10-11-2017 - 13:01

"Đất lạnh" (tiếp theo và hết) trích tiểu thuyết của Nhà văn Trần Đắc Túc

Người làng Đống không tài nào hiểu được, vì sao lão Cam chăm lên chùa Cao đến thế. Lão không phải là Phật tử, không đội bát nhang cho ai mà đi chùa đều đặn lắm. Tháng nào cũng đi. Đã thành lệ như thế nhiều năm nay rồi, cứ tối ba mươi bận cách chi, kể cả họp xóm, thì lão vẫn lên chùa. Mặc bộ quần áo nâu sạch sẽ, tay cầm đủ mười bó hương mua của bà hàng khô dưới chân tượng Phật Bà, lão Cam có mặt trước sân chùa lúc tang tảng sáng cùng với bà Nhân, vợ ông Hiền. Hai người thường không đi cùng nhau nhưng vào chùa hầu như cùng lúc. Không biết bà Hiền xuất phát từ mấy giờ, riêng lão thì đêm ba mươi nào cũng vậy, cứ là phải xuất phát từ giờ tuất. Cơm nước đàng hoàng, thuốc lào bắn đã mồm, uống hết một gáo nước mưa, đổ đầy một bi đông Mỹ thứ nước không thể thiếu đó của nhà thì đeo đãy lên vai, cứ thế cắm cúi bước. 
Đêm cuối tháng tối sầm sì, ngó quanh quất một màu đục lờ, những mảng đêm như lẩn khuất bên chân. Trên vòm cao, một vài vì sao lấp ló trong mây, chẳng gặp ai trên đường nhưng ngước lên lão không thấy mình cô độc. Những ngôi nhà nơi bìa làng mà lão đi qua thấp thoảng mùi thơm của nhang sáp đêm trước ngày đầu tháng đang quẩn quanh theo người. Lão bước những bước đi tin cậy. Ba mươi phút là qua cầu Ngàn, ba mươi phút nữa là sang xã Thượng. Hết con đường xộc đầy mùi nước đái bò là đến chân núi. Dẫu là tối như đêm ba mươi thì lão vẫn quen đường rồi. Thậm chí lão có thể vừa đi vừa ngủ. Lão ngủ thật, có lần thằng con nhà Tính kể rằng, hai bác cháu đang vừa bước vừa kể chuyện những năm đói lão đã biết đường lên chùa xin ăn như thế nào, vậy mà thoắt cái, nó đã nghe bác Cam thở khò khò, rồi lại ấm ắc như người nói mớ. Nó cố nhìn sát vào đôi mắt vẫn mở to của lão Cam, thấy con ngươi không động đậy, như người ngủ dòm. Nó lấy hết sức cầm tay lão lắc mạnh: bác Cam ngủ a? phải đến mấy lần lão mới choàng tỉnh. Ngủ mô mà ngủ ! Lão cãi. Tau vẫn nghe mi đó chớ ! Thằng con nhà Tính cười hề hề: lúc nãy đến giừ một mình bác nói chứ tui có biết chi năm đói mà nói. Lão mới bật cười: Âỳ, có ngủ chút chút. Thằng Tính con thích lắm. Nó sướng như mở cờ trong bụng. Thế là nó biết chuyện lạ, có người đang đi mà vẫn ngủ được. Bọn bạn nó trong làng lác mắt là cái chắc. 
Với lão Cam thì đi suốt đêm trên con đường lên núi mà đã thuộc như lòng bàn tay thì tội gì không ngủ. Lão cứ nhắm mắt mà bước. Đi lên dễ hơn đi xuống nhiều. Đây rồi, khe Đá Nhăng. Dẫm lên những hòn đá trơn nhẵn đứng liền nhau là mắt lão tự động mở to, nhìn xuống. Đến đoạn này là những hòn đá trồi sụt, cách nhau không đều cứ rải đầy mặt khe. Đây rồi, khoảng nước chảy như níu lấy chân người. Chỗ nào sâu tới đầu gối, chỗ nào tới háng, chỗ nào phải kiễng chân, trong đêm tối lão vẫn dễ dàng nhận ra. Người cao to, tỏ mắt, ban ngày lội qua khe này bị ướt quần dài là chuyện thường, vậy mà lão Cam nhỏ thó ít khi phải mặc quần ướt lên chùa, trừ bận còn nhỏ. Cũng may nhờ nhiều lần lên chùa mà lão thoát hiểm, không những thoát mà đời lão có thêm nhiều lối rẽ. Để bây giờ, đến mồng một, rằm nào lão cũng lên chùa như một bổn phận. Chuyện dài lắm!
