31-07-2023 - 00:07

Chùm tản văn của Nhà thơ Phan Quốc Bình

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu chùm tản văn của Nhà thơ Phan Quốc Bình

PHAN QUỐC BÌNH

ÂM THANH THỨC GIẤC

                                                                                                          Tản văn

Đừng tưởng, tuổi đầu đời non dại của ta, những hình ảnh, âm thanh ta nhìn thấy, nghe được sẽ mờ dần và chìm khuất theo thời gian. Nó vẫn còn đợi đấy trong tâm tưởng ta như hạt giống được gieo không thể nào rời khỏi. Rồi khi lớn lên, ra đi lập nghiệp, thời gian dắt ta đến cuối cuộc đời, những hình ảnh và âm thanh thu nhận buổi đầu đời vẫn có sức tỏa chiếu, lay động để ngộ ra cơ duyên ta có mặt trên đời.

Tuổi thơ tôi khi mới vài ba tuổi, không thể nhớ mình bịn rịn bên chân mẹ ra sao. Nhưng hình ảnh mẹ ôm tôi vào lòng, vỗ về ru, âm điệu lượn lờ buồn vẫn còn nghe đến tận bây giờ: 

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...”

“Rú ri* ai đắp mà cao

Sông dài bể rộng ai đào mà sâu...”

Tuổi thơ chưa ra khỏi lòng mẹ, chưa thấy nui, thấy sông mà cảm thụ âm thanh vô thức. Bao giờ cũng buồn, cái buồn trong trẻo ngân nga như mạch nguồn vũ trụ thiêng liêng tuôn  phát trong giọng ru của mẹ. Có phải nỗi buồn thiên nhiên tạo sinh ra thế giới muôn loài cùng chung sống, xuất hiện rồi biến mất rồi tiếp tục luân hồi? Nỗi buồn thánh thiện mênh mông lời ru của mẹ đã khai mở tâm hồn tôi thuở lọt lòng.

Cuộc đời nhiều biến động, nhiều sự kiện sao nhớ được hết. Qua thanh lọc tâm hồn, qua thanh lọc thời gian, chỉ còn lại giọng ru của mẹ - âm thanh bền bỉ sống. Nó cất lên an ủi khi ở xa quê hương, khi hoạn nạn, rủi ro. Giọng ru của mẹ liên kết mọi năng lực trời đất và hoá giải mọi khổ đau như vết sẹo lên da thân cây.

Tuổi thơ thần tiên như giấc mộng đã lùi xa. Giờ đây mẹ tôi đã bỏ lại cánh đồng về với Tiên tổ, ông bà. Mẹ nằm dưới mái núi Mồng Gà, nơi tuổi nhỏ mẹ từng chăn bò, cắt cỏ. Tôi dựng bia tưởng niệm mẹ và đắp tượng MỜI TRẦU tượng trưng con cháu luôn ở bên Người. Đã mười chín năm tôi không còn được ra chợ mua trầu về cho mẹ nữa! 

Núi Mồng Gà, cách nhà tôi chừng cây số là biểu tượng quê hương của tuổi thơ tôi. Đêm đêm xóm làng yên ắng, nhìn lên núi một  đốm lửa di động từ đông sang tây rồi đột nhiên biến mất. Người làng nói, Nguộc đi ăn đêm. Không biết Nguộc là con gì? Truyền rằng, trong lòng núi có vàng nên sinh ra Nguộc, cứ nửa đêm về sáng xuất hiện như bóng đèn đỏ mập mờ đi. Ở xa thì nhìn thấy, có người lên tận nơi chẳng thấy gì. Hình ảnh ấy thật kỳ lạ, như ngọn đèn của núi soi bước đường tôi đi từ thuở ấu thơ. 

Nơi chôn rau cắt rốn như từ trong cổ tích, trong huyền thoại đi ra với hình ảnh Nguộc đi ăn đêm trên núi Mồng Gà - ngọn đèn vàng di động từ đông sang tây lập loè ẩn  hiện, không ngờ vẫn bình yên nương náu trong tôi. 

Một đêm mùa đông cuối thế kỷ 20 ở Hà Tĩnh quê nhà, tự dưng nhớ núi Mồng Gà, nơi có mẹ cha tôi yên nghỉ, trong bài thơ VỌNG TỔ TIÊN phần kết thúc tôi viết:

“Ngọn núi Mồng Gà thuở ấu thơ đêm đêm ánh lửa lập loè như cổ tích/đến bây giờ ngọn-đuốc-tâm-hồn-tôi bập bùng cảm xúc.”

