11-10-2017 - 08:47

"Đất lạnh" (Tiếp theo kỳ trước) trích tiểu thuyết của nhà văn Trần Đắc Túc

Buổi họp xóm không bàn được nhiều vấn đề quan trọng và rất cần thiết như là thông báo trên loa từ đầu chiều của xóm trưởng Phí. Một phần vì người làng đến muộn. Nhiều anh cố nán để xem hết phim Cảnh sát hình sự trên tivi. Đang hay quá, đi thì tiếc. Mà không biết bàn việc gì cần thiết? Hay là chuyện góp tiền để làm đường ra nghĩa trang của Hội người cao tuổi ? Hay chuyện ủng hộ đồng bào bão lụt ? Hay là chuyện góp tiền để trả lương cho giáo viên Mầm non ? Loa ông Phí thì chuyện nào chả quan trọng. Đến khắc biết. Nghĩ thế nên nhiều anh nấn ná, khuya rồi mà trông trước trông sau cũng chỉ thấy có Phí, Đặng, giáo Tấn và mấy bà đến sớm để thay chồng đang xem ti vi. Vẫn phải đợi cho được quá bán.

Phí rít thuốc lào hết điếu này sang điếu khác. Đặng ra hiên ngồi xổm quay lưng vào, tay xoa xoa cằm như người nhàn tản nhổ râu.

-Ta khai mạc, anh hè?! Phí đến, nói nhỏ sau lưng. - Đợi chút nữa.” Đặng trả lời mà không quay lại. Phí vừa trở vào vừa đưa điếu lên mồm xịt bã. Nước điếu bay tứ tung.

- Ối ông Phí. Xịt bã thuốc lên đầu người ta rồi này”. Tiếng người đàn bà nào đó bỗng vọt xóe lên. Phí vội hạ điếu đưa mắt vào góc tối để tìm người vừa toáng lên, nhưng vẫn không thấy.- Đây nì”. Có tiếng đàn bà ngồi tít trong góc phía sau bàn mà Phí đi vào. Hóa ra Lử, một mẹ góa, chồng chết vì tai nạn xe máy từ ba năm nay. Lử cao to như đàn ông mà tiếng thì choe choé như xé vải. Trai làng Đống sợ Lử đã đành, mấy ông sồn sồn, không phải anh nào cũng dám ghẹo. Nghe tiếng kêu của Lử, mọi người mới xúm vào. Đặng cũng trở vào hội trường, mồm cười không thành tiếng. Ai đó đánh bạo, soi đèn pin vào Lử:

- Trời ơi, xịt vô đây của người ta rồi nì”.. Lại soi thẳng xuống cạp quần của Lử. “ Đây nữa nì, cổi ra anh giặt cho”..

- Đâu đâu” ? Nhiều người bắt đầu xúm vào nhao nhao chớt nhả. Lử cứ mặc kệ, mặt vênh như bánh đa nướng. Mấy tay thợ xây đến sau, được dịp cũng nhào vô tán. Đám này, Lử thuộc nết rồi, thị vung tay gạt từng anh về chỗ. Anh nào cũng hít hà:

- Khiếp, người toàn thuốc lào, anh tắm cho mới hết. Để anh đập chết thằng Phí nhé.” Hơ hơ ha ha..!

Phí xuê xoa cười rồi bước lên bàn, mắt nheo nheo, nhẩm đếm số người để chuẩn bị điều khiển buổi họp.

- Thuốc lào thuốc mường gì, con mẹ ấy thích xóm trưởng thì nó vu cho thế, chứ nước điếu nào bắn được đến chỗ nó ngồi. Họp đi.”

Phí cúi sát bàn để nhận ra người đang giục. Gíao Tấn! Phí phởn chí, xoa hai tay như người dọn cỗ, nhìn Tấn, cười rồi nói:

E hèm ! Thưa bà con ! Đáng lẽ ra cuộc họp này bàn nhiều chuyện quan trọng nhưng vì mọi người đến chậm nên không đủ thời gian.Tối nay xóm ta họp chủ yếu bình bầu hộ nghèo là chính. Còn nhiều chuyện quan trọng nữa ta để cuộc sau.

Đang nhốn nháo vậy, nhưng nghe đến chuyện bầu bán, cả đám đang nhao nhao chợt lặng tờ. Ai nấy cố nhướng mình lên để trông cho rõ, nơi chiếc bàn dài Phí và Đặng đang ngồi điều khiển buổi họp.