Đó là năm cải cách ruộng đất, năm mà người làng Đống như có cơn gió lạ thổi vào, nhà nhà chộn rộn chàng ràng, xê xích. Không ai còn nhận ra nhà nào với nhà nào. Trong nhà dâu con dòm dỏ nhau, anh em không đi lại nhà nhau. Có nhà trước đây gặp nhau chỉ ờ ờ, phải phải, thì nay đã có hỏi có cười. Nhà cha mẹ Cam đã ra riêng, dẫu ở chung vườn, nhưng cũng ít dám sang ông bà nội. Những nhà không có ai đến chơi bao giờ, bỗng nhiên lại có nhiều người tụ bạ. Làng Đống mang một bộ mặt khác hẳn bắt đầu từ bữa anh đội Quyền đeo ba lô vào túp lều chắt Hoảng. 

Minh họa: HÀ NAM

Nhà Hoảng, gọi lều thì to mà nhà thì nhỏ. Người ta làm ba gian thì nhà y chỉ có hai gian lợp lá tro. Rèm che cửa cũng bằng lá tro. Nhà bếp của làng Đống làm ngang thì của y làm dọc, nối một chiều như thể người thành phố làm nhà ống sau này. Cái tiện lợi cho chủ nhà là không ai có thể xộc một lèo xuống tận nhà ngang. Phía sau là lối xuống bờ sông, khuất vắng.
Người làng Đống ít ai chơi với Hoảng, không ai vào nhà y bởi Hoảng cũng chẳng chơi với ai trong làng. Ngoài cái thói tắt mắt, thì nhà y còn có tiếng về cái sự ở bẩn. Không ai có thể ghé mồm vào chiếc bát uống nước hôi mù, đầy cáu cợn tanh rích của nhà y đã đành, mà còn sợ cái đám lâu nhâu mấy con chó nhắt với một con chó mạ ghẻ lở đầy mình. Ai vào, sơ ý là nó đớp mất cẳng. Mà cũng lạ, nhà y nuôi chó, con nào như con nấy, ghẻ kềnh ghẻ càng, cắn trộm như ranh. Mà lại còn đẻ dày nữa chứ. Tháng nào nhà y cũng có chó đẻ. Lúc nào cũng nghe gầm gừ, oăng oẳng thế. Thành ra, có ai mất con gà con vịt, có nghi cho y mười mươi cũng chắng dám ra nhà y mà rình. Lại thêm con vợ điêu toa, thành thử chẳng ai muốn dây vào. Vợ Hoảng là cái Mô, gái làng Đống, nhưng từ khi lấy Hoảng thì người làng ra mặt tránh. Chả là do cặp này ăn nằm với nhau, đâu như hồi Hoảng đang là thằng ngụ cư trẻ ranh từ trong Cổ Kênh dạt vòm mới đến được dăm bữa, đang còn ở nhờ nhà sãi Vực trong chùa Đống. Làng Đống có chùa, có đền. Chùa nằm chênh chếch mé Tây cồn Đống, phải qua một khoảng đất trống chạy chéo hướng Bắc mới sang được sân đền. Bao quanh chùa và đền là những vạt cỏ gianh lá sắc như dao cạo. Những bụi quýt sừng tua tủa gai nhọn hoắt. Trâu bò không dám vào đã đành, mà người cũng ngại đi tắt lối này. Ở nhờ ở đậu, chưa ra môn ra khoai, thế mà gặp con Mô đi cắt cỏ gianh sau chùa thằng Hoảng đã đè cổ ra làm nó chửa. Người làng gớm thằng ở độ thì ít mà gớm cái con Mô mới nứt mắt háu trai thì nhiều. Ai đời con gái con đứa, mặt mũi cũng chẳng đến nỗi nào, gia cảnh đang yên lành, thế mà cha mẹ bỗng chốc phải ra chùa xin nhận rể. Ông sãi Vực vừa xấu hổ với người làng Đống, vừa hận với thằng trời đánh đồng hương. Thấy nó bị cha mẹ trong Cổ Kênh từ mặt, ông thương tình cho