Tự nhiên núi Mồng Gà biểu hiện chân dung trong thơ với một vẻ bí ẩn và chính đốm lửa huyền thoại của nó chỉ dẫn cho cảm xúc của tôi. Phẩm chất thi ca cũng được hình thành từ thời gian, không gian địa lý thấm đẫm âm điệu lời ru của mẹ thuở nào.

Đừng tưởng, tuổi đầu đời non dại của ta, những hình ảnh, âm thanh ta nhìn thấy, nghe được sẽ mờ dần và chìm khuất theo thời gian. Nó vẫn còn đợi đấy trong tâm tưởng ta như hạt giống được gieo không thể nào rời khỏi.

______________

(*) Rú ri: núi non

 

 

Bóng làng ( ảnh Lâm Lâm) 

GỌI LÀNG

             Một cuộc cách mạng di dân lên núi đã cách xa nửa thế kỷ. Làng cũ giờ đây hoang vắng, không còn một bóng cây lưu lại trầm ngâm dưới nắng trưa hè. Tôi về quê lần theo con đường tuổi thơ hao khuyết nép mình trong cỏ dại nghe bước chân người. Lòng thương nhớ một thời sum vầy bụi tre trước ngõ kẻo kẹt kêu trong tiếng gió Lào. Bên bờ ao cây duối im lìm, chờ mùa về bày bán quả vàng mọng nước cho những chú chào mào lén lút bay về. Bỗng dào lên những năm tháng tuổi thơ bên mẹ, những năm tháng nhìn tôi. Gặp lại nền nhà xưa, chứng tích giây phút mẹ sinh tôi thời gian mở mắt.Xin cúi xuống hôn lên nắm đất có nhúm rau ngày cha tôi chôn xuống, âm vang. Hình như cuống rau được hình thành nuôi tôi từ trong bụng mẹ cũng có khả năng thu về tinh tuý tạo vật. Mảnh đất thiêng liêng nhập vào tâm hồn tôi nguyên vẹn cả bầu trời trên mái nhà tiếng vạc đi ăn đêm vỗ cánh vội vã. Nguyên vẹn tiếng cười ánh mắt của cha một sáng đầu xuân cha nhặt được quả cau rơi dưới gốc, con chim nào tiến mẹ ăn trầu. Nguyên vẹn một đêm trăng mẹ im lặng ra sau hồi nhà tóm gọn tổ chim chiền chiện như kho báu cho tôi. Gốc mít cạnh nhà bếp quả lăn lóc sát đất, sáng nào tôi cũng thăm, tay vỗ từng quả một. Nhớ một làn khói bếp nhởn nhơ chui ra trên mái rạ ẩm ướt, tiếng nổ lép bép của củi khô sao cứ thao thức mãi. 

Làng cũ bây giờ thành một vùng hoang vắng, nơi đàn bò thả rông và trẻ con chơi đùa. Nửa thế kỷ làng tôi rời khỏi mảnh đất đứng chân mang theo một thời đại đầy biến cố. Dưới tầng sâu của đất có âm bản mồ hôi nước mắt tạo dựng làng của các dòng họ từ các đời loạn lạc phiêu tán về đây. Không phải  ngẫu nhiên làng tôi có tên gọi Phi Loan, nghĩa là chim Loan đang bay. Cái tên cũng biến mất từ ngày làng đi xa mảnh đất hình chim bay trên bản đồ. Tôi biết ơn người đặt tên cho làng như một ký thác, một nhắn gửi về sau. Tôi tưởng niệm họ, những người con ưu tú của làng không biết ở thời nào. Tôi truyền đi trong không gian tâm linh tấm lòng của hậu thế với cha ông về tinh thần khai sáng đất đai. Tôi tưởng niệm gốc mưng* trên cồn Xóm Tế tỏa bóng che nhiều thế hệ đã bật gốc trong trận bão thời đại. Một vùng đã xoá hết dấu chân lịch sử, chỉ còn lại lối mòn xưa dẫn dắt tôi về trò chuyện với quá khứ, nghe lại chuyện cổ tích mẹ kể về đêm bên bếp lửa.

                                                                                                          P.Q.B

. . . . .
Loading the player...