Là huyện phía bắc của tỉnh Hà Tĩnh, Nghi Xuân là vùng đất cổ giàu trầm tích văn hóa, hội tụ tinh hoa của các nền văn hóa cổ. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết “Dấu tích công trình trị thuỷ thời cổ” của tác giả Đặng Viết Tường, hội viên chuyên ngành Văn nghệ dân gian, Hội LHVHNT Hà Tĩnh.
Dấu tích công trình trị thuỷ thời cổ
Miền đất Nghi Xuân có địa hình phức tạp, núi Hồng Lĩnh như màn trướng sừng sững phía Nam huyện với sườn núi dốc, bàu đầm, khe suối chằng chịt. Những dòng chảy từ sườn tây bắc núi có đầm Long Vương, khe Chén, khe Rong ở xã Xuân Lam, khe Bồng, khe Giằng ở xã Xuân Hồng, khe Báu Lâm ở làng Khải Mông nay thuộc thị trấn Xuân An, khe Mụ Nít, Tay Vươn, Cầu Sắt ở xã Xuân Giang, khe Hói Lở thuộc thị trấn Tiên Điền, khe Bãi Si gần chợ Đón xã Xuân Hải …chảy ra sông Lam. Sườn núi phía Bắc Đông Bắc dãy Hồng Lĩnh có khe Voi, vực rào Nhà Nghẹ ở Xuân Viên, rào Mỹ Dương ở xã Xuân Mỹ đổ ra cửa lạch Kèn xã Cương Gián. Xã Cổ Đạm có khe Cồn Tranh, đồng Cuốc ở núi Lài, núi Yên Ngựa, chảy xuống đổ vào rào Mỹ Dương. Vùng đất xã Xuân Liên có bàu Gâm dưới chân núi Kim Sơn. Đất đồng bằng ven biển có nhiều cồn cát vàng nhạt xen ruộng đồng cài răng lược. Giữa những cách đồng có một dòng chảy theo sử sách được bắt nguồn từ núi Lần chảy xuống, trước đây chảy về thôn Cam Lâm, nay đổ ra cửa lạch Đông Hội, nơi bãi tắm khu du lịch biển xã Xuân Thành ngày nay. Sách Nghi Xuân địa chí chép cửa Đào. Ngày nay vẫn còn lại nhiều dấu tích của “con đường tơ lụa” thời cổ đại qua bàu Phố Quán – chợ Tiên, chợ Giang Đình lên phố Phù Thạch nơi người Tàu lập phố buôn bán.
Nghi Xuân, nằm trong cái rốn lũ. Từ bao đời nay, cứ đến mùa mưa lũ, làng quê, ruộng đồng nước băng hà, băng bể, gây bao cảnh tang thương được ghi chép trong sử huyện. Nghi Xuân địa chí của cụ Lê Văn Diễn chép rằng: “Ngày 18/ 8 năm Nhâm Dần, đời Thiệu Trị, bỗng có gió tây bắc, một trận bão ập đến, nước biển dâng cao. Các xóm ở bến sông Đan Hải có đến vài chục nhà bị chết trôi. Riêng các xóm thuộc tổng Phan xá, tuy ở doi đất cao cũng bị nước lụt tràn ngập”. Trong thực tế, câu chuyện về sự chuyển đổi của trời đất, không khi nào sóng yên biển lặng. Vào khoảng thế kỷ XVIII có một cơn lũ lớn xảy ra. Nước rào Mỹ Dương đổ xuống, đồng ruộng tràn ngập, nước biển dâng cao, nhiều làng mạc ven biển bị chìm trong biển nước mênh mông. Cuộc đấu tranh đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, không rõ từ bao giờ người Nghi Xuân đã nghĩ đến việc trị thuỷ, ngăn cản thế lực siêu nhiên đến từ vũ trụ với mục đích giảm bớt thiệt hại từ sự thịnh nộ của những cơn “đại hồng thuỷ”. Người xưa đã huy động nhân lực, tài lực nạo vét, khai thông một con lạch lớn đổ nước ra sông Lam và biển Đông. Đó là lạch Đào chảy giữa ruộng đồng Nghi Xuân.
Hói Lở ở thị trấn Tiên Điền được kè đá cả 2 bờ, chảy ra sông.