ở nhờ. Tưởng nó biết thân biết phận, chẳng ngờ còn đang chân ướt chân ráo mà đã bỉ mặt ông thế này. Thôi thì cũng phải cùng cha mẹ con Mô mà lo cho xong chuyện. Thịt người không ăn được, đánh đuổi nó thì khác chi vạch áo cho người xem lưng, ông bố Mô cùng sãi Vực lại phải cắn răng, mua mấy trăm tranh lá tro, mấy cây tre gộc, làm cái lều cho cặp vợ chồng nửa con nít nửa phường trộm đạo. Sự đời, nồi méo úp vung méo, chúng nó là cặp bồ quéo lại khít khao. Mới có mấy năm mà chúng đẻ sòn sòn, cứ con chị chưa được tròn tuổi, mẹ nó đã về ông bà xin gạo ăn đẻ con em. Bà Thiện vừa xúc vừa ngó trộm ra cổng, sợ ông về. Chồng bà đã có câu thề, coi như nhà không có đứa con bất hiếu, bị hiếp đáp mà không biết kêu làng, lại còn ham hố. Ông thì cứ lo cho một lần rồi liệu mà làm ăn. Ruộng hương hoả ông đã chiết hai sào, lều dựng cho mà ở. Của nả chưa thấy đâu mà chỉ rặt đẻ là đẻ. Những khi ông tức khí mà hằm hực cao giọng, bà Thiện lại khẽ khàng ngó quanh, rên rẩm van chồng đừng ác khẩu thế, cái xui nó vận theo mồm. 
Bà Thiện lo chuyện xấu theo mồm, vậy mà đúng. Nhà Hoảng quả là cù hoảng, mới mấy năm thôi, trong cái túp nửa lều nửa nhà đã nặn đủ sáu người với một bầy chó. Làng Đống có người ngứa mồm chòi chọt: con đàn chó đống !  Không biết rồi làm gì ra để đút mồm cho xuể cả bầy. Lại ăn trộm ăn cắp thôi. Sinh rươi thì phải có vỏ quýt!
Cái hôm anh đội cải cách Quyền đến nhà Hoảng là lúc gặp cảnh mấy chị em Chành, Cành, Giang, Mây như một đám cá đối bằng đầu, mũi dãi lòng thòng đang chơi trò nhảy bậc mặt trời trước sân
Sân nhà Hoảng chỉ rộng bằng hai chiếc chiếu đại, ba phía được rào bằng cách chôn hai đoạn cột tre có đục lỗ để xuyên cả cây nứa vào, chắn chiều ngang. Chiều dọc thì buộc hai cây nứa vào cột hiên, hai phiến rèm lá tro treo rũ xuống, không mấy khi chống lên. Khi lũ trẻ chơi ở sân cũng như khi vắng nhà thì trập rèm xuống. Cũng là một cách đánh tiếng chủ vắng nhà. Nhưng khốn nỗi, rèm trập xuống thì hay bị bò hàng xóm vào ăn rèm tro. Cái giống bò, khi thiếu mặn thường gặm cả lá tro, mà vườn nhà Hoảng không có hàng rào, phải có ba cây nứa gác, thế cũng là một cách đề phòng. 
Cái Chành và cái Cành mồ hôi mồ kê nhễu nhợt, tay quẹt mũi, tay vung theo đà. Mắt mũi đứa nào cũng bừng bừng. Chắc sáng nay bố mẹ đi vắng lâu nên mới sướng thế. Hai đứa Giang, Mây thì ôm nhau xem hai chị nhảy, luôn miệg cười. Không đứa nào trả lời khách mà chỉ tròn mắt xem người lạ tự động chống rèm lên rồi tung chân đá bầy chó. Con chó mẹ bị một cú tạt vào mồm quá đau lủi vội xuống gậm giường, bầy chó con cũng cắn đuôi vào theo, tiếng sủa cứ oăng oẳng nhức tai. Khách không lấy làm điều, chỉ liếc tìm chỗ treo xà cột rồi cứ thế thả phịch xuống giường, chẳng thèm tháo giày tháo dép. 
