08-06-2024 - 00:35

Cảm thức nhân văn và ý nghĩa văn hóa trong một bài thơ viết về Nguyễn Du

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Cảm thức nhân văn và ý nghĩa văn hóa trong một bài thơ viết về Nguyễn Du” của tác giả Phạm Quang Ái

Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du - Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Xưa nay, người đời dùng thơ văn để bày tỏ tấm lòng về với thi hào Nguyễn Du và những đứa con tinh thần của ông rất nhiều. Trong rừng bút mực ấy, có những tác phẩm gây xúc động lớn đối với người đọc các thế hệ như các sáng tác của Phạm Quý Thích, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tê Hanh,... Và đã có những sáng tác không chỉ gây được xúc động về mặt tình cảm mà còn làm thay đổi mạnh mẽ ý thức, thái độ ứng xử của xã hội đối với di tích của danh nhân như bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du của nhà thơ Vương Trọng. Cùng một chủ đề như bài thơ nổi tiếng nói trên của Vương Trọng, ở bài thơ Ghi ở nhà lưu niệm Nguyễn Du của nhà thơ Bùi Quang Thanh, từ một góc nhìn khác, tác giả này đã có một tứ thơ độc đáo với những suy cảm sâu sắc về di sản của danh nhân và trạng thái nhân thế hiện tồn:

Cảnh cũ còn lưu lại,

        Làm bồi hồi mai sau.

       Ngàn năm rồi gỗ tốt,

               Có cần sơn thếp đâu.

Gió từ sông vào vườn,

Quẩn quanh trên cành lá.

        Cái cũ thì hoá đá,

              Cái mới chưa ai xây.

Khói lên trời cứ bay,

Lệ nàng Kiều vẫn nhỏ,

Rượu tràn ly ngoài phố;

Mồ thi nhân thiếu hoa.

Muôn lá thông nhọn buốt,

               Ca cung đàn người xưa.

                                                  Tiên Điền, 5/1995

 Bài thơ được kết bằng một hình ảnh rất “nghịch dị”: “Muôn lá thông nhọn hoắt/ Ca cung đàn ngày xưa”. Kết nhưng không khép, mà mở ra một nỗi buồn mênh mang nhức nhối. Bài thơ nằm trong tập thơ có tên là Hạt đắng (do NXB Thanh niên ấn hành năm 1997), một tập hợp những nỗi niềm nhức nhối, những hoài niệm đắng cay của một trái tim buồn cố hữu. Để lưu ý độc giả về chủ đề tư tưởng - thẩm mỹ của tập thơ, tác giả đã viết lời đề từ rất sâu sắc ở trang bìa sau tập Hạt đắng: “Tôi nhặt lên niềm vui ai đó đã bỏ quên bên đường phố, thả vào chiếc cốc đời. Niềm vui lặn xuống đáy còn nỗi buồn tràn ra ngoài miệng cốc. Niềm vui vay mượn không hề sủi bọt trong tôi”.

Bài thơ gồm 14 dòng và có cấu trúc là lạ. Nếu căn cứ theo tổ chức vần thì có thể chia bài thơ làm bốn khổ: Ba khổ đầu mỗi khổ 4 câu, khổ cuối cùng chỉ có hai câu. Chổ độc đáo là tác giả đã tổ chức bài thơ theo liên, cứ hai dòng đi liền kề nhau tạo thành một cặp, cả bài có bảy liên ngũ ngôn gồm hai vế song hành, đăng đối với nhau khá tề chỉnh. Vốn thơ ngũ ngôn dòng ngắn nhưng dễ dài lời, thuận lợi cho việc dùng để kể trong dặm vè. Dùng nó thuần độc bạch trữ tình không khéo dễ con cà con kê. Có lẽ tác giả ý thức rõ điều đó, nên đã lựa chọn cách cấu trúc bài thơ theo liên như đã nói trên. Dường như cố tình mô phỏng cấu tứ, nên phần lớn các liên thơ đều triển khai ý nghĩa theo cách mở ra hai cửa, hai lối: hoặc tương phản nghĩa hoặc bổ sung nghĩa cho nhau. Liên thơ mở đầu cũng “thường thường bậc trung”.

Cảnh cũ còn lưu lại,

       Làm bồi hồi mai sau.

 Câu thơ có vẻ “cũ càng” nhưng nó đã tạo được cái không khí hoài cổ, điếu cổ thương kim. Nó đã gọi về trong tâm hồn người đọc những tiếng thơ u hoài khác của Tố Như:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư…

(Vườn hoa bên Tây Hồ đã thành bãi hoang cả,

   Trước cửa sổ một mình với trang sách.)                                                                                (Độc “Tiểu Thanh Ký”)

 Tưởng mở ra như thế rồi tác giả sẽ chuồi theo cảm hứng chia sẻ với người xưa. Song đến liên thơ thứ hai thì dòng cảm xúc bị chững lại:

 Ngàn năm rồi gỗ tốt,

Có cần sơn thếp đâu.