Trong sách “Nghi Xuân địa chí”, tác giả Lê Văn Diễn có ghi chép lạch Đào được bắt nguồn đào từ núi Lần: “Lạch Đào từ núi Lần chảy xuống và nước mấy làng dưới chân núi chảy ra, nhánh phía Bắc thì đổ ra sông Cả, nhánh phía Nam đổ vào rào Mỹ Dương, chưa có chỗ nào nước trữ tụ lại”. Như vậy, khi trời mưa nước mưa ở các làng đều chảy xuống lạch Đào. Nhờ đó các làng không bị ngập úng. Lạch có 2 nhánh. Một nhánh đổ ra sông Lam, nhánh thứ 2 nhập dòng với rào Mỹ Dương. Nói như vậy, ngày xưa lạch Đào nối giữa rào Mỹ Dương và sông Lam. Điều này xác thực có thời kỳ rào Mỹ Dương thông dòng, cùng chảy vào sông Lam ra cửa Hội và rào Mỹ Dương đổ ra cửa lạch Kèn. Ngày nay, lạch Đào dưới chân núi Lần nhánh chảy ra sông Lam, đổ vào rào Mỹ Dương đã bị san lấp, chỉ để lại dấu vết các con hói cụt, những đoạn mương bị san lấp dang dở, hoặc các cánh đồng ngập nước vào mùa mưa.
Lạch Đào là một công trình trị thuỷ thời cổ đại, do con người tạo ra nhằm khắc phục, chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt ở rốn nắng đỏ lửa hạn cháy, mưa ngập lụt thảm hoạ. Lạch Đào bắt nguồn từ chân núi Lần, thuộc nhánh núi thứ nhất trong dãy núi Hồng Lĩnh hùng vĩ. Dòng chảy giữa các cánh đồng, đi qua địa phận các xã An Lạc, Khải Mông nay thuộc thị trấn Xuân An, Xuân Viên, Tiên Cầu, Tả Ao, nay là xã Xuân Giang, Uy Viễn (nay đã nhập với thị trấn Tiên Điền), đổ vào bàu Phố Quán, tức đồng Đầm, đồng Nấy ở thị trấn Tiên Điền. Nói chi tiết dòng chảy lạch Đào này, tác giả Đông Hồ Lê Văn Diễn viết trong sách “Nghi Xuân địa chí”: “Những vùng phía đông doi cồn cát thuộc đất xã Tả Ao, Uy Viễn, phía bắc cồn cát Xử Thử thuộc xã Mỹ Dương thì có nguồn nước ở các cánh đồng hợp lại chảy xuống đồng Na rồi rẽ sang một đoạn, đổ vào bàu Phố Quán xã Tiên Điền.” Đi khảo sát địa hình vùng này, chúng tôi xác định doi cồn cát mà cụ Đông Hồ mô tả nay thuộc xóm Tiên Hoà, thôn Hoà Thuận, thôn Hồng Thịnh, xã Xuân Giang và khu vực trường dạy nghề Nghi Xuân. Cồn cát Xứ Thử có thể là vùng nghĩa trang liệt sĩ Nghi Xuân chạy sang địa bàn xã Xuân Mỹ bắc thôn Hồng Khánh, xã Xuân Giang.
Dòng chảy lạch Đào từ xã Xuân Viên chảy ra xã Xuân Giang đổ về Lòi Hền, Lò Mổ, đồng Rấy, đồng Vường chia ra nhiều nhánh chảy về hướng bắc đổ ra sông Lam. Từ Lò Mổ, dòng chảy chia đôi. Một dòng chảy xuống đồng Bàu, qua cầu Tay Vươn đổ ra sông Lam. Một dòng chảy theo hướng đông qua đầu thôn Hồng Khánh đổ vào đồng Rấy. Từ đồng Rấy lại chia 2 dòng chảy. Đồng Rấy dưới lạch Đào nước chảy ra đồng Giếng, đồng Cơn Dầu đổ xuống đồng Trọt, chảy qua cầu Sắt xuôi dòng trước cổng đền thờ Lý đại vương đổ vào hói Tay Vươn ra sông Cả. Đồng Rấy trên lạch Đào chảy sang đồng Vường. Ở đồng Vường, ngọn nước chia ra 3 dòng. Một dòng chảy xuống đồng Cồn Rò, Ba Thớt chảy ra đồng Trọt đổ ra sông. Dòng thứ 2 chảy xuống đồng Rỏi phía tây thôn Hồng Thịnh chảy vào Hói Lở. Lại có dòng chảy từ đồng Quảng Mồ chảy xuồng đồng Bầu Lầu, Cửa Phủ, Nhà Trành chảy xuống theo lạch nước trước cửa công đường huyện Nghi Xuân qua cống bà Thông, bà Bảy quanh sang đồng Pho chảy ra cầu Hói Lở. Dòng thứ 3 từ đồng Vường chảy sang đồng Phố phía tây thôn Hồng Thịnh, rồi chảy theo hướng nam về đồng Tìm, chảy sang đồng Na, ngày nay gọi đồng Chè, đồng Vang, đồng Băm, nằm giữa thôn Hồng Thịnh, xã Xuân Giang và thôn An Mỹ, thị trấn Tiên Điền. Từ chùa Hàn nước mưa chảy vào đồng Na tức đồng Băm, một dòng chảy xuống Hói Lở, một dòng chảy vòng sang đồng Bà rồi chảy vòng quanh đồng Cùng đổ xuống trước cổng đền thờ Lam Khê hầu Nguyễn Trọng, chảy vào bàu Phố Quan, tức đồng Đầm và đồng Nấy ở thị trấn Tiên Điền ngày nay.