Hoảng về. Y cởi trần, tay cầm chiếc áo vo viên, có vẻ như đang đùm cái gì trong đó. Y nhìn trước ngó sau rồi cẩn thận giắt đùm áo lên chạn bếp, nhẹ nhàng vào nhà trên, rón rén như mèo. Cái Chành theo sát cha, biết ý, không to tiếng mà làm động tác như như người câm, trỏ nơi khách nằm. Khách đang ngủ, ngáy rõ to. Hoảng đứng ở chân giường, không động cựa, nhịn cả ho, động tác đầy thành kính. Lúc nãy, khi đứng ngoài gò cao, nghe tiếng chó sủa dồn, trèo lên nhành la cây muỗm chùa, y đã trông rõ người lạ vào nhà mình. Lờ mờ, y đoán chủ đích của khách. 
Mấy hôm nay làng Đống đang đồn đoán nhỏ to, rằng đội sẽ về tìm rễ, chuỗi. Ai nghèo đói sẽ được bắt rễ. Được tha hồ ôn nghèo kể khổ. Có khổ nói khổ, nông dân vùng lên. Vùng lên như thế nào thì chưa nghe ai bày cho, nhưng nghe nói nếu đấu tố tốt thì sẽ được chia ruộng, chia quả thực của địa chủ. Ruộng, Hoảng cũng thích, nồi đồng, mâm thau, chum vại, trâu bò gà lợn thì thích hơn. Không biết họ có chia gà không nhỉ ? Y nghe người làng bên Yên Vịnh kể thế. Làng Đống chậm là vì đội chưa về. Tiếng là đội nhưng cũng chỉ một người từ trên về thôi, còn ra là cốt cán làng. Ai, thì sẽ do đội về bắt rễ chuỗi chọn ra. Không cần chính quyền cũ, nhiều tay chân Quốc dân đảng lắm. Phải có bộ máy mới. Đời sống mới. Là nghe loáng thoáng thế trong các buổi họp cốt cán, phần nhiều là lớp trẻ như Hoảng, như Tươm và mấy anh khác.
Hoảng lặng lẽ cúi dòm tận mặt khách lạ. Khuôn mặt vuông chữ điền không già không trẻ, lấm chấm rỗ hoa do đậu mùa, trông vừa hiền vừa dữ. Y chờn chợn trong người. Chợt nhớ ra cái đùm áo đang dắt nơi gác bếp, y vội vàng rút xuống rồi lập cập ra sông Ngàn, nơi có một vòng eo sát làng Đống, như cái vũng đầm. Chọn lùm cỏ guốc cao sát mép sông, y trằn cả đùm áo chìm xuống nước rồi nhanh chóng tở ra. Một con gà trống hoa bị bẻ cổ, cái mào nhợt trắng như chiếc lá rụng rủ ngật xuống một bên, nổi bềnh lên. Y khoát mạnh cho con gà trôi ra xa. Khi nhìn thấy con gà chỉ còn lập lờ trên mặt nước, y mới giặt áo, rồi mặc vào người. Như người làm đồng xong buổi, xuống tắm sông. Đã đi được một quãng xa, chốc chốc y còn ngoái lại. Trong cái nắng loá mắt, những gợn sóng sông Ngàn nhấp nhô như trêu y khi con gà cứ bị dồi lên dập xuống, không chịu trôi. Tiếc là tiếc cái công rình rập cả một buổi sáng, giờ phải phi tang. Nhưng thôi, y thốt lên thành lời. Lớp này mà thành công thì gà qué là cái đếch gì.
Khách đã dậy, đang đứng ở sân. Thấy y, khách chào, ngắn gọn tự giới thiệu : Tôi là cáng bộ đội cải cắt, nhờ vợ chồng ăn thổi cơm giúp những ngày ở đây. Bắc đầu từ trưa nay.