Phải chăng nhà thơ chỉ chiêm bái danh nhân? Xét về mặt chỉnh thể 4 câu này đã trọn vẹn một ý nghĩa để trở thành một bài thơ ghi vào sổ lưu niệm về thi hào. Nhưng dòng cảm xúc của tác giả lại tràn sang một hướng khác: “Độc thương nhiên nhi thế hạ” (Nghĩ lòng đau mà lệ chảy). Đột biến tứ thơ, mạch thơ bắt đầu từ đây:

Gió từ sông vào vườn,

Quẩn quanh trên cành lá.

Đây là liên thơ tả cảnh duy nhất trong bài thơ. Đọc qua ngỡ như chẳng ăn nhập vào mạch trữ tình, chỉ giống như một thứ trang điểm. Ngẫm nghĩ, mới giật mình. Hình như cái gió này ta đã gặp ở đâu rồi? À, thì ra là những cơn gió âm trong Truyện Kiều, cũng là thứ “âm phong”, “âm khí” trong Văn tế thập loại chúng sinh và từng xuất hiện nhiều trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Đây là cơn gió thổi từ mộ Đạm Tiên:

... Ào ào đổ lộc rung cây,

Ỏ trong dừng có hương bay ít nhiều.

Đè chừng ngọn gió lần theo,

Dấu dày từng nếp in rêu rành rành...

Thổi trong lời trao duyên đau đớn của Kiều:

...Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về...

Chính bằng câu thơ tả gió đó, Bùi Quang Thanh đã chuyển dịch ý thơ, giọng thơ từ trầm tư chiêm bái sang thương cảm, xót xa. Tác giả “trúng” ngay cái gió ấy và khôn xiết cảm khái:

Cái cũ thì hoá đá,

Cái mới chưa ai xây.

Liên thơ mang nhiều nghĩa. “Cái cũ” là dấu tích cuộc sống đã qua của danh nhân hay là truyền thống văn hoá dân tộc? Tương tự, “cái mới” là việc tôn tạo di tích danh nhân hay là việc xây dựng nền văn hoá mới của dân tộc? Tiếp theo là những câu thơ xát muối vào lòng người đọc:

Khói lên trời cứ bay,

Lệ nàng Kiều vẫn nhỏ

 

Rượu tràn ly ngoài phố,

Mồ thi nhân thiếu hoa

“Khói bay... rượu tràn” - người đời hoặc vô tình, hờ hững hoặc phởn phơ, hý hửng, sống gấp sống vội, lặn ngụp trong danh lợi.

Đây là những liên thơ đóng vai trò hạt nhân, tích luỹ và phát xạ năng lượng của cả bài thơ. Chỉ tiếc tác giả dùng chữ “thiếu” hơi nhẹ và hẹp nghĩa. Xét về tiền giả định và hàm nghĩa: “thiếu” nghĩa là có nhưng không đủ về số lượng và mang hàm ý trỏ người đời bạc với danh nhân. Theo thiển nghĩa của chúng tôi, dùng chữ “héo” thay cho chữ “thiếu” thì hay hơn, đắt hơn nhiều. Tiền giả định của từ này tuy không nói ít nhiều về số lượng hoa viếng như từ “thiếu” nhưng nó lại nói được cái ý là năm thì mười hoạ mới có hoa. Còn hàm ý của từ “héo” thì có thể khá phong phú và sâu sắc: được ít người quan tâm và sự quan tâm đó cũng rất hời hợt, hờ hững; hoa “héo” hay là danh nhân héo lòng, tác giả héo gan, héo ruột trước cảnh của đời người thế phũ phàng; hay là do “rượu tràn ly ngoài phố” làm bỏng héo hoa trên mồ thi hào? nếu như tác giả dùng chữ “héo” thì ý thơ mới hô ứng mạch lạc với liên kết bài thơ:

Muôn lá thông nhọn buốt,

Ca cung đàn người xưa.

Liên kết bài thơ gợi về hình tượng cung đàn bạc mệnh xưa kia nàng Kiều từng “bốn dây như khóc như than”, “bốn dây nhỏ máu như đầu ngón tay” để “khiến người trong (cuộc) cũng tan nát lòng”. Thì nay, cung đàn đó lại được tấu lên với “muôn lá thông nhọn buốt”. Từ « buốt » tác giả dùng ở chỗ này rất hay. Muôn vàn lá thông nhọn như kim trên dãy Hồng Lĩnh, nơi anh hồn thi hào đi về, có thể làm buốt da buốt thịt những ai đó. Nhưng với Bùi Quang Thanh, muôn lá thông ấy đã làm buốt gan, buốt ruột, làm rỉ máu trái tim anh. Không chỉ thế, gió thông Ngàn Hống « ca cung đàn người xưa », cung đàn lạnh buốt làm băng hoại mọi thứ của thời gian mà người thơ hậu thế hậu tình có thể nghe được khi đứng trước di tích của tiền nhân. Đó cũng là cái “nhất điểm linh đài” mà Quang Thanh có thể đạt đến trong bài thơ này.

Xưa nay thơ viết về Nguyễn Du và thế giới nghệ thuật của ông vô cùng phong phú, đặc sắc. Trong kho tàng đó, bài thơ của Bùi Quang Thanh góp một tiếng nói riêng độc đáo và sâu sắc. Nó thực sự là một trong những cái đinh để ghim tập thơ “Hạt đắng” của anh vào lòng bạn đọc.  

Phạm Quang Ái

. . . . .
Loading the player...