Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ “Trong chiều nghĩa trang” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều qua lời bình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú
TRONG CHIỀU NGHĨA TRANG
Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi
Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng
Ai gọi đò bơ phờ bến vắng
Mẹ về đi, gió lạnh, cỏ đầy sương
Mẹ run run thắp những nén hương
Cắm trước từng bia mộ
Kia khói lên, khói lên lặng lẽ
Những con đường cát trắng của làng quê
Hồn những chàng trai giờ ở đâu xa
Nhìn thấy khói mà về với mẹ
Chim khách góc vườn mười mấy năm nói dối
Cau mười mấy năm trời vô ý trổ buồng đôi
Các anh về với mẹ một đêm thôi
Cho đèn khuya đỡ giật mình phụt tắt
Cho nồi cơm thêm một lần đầy đặn
Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm
Các anh về không hoá được thành người
Thì xin hoá ngọn lửa cười trong bếp
Hoá chú cá con dưới ao nhà đợi mẹ
Hoá thạch sùng thưa lời mẹ trong mơ
Chiều phủ kín hết rồi, gió lạnh đổ từng cơn
Trăm mắt hương trăm mắt người hoe đỏ
Trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ
Cùng dâng hương lặng lẽ đến bên người.
Nguyễn Quang Thiều
Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Lời bình:
Bài thơ viết về người mẹ đến thắp hương trong nghĩa trang liệt sĩ là một cung trầm sâu lắng và da diết với bao gợi mở kí ức, bao tâm tưởng, bao hoài vọng, bao tâm tình thương mến. Nhà thơ đã chọn thời điểm nhiều tâm trạng đó là buổi chiều, tuổi mẹ về chiều. Và chiều thường gợi nhiều kí ức: “Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi - Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng”. Không gian chiều được giãn ra, mở ra với một mênh mông: “Ai gọi đò bơ phờ bến vắng - Mẹ về đi, gió lạnh, cỏ đầy sương”. Tác giả chọn dòng sông biệt ly ngăn cách, một day dứt, một thiếu vắng, một lở bồi để đến với: “Những con đường cát trắng của làng quê”. Ở đây ta chú ý sắc màu “trắng” được nhà thơ nhắc đến hai lần “hơi thở trắng” của sông và “cát trắng” của đường. Một động, một tĩnh gợi cho ta liên tưởng đến mái tóc bạc trắng của mẹ và những nấm mộ trắng trong nghĩa trang, cái màu trắng ám ảnh đến những đêm trắng mẹ thức. Nhịp điệu thơ bỗng ngập ngừng thảng thốt: “Kia khói lên, khói lên lặng lẽ”. Khói hương trắng như một sự kết nối tâm cảm giữa mẹ của những đứa con đã hi sinh.
Bài thơ chuyển điệu bằng những câu hỏi: “Hồn những chàng trai giờ ở đâu xa - Nhìn thấy khói mà về với mẹ”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khá tinh tế với những phát hiện mà chỉ có ở làng quê nông thôn mới ám ảnh thấm thía nguồn cội: “Chim khách góc vườn mười mấy năm nói dối - Cau mười mấy năm trời vô ý trổ buồng đôi”. Có thể nói ống kính tâm hồn, tâm cảm của thi sĩ đã chọn những góc độ cho ta đọc trong đó có cả phong vị hồn cốt ca dao những đúc kết tâm tình dân gian của những so sánh liên tưởng làm cho trái tim mình rung lên thổn thức nhoi nhói. Và nhà thơ đã đẩy tần số rung cảm ấy không chỉ ở thiên nhiên cây cỏ, chim chóc trong vườn mà ám ảnh cả vào phận đèn phận người: “Các anh về với mẹ một đêm thôi - Cho đèn khuya đỡ giật mình phụt tắt - Cho nồi cơm thêm một lần đầy đặn - Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm”. Những cảnh huống tâm trạng, những thiếu hụt đắp bồi, những éo le trang trải cứ đan xen nhau với khát khao ước vọng “cho” thật giản dị mà chan chứa thấm đẫm tình người. Đó là mong mỏi đèn khuya đỡ “giật mình” với ấp ưu chia sẽ đũa được “so thêm” cho “đầy đặn” nồi cơm.
Có thể nói nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã hóa thân vào nguồn cội một đời sống nông thôn đầy tâm tưởng của đứa con người làng Chùa - một vùng nông thôn Bắc Bộ. Có vậy ông mới thấm đẫm đồng cảm với những chi tiết hình ảnh thật sống động, thật lay thức, thật xúc động khi tâm tình với các linh hồn liệt sĩ về với mẹ: “Các anh về không hoá được thành người - Thì xin hoá ngọn lửa cười trong bếp - Hoá chú cá con dưới ao nhà đợi mẹ - Hoá thạch sùng thưa lời mẹ trong mơ”. Tiếng kêu thạch sùng báo thời tiết, tiếng cá búng dưới ao nhà và tiếng ngọn lửa cười trong bếp tất cả những âm thanh đó đã ngân vang một hợp âm thương nhớ, một rung động cõi lòng, một âm vọng thiết tha đã qua lan xa…
Khổ thơ khép lại bằng một ân tình của: “Trăm mắt hương trăm mắt người hoe đỏ” trong hoàng hôn trước khi nhòa vào bóng đêm đó cũng chính là một “hoa đăng cõi âm” về bên mẹ, an ủi mẹ và thành kính biết ơn mẹ: “Cùng dâng hương lặng lẽ đến bên người” - Người đã sinh ra những đứa con hi sinh cho Tổ quốc cho hòa bình thống nhất đất nước.
Hà Tĩnh, ngày 23 tháng 7 năm 2024
N.N.P