20-06-2024 - 07:24

Từ trang báo đến cuộc đời

Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tản văn “Từ trang báo đến cuộc đời” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú

       Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh không những là nhà lãnh tụ cách mạng nổi tiếng, nhà văn hóa kiệt xuất mà còn là nhà báo giỏi. Ngày 21/06/1925 Bác Hồ đã sáng lập ra tờ báo “Thanh niên” tại Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là vũ khí sắc bén để Người tuyên truyền, giác ngộ và giáo dục quần chúng. Tờ báo là cầu nối của ánh sáng tư tưởng cách mạng của Bác với dân tộc góp phần to lớn của sự nghiệp giải phóng đất nước. Trong hình trình đi tìm đường cứu nước, Người đã học cách làm báo, Bác coi báo chí là công cụ sắc bén để “Phò chính, trừ tà”. Dưới ngòi bút của mình, Người đã vạch trần tội ác của bọn xâm lược tại các thuộc địa. Người sáng lập ra các tờ báo làm công cụ tuyên truyền trong suốt hành trình hoạt động cách mạng. Trong khoảng 50 năm cầm bút Bác Hồ là tác giả của hàng nghìn bài báo với hơn một trăm bút danh. Những con chữ, bài viết của Bác thường cô đọng dễ hiểu nhưng ấn chứa đằng sau đó là dấu ấn của cuộc đời hoạt động cách mạng của mình là hiệu triệu truyền bá lý tưởng cộng sản và con đường giải phóng dân tộc. Trong căn nhà sàn giản dị của Bác còn lưu giữ những tập báo Bác đang đọc dở với chiếc bút chì đỏ Bác đánh dấu vào bài viết về những con người làm việc tốt để kịp thời gửi tặng huy hiệu của Người. Bác Hồ cũng là người đã chủ trương bổ sách “Người tốt việc tốt” để động viên nhân lên những điển hình đẹp.

Ảnh: Tư liệu

       Từ trang báo đến cuộc đời đến các tấm gương nhân vật điển hình trong các bài báo được hiện lên dưới ngòi bút của các nhà báo đã có sức lan tỏa kích hoạt tạo ra những nguồn năng lượng mới, khí thế mới những phấn chấn có tác động mạnh mẽ đến xã hội. Nhà báo Hữu Thọ bằng cuộc đời làm báo phong phú và giàu kinh nghiệm của mình để đúc kết phẩm chất của một nhà báo bằng sáu chữ: “Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc”. Đó là cần có một tầm nhìn trí tuệ để phát hiện vấn đề chưa đủ mà phải có tấm lòng bản lĩnh trung thực cùng với khả năng chuyên môn sắc bén kết hợp ba yếu tố: Tầm - tâm - tài mới hoàn hảo. Có thể nói chính xác rằng năng lực viết báo là một phẩm chất lao động nghề nghiệp của một người làm báo chuyên nghiệp được thể hiện bằng những tố chất như: phải đặc biệt mẫn cảm, nhanh nhạy, kịp thời phát hiện đúng và trúng những hiện tượng mới, những vấn đề mới của muôn mặt đời sống xã hội. Tiếp đến thông qua những cuộc đời, những nhân vật phải có khả năng biểu đạt chúng thành tác phẩm báo chí nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc một cách rộng rãi dễ hiểu. Từ cuộc đời làm báo của mình, người làm báo giỏi là người nhìn đâu cũng thấy vấn đề có thể viết được, nhìn ra những điều mà người khác không có khả năng  nhận ra, hoặc đào sâu vào những góc cạnh mà những người khác không nghĩ tới. Để làm được điều đó, bản thân cuộc đời của một người làm báo phải học tập rèn luyện và tích lũy những vốn liếng về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, lăn lội với thực tế cuộc sống. Có vốn văn hóa sâu để có những bài báo hấp dẫn lôi cuốn truyền một năng lượng mới, một tinh thần mới, một lan tỏa cộng hưởng mới tới người đọc.

       Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại vốn là một nhà báo lâu năm công tác ở báo Nhân Dân đã viết bài thơ “Nhà báo” được nhiều bạn bè đồng nghiệp yêu thích. Chính cái chất thi sĩ pha chút hài hước thâm trầm của ông đồ xứ Nghệ trong con người nhà báo của mình đã tạo ra một giọng điệu thơ dí dỏm mà cũng thăm thẳm  nỗi niềm. Nghề báo là một nghề luôn bận rộn nhất là trong thời đại thông tin cập nhật nhanh chóng như hiện nay ông đã thốt lên thật chân thành: “Chẳng phải vay ai mà cũng nợ - Số này số khác thúc chân nhau - Lo trang, lo chữ hơn lo vợ”. Chỉ một khổ thơ mấy dòng thôi mà nhà thơ đã vẽ nên công việc hàng ngày của nhà báo: “Xuống huyện xắn quần bàn cơ cấu - Lên rừng vung bút giữ môi sinh”.Xắn quần” và “vung bút” hai động thái như là một vé đôi hoàn chỉnh tổng thể cái tư thế xông xáo của một chân dung nhà báo. Tôi rất thích hai câu thơ của ông khi viết về trách nhiệm, lương tâm của nghề làm báo: “Ngày xưa cây súng, lòng thanh thản - Cây bút bây giờ mới nặng thay”. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước đã có bao nhà báo ngã xuống ở chiến trường. Trong bảo tàng của Hội Nhà báo Việt Nam còn lưu giữ những tấm áo chuyên dụng nhà báo với nhiều túi áo đặc dụng còn lỗ chổ vết đạn. Tôi ví tấm áo nhà báo đó như là một căn cước, một chứng chỉ của nghề nghiệp. Có thể đó như tấm áo trấn thủ trên chiến hào bao vây đánh lấn của mặt trận Điện Biên Phủ năm nào, hay tấm áo phao bơi khi ra với các chiến sĩ Trường Sa. Còn đó những chiếc máy quay phim, chụp ảnh mang bao vết đạn thù. Trong những thước phim nóng hổi khói lửa chiến trường, có bao hình ảnh người lính xung phong được quay lại, được lưu giữ chỉ không có hình ảnh người chiến sĩ nhà báo quay phim. Có thể anh đã ngã xuống khi chưa kịp xem những thước phim của mình. Còn đó những tập bản thảo ngã màu nhòe nét chữ bởi những cơn sốt rét rừng của người viết. Lấp lánh đằng sau đó là ánh mắt với nụ cười tỏa sáng tinh thần lạc quan của tác giả bài viết với trái tim đập phập phòng trong huyết quản của mình là những dòng chữ đan xen nhau trước khi lên mặt báo đến với người đọc. Thật cảm động biết bao khi đọc lại bài thơ “Nghề báo” của tác giả Thanh Hằng viết về sự hy sinh của một người bạn đồng nghiệp bị lũ cuốn đi. Một sự hi sinh dũng cảm trong thời bình. Nhà báo đã ngã xuống tâm sự với mẹ bao tâm tình thổn thức với một sự tự nguyện dấn thân không quản nguy hiểm đến tính mạng của mình: “Giữa bão dông bên dòng nước xiết - Phóng sự này con chân thực ghi nhanh - Có ngờ đây trận lũ quét tan tành - Đã mãi mãi cuốn con vào dòng chảy”. Và anh đã thanh thản: “Mẹ đừng khóc giản đơn nghề con vậy - Cháy hết mình với nghiệp báo đam mê”.

       Vâng, từ trang báo đến cuộc đời khoảng cách đó chính là sự đam mê hết hình, tự nguyện hết mình, cống hiến hết mình cho nghề báo, nghề mà nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã từng ao ước thật khiêm nhường mà cũng đầy bản lĩnh: “Tài mọn, thôi làm viên đá lát - Làm ngọn đèn chong khát ánh ngày…”

Hà Tĩnh, ngày 17/6/2024

N.N.P

. . . . .
Loading the player...