25-09-2017 - 17:03

Chùm truyện ngắn Phan Thế Dũng Toàn

Tạp chí Hồng Lĩnh số 133 giới thiệu chùm truyện ngắn của tác giả Phan Thế Dũng Toàn

CHUYỆN HAI NGƯỜI

 

1. Hôm qua, từ nhà bà giáo Yến về, ông Kiên cứ ngơ ngẩn đứng ngồi không yên. Lẽ nào chuyện lại diễn ra như thế, lẽ nào…
Ông Kiên có nhà ở thành phố. Nhà cao cửa rộng. Vợ ông đang sống ở đó. Các con ông có vợ có chồng, có cửa có nhà đàng hoàng đứa ở gần bố mẹ, đứa tận thủ đô. Ai cũng tưởng ông có cuộc sống viên mãn. Những người không nằm trong chăn sao biết chăn có rận.
Ông xuất thân trong gia đình danh giá. Con đường học vấn và sự nghiệp của ông không thực hanh thông song cũng chẳng gọi là trắc trở được. Học xong phổ thông, khi bạn bè lên đường nhập ngũ, bản thân ông là con lão thành cách mạng nên được miễn nghĩa vụ quân sự. Ông ra Hà Nội học đại học rồi về thành phố nhận công tác cho đến khi nghỉ hưu. Ông làm chuyên viên ở một Sở lớn. 
Đó mới là một phần của cuộc đời ông. Cái phần còn lại ông phải đối diện thường ngày mới là điều đáng nói. Ông lấy vợ năm hai mươi lăm tuổi. Một cuộc tình sắp đặt không xuất phát từ tình yêu. Vợ ông nổi tiếng là một cô gái thông minh xinh đẹp, nhất là đôi mắt sắc như dao cau, mới hai mươi mốt tuổi vừa chớm yêu đã bị phụ tình. Điều oái oăm là thị vẫn say đắm người phụ bạc mình dù người ta đã bỏ rơi mình đi với người con gái khác. Hôm đám cưới anh ta, thị cố gặp anh ta bằng được để nói một câu: Em vẫn luôn chờ anh. Đó là chuyện sau này ông nghe kể lại. Cuộc tình duyên của ông và vợ đã được dự tính từ khi hai người còn nhỏ. Hai ông bố cùng hoạt động cách mạng với nhau, hứa gả con cho nhau. Vẻ ngoài của thị cũng làm ông choáng ngợp, nhưng ông không ưa tính tình cô ta, đúng ra là ông không chịu được cái kiểu cô ta lên giọng: Anh cũng được đấy, song trái tim tôi bị người khác đánh cắp rồi. Thẳng thắn là một ưu điểm, song thẳng thắn nói ta không yêu ngươi ngay trước ngày cưới thì không thể chấp nhận được. Kiên về nói với cha con không cưới cô ta nữa, không thể sống với người mình không hề có một chút cảm tình! Cha anh mắng: Đồ trẻ con! Tao với mẹ mày lấy nhau cũng do sắp đặt đó thôi, rồi cũng sống đến giờ. Mày chạy sang chòm xóm hỏi xem ai từng lấy nhau vì tình yêu. Tình… Cái tình là cái khỉ gió gì, hở? Anh kiên quyết: Thế thì cha tự cưới đi! Đám cưới con gia đình cách mạng, tổ chức theo kiểu mới, song đông đúc, ấm cúng.