Hói Lở, tên chữ là khe Tân Quyết (mới lở) ở xã Tiên Điền. Sách địa chí chép: “ Hói lở ở xã Tiên Điền, nguyên xưa là cồn đất cát, chưa có khe hói. Đến cuối thời Lê, nước sông Cả chảy, xói lở ngày một sâu vào, trong khi đó nước ruộng ở phía bắc đồng Na đổ ra cũng sâu, nhằm trúng chổ lở đó, tạo thành một ngọn hói mới”. Ngày nay chổ lở bắt nguồn hói lở vẫn còn. Vị trí tiếp giáp Đông bắc thôn Hồng Thịnh, đông nam thôn Hoà Thuận, thị trấn Tiên Điền. Cửa lở có 2 nơi. Một nơi ở đồng Rỏi. Một nơi ở đồng Na. Mùa mưa, nước đồng chùa Hàn, đồng Na, đồng Rỏi đổ xuống gây ra nạn xói lở. Cồn cát này liên quan đến Tiên Điền, Đan Hải, Tiên Bào, ngày xưa Nghi Đình hầu Nguyễn Nễ huy động dân làng đắp một con đập để chặn dòng chảy chống xói lở nhưng sau đó bị sạt. Rồi dân sở tại lại đắp con đập ở chổ khác, vừa chống lở hói và giữ nước bàu Phố Quán nhưng việc đắp đập không thành. Ngày nay, thị trấn Tiên Điền huy động tài lực xây kè cả 2 dòng chảy hói Lở. Công trình nay đã đưa vào sử dụng.
Bàu Phố Quán nước lạch Đào đổ vào hiện nay đã bị bồi lấp thành ruộng lúa. Sách địa chí ghi: “Ngày trước có ngọn nước từ phía đông cánh đồng Na chảy lại tụ nước thành bàu, bốn mùa không cạn”. Phía đông đồng Na là đồng Bà. Từ đây nước chảy xuống trước và hông đền Lam Khê hầu tụ lại ở đồng Đầm nay cải tạo thành hồ nước cạnh quảng trường Nguyễn Du và đồng Nấy trước mặt đền thờ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm. Ngày nay, từ đồng Đầm, bàu Phố Quán nước chia 2 dòng, một dòng chảy qua cầu Tiên, cầu Trắng ra sông Lam, dòng thứ 2 chảy theo hướng nam xuống đồng Quanh, xã Xuân Mỹ. Ngày xưa nước bàu Phố Quán chỉ một dòng chảy theo hướng nam. Mô tả bàu Phố Quán, sách Nghi Xuân địa chí viết: “Phía nam đối diện với núi Hồng, một màu xanh biếc, tươi đẹp lạ thường. Phía nam bàu đó là vườn ở của Nguyễn tướng công lúc sinh thời (Nguyễn Nghiễm). Phía bắc là đền thờ Tiên Lĩnh hầu (Nguyễn Huệ). Về phía đông nam, vòng quanh hai bên bàu là nhà ở của các nhà quan dòng họ Nguyễn. Hồi xưa, khi còn thịnh vượng, lâu đài tiếp nối, xe ngựa vào ra. Cũng vì thế, bàu nổi tiếng xa gần. Nguyễn Tử kính (Nguyễn Hành) có 8 bài thơ vịnh cảnh bàu này.” Theo đó, đền Tiên Lĩnh hầu xưa ở cồn cát cạch sông Lam. Nay vị trí đền ở phía bắc lăng Vạn Sự nhưng đã thành phế tích.
