11-03-2022 - 09:11

ĐẶNG VIẾT TƯỜNG, NGƯỜI ĐỒNG HÀNH CÙNG QUÁ KHỨ

Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết " Đặng Viết Tường, người đồng hành cùng quá khứ" của nhà báo Nguyễn Khắc Hiển.

     Tôi biết Đặng Viết Tường đã 26 -27 năm nay. Cụ thể hơn là khoảng những năm 1994 -1995 sau khi phải rời trường Đại học vì bệnh tật, sức khỏe ổn định dần, anh bắt đầu có bài đều đặn trên tờ báo Hà Tĩnh cuối tuần.

     Ấn tượng lần đầu gặp Tường tại tòa soạn báo Hà Tĩnh vẫn đọng lại trong tôi. Từ Nghi Xuân, anh đạp xe vào báo gửi bài. Trông Tường đầy chất “chân quê”, pha chút phong trần của người từng trải. Quen nhau lâu, thấy anh là người chất phác, dễ mến, dễ gần. Tính xác thực trong bài vở, thông tin của anh lính, anh cựu sinh viên khoa Sử Đặng Viết Tường có độ tin cậy cao, làm chúng tôi sớm cảm mến, quen thân nhau.

     Tường sinh ra và lớn lên trên vùng đất khoa bảng Tiên Điền, cả cụ nội, ông nội đều là nhà nho, giỏi Hán nôm lẫn nghề thuốc. Cụ Tổ, Đặng Duy Hà của anh là một võ tướng thời Lê Cảnh Hưng, mất tại Nghệ An khi đang giữ chức quan trấn thủ. Bố anh được ông nội kèm cặp cho theo học chữ Hán, lớn lên tham gia quân đội. Vì thế mà ông chuộng chữ nghĩa, yêu thích văn chương, muốn anh sau này theo nghiệp nghiên bút.

     Vùng quê văn hiến, gia tộc lắm người tài danh là mạch nguồn nuôi dưỡng cho cậu bé Đặng Viết Tường sớm có khiếu văn chương, chuộng nghề viết lách. Những năm theo học trường làng, từng là học sinh giỏi văn, nhiều lần được cử đi dự thi và đạt danh hiệu giỏi văn cấp tỉnh. Một sự tình cờ khiến anh rẽ sang đường quân ngũ những năm 1981 đến tháng 4/1984 sau lần thi trượt đại học. Theo Tường, thế mà hay, gần 4 năm làm người lính Tổng cục Hậu cần, bôn ba hết Hà Nội, Nghệ An, Tây Nguyên theo chân các y, bác sỹ Cục Quân y tìm cây thuốc làm dược liệu chữa bệnh cho bộ đội, giúp anh có sự từng trải trong cuộc đời lẫn vốn sống.

     Ra quân chưa được nửa năm, từng thi đậu và trở thành cậu sinh viên khóa 26, khoa Lịch sử trường Đại học sư phạm Vinh. Với anh, đây là những năm tươi đẹp nhất của tuổi trẻ. Tuy cả nước đang thời kỳ đói khổ, thiếu thốn nhất, song bù lại, anh được trang bị một vốn kiến thức quý giá, hệ thống, bài bản về bộ môn lịch sử mà anh vốn rất yêu thích. Theo anh, đây chính là “vật tùy thân” giúp anh rất nhiều mỗi khi đi thực tế, nghiên cứu, kiến giải những vấn đề, những sự kiện liên quan tới các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cũng như các nhân vật lịch sử của nước nhà, để bài viết mang tính khoa học, thuyết phục và hấp dẫn hơn.

     Đang theo học năm thứ 4 thì một căn bệnh ập đến, khiến Tường phải nghỉ học, điều trị dài ngày rồi về quê, bỏ dở dang sự nghiệp “gõ đầu trẻ” của một thầy giáo bộ môn lịch sử. Tuy vậy, niềm đam mê viết lách, mạch nguồn văn chương truyền thống vẫn chảy mãi trong con người anh. Những năm 1990 và về sau này, Tường viết khỏe, viết nhiều, cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí, văn học về đề tài lịch sử và mảng khảo cứu văn hóa dân gian trên các báo, đài, tạp chí ở Hà Tĩnh, Nghệ An và các địa phương khác. Nhờ đó, năm 2020 anh trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh. Đặng Viết Tường kể, ngay khi còn là sinh viên khoa sử, anh đã say mê tìm hiểu về văn hóa dân gian. Đã từng có bài chuyên sâu phát trên Đài Phát thanh Hà Tĩnh về phong tục, tập quán người Thái Quỳ Châu (Nghệ An). Từ ngày về lại quê nhà, được đắm mình trong dòng “nước mát” đầy trầm tích văn hóa đã làm nên những tên tuổi lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tả Ao...khiến anh càng thêm say mê khám phá. Sau những chuyến điền dã hết vùng quê này sang vùng quê khác, anh nhận ra rằng: độ dày và chiều sâu về trầm tích văn hóa quê anh ngồn ngộn, song vẫn còn quá nhiều điều bị bỏ sót, chưa phát hiện ra. Tường nói, không chỉ mảng văn hóa vật thể, mảng các nhân vật lịch sử ở Nghi Xuân còn nhiều cái để viết lắm. Như: Xuân Hồng có bia đá tạc tượng một vị tướng, to như người thật, trông vừa đẹp vừa uy nghi lại rất tinh xảo. Theo anh, dây đúng là một bảo vật. Bởi tượng được thờ tại Đền thờ Quận Công Đặng Đình An. Một vị tướng mà được dân tạc tượng, thờ làm thành hoàng làng hơn 400 năm rồi, phải có công lao to lớn lắm. Rồi, một bia đá khác rất quý, cũng được phát hiện từ đền này, ghi lại sự tích họ Đặng. Trong đó có cả con người, quê quán, một số nét lịch sử Việt Nam trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn. Cái hay và độc đáo của những bia đá này ở chỗ, nghệ thuật điều khắc là của người Chăm Pa, nó thuộc loại có một không hai ở Nghệ - Tĩnh.