Minh họa: NGỌC ANH

Cuộc sống hôn nhân của ông đúng là địa ngục. Vợ ông được cái xinh đẹp, còn điêu ngoa thì nổi tiếng cả khu tập thể. Bà chửi chồng con, chửi cả láng giềng. Chuyện gì của ông bà cũng đưa ra so sánh với cái gã phụ bạc kia. Những năm còn trẻ, ông còn cãi cọ với bà. Càng về sau, mỗi khi bà nói gì, ông đều im lặng, hoặc đi đâu đó ra khỏi nhà. Ông có ba đứa con. Đứa con trai đầu cù mì cục mịch ai nói gì cũng chẳng để tâm. Thằng con trai thứ hai luôn bảo vệ bố vì vậy cũng bị mẹ mắng lây. Đứa con gái út thì giống tính mẹ quá thể. Nhưng rồi các con lớn lên lần lượt ra khỏi gia đình.
Về hưu, ông trở về làng, nơi có ngôi nhà cha mẹ ông để lại. Cây cối cỏ dại mọc chắn lối đi. Mối mọt xông lên xâm chiếm đục khoét gỗ. Ông thuê thợ, thuê người về sửa chữa dọn dẹp. Hơn một tháng trời cứ đánh xe đi đi về về giữa phố và quê. Nhà sửa xong, vườn tược cũng gọn gàng sáng sủa. Sáng mai ngủ dậy, nghe tiếng chim chóc líu lo bên hàng cây trước nhà, tiếng chim gợi về những kỉ niệm tuổi thơ hồn nhiên trong sáng. Cái âm thanh mà bao năm ở phố phường ông không nghe thấy. Âm thanh như mời gọi ông thiết tha, mãnh liệt.
Ở thành phố, ông thuyết phục bà bán nhà về quê sinh sống. Mình già rồi, con cái cũng đã riêng ra, về quê còn có chú có bác, có anh có em, có cháu có chắt… Bà bảo ông đừng ca cải lương nữa, ông thích thì về một mình, tôi ở một mình chẳng sao.
Thời gian đầu ông còn đi đi về về giữa phố và làng, sau đó ông ở làng nhiều hơn, thi thoảng mới ra phố. Hễ bước chân vào nhà là bà vợ mang cái mặt mạ bằng chì ra chì chiết ông. Cứ vác mặt về quê sống một mình, không có con mụ này hầu hạ, coi được mấy hôm, rồi có ra người ra ngợm không? Để rồi xem! Để rồi xem! – Giọng bà đầy mỉa mai. Ông im lặng không đôi co. Sau này ông chủ yếu ở quê, thi thoảng mới ra phố. Thằng con trai thứ hai đi công tác ghé qua, nói: Con ủng hộ bố! Nó sắm thêm cho ông những vật liệu cần thiết trước khi ra Hà Nội. Ông sống một mình, tự trồng rau, đi chợ, nấu ăn, trong lòng thấy thanh thản. Bà có về một lần, nhìn ông cuốc xới như một lão nông trong vườn nhà mình, bĩu môi rồi một mình ra phố.
2. Ông cũng chẳng nghĩ chuyện lại đến như thế. Bà Yến với ông là bạn thiếu thời. Ông hơn bà Yến chừng bốn năm tuổi gì đó. Ông học cuối năm tiểu học, bà vào lớp vỡ lòng. Ông vào đại học, bà học lớp 7 cộng hai rồi về quê dạy học. Ông làm việc lập gia đình ở thành phố. Từ đó hầu như hai người không gặp lại nhau.
Hôm ông đạp xe trên đường vào làng, thấy một người đàn bà đi bộ ung dung từ tốn. Đến nơi ông hỏi mới nhận ra bà. Ông bảo bà lên xe ông chở, song bà nói thích đi bộ. Ông dắt xe đi bộ một đoạn cùng bà rồi từ biệt bà lên xe đi trước. Một đoạn đường quê ngắn ấy, nhưng lại kéo dài nỗi vương vấn trong tâm hồn ông suốt những tháng năm sau, cho đến khi ông từ giã cõi đời.
