gần 2 tuần tham dự trại sáng tác. Ai cũng vui vẻ và có nhiều đồng cảm khi Lễ Tổng kết Trại đã trở thành buổi sinh hoạt chuyên môn có nhiều ý nghĩa. Ông Phan Thanh Bình – Giám đốc Nhà sáng tác Đại Lải đã phấn khởi ghi nhận trước nhiều cố gắng, thành quả sáng tạo; sự chuẩn bị chu đáo về phần trưng bày các tác phẩm Mỹ thuât và Nhiếp ảnh; nhất là sự quan tâm đùm bọc lẫn nhau với nhiều nghĩa tình của Đoàn Hà Tĩnh trong thời gian mở trại. Sự động viên đáng quý đó cùng với tình cảm của khá nhiều văn nghệ sĩ, báo chí ở Vĩnh Phúc đến thăm hỏi, giao lưu… đã giúp chúng tôi hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Thêm những kỷ niệm đẹp, tư liệu quý, góp thêm hành trang sáng tạo cho mỗi người. Niềm vui lại trọn vẹn hơn khi Họa sĩ Lê Quang Lĩnh vui vẻ báo tin: “Em vừa bán được bức tranh Một góc hoàng hôn Đại Lải…”.

                                                                           Đại Lải, tháng 4 năm 2023

                                                                                      T.H

. . . . .
Loading the player...