Theo Nghi Xuân địa chí, cạnh bàu Phố Quán có cầu Tiên, trước đây do Xuân Nhạc công Nguyễn Nghiễm , Đặng Tri phủ ( Đặng Tiến Lưu, thường gọi Sĩ Vinh) và Đặng Hiến phó (Đặng Tiến Thái, thường gọi Thái Bàng) sửa lại có dựng bia đá lưu danh. Nay bia đá được trưng bày ở di tích Quốc gia đặc biệt đại thi hào Nguyễn Du. Thời đó xe ngựa, võng lọng đi lại như mắc cửi. Cảnh sắc đẹp không khác gì Ngõ Kiều trên sông Tiền Đường bên Trung Hoa. Liền kề cầu Tiên có chợ Tiên. Đông Hồ Lê Văn Diễn có ghi: “Dưới thời nhà Lê, hàng quán nối răng lược, lầu các chăng mạng nhện. Lại có người Tàu lập phố buôn bán, thật là nơi văn vật nhất huyện. Lại có 2 cây dung lớn cạnh chợ là chỗ thường buộc voi. Nay đó là hội sở tư văn của huyện”. Khảo sát, vị trí chợ Tiên ngày trước, hiện nay được xác định ở góc tây nam trong vườn di tích Nguyễn Du. Những tư liệu ghi chép về bàu Phố Quán, cầu Tiên, chợ Tiên cho thấy Phố Quán ở vùng Tiên Điền, Uy Viễn xưa là trung tâm thương mại sầm uất, không khác với phố Phù Thạch, ở làng Vĩnh Đại huyện La Sơn (Nay là xã Đức Quang Vĩnh huyện Đức Thọ) ở bờ nam sông Lam.
Một đoạn lạch đào chảy từ hướng bắc lên hướng nam qua xóm Yên Liễu xã Xuân Yên đổ ra cửa Đào ở bãi tắm Xuân Thành.
Từ bàu Phố Quán dòng chảy chia làm hai nhánh. Nhánh phía nam chảy sang Phan Xá nay là đồng Quanh xã Xuân Mỹ. Nhánh phía bắc thì rẽ về Đan Uyên, Tiên Bào, ( xã Xuân Yên ngày nay) tạo thành bàu Công Chúa. Dòng nước từ Tiên Điền quanh co chảy xuống, hợp dòng với nước mưa từ phía nam đổ sang, tụ nước lại thành bàu Công Chúa ở thôn Ngọc Bàu, tức Yên Ngọc ngày nay. Từ bàu Công Chúa, dòng nước chảy theo hướng bắc xuống ( Xuân Hải ngày nay) tạo thành Khe Đào. Địa chí Nghi Xuân chép: “Ở chỗ này khe ngòi bốn mặt đổ về, đất tốt ngưng tụ, thật là một vùng trũng trong huyện, từng thời kỳ có những người kỳ dị xuất hiện ở đây, tiếng tăm nổi trội hẳn các vùng lân cận.” Khe Đào này, chảy giữa làng Đô Uyên từ bắc sang đông nam, đến nay vẫn còn. Cửa lạch Đào ở bờ biển Đông Hội nay là bãi tắm Xuân Thành giáp bờ biến Xuân Yên.
Tương truyền trong dân gian, từ khi sông lở, nước chảy bừa bãi, nhưng chưa chế ngự được đã gây nhiều lo lắng. Dòng chảy lạch Đào này trước thời cuối Lê chảy về thôn Cam Lâm (nay thuộc xã Xuân Liên) rồi đổ ra biển. Do lâu ngày dòng chảy đã thay đổi. Hễ đến mùa thu, mưa lụt tràn ngập làm hại đến mùa màng. Vì thế người làng xã đã đào một con kênh đi qua bãi cát địa đầu xã Tiên Bào ( Xuân Yên) chỗ giáp giới với xã Phan Xá (Xuân Thành) để cho nước tống ra biển nhanh hơn. Chổ đó gọi là cửa Đào. Theo lệ cũ của tổng Phan Xá và Đan Hải, hàng năm quan chức hàng tổng đến tận nơi khám xét dòng chảy. Có lệnh nghiêm cấm không ai được ngăn chặn, đắp lấp lạch Đào. Ai làm sai trái luật lệ tổng qui định, bị phạt một con trâu lớn.
Dân gian có câu “lạch Đào khó ra” nói về con lạch này. Thuyền vào lạch được nhưng ra mắc cạn. Nghi Xuân địa chí chép: “Đến mùa thu, tranh thủ trong lụt hoặc ngay sau lụt, đợi nước triều lên, người ta dắt đẩy thuyền không chở vật nặng mới ra vào được cửa lạch Đào”. Trước năm 1945, cửa lạch Đào chưa bị bồi lấp, thuyền bè đánh cá của Đông Hội và Tiên Bào mỗi khi có gió bão thường vào trú ở vũng Mão, nay thuộc thôn Thanh Hải. Ngày nay, lạch Đào còn gọi là khe nước ngọt dài đến 3 km. Về mùa hè khe nước ngọt nhiều chỗ bị cạn. Hiện nay, khe Đào được cải tạo và bắc nhiều cầu khỉ. Hai bờ được kè đá và lát bê tông chống sạt lở. Trên bờ cửa lạch Đào được trồng cây xanh tốt cả đôi bờ, nhiều khách sạn cao tầng, nhà nghỉ, hàng quán dịch vụ san sát, sầm uất. Là một nơi có cảnh đẹp, kỳ thú, điểm du lịch hấp dẫn du khách nhất huyện.
Đặng Viết Tường