Không đợi Phí giới thiệu trịnh trọng như ở các cuộc họp trước, lần này Đặng, lấy tư cách là Bí thư chi bộ, chủ động đứng dậy giải thích các tiêu chuẩn để bình xét hộ nghèo ở làng Đống. Đặng nói chậm rãi các tiêu chí bình xét, về thu nhập cá nhân, quy đổi thóc ra tiền, rồi lại nói chuyện phần trăm hộ nghèo của cả xã, cả huyện. Tiếp đó, Đặng nói về quyền lợi của hộ nghèo, được miễn giảm khoản nào, được ưu đãi khoản nào v.v. Rồi Đặng kết luận:

Đề nghị bà con ta phải bình bầu cho trúng. Ai là hộ nghèo, ai cận nghèo là phải chính xác. Không được bỏ sót ai nhưng cũng không bầu sai ai. Đặng dứt lời, thong thả ngồi xuống ghế.

-Tôi có ý kiến. Một phụ nữ từ hàng ghế trên vụt đứng lên khi Đặng vừa ngồi xuống. Đó là Lử. “Tôi xin nhận là hộ nghèo.” Lử nói ngắn gọn rồi ngồi thụp xuống, động tác cũng nhanh như khi đứng dậy.

Ơ ! Phải để người ta bầu cho chớ ai lại ứng cử ? Có tiếng nói ngay.

 - Tôi có ý kiến, nhà tôi cũng hộ nghèo! Cả Đặng và Phí đều nhổm lên để nhìn ra người nói. Đó là Năm Xòe.

-  Con trai tôi mua lại cái xe máy Trung Quốc thì có được hộ nghèo không?  Đó là tiếng của anh chàng Hai thợ xây.

- Lợp ngói rồi thì có gọi là hộ nghèo không ? Tiếng bà mẹ Năm Xòe

- Ai nghèo thì cán bộ phải biết chứ, Ngô Lào mô đó mà phải bầu..Giọng giáo Tấn cấm cẳn.

Không khí cuộc họp nóng dần lên. Nhiều người tranh nhau nói. Ai cũng đưa ra cho được lý lẽ thật thuyết phục để mình xứng đáng là hộ nghèo. Cuộc bình bầu lần này găng hơn nhiều so với hôm bình xét gia đình văn hóa. Phí không cắt lời ai, như là cách gián tiếp động viên mọi người nói. Một phần Phí không hiểu lắm về một số tiêu chí mà Đặng nêu ra. Hôm đi họp trên xã, Đặng thay mặt Ban cán sự tiếp thu thì nay để ông ấy điều hành cụ thể. Một phần nữa là Phí muốn tỏ thái độ rộng rãi với bà con chứ không riết róng như Đặng. Phí muốn cả làng mình đều là hộ nghèo. Được như thế thì cái sự đóng góp xây dựng của làng sẽ không khó khăn, trái lại còn được hỗ trợ. Phí nghe nói có nơi cả huyện được xếp diện huyện nghèo thì còn nhiều chế độ hơn nữa. Chuyện gì cũng được ưu tiên.Thế thì hẹp hòi mà làm gì. Hẹp thì chỉ có thiệt dân.

Minh họa: HÀ NAM

Đặng lại khác. Từ đầu buổi họp đến giờ, mọi cử chỉ nói năng đều chậm chạp. Cứ tưởng như Đặng đang từ tốn điều hành một cuộc họp quan trọng, nhưng thực tình thì trong đầu, Đặng chỉ nghĩ đến con Lai. Chẳng biết nó sống chết thế nào. Có lúc Đặng tưởng tượng ra cảnh một bọn người đang xúm lại để cắt tiết nó. Con Lai vật lộn, rên ư ử trong cổ, mắt trừng trừng, ba bốn đứa ăn trộm cởi trần cứ ghì siết lấy nó. Đặng tưởng tượng khi bọn chúng dội nước sôi, con Lai còn gồng lên lần cuối. Cứ thấy nhoi nhói ở ngực như người đau tim, Đặng thỉnh thoảng lại lắc lắc đầu như xua đi cảnh bọn người đang tìm cách giết thịt con chó. Đầu Đặng cứ âm âm u u như trong cõi xa xăm, không nghe rõ tiếng ồn ào của những người đang dự họp. Càng nhiều tiếng nói cất lên thì Đặng lại càng như người ngủ mê, không biết họ nói gì. Đặng nhìn sang Phí thì thấy tay xóm trưởng cứ ngay đơ trên ghế. Bỗng nhiên Đặng nổi cơn cáu bẳn. Đầu như bốc hỏa. Lửa giận bừng bừng. Đã bảo hôm nay trong chương trình nghị sự, đầu tiên phải đề cập đến vấn đề trật tự trị an. Không có trật tự trị an thì mọi chuyện đều hỏng. Ai mà yên tâm làm ăn khi bọn trộm cắp cứ hoành hành.Cứ thế này thì không khéo lại đi ăn mày cả nút chứ còn hơi sức đâu mà  ngồi bầu với bán, giàu với lại nghèo. Trong cơn bực bõ không kiềm chế được, Đặng đứng phắt dậy sẵng giọng:

- Tôi đề nghị bà con trật tự, ai nói để cho người ta nói hết cái đã. Không được cướp lời của nhau như thế. Họp xóm mà như cái chợ thế này thì còn ra cái thể thống chi nữa!..Dứt lời, Đặng thả phịch xuống ghế.

Không khí buổi họp lập tức chìm xuống. Mọi người nhìn nhau lặng lẽ. Bình thường, Đặng ít khi xử sự thế này. Nói năng nhỏ nhẹ, đi lại khoan thai, chưa bao giờ người làng Đống thấy Đặng hấp tấp. Người làng bảo rằng đó là do Đặng học được nết của ông cụ thân sinh. Vậy mà bữa nay, Đặng lại giở chứng, nói năng xếch mé. Đang định nói thêm ít câu để nhằm xí xóa nhưng không kịp nữa, Đặng nghe có người rành rọt:

- Tôi đề nghị ông cán bộ nói cho có Văn hóa. Làng Đống họp chứ không phải họp chợ! Đặng chưa kịp nhìn ra người nói thì đã có tiếng tiếp theo:

- Tôi xin hỏi nói như thế nào là có thể thống?

Người vừa nói câu đó chính lão Xuân Phong, cũng là một tay thâm nho, lắm thủ đoạn. Hỏi xong, không chịu ngồi xuống lão cứ đứng như đợi câu trả lời. Xung quanh người đang đứng, là một vòng nhao nhao. Không rõ tiếng ai nhưng vọng đến tai Đặng là câu móc khéo:- họp chợ thì chỉ có buôn bò” ! Nhiều tiếng cười rúc rích hả hê. Những tiếng thì thào, ma mãnh.

Đặng nóng mặt. Thế này thì quá lắm. No mất ngon, giận mất khôn, Đặng vụt đứng lên gằn từng tiếng:

- Các ông các bà có muốn họp nữa không hay thích ngồi nói lý ? Muốn nói lý thì về nhà mà nói !

A! Thế này thì quá lắm rồi. Chúng tao đến đây là do chúng mày chõ loa vào tai để mời chứ ai muốn. Có bao nhiêu lợi lộc thì chia nhau, giờ lại bày trò bầu bán. Ai nghèo ai giàu ở trong làng bọn bay có lạ, công trận chi lại phải bầu với bán. Rách việc. Thế là anh nọ nắm tay anh kia, rùng rùng đứng lên, ra về. Về! Về cho nó biết mặt. Mỗi thằng cán bộ xóm giờ lương cũng mấy trăm, mấy tạ thóc rồi còn gì. Mồm thì nói đầy tớ của dân mà bụng thì hơn bọn cường hào ngày trước. Về! Về coi phim 10 giờ.

Cả đám đông nhốn nháo kéo tay nhau. Nghe rõ nhất tiếng Định rỗ nói với Lử: Về em, về rồi anh cho vào hộ nghèo! Tiếng Lử ư hừ không chói tai như hồi nãy. Lử dứt tay ra, bước nhanh đến chỗ Phí và Đặng đang đứng như trời trồng.

Đặng mắt sắt lại dữ tợn. Phí run lẩy bẩy nhìn theo đám đông đang hả hê rút dần ra đường. Phí sợ Đặng. Lại giận lây sang những người làng hay nói móc, xỏ xiên.