Không đợi Hoảng trả lời có đồng ý hay không, Quyền nhanh chóng kết thúc màn chào hỏi rồi bước ra ngõ. Có mấy bóng người phía đường cái vội tản nhanh. Quyền làm như không biết, một ống tay áo rỗng dắt chéo vào thắt lưng, tay còn lại xoa xoa trên mặt, bước thong thả như người tản bộ. Mặt lạnh tanh.
Làng Đống rồi sẽ phải nhớ đến khuôn mặt người này. 
Trong nhà Hoảng, bây giờ mới nghe tiếng lào thào về chuyện bữa cơm gặp ông cán bộ người Thừa Thiên, đội Cải cách đầu tiên. Rồi thấy Hoảng chạy như ma đuổi ra mép sông Ngàn, nơi cái vụng nước quẩn lắm cỏ guốc gai. Mặc nguyên cả quần áo, Hoảng nhảy ùm xuống sông. Sau một hồi bơi qua lại, Hoảng phát hiện ra của quý hãy còn mắc lại ở một gốc bần. Mặt tươi rói còn hơn người bắt được vàng, anh chàng chạy như bay về nhà. Trưa vắng lặng, một mình Hoảng chạy như lạc vào một cõi lạ ở tận đẩu tận đâu. 
Trưa ấy, làng Đống có người với bữa cơm ra mắt thật sự vui như mở cờ trong bụng. Còn ra, cả làng đang hồi hộp. Nhiều nhà, bữa ăn đắng ngoét, chưa biết trưa mai sẽ ra thế nào.  Không biết rồi chuyện gì sẽ xẩy ra. Nhất là mấy nhà có máu mặt.   
Nhà Cam lại càng lo. Bố Cam, ông giáo Đoan đang dạy học ở một huyện miền núi, nhà chỉ có năm mẹ con. Tối nào cũng tắt đèn đi ngủ sớm. Cả nhà nín thở nghe bước chân người lạ ngoài vườn. Đêm nào có đại náo của thiếu nhi, trống mõ khua vang đả đảo địa chủ cường hào, nghe còn đỡ sợ, đêm không có hội họp gì thì lặng đến rợn người. Hễ có tiếng động ngoài vườn là sợ. Lúc nào cũng như có tiếng bước chân ai đó đang đi lại, rình nấp sau nhà. Cam cuộn tròn trong lòng mẹ, hỏi địa chủ là ai, phải đến hai ba lần hỏi như vậy, bà Đoan mới thì thào: chưa biết ai ! Như là bà đang tự hỏi mình.
Rồi cũng có câu trả lời. Người bị đem ra đấu tố trước tiên là lão Bát Năm. Lão này, người làng Đống chẳng yêu chẳng ghét. Quanh năm lão lượt thượt chiếc áo dài màu cứt ngựa, cứ như thằng Tây thật không bằng. Mở mồm là chêm tiếng Tây đôm đốp. Bát Năm có nhà ngói, có trâu đực, lại còn nuôi cả một đôi thỏ trắng. Nghe đâu ngày còn là lính khố xanh, làm thợ ở Pháp lão cũng đã thích nuôi thỏ rồi Đi đâu cũng kè kè chiếc chuồng thỏ to đùng. Tới khi giải ngũ về làng, lão còn đèo theo một đôi thỏ giống của Tây, to cao như chó lài. Lão cứ nhân giống để thịt, mời người làng khi có giỗ. Giỗ cha mẹ lão, thế nào người làng Đống cũng được đãi món sốt vang thỏ. Người làng Đống chỉ biết mỗi món thịt chó là sang nhất nên khi Bát Năm tự tay gắp những miếng thịt thỏ cho vào bát khách thì ai cũng tỏ ra quý hóa, nhưng khỏi ngõ đều chê thịt thỏ mềm nhèo nhèo, ăn nhạt thếch, nớt nợt nợt. Không bằng thịt chuột. Đúng là đồ Tây giả. Tây giả lần này là địa chủ thật. Đi lính cho Tây thì thợ thuyền gì cũng là đế quốc, đó là chưa kể lão ở Pháp những mười mấy năm, suýt lấy đầm. Nghe nói, lão là thợ giỏi, được Tây thưởng Bội tinh thì đích là thằng giặc sài lang. Buổi đấu tố Bát Năm được tiến hành thuận lợi. Người làng thật sự thỏa thuê đả đảo trước mặt lão chứ không còn phải lấm lét như khi nuốt miếng sốt vang nhạt thếch mà cố rặn nụ cười. Lên trại Đưng mà khen Tây cái gì cũng nhất nhé ! Bản án được bà chủ tọa Lê thị Nòng, sau khi đã thống nhất với đội Quyền, được anh cu Đáo đọc lên, Bát Năm đầu cúi sấp, giơ tay lên cho hai cốt cán là Hoảng và Tươm trói, điệu bộ như con thỏ đực. Hai cốt cán thực thi rất nghiêm chỉnh, mặt tươi như bôi son. 
