23-03-2018 - 12:42

Chùm tản văn của tác giả Nguyễn Kim Đôi

Tạp chí Hồng Lĩnh số 139 giới thiệu chùm tản văn của tác giả Nguyễn Kim Đôi.

THÁNG BA CỦA MẸ

 

Tháng ba của mẹ là khoảng thời gian chùng lại sau những ngày tưng bừng nghỉ tết. Bao lo toan mẹ dồn hết cho cái tết. Tết qua mẹ thêm một tuổi. Tết qua mẹ thêm bao khấp khởi nổi mừng với cháu con. Hình như mẹ quên mình đi, nụ cười của người rạng rỡ. Miếng trầu của người thêm đậm. Nhưng đêm về khi tất cả lặng yên nghe tiêng ho khúc khắc của mẹ, trở mình trên nếp giường của mẹ, ta biết người khó ngủ ., Mẹ trở dậy cời thêm bếp lửa rơm vun lên bao nổi niềm rung rung bóng người trên vách tường nhà bếp …

Khấp khởi nỗi mừng với cháu con. Ảnh: H.H.Nết

Tháng ba của mẹ có ba loài hoa với ba sắc màu đặc trưng: Hoa gạo màu đỏ ối, tím là hoa xoan và trắng tinh khôi là cành hoa bưởi. Hoa gạo đỏ rực rỡ vào ban ngày, hoa bưởi hương vào đêm còn xoan thì lặng lẽ bịn rịn. Cả ba màu hoa như đan xen vào nhau, thấm vào nhau, tôn vinh nhau và mang những nỗi niềm riêng thảng thốt. Hoa gạo (Còn gọi là hoa mộc miên) mang tên một sản phẩm của  nhà nông như là khát khao, mong mỏi. Hoa nở trước khi đâm chôi lộc lá. Cây gạo thường đứng ở đầu làng ven đê, những cánh hoa như chùm chim lửa xập xòe. Hoa như là một thông điệp, một lời chào mời từ xa. Tháng ba ngày giáp hạt! Hoa xoan còn có tên gọi là “Hoa Sầu đông”. Hoa mang ngấn đốt thời gian, vỏ ngoài thì khô nỏ, ngỡ như xôm xốp nhẹ bâng mà ruột thật tươi ròng ngâm bùn ao ít khi mối mọt. Xoan dựng nhà dựng của, xoan chèo chống với cả một đời người, xoan mảnh mai đoan trang mà bền chặt. Hoa xoan li ti bịn rịn chung thuỷ tím. Hoa vừa mộc mạc lo toan, vừa ấp iu khiêm nhường, vừa mang cốt cách dịu dàng mà cũng chứa chan kiêu hãnh thầm lặng. Có chút gì buồn đơn độc không rạng ngời như hoa gạo không trở hương như hoa bưởi mà thủ thỉ biết mấy ân tình. Bất cứ vườn nhà ai ở nông thôn cũng đều vấn vương hoa bưởi, hương bưởi. Cứ lần theo hương bưởi tháng ba ta sẽ gặp dáng hình thon thả, mái tóc dài thon thả của mẹ ta, chị ta. Rồi một ngày  tóc mẹ búi cao hơn, mái tóc thưa hơn ta bỗng giật mình thon thót khi nhận ra có bao sợi bạc. Nắng mưa  đã ngấm vào một phần hương sắc của mẹ  vào da thịt mẹ ta. Hoa bưởi thì rụng bời bời mà hương bưởi thì thơm man mác. Một làn hương dịu và  trong suốt để một ngày cành trĩu nặng bao lứa quả la đà như đàn con sum vầy.

Tháng ba của của mẹ cũng là thời khắc vào lễ hội. Mẹ thong thả lên chùa với màu áo nâu như màu phù sa đồng ruộng, tay mẹ lần tràng hạt như lần những tháng ngày buồn vui qua bao lo âu đến bao hy vọng. Mẹ đi lẫn giữa bao người, có lẽ phút  giây này mẹ thanh thản nhất. Mẹ đi qua cánh đồng đang xanh màu lá mạ, những cây mạ non cắm vào rét buốt run rẩy “Đồng run chân mạ bén mình vào ta”. Tự nhiên cái chữ “bén” như là một hồi sinh một giao cảm, như một tin cậy, gửi trao. Rồi cây mạ sẽ lớn lên lúa đến thì con gái. Cây lúa  đòng đòng ra  sữa mẹ là xay  giã  giần  sàng. Chắc lép cũng từ đây. Đời mẹ có hai nơi hai cửa mà ở đó mẹ tìm thấy niềm vui phấp phỏng của mình. Ở đó mẹ được thong dong giãn đi bao nhọc nhằn vất vả. Đó là cửa chùa và cửa chợ: nơi tất bật ồn ào bán mua, nơi trang nghiêm tỉnh tại nhận cho trong nguyện cầu an lạc  trước khi vào đến cửa nhà mình…

Mẹ là người hay hát ru và lạ thay câu ru không bao giờ kể khổ trách cứ chi ai. Câu ru chỉ nói về cánh cò, cánh vạc, cây bí, câu bầu… với bao ví von nương tựa. Mẹ bây giờ không còn thắt hầu bao, mẹ bây giờ không yếm đào nón thắm. Nhưng ký ức những ngày xưa vẫn còn nguyên vẹn. Khi lá cờ đuôi nheo lễ hội được kéo lên, khi tiếng trống chèo bắt đầu thấp thỏm, khi liền chị, liền anh - Lim đang vào hội, khi câu ca bài chòi, điệu xoan, điệu ví dặm “Hỡi là người ơi!” níu chân “người ơi, người ở đừng về!” Mẹ tôi chan chứa với tháng ba. Tháng ba này là của mẹ - Mẹ ơi . .

