Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh (20/7/1934 - 20/7/2024), 10 năm ngày mất (21/10/2014 - 21/10/2024) của Đại tá, Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Tài hoa và đào hoa” của Nhà thơ Lê Quốc Hán
Đuề huề lưng túi gió trăng
Nguyễn Du
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh sinh ngày 20 tháng bảy năm 1934 bên cạnh Sông Cụt Núi Nài thuộc Thành phố Hà Tĩnh một thi sĩ tài hoa và pha chút đào hoa. Với các thi phẩm sáng giá: “Lý ngựa ô ở hai vùng đất”, “Sư đoàn”…ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2007).
Theo lời ông kể, vì nhà nghèo nên đang học dở cấp 2 (Phổ thông cơ sở ngày nay) ông phải về chăn trâu giúp gia đình. Rồi ông trốn theo một đoàn văn công quân đội. Cuộc đời sau đó của ông đều do tự học mà nên. Ông trở thành nhà thơ quân đội nổi tiếng thời chống Mỹ, nhiều năm làm biên tập viên phần thơ Tạp chí quân đội, về hưu với hàm đại tá. Ngoài ra, ông còn viết kịch bản và thuyết minh cho các phóng sự điện ảnh và phim truyền hình được mọi người hâm mộ và yêu mến.
Thực ra tôi đọc thơ ông từ trước chiến tranh chống Mỹ, và sau này biết ông có nhiều bài thơ và trường ca nổi tiếng như Sư đoàn, Quảng Trị 1972… Nhưng đối với tôi, ấn tượng nhất của ông vẫn là những bài thơ tình. Ở tuổi hai mươi, thơ ông hồn nhiên mà duyên dáng, kín đáo mà dạt dào cảm xúc: Ăn đi con nào nhanh cho mẹ xới/ Mẹ vẫn giấu con chuyện này…xóm dưới/ À thôi… chuyện ấy để mai sau/ Giặc tan rồi nắng nở chín buồng cau. Bài thơ nổi tiếng và được nhiều người yêu thích thuộc lòng của ông có lẽ là Lý ngựa ô ở hai vùng đất. Một bài thơ tình tuyệt tác được sáng tác trong những năm chiến tranh khốc liệt và hào hùng của dân tộc: Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu/ Gặp câu hát bên lòng rong ruổi mãi/ Đường đánh giặc trẩy xuôi về bến bãi/ Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu…Ông tự nhận mình là người đa tình: Anh đa tình nên cứ muốn lần theo/ Xấu hổ gì đâu mà anh giấu giếm/ Đêm đánh giặc mịt mù cao điểm/ Vạch lá rừng nhìn xuống quê em/…/ Lý ngựa ô hát đến mê người/ Mỗi bước bồn chồn về em đó em ơi…
Đa tình hay đào hoa vốn là bẩm sinh của thi sĩ: Nắng mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng (Nguyễn Bính), đôi khi do hoàn cảnh đưa đẩy. Những ai gần gũi với nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh sẽ cảm thông với ông khi ông rẽ ngang đường tình. Những năm chín mươi cuối thể kỷ trước, vợ ông lâm bệnh nặng phải nằm liệt giường suốt mấy chục năm trời. Những khi rảnh rỗi, tôi thường sang nhà ông chơi. Đó là một căn nhà nhỏ trong khu tập thể bên bờ sông Đuống. Bản thân ông vừa chăm sóc cho tuổi già của mình, vừa chăm sóc người vợ già bệnh tật. Ông vẫn lạc quan yêu đời, cần mẫn sáng tác như con ong làm mật dâng đời. Trong hoàn cảnh ấy, sẽ không lấy làm lạ khi ông còn có một người bạn đời thứ hai ở Thanh Hóa. Chính chị đã giúp cho cố thi sĩ của chúng ta vượt qua tất cả để sống và sáng tác, nhất là những ngày cuối đời khi cố thi sĩ lâm bệnh nặng.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh
Năm 2010, ông yếu lắm rồi. Cuối năm ấy, tại Đại Hội Hội Nhà Văn Việt Nam, chị Giáng Hương phải đưa ông đi bằng xe đẩy. Khi tôi đến chào, ông không còn nhận ra tôi! Rồi bốn năm sau ông về cõi cực lạc, để lại trong lòng tôi một khoảng trống vắng. Mỗi lần nhớ ông lại đem các thi phẩm của ông ra đọc, và dừng rất lâu trước bài thơ "Khúc mơ màng của đá" của ông tôi đã chọn bình trong cuốn “Thơ trong ký ức” (NXB Văn Học, 2002):
Đá chồng lên hòn Trống mái
đáo để
cái thời ông bà ta thương nhau
Hòn non bộ ấy của tình yêu
không xếp đặt thâm nghiêm
tường cao kín cổng
đá nhoài qua mép sóng
sát sạt đầu cùng
nơi số phận bào mòn nắng gió
đùa giỡn với hư không
Hóa đá làm gì thêm nữa em
hóa đá cũng không còn kịp
đời sau ai biết ai
thôi, cứ vòng qua hòn Trống Mái
quanh nỗi bi thương nghìn đời để lại
hôn nhau qua sóng bạc đầu
Em khóc trong đợi chờ
hóa đá cũng không còn kịp
em thương một lời
đá mềm trong đêm trôi
1991
“Người ta thường nói: trong mỗi người Việt Nam đều có tâm hồn một thi sĩ. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi trong mỗi cảnh sắc đất Việt đều ẩn chứa một bài thơ. Có những phút ngẫu nhiên hồn thi sĩ bắt gặp hồn thiên nhiên, và bài thơ hiện lên thành câu, thành chữ. Khúc mơ màng của đá phải chăng là bài thơ được sinh thành từ giây phút huyền diệu như vậy?