Hai ngày, sau khi Bát Năm bị giải đi, tới lượt lang Ngải, ông nội Cam, bị đưa ra đấu tố. Lang Ngải là người có nhiều ruộng nhất làng Đống, lại có thuê nhân công, tức là hai ông thầy quê ngoài Thanh khi xưa ông Ngải đi mua thuốc, quen rồi mời về chung vốn. Thế thì đích thị bóc lột mười mươi. Có người làm thuê là có bóc lột thật sự. Nhưng việc đấu địa chủ Ngãi có chút rắc rối riêng. Số là khi đội Quyền tiến hành đến bắt rễ với Hiền, thằng ở, cũng là con nuôi nhà lang Ngải, nay có vợ ngoài đồng bãi. Hôm Quyền đến xâu rễ thì Hiền nhận lời đấu ông Ngải, nhưng bữa điệu ông Ngải ra sân thì Hiền làm trật hết. Nó đấu rằng địa chủ Ngải rất ác, khi nó còn nhỏ không có cha mẹ thì nhận làm con nuôi để bóc lột. Khi nó lớn rồi thì bắt nó lấy vợ rồi bắt ra ở riêng. Nó không có sức khỏe nhưng vẫn bắt nó cày bừa lấy mà ăn. Địa chủ Ngải ác lắm ! Có tiếng cười của lão Viền thịt chó nổi tiếng bặm trợn trong làng. Nhiều người cố nín, mặt mũi đỏ tưng như người mót ỉa. Thôi, thôi, rễ thối, rễ thối. Đấu thế quá bằng ca ngợi địa chủ. Cái thằng... Đang khi khó tìm thêm chứng cứ để xếp lang Ngải vào diện địa chủ cường hào thì đội Quyền có quý nhân phù trợ. Đó là Hoảng. Hoảng chạy lên sau chiếc bàn phủ vải mà Quyền và bà Nòng ngồi chủ tọa, ghé sát tai anh đội, thì thầm. Quyền tươi hẳn lên, khoát tay ra hiệu cho Tươm và mấy anh du kích chạy ra gốc hồng trứng đầu hồi nhà lang Ngải. Cây hồng đang tháng ngủ, rụng trơ cành, như cây củi khô. Mấy tay trẻ tuổi, kẻ cuốc người cào, hối hả. Chưa dập bã trầu đã đào được cái hũ sành chôn bên gốc hồng. Cả bọn nhẹ nhàng cẩn trọng như người bốc mả. Hoảng sướng run người. Công lao rình rập đoán sấp đoán ngửa nhiều đêm rình nhà lang Ngải của Hoảng giờ đã hiện hình. Công đầu đấy nhé. Bọn địa chủ  gớm thật. Có cả hũ vàng cũng nên. Khi dốc chiếc hũ ra, cả nhóm đào không dấu được thất vọng. Chỉ rặt tiền đồng. Nhiều đồng tiền đã rỉ xanh, dính vào nhau từng cọc ngắn. Không sao, đây cũng là bằng chứng tố cáo tính gian xảo của địa chủ Ngải. Chắc trong vườn còn nhiều nơi chôn của nữa. Cả bọn chia nhau tóa ra đào tung khắp vườn. Tới tận trưa trật vẫn không có thêm hũ nào. Nhưng không sao, thế là đã đủ để cho bàn dân thiên hạ biết, địa chủ là bọn cực kỳ xảo quyệt, gian tham, trong khi nông dân không có lấy một cắc để đong gạo thì bọn chúng tích trữ tiền đến mốc xanh mốc vàng. Tiếng đả đảo vang lên rầm rầm. Địa chủ Ngải phải giơ tay cho hai cốt cán Hoảng,Tươm trói giật cánh khỉ để đưa đi giam. Gớm, cứ tưởng lâu nay bốc thuốc là làm phúc đấy hẳn. Hóa ra là thằng bóc lột, đầu cơ tích trữ làm giàu. Phải cho tù mọt gông. 