Cha Đặng ngày trước làm nghề lái trâu, nhưng nói năng thì hết sức nhỏ nhẹ. Có câu: mồm như mồm buôn bò, nhưng cố Sinh - cha Đặng không những nói nhỏ mà còn nói ít nữa. Tưởng thế thì cố sẽ thua bạn kém bè, hóa ra trái lại. Tính gộp cả tổng Đoài ngày ấy có đâu khoảng 4 người hành nghề buôn trâu bò từ chợ Cường chợ Lối đến chợ Tổng chợ Quan chợ Đồn, thì lái nào cũng phục cố Sinh. Nhất Sinh nhì Đình tam Tình tứ Hoạt. Ấy là tên 4 vị làm nghề lái trâu mà trong vùng hay gọi là buôn bò cho suôn, mà cũng là có chút xược. Tài nhất vẫn là cố Sinh. Không chỉ những nhà có trâu bò bán, được hưởng lợi từ việc ra giá mà các nhà cần tậu trâu bò đều ưng ý với con vật mình mua về. Người ta đồn cố có sách tướng trâu bò bí truyền của cổ nhân. Không chỉ thạo xem răng xem khoáy, xem chân xem sừng, cố còn giỏi nhìn nết ăn hoặc nghe tiếng thở của con vật là có thể ra giá hoặc ăn giá rồi. Thậm chí cố còn chỉ ra những nết tật của con vật sau hàng quý, hàng năm. Phiên nào không có người cần giúp mua thì cố ra chợ để tìm mối. Với người bán, giúp họ hạ giá để dễ thuyết phục người mua bởi cố đã nhìn ra cái xoáy phản chủ của con vật sau này. Bán rẻ phiên nay còn được, năm sau thì chỉ có thịt. Với người mua thì cố khuyên nên gắng lên. Con vật này, năm tới nết cày giỏi lắm đấy.Chủ nó ra giá thế là non. Mua đi. Cứ thế, sau khi tậu một vài năm, nhiều người đã nghiệm ra cái tài xem tướng trâu bò của cố Sinh. Thành ra cố đắt khách, nhiều món hời. Cũng có nhà được cố mách mà mua được con vật có nết quý, mỗi mùa cày lại đội thúng gạo nếp tạ ơn. Những nhà tống tháo được con vật phản chủ, khi hay tin chủ mới đang nhăn nhó bán thịt trâu ở chợ thì thể nào cũng vài quan tiền hay dăm cân gạo mới đến nhà cố Sinh, để, trước là cảm ơn, sau thì nói lời cảm phục. Thánh thế!

Nhưng trò đời, cứ có mặt phải thì sẽ có mặt trái. Cố Sinh hành nghề mua thì phải bỏ nghề bán. Đằng này cố theo cả hai. Vẫn biết rằng cố giỏi đấy, nhưng khi ra chợ, cũng bởi đã có tiếng tăm của mình, cố nhận được rất nhiều sự nghi ngại. Rằng, lão này có thật giúp mình bán không, hay ăn cả hai mang? Lão đang nâng hay dìm giá mình đây? Thế là các nhà có trâu bò ra chợ đều đồng thanh mà tẩy chay cố. Người bán không mặn mà đã đành, các nhà mua cũng dò xét. Người làng Đống truyền tai nhau: con mô cố Sinh mua thì đừng bán, con mô cố Sinh bán thì đừng mua. Rồi loan ra cả bốn chợ. Bao nhiêu tiếng tốt, giờ thành có hại. Các đồng nghiệp Đình,Tình, Hoạt được dịp ra tay. Mồm miệng dân lái trâu, (làng Đống khi muốn miệt thị thì gọi là mồm buôn bò), ai có lạ. Cái sự ít nói, nói nhỏ nhẹ trước đây là lợi khí thì giờ đây lại là tử huyệt của cố Sinh. Thành ra, cố thất nghiệp. Bỏ nghề từ đó.

Vậy mà tối nay người ta lại xoi vào nghề khi xưa của cha Đặng. Thật không có trời. Đặng nghiến răng bước thập thễnh, nhìn sang khuôn mặt nửa như khóc của Phí, Đặng chỉ muốn thoi một quả. Chợt Đặng hết hồn : Sao thằng này giống lão Cam?!...

Lão đi đâu mà không đến họp xóm nhỉ, hay lại chết ngoài quán nhà Lâm?

                      (Kỳ sau đăng tiếp)

                                        T.Đ.T

. . . . .
Loading the player...