Trước danh lam thắng cảnh nên thơ như Hòn Trống Mái, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh không chỉ dừng lại miêu tả vẻ đẹp ở dáng vẻ bên ngoài: Đá chồng lên hòn Trống mái/ …/ đá nhoài qua mép sóng / sát sạt đầu cùng/ nơi số phận bào mòn nắng gió/ đùa giỡn với hư không. Điều ông muốn khám phá là những bí mật ẩn chứa sau cảnh sắc nên thơ và hùng vĩ đó, hay như ta thường nói bây giờ: linh hồn của bức tranh thiên nhiên do ông cha để lại. Trải qua hàng nghìn năm dâu bể với bao cuộc chiến tranh ác liệt, làm sao những hòn đá chồng lên nhau chênh vênh trên mép sóng vẫn trường tồn cùng thời gian? Phải chăng nó tượng trưng cho lòng khao khát tự do yêu nhau, tự do tìm đến hạnh phúc của cha ông? Cái từ được thốt ra đầu bài thơ đáo để nghe qua ngỡ như lời trách móc nhẹ nhàng, nhưng ngẫm kỹ mới thấy hết lòng khâm phục trước khát vọng tự do của cha ông ta như thế nào. Trải qua hàng nghìn năm phong kiến với những khe khắt ràng buộc, bao đôi lứa không thành, thì việc họ tìm đến biển cả (biểu tượng của tự do) cũng là việc hiển nhiên. Ở đây, họ có thể yêu nhau một cách hồn nhiên, không cần che giấu: Hòn non bộ ấy của tình yêu/ không xếp đặt thâm nghiêm/ tường cao kín cổng. Bởi họ đã thoát ra khỏi vòng cương tỏa của những thế lực và lễ giáo phong kiến hủ lậu.
Trước cảnh sắc nên thơ như vậy, làm sao đôi trai gái không trao gửi tình yêu cho nhau. Tôi mường tượng rằng, giữa họ hẳn có một rào cản nào đó khó vượt qua. Nếu không vì sao người con gái phải hẹn người yêu đến kiếp sau khi đã hóa đá, để người con trai phải khẩn khoản: Hóa đá làm gì thêm nữa em/ hóa đá cũng không còn kịp. Rồi anh ta tìm ra một lối thoát, một phương án “tối ưu”: cứ vòng qua hòn Trống Mái/ quanh nỗi bi thương nghìn đời để lại/ hôn nhau qua sóng bạc đầu. Cha ông mình có thể vượt qua tất cả để được hạnh phúc bên nhau, tại sao chúng ta không thể vượt qua sóng bạc đầu hôn nhau dù chỉ một lần? Tình cảnh đáng thương quá, lời lẽ thiết tha quá khiến đá mềm trong đêm trôi, huống chi lòng người? Và tôi tin cái gì đến sẽ đến!
Là một nhà thơ – chiến sĩ, Phạm Ngọc Cảnh đã từng viết những bài thơ rất hay về chiến tranh và tình yêu trong chiến tranh. Đọc "Khúc mơ màng của đá", ta thấy mạch thơ yêu đời, yêu người trong ông vẫn tiếp tục chảy, nhưng bây giờ đã đi vào chiều hơn, mơ màng hơn”.
Nhận được lời bình của tôi, ông rất vui. Nhưng khi tôi ướm hỏi bài thơ đó có phải dành tặng cho người con gái Xứ Thanh ông hằng yêu mến không, ông chỉ im lặng ra chiều thừa nhận.
Mỗi lần gặp nhau, ông thường quan tâm đến đội ngũ làm thơ ở Hà Tĩnh. Tôi tâm sự với ông có một cây bút cùng sinh ra bên Sông Cụt Núi Nài như Anh nhiều triển vọng lắm. Ông thở dài: Thời buổi này nhiều cái quyến rũ, chẳng biết họ có đi hết con đường thơ không?
Ngày 21/10/2014, ông rời bỏ cõi trần tục về thế giới cực lạc vĩnh hằng, nhưng những bài thơ tài hoa và những kỷ niệm của một con người đào hoa vẫn luôn sống trong trái tim tôi và mọi người yêu thơ.
Thành Vinh, thu 2019
L.Q.H