Khác với nhà Bát Năm, chỉ có ba gian nhà ngói với cái chuồng trâu, nhà địa chủ Ngải có cả nhà ngang nhà dọc. Nhà ngang, tức 5 gian nhà trên, lợp ngói, được chia cho ba nông dân. Hai gian chia cho cố nông Nòng, người ngồì chủ tọa buổi tố khổ, ba gian còn lại chia cho bần nông Hoạt và bần nông Bùi. Nòng và Hoạt đều là dân làng Đống, riêng Bùi là dân chợ huyện chuyển lên. Người làng Đống hay kêu Bùi là dái Bùi thuốc phiện. Không biết Bùi hút thuốc phiện hồi nào chứ ngày dạt lên làng Đống thì cơm chả có mà ăn lấy đâu ra thuốc phiện để hút. Người ta đã cá nhau, đố ai biết vì sao Bùi lại có hỗn danh ấy. Thì cũng chả phải nhọc công tìm, xã quê gốc Bùi ở miền dưới, đi ăn mày là nghề. Hễ là trai thì đều gọi là dái, như người làng Đống gọi ông, gọi anh đó thôi. Cái tiếng thuốc phiện là oan cho Bùi, nguyên do bởi tại môi Bùi thâm sì như hai miếng tiết trâu. 
Trong đêm đầu tiên, ba gia đình bần cố nông ở nhà lang Ngải thiệt là vui. Đèn đuốc thắp sáng trưng. Ba chiếc giường kê tạm ở ba gian, chưa ngăn vách được, chỗ thì dựng nong nia, chỗ thì treo chiếu cói. Mà cũng chỉ mới ba chủ nhân thôi, còn bầu đoàn thì hãy còn ở tại chỗ cũ, đợi thu xếp xong mới đưa nhau về nơi được quả thực. Đầu buổi còn sáng đèn nhưng ba người vẫn chia nhau theo địa giới đã được phân. Khuya về, Bùi là người phá cách, đẩy tấm ngăn ngó sang chỗ Hoạt kê giường. Không thấy Hoạt đâu. Bùi lò mò vén chiếc chiếu nhìn vào giường cố nông Nòng thì hình như trên đó là hai người, chứ không phải một mình như đầu hôm. Bùi nén hồi hộp, rút về giường mình. Thì, quái lạ, Hoạt như con mèo trườn nhẹ nhàng vào giường, mà lại từ ngoài vườn vào phía sau giường Bùi. Nó ra ngoài từ lúc nào nhỉ ? Ai đang ở trên giường của Nòng ? Cả hai đều khó ngủ, cứ sột soạt hoài. Một đêm có phần căng thẳng đối với hai người được chia nhà mới. Cứ như thần giao cách cảm, cả hai cùng lặng lẽ ra sân. Trong bóng đêm mờ ảo, hai người đàn ông ngồi như khóm tượng, không hỏi nhau, mà trong đầu thì như đã thấu lòng nhau. Trên cao, chòm sao Tua rua nháy liên hồi, tinh nghịch. Đêm đang trôi về sáng, mỏi mệt, cả hai lại lặng lẽ vào giường. 