     Những chuyến đi nối tiếp nhau, âm thầm và lặng lẽ chỉ với một xe máy cà tàng, một máy ảnh cũ kỹ, không có tê – tê, Đặng Viết Tường đã có trong sưu tập của mình một con số đáng nể. Trên 100 bài viết về mảng khảo cứu quê hương Nghi Xuân. Trong đó, 20 bài đã được đưa vào đăng trong tập: “Di tích, danh thắng của Nghi Xuân”; một số bài khác, anh viết và in chung cùng Thanh Quê trong cuốn: “Người Nghi Xuân”; Ngoài ra, anh còn có một số tác phẩm về đề tài này góp mặt trong cuốn: “Làng Cổ Hà Tĩnh” (Tập 2) cùng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thái Kim Đỉnh. (Tập này sau đó được nhận giải A của Hội Liên hiệp Văn học dân gian Việt Nam trao tặng); Viết chung với Thái Văn Sinh cùng nhiều tác giả khác trong cuốn: “Danh nhân Hà Tĩnh”; Tham gia khảo cứu Nghi Xuân địa chí của Lê Văn Diện, và cùng một số tác giả viết cuốn: “Nghi Xuân địa chí”, xuất bản năm 2019...

Tập sách Miền đất hứa của tác giả Đặng Viết Tường

     Tập “Miền đất hứa” là một cố gắng đáng ghi nhận của anh trong điều kiện còn nhiều khó khăn về thời tiết, kinh phí ...Tuy thời lượng còn khiêm tốn, chỉ với 16 tác phẩm trong số hàng trăm tác phẩm khảo cứu văn hóa dân gian mà tác giả có được trong tay, song “Miền đất hứa” đã giới thiệu cho người đọc những nét phác thảo thú vị về một miền đất thật sự địa linh - nhân kiệt mà còn người đã sinh sống cách đây khoảng 4000 -5000 năm, với nhiều sự kiện, nhân vật văn hóa, lịch sử rất quý giá. Người đọc càng trân trọng và ngưỡng vọng hơn, khi biết rằng vùng đất nghèo, cát bạc này có một di tích quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Nguyễn Du) 8 di tích quốc gia, hơn 70 di tích cấp tỉnh cùng nhiều di tích được phục hồi nhưng chưa được công nhận và xếp hạng, còn chờ sự khám phá giới thiệu với cộng đồng ở những người như anh.

     Đặng Viết Tường tâm sự: sau cuốn “Miền đất hứa” này, anh đang ấp ủ sẽ xuất bản tiếp vài cuốn nữa, giới thiệu về những nhân vật lịch sử của quê hương như Nguyễn Công Trứ, hoặc các nhà văn hóa thời hiện tại đang ngày ngày nỗ lực nghiên cứu, phục dựng các lễ hội, trò chơi dân gian, sáng tác dân ca... bồi đắp thêm độ dày trầm tích văn hóa quê hương. Ví dụ như, cặp đôi vợ chồng Nguyễn Mân – Trần Thị Phương (quê làng Tiên Điền) với việc phục dựng trò Kiều; Nguyễn Ban với sự nghiệp sáng tác dân ca Ví Giặm, cùng một số nhân vật lịch sử khác ở Nghi Xuân và Hà Tĩnh.

      Anh nói thật lòng: “Chí quân tử vô cùng, nhưng lực tiểu nhân thì có hạn”. Muốn thế, nhưng ông Trời có cho sức khỏe, các Mạnh Thường Quân có rủ lòng thương mà chung tay góp sức, chứ một mình, để đạt ý nguyện và lộ trình vạch ra, cũng nhiều khó khăn lắm.

    Chúc “Người đồng hành cùng quá khứ” Đặng Viết Tường hoàn thành được tâm nguyện của mình!

 

 

                                               Nhà báo Nguyễn Khắc Hiển

. . . . .
Loading the player...