Tác giả Nguyễn Vĩnh Truyền - Hội viên Hội VHNT tỉnh Yên Bái sinh 1957, quê xã Đức Nhân (nay là Bùi La Nhân) là sinh viên khoa Văn-ĐHSP Vinh khóa 17, nguyên giáo viên dạy Văn, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái đã nghỉ hưu năm 2017. Văn nghệ Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu một chùm thơ của anh viết về quê.
NHỚ QUÊ
Mấy hôm trời nổi bão giông
Mấy hôm con chẳng yên lòng, mẹ ơi
Bể dâu là chuyện muôn đời
Mái nhà mẹ, vẫn là nơi con về.
Quê hương qua mấy dốc đê
Làng mình vắng lặng đi về những ai?
Hút heo gió thổi giêng hai
Chông chênh mẹ gánh trên vai tuổi mình.
Con đi trong cõi nhân sinh
Tự thân lập nghiệp một mình phương xa
Được ơn tiên tổ, ông bà
Cùng lòng cha mẹ nơi xa bọc đùm.
Anh em ăn ở thủy chung
Chia nhau sướng khổ, chịu chung phận đời
Anh em con ở khắp nơi
Mẹ chừng ấy hướng suốt đời ngóng trông.
Hè về lũ lụt trắng đồng
Đông về hứng ngọn gió lồng liếp thưa
Quê hương ngày ấy đến giờ
Mang theo con, với câu thơ quặn lòng...
Tháng 6 năm 2016
NHỚ CÂU CA QUÊ TÔI
Khi xa quê, vãn hát khúc dân ca
Của quê hương, thấm gừng cay muối mặn
Có Hồng Lĩnh cây xanh, mây trắng
Có dòng La nước mát mãi xuôi dòng.
Chở nặng tình người đi hết nguồn sông
Câu dân ca quê tôi thêm dài rộng
Dệt hạnh phúc trong mỗi ngày ước vọng
Bồi đắp ân tình, hết giận rồi thương.
Lời hát mời trầu, mời rượu vấn vương
Của trai gái trong hội vui xuân tới
Hát cho xa xôi để rồi gần lại.
Người ơi đừng từ chối, kẻo lại say.
Đò dọc, đò ngang sóng sánh ngàn ngày
Dáng mềm mại, tay đưa chèo, miệng hát
Câu hát gọi người ơi, cùng thao thức
Thuyền đi rồi sẽ trở lại bến xưa.
Dẫu muôn trùng cách trở sớm trưa
Đi khắp đó đây vẫn nhất tâm đợi bạn
Ba vạn sáu ngàn ngày không quên được
Để trở về trong nồng ấm thân thương.
Câu hát muôn đời, dài rộng quê hương
Là tình yêu để neo về bến đậu
Anh yêu em nên thương thêm câu hát
Của mẹ, của bà, của năm tháng yêu nhau.
Tháng 12 năm 2018
Chiều trên sông La: Ảnh Phan Lan Hoa
NHỚ TẾT
Mỗi ngày Tết lại thêm gần
Mà sao con cứ bần thần, người ơi
Nhìn ra đếm giọt mưa rơi
Rét vào cuối chạp, trắng trời sương bay.
Ngày xưa thương mẹ cấy cày
Vụ đông cóng lạnh tay gầy bùn nâu
Gió lùa hun hút đồng sâu
Giờ thương em lại lo âu, níu mùa
Chợ cuối năm, giữa ngày mưa
Thưa người, hàng họ vẫn chưa kịp về
Bao nhiêu lối xuống triền đê
Một mình lạc lối, như mê… gió lùa
Tết đà chầm chậm nhặt thưa
Vân vi quả bí, quả dưa, quả bòng
Quanh năm rối mớ bòng bong
Nhà nghèo nên vẫn không mong gì nhiều
Cây hương trầm, tạ tổ tiên
Đĩa xôi, miếng bánh, giấy tiền thảo thơm…
Thế mà theo suốt chặng đường
Riêng con với những người thương, xa nhà
Giao thừa, lại nhớ quê ta
Trong lạnh cóng, giữa nhạt nhòa sương giăng…
Tháng chạp năm Đinh Dậu
NGÔI ĐÌNH YÊU THƯƠNG
Khi tôi lớn lên đã thấy mái đình
Thơ bé quá nên không biết nhiều ý nghĩa
Chỉ thấy rằng ngày hội làng rộn rã
Rất đông người đến đó để chung vui.
Mái đình xưa sừng sững giữa đất trời
Nơi sum họp, nơi tiễn đưa trai gái
Mái ngói thẫm dặn lòng người ở lại
Ngả nón trông đình lòng dạ xốn xang.
Đâu biết rằng kỷ vật để lại với dân làng
Là mái đình chắt chiu dựng lên từ gian khó
Những nét chạm như rồng bay phượng múa
Là tâm hồn ông cha gửi yêu thương.
Để dựng nên đình là công mỗi dân thường
Mỗi nhà nấu một bữa ăn nuôi tốp thợ
Mỗi đường xà hình nhánh rau con cá
Lòng người dân hằn nét chạm tài hoa.
Năm tháng li hương mái đình đã đi qua
Rồi chứng kiến những biến thiên thời cuộc
Từ đất Tam đồng lạc bùi mật ngọt
Đình ra đi thành di tích ở Tiên Điền.
Là sứ mệnh thôi mà sao cứ thấy buồn
Nhớ Nguyễn Du cũng là thương thân phận
Dâu bể tang điền, năm lăm năm tủi giận
Ai cũng bùi ngùi mong ngóng mái đình xa.
Khao khát đem đình về lại đất ông cha
Là trả lại đạo nghĩa nhân mà bao đời đã tạc
Để con cháu hôm nay ngọt lành chung câu hát
Người dân quê tôi vui với mái đình xưa...
13 tháng 3 năm 2020
Đình làng chợ Trổ. Ảnh: Tư liệu