Ông đến nhà bà vào một buổi chiều. Bà một mình ngồi bên bộ bàn đá đặt dưới gốc cây sung già nằm cạnh hiên nhà. Bà kể với ông cây sung này có từ lâu lắm, dễ đến mấy chục năm rồi. Ông hỏi anh ấy trồng phải không? Bà bảo nó tự mọc. Có lẽ chim chóc ăn trái rồi về gieo hạt. Năm đó ông nhà tôi vừa gặp tai nạn mất chưa được bao lâu, tôi nhìn trời nhìn đất rồi phát hiện ra cây sung này! Ông xin lỗi vì khiến bà nhắc lại nỗi buồn. Bà bảo không sao, nỗi buồn trở thành gia vị của đời tôi rồi. Ông tròn mắt trước câu nói của bà, mới hỏi bà sao cứ thấy bà đi bộ hoài. Đôi mắt bà đượm buồn nhìn nói ông nhà tôi mất vì tai nạn xe đạp, từ đó tôi sợ phải đi xe! Ông không biết an ủi bà sao. Ông ngước nhìn lên cây sung, mắt hướng về đôi chim chích bé tí tẹo đang đuổi nhau trên đó. Ông cũng nghĩ đến mình mấy chục năm trước đó.
Ông lại nhìn sang ngôi nhà to của con trai bà, rồi lại nhìn về ngôi nhà nhỏ truyền thống nơi ông và bà đang ngồi trước hiên của nó. Ông thầm nghĩ chắc ngôi nhà này gợi nhớ những kỉ niệm của bà với người chồng đã mất. Ông cảm nhận được tình cảm mồng ấm họ dành cho nhau, lại nghĩ đến chuyện mình. Bà vẫn giữ được ngôi nhà cũ, tuyệt quá. Giờ về làng thấy mọi thứ thay đổi nhiều quá, nhất là nhà cửa, nhà truyền thống cứ mai một dần đi - Ông nói, vẻ nuối tiếc. Con tôi nó cũng muốn tôi phá ngôi nhà này nhưng tôi không đồng ý. Bà từ tốn nói. Có những kỉ niệm cần lưu giữ, nhất là… Ông định nói nhất là kỉ niệm với chồng mình nhưng lại thôi. Không phải chỉ là kỉ niệm, cái chính tôi và con dâu không hợp tính nhau, không ở được với nhau. Nó buôn bán thương trường, suy nghĩ không giống mình! - Bà nói như một tiếng thở dài. Đã sống chung với người vợ khó tính chừng ấy năm, ông hiểu cái tính khí của những người phụ nữ ấy, nghĩ thế nhưng ông không có ý định nói ra. Bao nhiêu năm đứng trên bục giảng, có kinh nghiệm để khuyên răn và giáo dục được bao học trò ương bướng, thế mà lại không khuyên nhủ được con cái mình. Thế đấy ông ạ! – Bà chia sẻ. Mình có thể làm thầy được thiên hạ, chứ đâu làm thầy cho người thân. Tôi cũng như bà vậy thôi! – Ông nói như an ủi.
Những câu chuyện cứ thế trôi qua. Hôm nay, rồi hôm sau. Những câu chuyện làm ông nhẹ nhõm. Hình như bà cũng có chút niềm vui. Cũng có hôm họ chỉ ngồi bên nhau. Ông nhìn bà, say mê. Bà nhìn ông, dịu dàng. Song lúc nào bà vẫn là người lên tiếng trước. Bà nhìn ánh nắng dịu dần, phía tây, mặt trời xuống dần thấp, bà ý tứ nhắc ông ra về trước khi lũ con cháu trở về nhà. Bà nói với ông có lần thằng cháu về mách với mẹ nó chuyện ông thường đến đây, mẹ nó đã bóng gió chì chiết con mà như xát muối vào mặt bà: “Hai đứa ranh kia, chúng mày đú đởn làm bà điên tiết lên rồi đây”. Ông thấu hiểu, bước chân ra về lòng vẫn còn lưu luyến.
 3. Hành trình của ông là từ làng ra phố, từ phố về làng. Nhưng từ lâu ông biết ông về phố chỉ để trình diện cái thân xác tuy già nua nhưng vẫn khỏe khoắn, còn tâm hồn ông đã neo lại ở chốn thôn quê. Đến trong giấc mơ nhiều khi ông vẫn nghe thánh thót âm thanh đôi chim chích cất tiếng líu lo, đôi chim bé nhỏ thánh thót chuyền cành trên cây sung già bên hiên nhà.

