27-04-2019 - 06:28

Chốn quê - Một ám ảnh trong thơ Lê Quang Thắng

Tạp chí Hồng Lĩnh số 152 giới thiệu bài viết "Chốn quê - Một ám ảnh trong thơ Lê Quang Thắng" (Đọc “Miền hư ảo”, thơ Lê Quang Thắng, NXB Hội Nhà văn, 2017) của Nhà văn Đức Ban.

Mở đầu bài thơ Giữa Sài Gòn nghe dân ca xứ Nghệ, Lê Quang Thắng viết:

“Rồi một chiều chợt nhớ quê hương

Nghe em hát dân ca xứ Nghệ

Câu hát ru như một lời thủ thỉ

Đưa ta về bến bãi tuổi thơ xưa

Làn điệu quê hương giữa bộn bề bận rộn

Đất quê mình còn nghèo lắm người ơi

Sao điệu ví mượt mà nghĩa tình đến thế?

Nao nao lòng đứa con ở nơi xa...”

Suy nghĩ và tình cảm ấy xuyên suốt tập thơ Miền hư ảo.

Không ít bài trong tập thơ này viết về tình yêu, về một miền quê khác, về những chuyện khác ở nơi khác, nhưng hình tượng quê hương xuyên suốt Miền hư ảo, trở thành một bản sắc thơ Lê Quang Thắng. Là miền quê có cây cầu: “thân dừa ghép lại/ Rồi một thời tấm ván nhỏ bắc qua/ Lũ tràn chỉ còn trơ cọc nhọn/ Cây tre quê buộc lại làm cầu”. Là nơi: “Cơm nắm mo đùm túi vải em trao/ Nắng ngược lên truông, mưa xuôi về rú bể /Giữ trọn yêu thương trong câu ví đợi chờ”. Là những người thân thương: ...”Ổ rơm mẹ lót cha nằm/ Bếp than hồng thơm mùi khoai nướng/ Bàn tay cha nhăn nheo qua thời sương gió/”. Là bạn bè tuổi ấu thơ: “Bạn bè ngày ấy ai lựa chọn/ Chung màu áo lính thế là thân...”

Miền hư ảo nhưng thật phong phú những hiện thực gần gũi, sinh động gắn bó máu thịt với tác giả: Một ổ rơm “nơi mẹ sinh em thơm mùi cỏ mật/ Nước chè xanh cả xóm đến ăn mừng”, một chùm hoa chạc chìu là “Ký ức buồn vui/ Thân dây tím, hoa nhỏ màu tim tím/ Lá khô ráp một đời nắng gió/ Vẫn vương lên nơi sỏi đá khô cằn”, một bông hoa sim, hoa mua, một bãi cỏ tranh, một mùi khoai nướng... từng thao thức trong Lê Quang Thắng bao nhiêu năm trời.

Và cỏ. Lê Quang Thắng có hai câu thơ hay về cỏ. Đọc: “Vạn nẻo đường sỏi đá hóa tình quê / Chưa bước chân qua sợ đau ngọn cỏ“ đã thấy tâm trạng của anh; đến: “Bỗng ta thấy lòng mình cỏ cứa / Một mảnh quê nghèo gắn bó tuổi thơ ơi”, thì nó đã là nỗi đau thật, nỗi buồn thật, những nỗi không nguôi ngoai về một mảnh quê của anh. Người đọc sẽ xúc động cả cảm giác lẫn trực giác, sẽ lặng người khi gặp từ cỏ cứa, cỏ cứa vào lòng được bật ra từ nỗi day dứt thường trực của Lê Quang Thắng trước mảnh quê nghèo anh từng gắn bó, từng nhớ thương suốt gần cả cuộc đời. 

