Mối một chúng ta, ai cũng đều có một thời gọi là cổ tích với những kỉ niệm sẽ đi mãi cùng năm tháng. "Cây me già" với Vũ là một "chứng nhân", "là biểu tượng, kỷ niệm đối với cả nhà. Cứ mỗi lần mang ghế ra trước sân ngồi, mẹ lại nhớ về cái thời bưng thúng me ra chợ bán. Rồi mẹ khẽ khàng bảo: “Nhờ cây me này mà con ăn học nên người đấy!” Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tản văn Cây me già của tác giả Nguyễn Thanh Vũ, một cộng tác viên ở Thành phố Hồ Chí Minh
NGUYỄN THANH VŨ
Cây me già
Tản văn
Cây me ấy xuất hiện bên mé sông nhà từ hồi tôi chưa chào đời. Chẳng ai nhớ về nguồn gốc của nó. Có lẽ một ai đó đã ăn quả me chín rồi vứt hạt trước thềm nhà. Hay một chú chim phá bĩnh nào đó mang nó ở nơi khác tới đây “gieo hạt”. Từ một hạt giống bé bỏng, me đâm chồi nảy lộc và trưởng thành.
Mỗi lần đến mùa me ra quả tôi thường bắc thang trèo lên hái quả non ăn. Me non rất chua, chẳng bổ béo gì nhưng lũ trẻ con chúng tôi lại thích. Hái me cũng là cách để bọn con nít như tôi thỏa chí leo trèo. Cành me dai, khó gãy dù là khô queo, nên có thể nói là rất an toàn. Nhưng rồi sau một lần suýt mất mạng vì trượt chân rơi xuống ao, từ đó ba mẹ không cho tôi làm Tarzan nữa. Mà nếu Thượng đế có ban cho tôi thêm một lá gan, tôi cũng chẳng dám vì bị ám ảnh. May mắn là cây me gần sông lại đang kỳ nước lớn nên tôi chẳng hề hấn gì. Ba bế tôi lên từ vũng sình mà nước mắt cư như mưa dầm. Tôi cũng khóc!
Me non dù chua nhưng dầm với nước mắm đường, cho thêm tí ớt hiểm vào chén thì thôi khỏi bàn cãi. Chỉ nghĩ đến thôi vị giác đã rõ dãi rồi chứ nói gì nếm thử. Nhưng cũng có đứa bụng yếu, đã ăn me non lại đi uống nước mưa, báo hại suốt buổi trưa khuẩn ecoli chơi trò “đột kích” đường ruột. Me non có thể ăn kèm với chén muối hột, giã nhuyễn cùng với bột nêm và ớt sừng trâu: cay hít hà, chua nhăn mặt, vị mặn đằm nhưng thích thú lắm.
Từ lúc me non đậu trái cho đến khi me chuyển sang dốt độ chừng một tháng rưỡi. Nếu là me dông thì thời kỳ này, me dốt có vị ngọt ngọt chua chua. Chỉ cần bóp nhẹ vào vỏ rồi gỡ từ mảng ra, có ngay một quả me dốt xanh nhạt đẹp mắt. Còn me gián, trái to, dẹp, cho dù dốt hay chín thì đều chua đến “khủng hoảng tinh thần”. Biết thế mà vẫn khoái ăn. Đến mùa me chín, cả sân nhà rụng trắng quả. Cứ sau một đêm gió lay, sương phủ kín khiến me càng thêm chín, thì sáng hôm sau quả me rơi ngổn ngang. Tôi yêu thích cái cảm giác 4, 5 giờ sáng giật mình thức dậy, nằm lim dim nghe tiếng quả me rơi lộp độp thật thích thú. Mùa quả chín, me gián và me dông đều có giá trị như nhau. Nếu như me gián dùng để nấu canh chua thì me dông được bán ăn chơi ở các quán “cóc” trước cổng trường. Cây me dông nhà tôi lúc lỉu quả, sáng nào tôi cũng nhặt cả rổ cho mẹ mang ra chợ bán kiếm tiền.
Nhờ cây me ấy mà tôi được ăn học nên người. Mẹ chắt chiu từng đồng bạc lẻ, bỏ ống heo cho tôi mua quần áo, cặp vở và tiền học phí. Cây me ấy đã đi qua biết bao thế hệ, vẫn xanh um, say quả. Bây giờ người trẻ không còn mê me Việt mà thích me Thái nên những quả me gầy như ngón tay cong queo của mẹ vì lao động vất vả chỉ để ăn và biếu xóm giềng. Lắm khi me rụng đầy sân nhưng chẳng ai màng đi nhặt vì không có thời gian. Mẹ, cha cũng đã quá già rồi, mỗi lần khom lưng hết sức khó khăn, nói gì đến nhặt quả me cho vào rổ. Thỉnh thoảng lũ con nít trong xóm đi học về ngang ghé nhặt bỏ đầy cả cặp nhưng làm sao cho hết khi cứ qua một đêm me lại rụng. Khoảng sân rộng, nơi cội me chễm chệ cao chót vót không còn là nơi thỏa sức khám phá những trò chơi dân gian. Điện thoại đã chiếm lấy tâm hồn trẻ con với vô vàn điều mới lạ, nên chúng không còn thích họp mặt ngoài đời.
Cây me già giờ chỉ còn là biểu tượng, kỷ niệm đối với cả nhà. Cứ mỗi lần mang ghế ra trước sân ngồi, mẹ lại nhớ về cái thời bưng thúng me ra chợ bán. Rồi mẹ khẽ khàng bảo: “Nhờ cây me này mà con ăn học nên người đấy!”. Mẹ nói rồi mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không vô định. Tôi hiểu, những lúc ấy mẹ đang hồi tưởng về cái thời gian khó của ngày xa xưa.
NGUYỄN THANH VŨ