                      7/ 6/ 2017

 

NGÀY HÈ BIẾN MẤT

 

Khởi đầu buổi sáng bằng một li coffee, mở máy tính (cũng có khi là mở sổ ra) chuẩn bị làm việc. Hy vọng làm được một điều gì đấy nên hồn. Song có biết bao nhiêu chuyện ập đến khiến B phân tâm.
Đang lóc cóc gõ bàn phím nghe tiếng chó sủa inh ỏi. Hàng xóm láng giềng sang chơi. B vội vã đi ra tiếp khách. Khách láng giềng không thích vào nhà, cứ đứng nguyên ngoài sân vườn nói chuyện, thường cây cà cây kê, dứt ra rất khó. Có hôm khách phương xa đến một cách bất ngờ, là bạn vong niên nên trên kính dưới nhường. Anh đi lấy phích nước nóng pha một ấm trà mời khách. Khách đến không mời nước như gặp người quen ngoài đường mà không chào vậy. Ông bạn vong niên con cái phương trưởng, bao giờ gặp mặt ông cũng kể chi li chuyện sự nghiệp, vợ con, tiền tài của con cái mình. Không họ hàng ruột cật, nhưng chuyện về gia đình ông anh đã thuộc nằm lòng, có thể anh không biết mặt mũi các con ông ra sao, song mọi chuyện cứ như cuốn phim chạy chậm tua đi tua lại trước mắt anh. Nói chuyện với những vị khách như vậy anh rèn được chữ nhẫn. Đôi khi anh nghĩ không biết sau này già cả mình có được thú vui như ông bạn vong niên không. Tiễn khách ra về, buổi sáng đã trôi đi.
Vừa viết được một câu thật đắc ý, chợt nghe tiếng con trai hỏi bố việc này việc kia. Lại phải dừng đó để chỉ dẫn cho con học. Khi thì một bài toán, một bài văn. Về chuyện học hành của con trai, vợ chồng B không ít lần cãi cọ nhau. Vợ bảo cho con nó đi học hè đi, bao nhiêu đứa trẻ cũng được đi học sao anh tước quyền của con trẻ? B phân tích cho vợ cặn kẽ học thêm nhiều làm cho bọn trẻ ỷ lại vào thầy cô, học thiếu sáng tạo, như thế đâu tốt cho nó. Anh đâu cấm chuyện con học thêm, nó đã học tuần bốn buổi môn Toán và tiếng Anh rồi đấy. Anh hỏi ý kiến con có cần học thêm một thầy giáo nữa như bạn bè của mẹ giới thiệu không, thằng bé lắc đầu. Bản thân nó cũng không thích đi học thêm thì sao phải ép nó. Trong cái nhìn của thằng bé, bố là phải biết tất cả mọi chuyện, nhất là bố nó lại là giáo viên, thế nên cứ gặp gì khó nó lại kêu hỏi bố. Cũng may B có biết chút đỉnh nên còn dạy dỗ được con cái. Có điều thằng bé hỏi cả những thứ B không biết. Sáng hỏi, chiều vẫn hỏi. Xế chiều B yêu cầu con dừng việc học. B cùng con chơi thể thao, đứa lớn thích đánh cầu lông, đứa bé lại thích đá bóng. Một ngày cứ thế trôi vèo. 
Có hôm ngồi bên bàn B nhìn mông lung ra ngoài vườn thấy cỏ mọc um tùm. Không muốn biến vườn mình thành vườn hoang, B lại gác việc, cầm cuốc cầm cào ra xủi cỏ. Dạo này thấy thực phẩm bẩn tràn lan, bệnh tật theo đó ùa vào. Không chi bằng chịu khó tăng gia có rau sạch mà ăn cho yên cái dạ. Đây là khu vườn cha ông để lại. B còn có một anh trai, song anh chị đã chuyển nhà ra mặt đường về hưu mở cửa hàng kinh doanh thành ra B quản một khu vườn rộng đến hàng nghìn mét vuông. Có người bảo thuê người khác họ dọn vườn cho. B lại thích lao động cuốc xới. Xuất thân ba đời là nông dân, thấy làm việc cũng có gì là mệt nhọc, còn sảng khoái nữa. Nhiều hôm B làm vườn tới tối mịt, vợ sai con ra gọi ba lần bốn lượt, B lại cố rốn làm cho dứt điểm, thành ra khi khi gác cuốc đi vào, thấy cả nhà đang ngồi trước mâm cơm đợi mình.
Có người vượt đường xa ghé qua nhà mình, lẽ nào mình không đi thăm bạn quý. Người xưa nói: “Sách hay nhiều vị còn nên đọc. Bạn quý năng thăm chớ ngại mời”. Chỉ mùa hè tháng rộng ngày dài mới có chút thời gian để đi thăm bạn bè người thân. B dắt xe ra đi. Có những người B đến vì nghĩa vụ. Song chủ yếu anh đến chơi người hiểu và quý mình. Bên ấm chè xanh hay li rượu nồng, những câu chuyện tản mạn kéo dài suốt buổi, không tiết chế, khó rời đi.
Người quê sống suồng sã và nương tựa vào nhau. B nhiễm nặng lối sống đó từ ngày rời phố về quê. Nhiều khi nó phiền hà, nhưng chủ yếu có cái thú vị của nó, nó như men rượu, ngấm dần khiến anh say. Khi cần chỉ ới một tiếng xóm giềng đã chạy ngay sang giúp đỡ. Khi ai đó nhờ cậy mình, anh đâu dám nề hà. Nhiều lúc B cần thời gian để làm việc cho mình, nhưng anh nghĩ sống đâu phải chỉ vì mình, một mình mình đâu dễ sống được.
Có những hôm cảm hứng dâng tràn, anh thèm được ngồi vào bàn làm việc, lại bận rộn không có thời gian.
Có những hôm ngồi vào bàn chiễm chệ lại không tìm được cảm hứng. Đành lấy sách ra đọc, mỏi mắt lại bỏ đó đi làm việc khác. 
Mùa hè ở cái xứ gió lào cát trắng nóng như đổ lửa, bấy nhiêu năm sống chung với nó, thích ứng nhưng không dễ chịu. Những ngày nắng nóng, cảm hứng cũng cứ vơi dần.
Thế là những ngày hè với nhiều dự định, khởi đầu bao giờ cũng tràn trề hy vọng, nhưng rồi tự nó đã biến mất.
Song nhìn lại B vẫn thấy, cũng bên chiếc bàn đó, với li coffee, trước màn hình máy tính, anh đã viết được những bài sau này được in trên một số tờ báo và tạp chí.

                        Tháng 7 - 2017

. . . . .
Loading the player...