Cỏ xuất hiện trong thơ bao thi sỹ. Từ những câu thơ tài hoa về cỏ của Mai Văn Phấn: “Tháng ngày gương lược về đâu/ Chân trời để xõa một màu cỏ non”, đến những câu thơ về cỏ buồn của Đào Thái Phương: “Cỏ xanh buồn nỗi ngập tràn/ Thảm xanh nhuộm úa hoa vàng rụng rơi”. Thơ về cỏ của Lê Quang Thắng không tài hoa như các câu thơ trích dẫn trên, nhưng cỏ trong thơ anh riêng ra một thân phận mang tình cảm và thái độ của nó trước hiện thực quê hương nghèo khó. 

Mười bảy tuổi tốt nghiệp Phổ thông, Trường Phan Đình Phùng Hà Tĩnh, Lê Quang Thắng xung phong vào quân ngũ. Chiến tranh kết thúc anh làm sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Rồi chênh vênh, bươn bã trên con đường sinh kế ở đất Sài gòn, “nhiều va vấp, sướng vui từng đã trải”. Đấy là thời gian, Lê Quang Thắng sống “Giữa bốn bề im lặng chỉ mình tôi/ Đêm hoang vắng lòng người trống vắng... Gặm nhắm nỗi buồn độc ẩm với trăng sao” (Một mình vớí đêm).Và một mình anh với một miền nỗi nhớ cho “câu ví giận thương đưa anh về bến bãi tuổi thơ xưa”. Anh bảo, cái tình thế của thời cuộc, của bản thân và hiện thực miền quê có “nắng ngất ngây, mưa bụi bay sương mờ, có điệu ví giặm nao nao lòng”... đẩy anh cầm bút. Và rồi nỗi nhớ, tình thương yêu con người, cuộc đời trong lòng anh thành con chữ.  Những con chữ của sự chân thật, của khát khao, và cả nỗi đau của anh trong cuộc sống triền miên “Miền sỏi đá quê nhà đất chật hẹp” mà vẫn “Biết yêu thương khi gió mặn cay gừng/ Biết đứng lên trước cường quyền bạo chúa/ Lại mềm lòng nét cọ bức tranh quê.” 

Lê Quang Thắng bảo, ngôn ngữ ấy đọng đâu đấy lòng anh, từ thuở nào đấy rồi gặp người xưa cảnh cũ, gặp được phong vị quê hương giữa trời đất mà nên thơ.

Lại nói, những lần về quê Thạch Vịnh, đạp xe qua Cầu Vải Thạch Hương, Thạch Xuân, Thạch Điền, rồi chân trần leo lên đồi hoa mua, lách chân giữa vấn vít dây chạc chìu, lội giữa ruộng ngấu bùn non, trở về ngồi uống chè xanh với dân làng dưới gốc tre cạnh bờ sông Cụt nghe ví đò đưa, hát giặm mà bồi hồi mà viết. Đọc thơ Lê Quang Thắng thấy ra bao nhiêu nông nỗi của cuộc đời, nó động được vào cõi lòng người đọc.

Trong Miền hư ảo vẫn còn vài bài thơ ra đời vội vàng từ một suy nghĩ bất chợt về cuộc gặp gỡ đồng đội, bè bạn (Mưa Sài Gòn nhớ nắng, Vu vơ nhớ, Họp mặt truyền thống đồng đội cũ, Tiếng vọng đêm thơ)... thấy ra trống chỗ này, hụt hẫng chỗ kia. Lê Quang Thắng chỉ thật riêng một vùng quê, nơi chôn nhau cắt rốn của anh, nơi có những mối tình với những người con gái như “đóa quỳnh rót hương vào đêm tối”.     

    Còn chỗ này, nơi kia vậy, nhưng xuyên suốt Miền hư ảo là những chuỗi hình ảnh sinh động của miền quê nghèo khó mà nghĩa tình, thơ mộng mà kiên trung, không chỉ được mô tả mà là một sự thấu triệt cái lõi sâu xa của tình yêu, của lẽ nhân sinh. Miền hư ảo lay động thâm tâm người đọc nhờ thế... 

                                                                                          Hà Tĩnh, 2019

                                                                                                    Đ.B

 

. . . . .
Loading the player...