Sáng ra thì xảy việc hệ trọng, không thể xem thường. Đó việc 5 chiếc nong dựng phía ngoài 5 gian nhà địa chủ Ngải đã có có sự hoán đổi vị trí mà ẩn ý hết sức hiểm độc, sâu xa. Người phát hiện đầu tiên cũng chính là Hoảng. Anh chàng này, thế mà thông minh. Này nhé, trên mỗi chiếc nong mà buổi chiều trước đó, người ta đã kẻ bằng vôi hàng chữ đả đảo bọn địa chủ . Một nong một chữ. Hai gian cố nông Nòng ở thì đặt hai chữ đả đảo, còn ba gian Hoạt, Bùi ở thì với ba chữ còn lại. Nhưng đến sáng nay thì hai gian cố nông Nòng lại để hai chữ địa chủ còn ba gian còn lại là đả đảo bọn..Địa chủ đả đảo bọn...bọn nào ? Đả đảo nông dân a ? Láo ! Phản động quá ! Phải truy cho ra. Đứa nào to gan ra rứa. Hoảng cấp báo cho Quyền. Tất cả phải giữ nguyên hiện trạng. Để điều tra. Đứng cau mày nhìn câu khẩu hiệu một hồi lâu, Quyền ra hiệu cho Hoảng đặt lại 5 chiếc nong về đúng vị trí đả đảo bọn địa chủ, kẻo phơi ra thế này, dân hiểu khác đi thì thật nguy hiểm. 
Mới đầu sáng mà đã nóng đến phát ngốt. Quyền rút ống tay áo rỗng đưa lên lau mặt rồi vội vã giắt lại vào thắt lưng. Một ý nghĩ vụt đến rất nhanh trong đầu. Quyền bước qua rào ngăn bằng rào nứa đan, sang nhà giáo Đoan. Mấy đứa lớn không thấy đâu, chỉ thấy hai mẹ con Cam đang ngồi nhặt lúa giặt, những hạt thóc sót khi giã không bong vỏ. Chắc là không còn cối đâm mà phải giã bằng tay. Người đàn bà nhìn thấy viên đội Cải cách thì luống cuống làm đổ cả mẹt gạo. Chị vội vàng hót lên, tay chà mạnh lên mặt nền nhà, đất dính đen như nhọ nồi. Thằng Cam sợ hãi, bước giật lùi ra phía chuồng trâu, bỏ mặc mẹ với người lạ. Nó không nghe rõ người lạ nói gì, chỉ thấy mẹ đang phải cùng người ấy khiêng chiếc chõng tre ra góc bếp, xế cửa chuồng trâu, ngăn với giường của anh trai và giường hai chị. Ra ý, mẹ nó phải ngủ riêng, không được ngủ chung phòng với con cái. Mẹ nó mặt tái dại như người mất hồn. Muốn khóc mà không dám. Nhìn người đàn ông một tay nâng đầu chõng nhẹ như lông gà, nó hãi quá, muốn khóc. Trong linh cảm của đứa con, Cam lờ mờ một tai họa ghê gớm đang đến cùng mẹ . 
Cam thấy ngực buốt thót. Đau như có ai đang nắm tay mà thúc liên hồi. Rồi lại như người tức thở. Bỗng nhiên nó nhớ đến anh Hiền. Hôm qua, khi mọi người đấu tố đã tản về, anh đã dúi cho nó củ sắn nướng, thứ mà nó thích nhất trần đời. Rồi bảo : Sang nhà anh mà ở. Đừng để ai thấy. Đội hỏi thì anh sẽ tìm cách nói cho. 
Lúc này, Cam chỉ thấy anh Hiền là nhất. Cha đang ở xa, mà cha nếu ở nhà chắc là cũng chẳng bằng anh Hiền.
 Rồi Cam đổi ý. Nó muốn lên chùa Cao. Ở đó có ông sư hiền như Bụt, hồi cha còn dạy ở nhà, tháng nào, khi là rằm, khi mồng một, cha đều cõng nó lên chùa. Lên đó, nó được ăn oản, ăn chuối. Nó là con nhà chùa. Cha đã bán Cam cho nhà chùa vì nó đẻ phạm giờ. Cha thường nói thế. Bây giờ đói quá, lại sợ nữa. Nó tìm bằng mọi giá để lên chùa. Lên chùa Cao ! Nó nhắm mắt lại, thề.
                  

   T.Đ.T

. . . . .
Loading the player...