                                                   Hà Tĩnh, ngày 28/02/2018

 

TIẾNG BIỂN

 

Ngày nhỏ, tôi thấy những bác dân chài làng tôi dáng người lực lưỡng, da dẻ đỏ au, tóc cứng rễ tre bước đi chúi về phía trước. Khi nhảy từ thuyền lên bờ họ như một con người khác hẳn. Ở dưới thuyền, trông họ nhanh nhẹn nói cười rộn ràng đúng là “ăn sóng nói gió”. Nhưng sao lên bờ với đất rộng mênh mông, không bó chân bó tay như mấy mươi mét vuông gỗ dưới thuyền hay mấy trăm sải neo “suốt đời chỉ mấy thước dây – kéo đi kéo lại mòn tay vẫn còn” thì trông họ chậm chạp hẳn. Dáng đi cũng chòng chành, nói năng cũng khó nhọc và chân tay va cái gì cũng dễ đổ vỡ. Hình như có một con người khổng lồ vô hình nào đó cứ bọc ngoài cái hạt – nhân – người biển của họ. Và đặc biệt tôi rất mê khi ngắm những dân chài thứ thiệt đó đứng kiễng chân, nheo nheo mắt, hít hà lồng ngực phồng căng đưa lên chiếc tù và bằng vỏ ốc biển – vỏ ốc còn xù xì thô rám và thổi. Chao ôi tiếng tù và, tiếng biển sao mà xoắn lòng xoắn ruột. Từng vòng sóng lan trong không gian có gì nửa vang vọng ngân xa, nửa diết da níu kéo từng hồi day dứt. Tôi ngỡ tiếng tù và đang gọi hồn biển, gọi hồn những người chết biển. . .

Cửa biển - Ảnh: Anh Đức

Không hiểu sao nhiều lúc tôi cứ bần thần ngắm những con sóng vỡ về đêm. Những con sóng lóe lên ánh lân tinh rồi chợt tắt như ngọn lửa cháy từ chân sóng. Những con sóng cứ miệt mài đổ và tan, tan thành bọt sóng để xõa vào lòng cát mịn. Và có lúc tôi có cảm giác những hạt cát li ti cũng mọc những sợi lông sóng thật mịn màng, đắm đuối tê dại ngấm vào toàn thân vào huyết mạch của đất đai. Sóng như vỗ về như dìu dặt, chạm đến bờ là chạm vào đỗ vỡ nhưng sao mà đầy cảm thông, sẻ chia không một lời oán trách để rồi tự mình, tự biết, tự rút ra xa nhường cho những con sóng tự nguyện khác vỗ bờ. Một sự dâng hiến để tan tành mà vẫn háo hức mãi mê kiếm tìm truyền đời, truyền kiếp... Con nước sinh là nhịp thủy triều lên xuống là nhịp tuần hoàn của vũ trụ, của sức hút mặt trăng. Nhưng con nước sinh cũng là lúc tôi cũng đã nhiều lần ngẩn ngơ ngắm những mắt thuyền được vẽ bằng mắt cá. Một đôi mắt cá không bao giờ chớp mi nhưng cứ sóng sánh dập dờn theo nhịp của sóng biển. Một mắt cá căng phồng, một mắt cá chỉ luồng biển, một mắt cá khát khao ước vọng. Mắt cá như là sự hiện hữu phần nào cơ thể của biển, của hồn biển để vời vợi xa, để thăm thẳm gần. Ở làng biển và trên các đảo ngoài khơi xa thỉnh thoảng ta lại bắt gặp những ngôi mộ gió. Hình nhân được nặn bằng đất sét, những đốt xương là thân cây dâu thay cho người chết biển không tìm được xác. Những hồn họ không bơ vơ vô vọng mà họ đang trở về vẫn hiện hữu trong tiếng dạt dào của rừng dương như dàn nhạc vĩ cầm. Họ vẫn ấm nồng hơi người, hơi biển trong cuồn cuộn những múi dây neo. Họ lấp lánh những mắt cá bời bời hi vọng. Họ như mới ở đâu đây ngật ngưỡng đi trong ráng chiều đỏ lịm từ một quán rượu nghèo. Tiếng họ vẫn “huầy dô…” cùng đám bạn chài đẩy con thuyền lên cạn trong ngày biển động để đốt lửa hui thuyền cho bớt đi những vỏ hàu sắc lẹm. Cho lòng thuyền nhẹ hơn nhưng lòng người lại trĩu nặng thêm bao âu lo vật vã đời thường. Họ như những vỏ ốc biển đã chết để quặn mình phát ra những âm thanh sự sống. Một sức sống run rẩy, gọi mời như đang đồng vọng ngân xa tiếng gọi trong tôi: biển ơi! biển ơi! biển ơi!...

                                                                                                   N.K.Đ

. . . . .
Loading the player...